Mãi thắp sáng niềm đam mê nhiếp ảnh

Thứ hai, ngày 27-06-2022, 10:10| 1.046 lượt xem

Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính là cái tên không còn xa lạ với độc giả, văn nghệ sỹ Tuyên Quang. Với lòng yêu thích, đam mê, chắt chiu từng ý tưởng cùng nguồn cảm hứng bất tận về nghệ thuật, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm và đó là những khoảnh khắc tạo cho ông thương hiệu của riêng mình. Trở thành hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và được phong tước hiệu EVAPA và ESVAPA (Nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất sắc và đặc biệt xuất sắc). Ông là một người nhiệt huyết, tận tâm và có trách nhiệm với nghề. Ông luôn quan niệm: “Nhiếp ảnh là cuộc sống và niềm tin”.

Đam mê nhiếp ảnh

Tình yêu, đam mê nhiếp ảnh cháy bỏng của Nguyễn Chính nảy nở từ khi học Khoa Nhiếp ảnh Trường Đại học Báo chí (1979 -1984). Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn nên ước mơ để có một chiếc máy ảnh đối với ông là một điều xa xỉ. Là sinh viên sống trong nghèo khó Nguyễn Chính đã tiết kiệm từng cái tem phiếu, vải, lương thực, thực phẩm... gom góp lại để có tiền mua máy ảnh. Sở hữu chiếc

máy ảnh Nguyễn Chính theo chân làm “đệ tử” cho nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh Trung ương học hỏi thêm kinh nghiệm. Vào những ngày thứ bảy, chủ nhật Nguyễn Chính thường ra công viên xin chụp ảnh dạo để vừa học nghề và vừa kiếm sống. Khi ra trường Nguyễn Chính tốt nghiệp loại xuất sắc Khoa Nhiếp ảnh báo chí và trở thành phóng viên ảnh tại Báo Tuyên Quang. Luôn năng động, sáng tạo với nghề, Nguyễn Chính có hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh đăng trên báo Trung ương và địa phương.

Từ say mê và thành công trong lĩnh vực ảnh báo chí, Nguyễn Chính dần nhận ra mình có niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh và bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu và sáng tạo không ngừng, những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Chính đã tạo ấn tượng sâu sắc với công chúng: “Cổng làng”; “Sương sớm vùng cao”; “Điện về bản”; “Tuần lộc của rừng”... đoạt giải các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc, ảnh nghệ thuật toàn quốc... đã tạo tiền đề cho Nguyễn Chính ngày một thành công hơn trên lĩnh vực nghệ thuật. Hiện nay Nguyễn Chính có trên 70 giải ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, trong đó vinh dự được nhận giải thưởng Tân Trào của tỉnh. Nối tiếp sự thành công, năm 2012 lần đầu tiên Nguyễn Chính tổ chức triển lãm cá nhân với chủ đề “Khoảnh khắc thành Tuyên” các tác phẩm ảnh triển lãm để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người xem, đó là điều đáng gìn giữ và trân trọng, toàn bộ số ảnh triển lãm Nguyễn Chính đã tặng cho Bảo tàng tỉnh làm ảnh tư liệu.

Nguyễn Chính tâm sự: Để có được những bức ảnh đẹp, ông phải tốn rất nhiều tâm huyết, công sức, bên cạnh những kiến thức chuyên môn nhiếp ảnh, kỹ thuật còn đòi hỏi ở người chụp phải am hiểu về văn hóa cũng như con người ở vùng khác nhau. Không ngại khó, vất vả, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về phong tục tập quán, đời sống văn hóa, gần gũi, hòa mình vào cuộc sống của người đồng bào dân tộc. Chính vì vậy mà Nguyễn Chính đã tích lũy cho mình một khối kiến thức văn hóa mà không dễ một nhiếp ảnh nào cũng có được, những kiến thức ấy đã được ông khéo léo chuyển tải vào tác phẩm. Ông nhận thấy Tuyên Quang chính là “mỏ vàng” quý giá để lấy cảm hứng, chất liệu sáng tác những tác phẩm nghệ thuật. Chính nơi đây đã hun đúc cho ông một tinh thần lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn hướng về những giá trị tinh thần và đau đáu về sự phát triển của xứ Tuyên. Tất cả đã mang lại nguồn cảm hứng sáng tác vô tận, thôi thúc, say mê, miệt mài bấm máy, phản ánh thật nhiều về cuộc sống cũng như văn hóa con người Tuyên Quang.

