Trần Xuân Việt - Một miền thơ còn thao thức

Thứ hai, ngày 27-06-2022, 08:45| 1.127 lượt xem

* Tạ Bá Hương

Nhà thơ Trần Xuân Việt

Tôi và nhà thơ Trần Xuân Việt (hội viên Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang) quen biết nhau từ khi nào thì tôi không còn nhớ rõ nữa. Mọi thứ diễn ra từ khá lâu, có dễ đến hơn mười năm nay. Chỉ biết rằng, mỗi dịp Hội VHNT tỉnh tổ chức kỳ cuộc gì là ông đều có mặt. Những dịp ấy, nhác trông thấy tôi là ông lại vồn vã đến bắt tay, chuyện trò rôm rả. Tính ông nó thế, mộc mạc và dễ gần, chả có gì màu mè, chả có khoảng cách nào. Lâu rồi thành quen, thành thân thiết. Tôi nói thế không có nghĩa là giữa tôi và ông cùng trà lứa với nhau. Nếu tính về tuổi tác, ông hơn tôi cả một thế hệ, tôi gọi ông bằng chú, xưng cháu. Có lẽ ông thân với tôi và tôi thân với ông khởi nguyên cũng chính từ tình yêu với văn chương, sự đồng cảm trong cuộc sống. Ranh giới giữa tuổi tác tự nhiên nó mất đi, nhường chỗ cho sự chia sẻ, tin cậy. Điều ấy rất quý giữa cuộc sống nhiều bon chen, lừa lọc. Đồng cảm và chia sẻ là sợi dây vô hình nào đó để con người đến với con người một cách tự nhiên hơn, bền chặt hơn.

Nhà thơ Trần Xuân Việt, sinh năm 1949, quê Nam Định, nhưng hầu hết thời gian trong cuộc đời mình, ông gắn bó với mảnh đất Tuyên Quang. Tuy là quê hương thứ hai, nhưng rẻo đất miền núi này trở thành máu thịt, là nơi chở che, đùm bọc ông trên dặm dài của cuộc đời. Ông vốn xuất thân là nhà giáo, dành tâm huyết cả đời đi gieo chữ trên các bản làng xa xôi nhất của tỉnh Tuyên Quang. Tôi đã từng được nghe ông kể về quãng thời gian dài, cùng với những nhà giáo khác bám dân để tổ chức mở lớp, mở trường trong điều kiện cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là vào những năm đầu thập kỷ bảy mươi, của thế kỷ hai mươi. Khi ấy, chàng trai trẻ Trần Xuân Việt đã sẵn sàng cuốc bộ từ huyện Sơn Dương, men theo đường rừng heo hút mà lên với các xã của hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Thiếu thốn trăm bề, nhưng để bám trụ lại được với đồng bào vùng cao, ngoài sự nhiệt huyết của tuổi trẻ thì còn phải cần đến một tình yêu nghề cháy bỏng. Năm năm gắn bó với vùng cao, dấu chân in trên mỗi nẻo đường rừng heo hút, đã giúp nhà giáo trẻ Trần Xuân Việt có nhiều kỷ niệm sâu nặng, mà sau này ông gọi là "hành trang cuộc sống". Mãi đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khép lại, ông mới có điều kiện trở về đoàn tụ cùng gia đình tại xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương và tiếp tục gắn bó với công việc dạy học cho đến khi nghỉ hưu.

Nhiều thế hệ học trò của ông đã trưởng thành, như những cánh chim mà tỏa đi muôn ngả, trong đó không ít người hiện đang giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Điều ấy mang lại cho ông niềm tự hào lắm. Không tự hào sao được, khi sự trưởng thành của trò ấy đều có một phần kiến thức, lẽ sống mà ông đã nỗ lực trang bị. Có lần trong cuộc trò chuyện vui vẻ, tôi hỏi ông:

- Sao chú không nhờ học trò của mình giúp đỡ trong cuộc sống?

