Cổ tích nơi non ngàn

Thứ hai, ngày 25-07-2022, 08:23| 1.299 lượt xem

Bút ký của Đỗ Anh Mỹ

Minh họa Lê Cù Thuần

Rời Phiêng Bung, tôi theo các nhà báo, nhà nhiếp ảnh, các ống kính truyền hình xuống núi. Con đường nhựa dốc ngược dốc xuôi, quanh co, quá đát. Mưa rừng bóc lên những đám ổ gà. Cái để lại trong tôi sự tò mò, vẫn còn ẩn số, là bí ẩn về Phiêng Bung, một bãi bằng đất đỏ ba-zan, thảm cỏ xanh mênh mông, bạt ngàn cây thuốc quý có từ bao giờ? Phiêng Bung (bãi bằng), tên gọi theo tiếng địa phương, tọa lạc trên đỉnh núi, xung quanh trập trùng rừng, trập trùng mây, trùng điệp những ngọn núi đá vùng sơn cước, nơi có câu chuyện cổ, chín cô tiên trên trời, mùa Xuân mải du mây đã lạc đến chốn này. Vì yêu mến cảnh sắc, nết người nơi đây, nàng tiên thứ chín đã xin với Ngọc Hoàng cho ở lại Phiêng Bung mượn đất kén chồng, ra lời cầu hôn, để rồi, cảm kích trước tình yêu của Chú khách, cùng với sự khỏe mạnh, trí thông minh và lòng dũng cảm của chàng, mà nàng vô tình tự phạm luật cầu hôn, để rồi cùng Chú Khách hóa đá, treo trên bờ sông. Đời sau có người đặt tên núi Cô Tiên, Chú Khách. Bên vách đá mọc lên cây hoa Phặc Phiền, hoa thơm nức rừng, ghi nhớ tình yêu của Cô Tiên ở chốn này. Phiêng Bung, nơi chín cô tiên lạc về trong cổ tích, nay là nơi thường diễn ra các lễ hội, phô diễn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc xứ Nà.

Chia tay Năng Khả, giã biệt Cô Tiên, Chú Khách, đoàn về Bản Né, xã Thanh Tương, bất ngờ đến với một sự ngỡ ngàng đến ngọt ngào. Một bản dân tộc Tày trăm rưởi hộ dân, nơi mỗi ngọn núi, con đèo, con suối đều có một cái tên, một câu chuyện cổ nhân văn, giờ mọc lên công trình homestay với hai công trình nhà hai tầng. Trước sân có bể bơi đầy đủ tiện nghi theo tiêu chí ba sao. Ngày ngày, có nội quy phục vụ bà con già trẻ, gái trai trong bản, phục vụ du khách thăm quan. Thanh Tương còn có Bản Bung, một bản

nông thôn mới kiểu mẫu. Bà con Thanh Tương đang phấn khởi thuần hóa được cây sâm bố chính trên quê, chủ trương nhân ra diện rộng, chế biến, đăng ký sản phẩm OcOp. Được thưởng thức một ly chè hoa bố chính cũng khó quên. Hương vị thơm ngon, mát ngọt, màu tím nhạt quyến rũ, khác hẳn vị chè hoa hồng các quý bà, quý cô đang ưa dùng để chăm sóc làn da bóng, mịn màng. Chưa kể trà sâm bố chính, củ sâm sấy khô, đặc biệt chăm sóc da, bồi dưỡng sức khỏe cho phụ nữ.

Xe hun hút lao qua những khúc quanh co, lăn bánh trên Quốc lộ 279, áp-phan êm như ru đưa đoàn lên Khu C. Nhìn đôi tay lái xe nhịp nhàng múa trên vô-lăng, áo quần bảnh bao, đầu chải gọn gàng, lại nhớ, con đường Khu C hồi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nay nằm dưới lòng hồ thủy điện, hơn ba chục cây số từ thị trấn lên Đà Vị, khách ra bến ngồi chờ, đứng đợi cả buổi, xếp hàng mua vé chen nhau vã mồ hôi. Cầm được tấm vé trên tay, mắt sáng như bắt được vàng, cũng có khi hoa lên vì đói mệt. Bác tài xế ôm vô-lăng mà gân cốt nổi lên, quặt đầu xe sang bên này, sang bên kia qua từng mỏm đá, qua từng ổ gà, rãnh nước. Con đường đá bong lên từng mảng. Xe xóc ngược, lắc xuôi cả buổi mới tới Đà Vị. Xe hôm nay chạy máy điều hòa, bon bon chưa đầy một tiếng đã qua Sơn Phú. Cám ơn các ông bố, bà mẹ mở đường bê tông nông thôn! Mồ hôi mẹ trộn bê tông. Mẹ tưới mặt đường bằng mồ hôi trên má. Mẹ gắn mặt đường bằng cả nhựa lòng!