Hết mình vì nghệ thuật

Để chụp được một bức ảnh đẹp đòi hỏi người nghệ sỹ phải nắm chắc về kiến thức, về kỹ thuật máy ảnh, về con người, văn hóa, tín ngưỡng, thời tiết… nhằm làm chủ công nghệ và chủ động trong xây dựng nội dung tư tưởng của bức ảnh. Nguyễn Chính có sở thích tìm tòi ở những góc độ miền núi, địa điểm lý tưởng để sáng tác là ở các xã vùng cao như: Hồng Thái, Đà Vị (huyện Na Hang); xã Xuân Lập, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình), nơi có núi non hùng vĩ, vườn hoa cải vàng rực nắng, hoa lê nở trắng tinh khôi như dải pha lê trên triền đồi, những thửa ruộng bậc thang như chiếc lược ngà tạc vào núi non… Nơi đây không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn là nơi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là nơi lý tưởng để ông thỏa sức đam mê sáng tạo nghệ thuật. Ông bảo: “Công đoạn đầu tiên để có một tác phẩm nghệ thuật trước hết phải lên ý tưởng và có cả một quá trình dày công nghiên cứu, dành quỹ thời gian để thấu hiểu nó”.

Nhớ lại một kỷ niệm sáng tác, Nguyễn Chính một mình chạy xe hơn 100 cây số đến với vùng cao Thượng Lâm (huyện Na Hang), bước chân đến đây ông đắm chìm trong thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ của tạo hóa, quan sát hồi lâu tỉ mỉ chọn nơi có góc máy đẹp, ông quyết định sẽ leo lên núi cao để chụp được toàn cảnh. Vậy là ông đi đến thôn Nà Tông nhờ hai người thanh niên dân tộc Tày trong bản giúp đỡ leo lên núi Cô Tiên. Trước khi đi mang theo dao, cơm nắm và nước rồi tất cả bắt đầu cuộc hành trình. Đường lên vách đá hiểm trở, cây cối rậm rạp cũng không cản được bước chân người nghệ sỹ. Mọi người vừa đi vừa phát cỏ mở đường, có đoạn leo lên vách đá treo leo một người lên trước kéo ông lên còn một người ở dưới đẩy. Cứ miệt mài đi cho đến khi mệt thì dừng lại nghỉ rồi lại tiếp cuộc hành trình. Vậy là dự định ông ấp ủ cả năm trời cũng đã được thực hiện, mệt nhưng mà vui!. Sau nhiều công sức, nỗ lực ông cũng có được bức ảnh cực kỳ tâm đắc “Thượng Lâm miền cổ tích”. Cái khó của nghệ sỹ nhiếp ảnh là vậy, cho nên thành công của bức ảnh một phần là nhờ yếu tố may mắn và cả sự chịu đựng, cống hiến, kiên trì, nhẫn nại mới có thể theo đuổi được nghề và mang lại sự thành công. Ông kể: Có những lần để chụp được bức ảnh đề tài về văn hóa dân tộc truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, ông đã dày công nghiên cứu phong tục tập quán, nét đặc trưng văn hóa, ăn và ở cùng đồng bào dân tộc, nghiên cứu từ tính cách nhân vật đến ngữ cảnh, ánh sáng, cất công phải đi đi lại lại đến ba lần mới cho ra được bức ảnh ưng ý “Truyền nghề”, không phụ sự nỗ lực của ông bức ảnh đó đã đạt giải B của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Những năm tháng về hưu ông có nhiều thời gian hơn để sáng tạo nghệ thuật. Trong thời gian này số lượng ảnh nghệ thuật ông sáng tác nhiều gấp đôi so với hồi ông còn làm phóng viên. Ngoài ra ông còn lập chuyên mục trên mạng xã hội “Tuyên Quang du lịch qua ảnh” để từ đó quảng bá du lịch, góp phần phát triển du lịch của tỉnh. Có thể thấy ông có nhiều đóng góp xứng đáng cho nhiếp ảnh, đưa hình ảnh Tuyên Quang đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần to lớn quảng bá về hình ảnh và văn hóa về đất và người xứ Tuyên. Ông hiện đang là Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang.

Gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm cầm máy ảnh. Ông vẫn đều đặn tham gia các triển lãm ảnh, trại sáng tác, những bức ảnh của ông vẫn xuất hiện dày đặc ở các trang báo và tạp chí. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bước chân của ông vẫn tiếp tục trải dài trên những vùng đất mới, cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Khi được hỏi “Đối với ông nhiếp ảnh quan trọng như thế nào? Ông nói rằng: “Nhiếp ảnh là cuộc sống và niềm tin”.

Sau buổi gặp mặt, tôi đã hiểu rõ hơn thứ gọi là tình yêu nghề và tình yêu nghệ thuật của một nghệ sỹ nhiếp ảnh đích thực. Trong ánh mắt và từng lời nói, câu chuyện ông đều thể hiện tình cảm, niềm đam mê lớn lao dành cho nhiếp ảnh, nó như một ngọn lửa cháy không bao giờ tắt. Và tôi tin rằng khi nghệ thuật trong ông vẫn là một nguồn sống, nguồn cảm hứng mãnh liệt thì những giá trị tốt đẹp của cuộc sống sẽ được người nghệ sỹ này gửi gắm đến tất cả mọi người.

Điền Phương Thảo

Tin tức khác