Ông cười lành hiền:

- Mình nhờ vả chắc là được thôi, nhưng điều ấy không nên. Hạnh phúc của mỗi nhà giáo là nhìn thấy sự trưởng thành của học trò chứ không phải là sự nhờ vả.

Ông ngại phiền phức. Cái đó đúng thôi, mỗi người có một bổn phận, một công việc để cống hiến, đóng góp cho đất nước. Thêm chút tình cảm riêng tư nào đó vào thì đều như mất đi vẻ thiêng liêng của tình cảm thầy trò. Từ khi về nghỉ hưu, ông sống thanh bạch, vui thú điền viên tại quê nhà. Đây là quãng thời gian ông tìm đến thơ, như một sự cứu cánh để ông thỏa sức giãi bày, tâm sự trước niềm vui, nỗi buồn và cả sự trăn trở trong cuộc sống thường nhật. Thơ ông giản dị, nó giản dị đúng như bản chất và con người ông vậy. Vẫn là những câu chữ chắt lọc ra từ hồn vía quê hương, xứ sở. Nơi đó thấp thoáng bóng mẹ tảo tần, dáng cha lầm lũi; nơi đó có con sông Phó Đáy thao thiết chảy qua làng, với những câu hát Soọng cô mềm mại như hơi thở. Tất cả ùa vào thơ ông, lắng sâu mà day dứt, giản dị mà không quá nôm na.

Từ khi em biết ra bờ sông bẻ bắp

Biết làm duyên trong từng nhịp múa xòe

Điệu Soọng cô giao duyên mùa xôi nếp

Đốt ánh nhìn theo những cánh tay đưa…

 

Đêm Soọng cô theo anh về ruộng lúa

Cánh đồng quê vàng bắp khắp hiên nhà

Rượu nếp ủ chờ trăng say men lá

Anh vụng về chưa sang bạc mẹ cha

(Mùa Soọng cô)

Những câu thơ của nhà thơ Trần Xuân Việt cứ rì rầm như dòng sông Phó Đáy mà chảy tràn qua miền thăm thẳm của ký ức, của miền Soọng cô. Nơi ông gắn bó máu thịt suốt mấy chục năm qua là rẻo đất vùng hạ huyện, nơi có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Bởi thế, câu hát dân ca Soọng cô của đồng bào không biết từ bao giờ đã thấm đẫm vào thơ ông, nó đằm sâu, nó tự nhiên như chính cuộc sống vậy. Và, hình như, sau khi nghỉ hưu, tìm đến với thơ, ông như tìm thấy một giá trị mới, giúp những tâm sự nỗi niềm của ông được bày tỏ một cách rõ ràng hơn. Hàng ngày, ngoài làm công việc nuôi ong, nấu rượu, ông dành nhiều thời gian cho thơ hơn. Có lần, tôi đến thăm ông bất chợt, thấy ông đang đánh trần ra nơi góc nhà, vọ vạy viết thơ trên quyển sổ tay. Tôi bảo, sao chú không đánh máy cho nhàn. Ông cười vồn vã: Chú viết thế này nó quen rồi. Thời gian sau, đến chơi lại thấy ông đang hì hục đánh vật với chiếc máy tính cũ kỹ. Thấy bảo, chiếc máy tính cũ ấy là do con trai cả mua cho, vẫn dùng tốt. Chỉ có điều, già rồi, nhìn vào bàn phím thấy chữ tác thành chữ tộ, nên ông phải học từ đầu. Mắt ông căng ra nhìn vào bàn phím, đôi tay gõ vào chữ như kiểu mổ cò. Từ ngày có máy tính, ông giao bớt công việc nấu rượu cho vợ, dành tâm trí để học và xử lý các thao tác của thời kỷ nguyên công nghệ. Thấy tôi, ông nói vui:

- Học nghề giáo dễ hơn học đánh máy tính.