Đi trên cây cầu bê tông bắc qua hai đầu núi sang Đà Vị, bỗng nhớ câu chuyện sự tích đèo Mã Thai, con đèo chia ranh giới Khu A, Khu C thời cổ tích. Chuyện kể, ngày khai thiên lập địa, xứ Nà đã được chia làm ba khu. Châu thổ mỗi khu mỗi khác. Thổ thần khu C thấy hai khu A, B đều có núi non thủy mạc, riêng Khu C có núi mà không có sông. E rồi dương thịnh âm suy, Thổ thần lập sớ tấu lên Ngọc Hoàng. Nhà trời thấy phải, cho khơi con sông chảy từ Ba Bể, qua Đầu đẳng, thác Đén, chảy vào sông Gâm, gọi là sông Năng. Xứ Nà từ đó sầm uất, đông vui. Đăng Vài có thuồng luồng, cá sấu từ Ba Bể về sinh con đẻ cái. Pắc Tạ tụ hội trăm loài muông thú. Mùa xuân, chim công mở hội trên bãi Phiêng Bung. Mùa hạ, hươu nai, lợn rừng, hổ báo ra sông tắm mát. Hai loài cá tiên (Dầm xanh, Anh vũ) nghe xứ Nà có khí lành, dắt cháu con về sinh sôi. Đầu Đẳng đầy ắp cá tôm. Thượng Ngàn có chim đại bàng ghé thăm. Phiêng Bung có tiên nữ lạc về mượn đất kén chồng. Trăm họ Mán, Tày, Dao, H,Mông, kẻ miền xuôi, người trên ngược về tụ hội.

Bỗng một năm, có lái buôn ngựa đi qua, gặp Thổ thần Khu A, rượu vào mới nói:

- Khu A đang vượng khí lành. Nhưng xem ra, đất hẹp người đông. Hiện, Đăng Vài, Thác Đén đang vượng âm khí, tiềm tàng động họa. Nếu đất này có địa phần Sơn Phú, ắt sẽ đậu khí dương. Âm dương phồn thịnh, ai dám nói, đất này không phát lộc?!

Lái buôn lại thì thầm vào tai thổ thần điều gì. Hai bên khà khà, uống cạn ba bát rượu cam kết, chia tay.

Lái buôn, sau khi bán được con xích mã phi vạn dặm không nghỉ cho Thổ thần Khu A, giá hời, lại ngược sông Năng lên gặp Thổ thần Khu C. Rượu rồi, lái buôn đem chuyện Thổ thần Khu A bí mật lập sớ đòi Ngọc Hoàng cắt đất Sơn Phú ra thì thầm nhỏ to. Thổ thần Khu C nghe chuyện, mắt trừng trừng trợn ngược, hàm râu rung lên rần rật, túm cổ áo lái buôn, hét ra mùi rượu ngô:

- Nhà ngươi phải nghĩ ra cách gì giúp ta chứ?!

- Ngài không cần giận dữ làm gì. Ta đã có cách mới lên mách ngài đây. Theo ta, Khu A giờ đang vượng, nguyên khí đằng đằng. Tôi e dùng sức khó lòng thắng nổi. Chi bằng, ngài cũng lập sớ tấu lên Ngọc Hoàng, hiến kế mã chia. Ta đã dành cho ngài một con ngựa biết đi mây về gió, ngài sẽ phi trên mây qua đất Sơn Phú trước khi Thổ thần khu A kịp đến nơi!

Rồi, một con bạch mã, theo lời tán tụng của lái buôn, từng phi vạn dặm không nghỉ lại bán được giá bất ngờ. Lái buôn chắp sớ giúp thổ thần hiến kế mã chia.

Lại nói, Ngọc Hoàng xem sớ của Thổ thần khu A, mặt tím dần, định sai Thiên Lôi dẫn Thần Sấm, Thần Sét xuống hỏi can cớ. Lại nhận được sớ của Thổ thần Khu C hiến kế mã chia, nghe cũng lọt tai, kíp sai Thiên Lôi dẫn các quan Thần Nông, địa Chính, Thần Sấm, Thần Chớp, Táo Giao thông xuống thi hành thiên lệnh.

