Bí ẩn những bức bích họa Phật giáo

Thứ tư, ngày 06-07-2022, 08:28| 1.196 lượt xem

Bức vẽ hình Phật trên vách hang. Ảnh của L.M.T

 

Chùa Hang Thiện Kế, nay là tổ hợp, chùa Hang - đền Cậu Thiện thuộc xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Vị trí chùa Hang nằm trong lòng hang của dãy núi đá vôi lớn, song song với dãy núi Tam Đảo, cách bờ tả sông Phó Đáy 500 m. Cửa hang nằm ở vách núi phía Tây, hướng ra sông Phó Đáy, ở độ cao 20 m so với mặt bằng chân núi, vòm cửa hang rộng, nhiều ánh sáng, từ cửa hang đến đáy hang khoảng 100 m, trong lòng hang có chỗ rộng 30 m. Bên ngoài cửa hang hiện nay là đền Cậu Thiện. Đi sâu vào bên trong hang là hệ thống các nhóm tượng Phật thuộc ban Tam Bảo và các Chư Phật…

 

Từ những tài liệu đã từng được công bố và giới thiệu trên bản tin của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp vào năm 1942 (Bulletin de I Ecole francaie d E xtrême - Orienl, Tome 42, tr. 212-213). Vào ngày 05/06/2020, được sự hướng dẫn của người dân và các cụ thủ từ đền Cậu Thiện, cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang cùng hai nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật là Đào Xuân Ngọc và Nguyễn Anh Tuấn, đi sâu vào lòng hang để tìm các bức họa hình Phật và tiến hành nghiên cứu bước đầu về nhóm các hình vẽ độc đáo này. Trong quá trình khảo sát toàn bộ vách trong lòng hang, chúng tôi có những nhìn nhận và đánh giá như sau:

Lòng hang là một không gian rộng rãi, vòm trần cao và lượn cong, hiện được xây kín bằng gạch, trong lòng hang có hàng chục căn phòng xây bằng gạch giống nhau, các căn phòng này do năm 1966 - 1968 Kho bạc Nhà nước đã sơ tán từ Hà Nội và đã ở, làm việc tại hang. Khu vực có các bức họa năm ở vách Tây của hang (vách hang vát nghiêng bề mặt tương đối nhẵn phẳng). Các hình vẽ cao so với nền hang

khoảng 5 m, diện tích của các bức họa theo ước tính khoảng hơn 20 m2 (rộng 7 m, cao 3 m). Việc nhận diện tổng thể quy mô các hình vẽ bức họa là rất khó khăn do vướng các thanh dầm và tường bê tông được dựng sát các bức họa.

Khảo sát ban đầu cho thấy, bức họa gồm các hình Phật, Bồ Tát, Thị giá, Phi thiên, hình mây, cánh sen… được phủ các màu đỏ trầm, màu nâu, màu vàng… Trong đó màu đen, màu đỏ son là lớp màu phủ khá muộn, có thể được tô vào thập niên 60 thế kỷ XX. Trong cuộc khảo sát này chúng tôi tìm được ba nhóm tổ hợp hình vẽ.

Ở vị trí chính giữa là hình vẽ miêu tả một nhóm các hình tượng với 9 nhân vật, trọng tâm là hình Bồ Tát ngồi trên bệ hoa sen, hai bên là 2 nhân vật đang chắp tay; các nhân vật được phân thành 4 lớp trước sau, phía trên là 2 hình phi Thiên đối xứng. Nhóm hình vẽ này tương ứng với miêu tả được giới thiệu trên bản tin của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp năm 1942.

Nhóm thứ hai hình vẽ nằm ở vị trí bên trái, hướng Tây - Bắc. Nhóm hình này đặc tả ba hình tượng, ở giữa là hình Phật đang tọa thiền kiết già toàn thân trên bệ hoa sen (pháp y hai lớp, tay ấn quyết thiền định), hai bên là 2 thị giả.

Nhóm thứ ba ở vị trí bên phải (có cao độ thấp hơn so với hai nhóm hình vẽ còn lại). Đây là nhóm hình khắc và hình vẽ được kết hợp với nhau. Hình khắc có lớp nền khá mỏng, miêu tả hình thái một tòa điện (diềm mái và bờ dải thể hiện hình lá đề. Có đầu hồi, chóp mái) và một hình khắc ngôi tháp có 7 tầng, phía xa là hình vẽ người cưỡi ngựa.

Từ cuộc khảo sát ban đầu, chúng tôi có bằng chứng xác đáng để khẳng định, các dấu vết hình vẽ, hình khắc tìm thấy tại vách hang chùa Thiện Kế chính là nhóm bức họa mà các học giả người Pháp (L.Bezacỉe) đã từng công bố và giới thiệu vào năm 1942. Các học giả người Pháp đưa ra phỏng đoán: Những bức họa này có niên đại từ thế kỷ IX; đặc điểm tạo hình có những tương đồng với những bức họa ở khu vực Trung Á và động Phật Đôn Hoàng.

Căn cứ vào những chi tiết diềm mái (thể hiện lá đề), hình thái kiến trúc tháp, các hình vẽ Phật, Bồ Tát, Thị giá, Phi thiên, cấu trúc hình mây… cùng với những tư liệu, sử liệu, khảo cổ học thời Trần ở khu vực chùa Hang Thiện Kế và các vùng lân cận, có thể khẳng định: “Tổ hợp những hình vẽ và hình khắc trong lòng hang Thiện Kế được thực hiện vào thời Trần, thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam.

Từ cuộc phát hiện hết sức đặc biệt và khám phá thú vị này, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục có kế hoạch và cần thêm các cơ quan, các viện chuyên môn vào cuộc để tiếp tục nghiên cứu những bức họa quý hiếm (các bức họa tương tự như những bức họa ở chùa Hang Thiện Kế, chỉ còn trong tài liệu, duy nhất chùa Hang Thiện kế còn những bức họa này). Quá trình nghiên cứu tiếp theo, để đánh giá, nhận diện toàn cảnh giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hóa, Phật giáo, hội họa trên miền đất Tuyên Quang.

 

Lý Mạnh Thắng

Tin tức khác