Nghỉ hưu, nhưng ông không nghỉ tay. Hàng ngày, ông có nhiệm vụ là hoàn thành nồi rượu để kịp cho khách mang đi. Loại rượu ông nấu là rượu ngô, men lá, với bí quyết mà ông học được của đồng bào vùng cao trong những năm tháng trèo đèo, lội suối đi dạy học. Nghe đâu, mỗi giọt rượu cất ra đều có vị thơm nồng đặc trưng, nên khách hàng rất ưa chuộng. Nấu đến đâu, khách các nơi đổ về mang đi hết. Tuy nhiên, mỗi ngày ông chỉ nấu đúng một nồi, không nấu hơn, bởi ông coi nghề đấy không phải để kiếm tiền mà là công việc làm cho vui, thấy mình còn có ích, chứ ngồi chơi một chỗ kể ra cũng nhàm chán lắm.

Hồi tôi còn công tác bên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, thỉnh thoảng có chuyến xuôi về vùng hạ huyện Sơn Dương, tôi đều thông tin cho nhà thơ Trần Xuân Việt. Ông vui lắm. Ông sẵn sàng bỏ việc, đi theo chúng tôi, cả ngày lặn lội trên các thôn bản của các xã bám dọc theo đôi bờ sông Phó Đáy. Hôm nào bận lắm thì ông từ chối ngay, nhưng đều dặn đi dặn lại là, làm việc ở xã xong nhớ về ăn cơm đấy. Hôm nào tôi làm việc chưa xong, kéo dài đến trưa, đã thấy ông điện ồi ồi, rằng thì là cơm nước đã chuẩn bị xong hết rồi, cô chú vẫn đang chờ đấy. Nghĩ cũng thấy ái ngại trước tấm thịnh tình, chăm sóc chân thành mà ông dành cho tôi như dành cho những đứa con của mình. Mà lần nào cũng vậy, khi ra về, vợ chồng ông đều đã chuẩn bị sẵn chút quà quê. Một thứ quà quê đầy tình nghĩa. Ông bảo, cầm về cho vợ con nó dùng. Của đáng tội, quà ông dúi vào tay tôi khi thì chai mật ông vừa quay từ mấy đõ ong sau nhà, còn nóng hôi hổi, khi lại mớ rau, lúc con gà mái ghẹ. Nhận thì ái ngại quá, mà từ chối cũng chẳng xong. Nó chả to tát gì đâu, đó chỉ là tình cảm xuất phát từ tấm chân tình thuần khiết vậy. Cũng có hôm tôi đến đột xuất, thấy ông đang lọ mọ bên nồi rượu nấu dở, định rủ ông đi xuống xã, nhưng thấy ông bận, lại thôi. Ông biết ý, nên sau khi thưởng thức chén trà, hay hớp rượu men lá cay nồng, thấy tôi ra cửa, ông cũng lặng lẽ dắt xe máy đi theo. Ông bảo:

- Ngồi một chỗ cũng cuồng chân, may có cháu xuống mới có dịp lang thang xuống với cơ sở.

Nhìn cảnh ấy, bà vợ ông chỉ tủm tỉm cười và không quên mắng yêu:

- Tôi chịu chú cháu nhà anh đấy.

Những lần cùng tôi đi xuống cơ sở như vậy ông đều có thơ. Ông viết rất nhanh. Dường như cái miền thơ trong con người Trần Xuân Viẹt luôn ẩn hiện đâu đó, nó thao thức, nó gần gũi, chỉ cần có cơ hội là thắp lên biết bao nhiêu nỗi niềm. Ông làm thơ như để ghi lấy những miền đất ông đi qua, những miền đất mà ông cảm nhận sâu sắc về nó. Vẫn chỉ là đề tài quen thuộc, gắn kết giữa nếp sống, nếp sinh hoạt của người nông dân với ruộng đồng, với việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Không gian trong thơ ông chỉ có thế, ít khi tôi thấy ông vượt thoát sang các chủ đề khác, những chủ đề mà ông cho rằng, đó không phải là thế mạnh trong thơ ông. Ở miền sương khói quê hương ấy, ông tha hồ ngụp lặn, kiếm tìm từng "hạt chữ" cho thơ của mình. Dẫu biết rằng, trên hành trình đi tìm con chữ, không phải lúc nào ông cũng thành công, nếu như không muốn nói là nhiều lần ông đã thất bại. Bao nhiêu đau đáu, bao nhiêu dụng công, cứ ngỡ "hạt chữ" đang vương đầy trên tay, bỗng chốc ngoái lại thì nó chỉ là "xác chữ". Ấy thế nhưng, ông không vì thế mà nản chí trên dặm dài của hành trình kiếm tìm cho gương mặt thơ đang phảng phất đâu đó. Vẫn có những "hạt chữ" lộ ra, tuy chưa rõ nét, song nó lại mang đến cho độc giả cảm xúc tươi ròng, lấp lánh.