Qua tiết Thanh Minh, ngày Lập Hạ, mặt trời vừa lên đỉnh núi, trăm dân nô nức ra đường. Trăm họ nghe nói, Ngọc Hoàng ban kế mã chia, ai cũng hồi hộp lo âu, lũ lượt kéo ra, đứng kín sườn núi từ Bản Chủ, Pắc Ban lên Sơn Phú.

Từ hai đầu xuất phát, hai con bạch mã, xích mã thắng sẵn yên cương. Phía Cổ Yểng, Thổ thần khu A oai phong lẫm liệt cưỡi trên lưng con xích mã. Đầu trên Ba Bể, Thổ thần Khu C ngồi trên lưng con bạch mã rượu đỏ linh căng, sắc khí đằng đằng. Một tia chớp kéo theo tiếng sấm rền, báo hiệu chuẩn bị xuất phát. Phút sau, tia chớp xanh phóng xuống đỉnh núi Pắc Tạ, tiếng sét xé trời phát lệnh. Hai con ngựa cắm đầu xuất phát.

Hai con ngựa bị thúc dây cương tung vó phi nước đại. Con xích mã phóng như tên bay. Qua Bản Chủ, thác Mơ, vừa đến vùng núi đá Khau Tinh, chủ và ngựa đã sắp đứt hơi thở. Mồ hôi đổ ra như tắm. Mục tiêu Sơn Phú còn mờ trong mây. Đầu trên Ba Bể, từ đỉnh Thượng Giáp, Thổ thần Khu C lợi dụng những đám mây giăng, thúc ngựa cất vó bay trong mây. Qua những ngọn núi Thượng Nông, Yên Hoa, bay vào rừng mận, rừng lê. Vừa bay qua cánh rừng chè Shan Tuyết, Hồng Thái, thì trời tròn bóng. Chúng dân đổ ra đường hò reo. Người và ngựa ướt đẫm mồ hôi. Đường từ đây càng lên cao càng dốc, càng xuôi, dốc càng dài. Đèo quanh co khúc khuỷu. Từ Khau Tinh vọng lên tiếng reo hò cổ vũ của trăm họ Khu A đã đến Nà Tông. Hai con xích mã, bạch mã cõng chủ trên lưng thở dốc, cùng phi lên đỉnh Phia Phoong thì khụy gối. Thổ thần hai khu chưa kịp xuống ngựa, hai con bạch mã, xích mã đã lăn ra chết!

Trăm dân Thượng Ngàn đang ầm vang reo hò, bỗng im lặng kéo dài. Dân bản đưa hai con ngựa lên chôn trên đỉnh Phia Phoong. Đèo Gió (Phia Phoong) từ đó lập thành ranh giới hai khu. Cũng từ đó, Thổ thần hai khu dâng sớ tấu lên Ngọc Hoàng, đổi tên đèo Gió thành đèo Mạ Thai (ngựa tử), chấm dứt tranh chấp.

Xe ô tô vừa gài số lên dốc, lại chúi đầu chổng đuôi lên núi, đỗ trên sân nhà văn hóa Bản Lục. Đại diện Ban Công tác Mặt trận, cùng lãnh đạo bản đã có mặt theo kế hoạch thông báo. Chị em Dao đỏ lộng lẫy trong trang phục truyền thống được mời đến gặp mặt, trở thành tiêu điểm của giàn ống kính. Bản Lục,