Mưa xối xả đường trơn lên đèo dốc

Suốt trời đêm nghe suối nghẹn lòng

Đã bao ngày người Mông không xuống chợ

Bản núi chiều đến nắng cũng rưng rưng

(Cõng chữ lên đèo)

Đôi quang chùng sát đất

Gánh nặng cuộc đời chăng

Lệ hai hàng nước mắt

Mờ như chiều mưa giăng.

                             (Hai chị em)

Không cầu kỳ ghè đẽo câu chữ, không chạy theo các trào lưu thơ hiện đại hay hậu hiện đại như người làm thơ trẻ hiện nay vẫn neo bám, Trần Xuân Việt vẫn thủy chung với cách thức thơ truyền thống. Một là, ông không đủ sức, đủ khả năng để chạy theo các trào lưu ấy. Hai là, cái tạng ông nó thế, mộc mạc, giản dị nó ăn sâu, bám rễ vào cách nghĩ, cách diễn đạt của thơ ông. Bởi thế, người ta nhận ra không ít các bài thơ của ông còn thô vụng, nhưng cũng không ít các bài thơ có sự đằm sâu, nhiều ngẫm ngợi. Tất cả đều được ông ghi lại và tập hợp để cho ra đời ba tập thơ trong cả hành trình đi tìm thơ của mình. Đó là các tập thơ: “Vầng trăng Tân Trào”, “Dáng quê”, “Về miền Soọng cô”. Các tập thơ này đều do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tuy chưa phải là những ấn phẩm thực sự xuất sắc trong đời sống văn học, nghệ thuật của Tuyên Quang, nhưng như thế cũng được coi là một sự nỗ lực cày xới đơn độc của ông suốt cả chục năm qua trên cánh đồng ngôn từ.

Nhiều độc giả và bạn bè văn chương ở Tuyên Quang đều cho rằng, thơ của Trần Xuân Việt đang ngày càng hay hơn. Tôi cũng có cảm nhận như vậy. Hầu hết các sáng tác của ông, tôi đều đọc cả. Đọc vì quý ông. Đọc để xem ông nói điều gì với cuộc đời. Trong khi thơ đang vào độ chín nhất của nghiệp viết thì ông đổ bệnh. Mọi người biết tin ấy ai nấy đều bàng hoàng, đau xót cho một con người nhiệt huyết, sẵn sàng cháy hết mình cho tình yêu với văn chương xứ Tuyên. Từ ngày đổ bệnh, ông ít lên thành phố để thăm chơi với bạn bè. Tôi không thể nào quên đi được cái dáng của ông, tính cách của ông, lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng, có khi chưa nhìn thấy ông đã thấy tiếng ông đang nói cười oang oang ở đâu đó. Hôm nghe tin ông đổ bệnh, tôi cùng với một số nhà văn của tỉnh bố trí xuống thăm ông. Trước khi đi, tôi đã điện cho anh Hải, con trai cả của ông. Lúc này ông không ở ngôi nhà của mình mà đã được anh Hải đón lên ở cùng, để tiện đường chăm sóc. Nhà anh Hải cũng ở cùng xã với ông, cách đó không xa. Sau này thấy anh Hải bảo, ngay từ sáng sớm cái hôm tôi xuống thăm ông, ông đã dậy và liên tục hỏi: "Tạ Bá Hương đã xuống chưa?" Rồi, ông nằng nặc đòi anh Hải nhanh chóng đưa ông trở lại căn nhà của mình.

Tôi xuống đến nơi cũng là nửa buổi sáng một ngày cuối tuần. Trời ong ong nắng, cái nắng mùa hạ khiến con người ta trở nên ngột ngạt hơn. Gặp lại tôi và một số nhà văn trên tỉnh xuống, lòng ông rộn ràng hẳn lên. Đôi mắt sáng long lanh, tuy cơ thể đã có phần lọm khọm đi nhiều. Nhìn ông, lòng tôi chợt chùng xuống, xa xót. Mới ngày nào ông còn phóng xe máy một mình lên thành phố mỗi khi có việc. Những lần như vậy không khi nào ông quên ghé vào cơ quan Hội VHNT tỉnh chơi với tôi. Hai chú cháu pha ấm trà nóng, cùng ngồi nhâm nhi và nói về thơ ca, về cuộc sống. Vậy mà giờ đây ông thay đổi nhiều quá. Dáng đi chậm chạp, phải có người dìu, cái miệng chỉ cười, nói không rõ tiếng. Tôi cầm lấy đôi bàn tay ông, bàn tay lạnh, nhiều xương xẩu và gầy guộc, tong teo. Trong bữa trưa hôm ấy ở Sơn Nam, ông ngồi cạnh tôi, ai hỏi gì chỉ cười vui vẻ chứ không nói gì nhiều. Vợ ông xúc ra lưng cơm, trộn sẵn thức ăn và bón cho ông, nhưng ông chỉ ăn được đôi miếng, rồi kiên quyết từ chối. Thấy vậy, tôi bảo: "Cô để cháu bón cho". Quả thật, khi tôi bón miếng nào thì ông vui vẻ ăn hết miếng đó. Nhìn ông ngồi ăn ngon lành trong cái dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi, lòng tôi chợt dâng lên một nỗi thương cảm sâu sắc. Chỉ cầu mong cho ông nhanh chóng khỏi bệnh, lại tiếp tục cháy hết mình với công việc sáng tạo nghệ thuật. Nhưng điều mong ước ấy của tôi không bao giờ trở thành hiện thực. Chỉ sau đó hơn một tháng, ông đã mãi mãi ra đi.

Ngày nhà thơ Trần Xuân Việt trở về với đất mẹ Sơn Nam, mảnh đất đầy nắng gió nơi cửa ngõ Tuyên Quang ấy, tôi vội vã cùng anh chị em trong văn phòng cơ quan Hội VHNT tỉnh và một số văn nghệ sỹ của tỉnh xuống để kịp thắp cho ông nén nhang, để kịp chia tay ông lần cuối cùng, trước khi ông rời xa cõi đời này. Đến nơi đã thấy cái rạp được dựng lên ngay lối vào nhà, bà con hàng xóm, bạn bè ông đến tiễn biệt cũng khá đông. Tay tôi run run cầm nén nhang cháy dở, đứng lặng vái ông, trong tiếng kèn trống ngoài sân trước tấu lên những điệu nhạc não nề. Mắt tôi cay sè, mặc dù tôi cố gắng không muốn để tiếng nấc của mình bật thành tiếng. Nước mắt tôi lặng lẽ chảy vào trong, giấu đi cảm xúc và cả sự hẫng hụt trong nỗi mất mát, giữa người ra đi và người ở lại. Có một cái gì đó mơ hồ thôi, nhưng thiêng liêng lắm đang chợt ùa về xâm lấn và bám diết lấy tôi.

Thắp nén nhang cho ông xong, tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài ngồi một mình. Vậy là từ nay nhà thơ Trần Xuân Việt đã trút bỏ đi gánh nặng cuộc đời, đi về miền xa thẳm. Cái miền quê yêu dấu, trong đó có cả miền Soọng cô còn thao thức trong mỗi câu thơ của ông đang rì rầm chảy bên đôi bờ sông Phó Đáy thì ông đành gửi lại.

T.B.H

Tin tức khác