xã Đà Vị, trăm năm tư hộ dân, trăm bốn hai hộ nghèo, tám hộ cận nghèo (tiêu chí hộ nghèo 2021 - 2025), nhưng xem ra, chưa phải bản có nhiều hộ nghèo nhất. Các bản Nà Pin, Bản Thốc, Nà Bản, Bản Âm (Đà Vị) có từ 98 - 100% hộ nghèo. Điện lưới quốc gia thắp sáng đến từng nóc nhà. Nhưng vô tuyến truyền hình chưa phải nhà nào cũng có. Gặp những gương mặt tươi tắn rạng ngời, hồng hào của chị em phụ nữ, người già, trẻ nhỏ trên đường, cũng biết đời sống vật chất của bà con nơi này. Hỏi thăm số hộ, số khẩu, hộ nghèo; diện tích canh tác, sản lượng thu hoạch v.v..., của Bản Lục, hỏi đến đâu, được ông Mặt trận trả lời không cần sổ sách, khiến tôi mến phục các bác nô bộc cơ sở hôm nay. Nhưng quả tình, Đà Vị cùng mấy xã vùng cao đến hôm nay chưa có lớp Phổ thông trung học, là một thiệt thòi. Các em muốn học, phải ra trọ học ngoài thị trấn. Bản Lục có bốn sinh viên đại học. Khi hỏi về điệu hát dân ca của dân tộc ông, dân tộc Dao Đỏ? Hỏi Bản Lục có đội văn nghệ? Hàng ngày, bà con đến nhà văn hóa hội họp, ca hát? Ông lại im lặng, khiến ai đó băn khoăn. 

Chợt nhận ra, những điều cổ tích thường tồn tại bên lưu vực các dòng sông, nơi loài người xuất hiện sớm nhất. Theo du khách lên hồ thủy điện, một cảnh tượng như tân cổ tích khiến tôi ngạc nhiên: Thuyền về nêm chật bến, du khách nêm chật đò, ngỡ mình đứng trước khu du lịch Hạ Long. Các ống kính trong đoàn muốn mục sở thị các bè nuôi cá lồng Hồ Mơ. Mỗi bè cá nghe kể, ghép đôi chục lồng nhỏ. Dung tích hàng chục tấn cá lồng. Các ống kính lia lịa chớp những lồng cá lăng, cá chiên, cá quất, mỗi con nghe nói, nặng ba ký trở lên. Chủ lồng cá trắm đen khoe, lồng trắm đen nhà anh, con nhỏ nhất 5 ký. Con to, cân vội cũng có hơn hai yến! Du khách dưới xuôi lên nghe kể, nghĩ mình mơ. Có ông nói, anh lại kể cho chúng tôi nghe chuyện cổ tích!

Khúc sông Gâm chảy qua xứ Nà hôm nay trở thành hồ nước chảy. Nước xanh biêng biếc, màu xanh của núi. Ngồi trên mạn thuyền, nghe những bản nhạc, những bài karaoke. Thuyền lướt dưới chân núi Cô Tiên, Chú Khách, qua hang thuồng luồng, Đăng Vài, Bắc Chóm, khu đền Bắc Vãng, thác Khuổi Nhi, vòng qua cột đá Toỏng Vài. Tôi bâng khuâng nhớ Đức Xuân, Bắc Giòn, nhớ chuyện Gió hang, những chuyện thật, giờ thành cổ tích, chìm dưới lòng hồ, trôi dần vào quên lãng, đều là di sản văn hóa của bà con Tày, Mông, Dao, Ba Dí… xứ Nà. Nếu không có chương trình trục vớt, những điều cổ tích ấy sẽ bị trôi theo thời gian, chìm vào quá khứ, thiệt thòi không chỉ cho văn hóa xứ Nà, mà còn cho du khách thập phương.

Mặt trời đứng trên đỉnh Toỏng Vài, đốt bỏng mái thuyền, bỗng nhớ chuyện Gió hang. Dân bản gọi gió nóng Đức Xuân. Hàng năm, cứ tiết thu, cái nóng từ trăm ngọn núi đá hai bên bờ sông tỏa ra, khiến sinh linh khắc khoải. Rồi một đêm, từ trong lòng núi sôi lên âm thanh vi vu. Người già đêm không ngủ, nghe tiếng ù ù trong lòng núi vọng ra, giật mình, giục con cháu chống cửa chống nhà. Rồi một đêm, bất ngờ gió nóng tràn ra sông, đập vào vách núi, mạnh dần. Có năm, thần gió giỡn đùa, nhấc bổng ngôi nhà ngói năm gian đặt ra sau vườn, cho quay đi hướng khác. Gió lay cửa, rung nhà, quật đi quật lại cả tháng, xé rách những tàu lá chuối, thiêu đốt màu xanh thiên nhiên. Gió tràn ra đồng, thổi lên nương khiến hạt lúa chín ép, hạt đậu, hạt bắp chưa kịp vào chắc đã khô. Gió lên núi, thổi vào thung lũng, ngày đêm reo âm thanh réo rắt. Những ngọn núi đá hai bên bờ sông bị gió nóng thiêu đốt năm này qua năm khác, nứt ra từng mảng. Rồi gió quay về Toỏng Vài tác quái, nổi sóng trên sông, đùa giỡn lật thuyền lật bè.

Ngày còn thực dân đế quốc, một bác sĩ người Pháp mộ phu từ Ninh Bình, Nam Định lên Đức Xuân, Nà Hang khai phá đất, mở đồn điền nông sản, bị thần gió nóng tác quái, tác oai. Dân phu ngã nước, sốt rét bỏ về. Chủ người Pháp đành cao chạy xa bay, bỏ của chạy lấy người. Từ ngày ngăn đập thủy điện, nước hồ dâng lên, tràn vào hang núi, thần gió nóng hết nơi ẩn nấp, không ra tác quái.

Thuyền neo đậu, nghỉ trưa dưới chân thác Khuổi Nhi, phát hiện thuyền bên có các văn nghệ sĩ Thủ đô, tôi mò sang chào hỏi, kiếm câu chuyện làm quà. Nghe tôi bốc lên, kể mấy câu chuyện cổ tích xứ Nà, ai nấy buông bát buông đũa ngồi nghe. Một nữ thi sĩ mở lòng bắt chuyện:

- Tôi lên kỳ này là chuyến thứ ba, hôm nay mới được nghe những câu chuyện này. Giá mỗi du thuyền đi mấy tiếng đồng hồ trên sông thế này, bố trí có một tiếp viên du lịch đi theo thì hay bao nhiêu, về có chuyện mà kể. Đi kiểu này chỉ đàn ông các anh là thích, ăn no, uống đẫy, lăn ra ngủ, người thì gào khản tiếng karaoke.

- Tôi hỏi anh chuyện này, khí không phải - Bác nhiếp ảnh già nhìn tôi, rào đón.

- Vâng! Bác cứ tự nhiên.

- Tôi muốn lên trên thác Khuổi Nhi bắn mấy kiểu ảnh kỷ niệm, nhân thể xem con cá nó rỉa chân ra làm sao, mà run chân tay không dám lên…!

- Tôi cũng thế. Muốn lên xem cá mà chỉ sợ trượt chân, chả ai chịu trách nhiệm. - Bác nhà thơ được thể, cướp lời.

- Mà nghĩ, vài chục mét lan can tay vịn có đáng là bao. Làm bằng sắt, hay đổ xi măng, kể cả đóng mấy cái cọc, buộc mấy cây tre thôi mà. Không ai chịu đầu tư!

- Vâng! Cám ơn các anh chị. Tôi cũng là du khách thôi. Nhưng tôi có thể nói lại chuyện này. Lần sau các anh chị lên, chắc sẽ có tay vịn an toàn ạ!

Thấy ai cũng mở lòng, cô nhà văn trẻ tham gia:

- Em đi du lịch Tuyên Quang chỉ mong xuống thuyền được xem chị em dân tộc mặc trang phục của họ, dạy mình dệt vải, thêu thùa; nghe họ hát Then, hát Cọi, hát Páo dung. Con trai nhảy múa, thổi khèn, thổi kèn lá. Lúc về có cái túi, cái ví, cái vòng tay, dây xà tích…, mua làm kỷ niệm. Thế mới bõ đi du lịch vùng cao.

- Đúng thế! - Bác họa sĩ già từ đầu ngồi bóp chân, giờ đụng đến sở trường, họa theo - một cái khung cửi, cái khung thêu, mấy cây đàn Tính, cây khèn, cây sáo, mấy bộ quần áo trẻ con treo bán dưới thuyền, kể cả mấy gói lá thuốc ngâm chân của bà con người Dao, một công đôi việc, tôi dám chắc, thuyền ấy hút khách hơn cho mà xem.

- Vâng! Các anh chị muốn mua quà kỷ niệm, - Tôi tranh thủ giới thiệu - Tối nay, cuối tuần, mời các anh chị đi xem chợ đêm xứ Nà. Mua gì cũng có. Bán buôn, bán lẻ.

Tôi về thuyền, mấy câu chuyện làm quà khiến tôi hiểu thêm du khách. Nghĩ lại, quả tình, các khu du lịch của mình vẫn còn đơn điệu. Những nguồn lực ấy ở đâu cũng có, có sẵn trong mỗi bản làng.

Na Hang, tháng 6/2022

Đỗ Anh Mỹ

Tin tức khác