Lê Na nỗi niềm nhân vật trong thơ

Thứ bẩy, ngày 02-07-2022, 09:24| 987 lượt xem

Không tỏ vì lý do gì mà tôi với Lê Na cứ giăng mắc với nhau như là một nợ nần không trả được. Nhiều ngày tháng rồng rắn với nhau rồi tự nhiên lại vắng bẵng như là không quen biết, lý do này có lẽ vì Lê Na bận bịu với công việc của người chiến sĩ công an còn tôi là tay vô tích sự, xưa có lúc là lính tráng, có lúc làm bảo tàng rồi mai làm thư viện, kia làm văn hóa thông tin... chả việc gì ra việc gì vậy mà cớ gì Lê Na phải chơi với tôi và ngược lại. Không tỏ căn nguyên nào nhưng có lẽ vừa do cái duyên từ hoàn cảnh vừa tại cái nghiẹp văn chương lởm khởm nó cứ ám vào như giời đày nên chúng tôi cứ phải giăng mắc với nhau.

Nhà thơ Lê Na

Cái nghiệp văn chương lởm khởm nhiều khi vừa vui lại vừa khổ. Năm 1984 tôi được mời đi dự Trại Sáng tác Văn học sáu tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại Tuyên Quang, gặp Lê Na ở đây, thời bấy giờ cả hai chúng tôi cũng chỉ bước đầu tọ tẹ viết lách, đến trại này thì toàn những cây cao bóng cả như Hồ Thủy Giang ở Thái Nguyên, Đinh Công Diệp, Phù Ninh ở Tuyên Quang, Thái Sinh ở Yên Bái, Cao Duy Sơn ở Cao Bằng... Tôi và Lê Na chỉ ở xa xa ngắm họ và vì thế anh em có thời gian gần gũi nhau hơn, viết được cái gì thì khoe nhau trước rồi mới dám trình Trại. Vậy mà tổng kết Trại ấy Lê Na lại được nhà thơ Xuân Diệu khen, khiếp thế chứ. Có lẽ cũng từ cú hích ấy Lê Na cặm cụi hơn, say đắm hơn với thơ. Dường như Lê Na làm thơ bằng tấm lòng mình với tình yêu thơ như máu thịt chứ không mảy may nghĩ để trở thành nhà thơ. Lê Na viết gửi các báo, bài nào được in Lê Na đều khoe và có nhuận bút lại mời tôi chén rượu, tình cảm anh em ngày một ấm áp chan hòa, Lê Na sống nhẹ nhàng, vui vẻ, đôi khi còn ham chơi nữa. Lê Na mê đánh cầu, mê bóng bàn... nhưng được cái ưu điểm luôn tận tình chia sẻ, giúp đỡ bạn bè. Nhớ đận vào năm 1987 tôi dựng cái nhà cấp bốn nho nhỏ tận dưới quê, lúc đổ cái máng thượng cần phải có sắt thép. Tìm đâu ra ở cái thời thứ gì cũng phải phân phối. Tôi lặn lội đi tìm anh bạn ở vật tư định nhờ hắn có thể giúp. Đang lơ ngơ ở chỗ ngã ba giao thông đường Phan Thiết thì gặp Lê Na. Thấy tôi tần ngần, Lê Na hỏi.

- Anh đi đâu mà nhìn như mất sổ gạo?...

- Ờ, cũng gần như thế, đang tìm ông bạn để nhờ vả...

- Chuyện gì ạ?

- Có gì to tát đâu, nhờ mua ít sắt để đổ cái máng thượng, mãi chả có, thợ nó giục, vợ con thì cứ om tỏi lên...

- Vậy thì may quá. Lê Na cười vui vẻ. Tôi tròn mắt định hỏi lại thì Lê Na bảo. Nhà em có, em làm cái bếp, mua chui được một cuộn những hai tạ, mà em chỉ dùng hết một tạ thôi, đang tính cách bán bớt, anh cần thì lấy luôn, sắt Thái Nguyên loại 4 cạnh, nhưng dùng được. Chả biết tôi ưng hay không nhưng vừa nói Lê Na vừa ghé cái xe đạp cà tàng lại gần. Tôi leo lên, phi một mạch về nhà Lê Na. Lăn cuộn sắt ra, Lê Na lấy cái kéo cộ, cắt băng thành hai nửa bằng nhau rồi quận lại, giọng vui vẻ. Để em gọi xe bò lăn ra bến Ca nô nhé. Vừa nói Lê Na vừa chạy đi, lúc sau ông kéo xe có mặt. Tôi thở phào thầm cảm ơn Lê Na... Còn việc Lê Na mê cái đẹp thì nhiều chuyện lắm, kể ra đây e lộ thì gay nhưng có một chuyện vẫn kể được ấy là năm 1993 Hội VHNT Tuyên Quang tổ chức Đại hội lần thứ hai. Khách mời các tỉnh bạn đông đúc lắm, Hội nào đi cũng mang theo nhiều nữ sĩ trẻ, đẹp, riêng Yên Bái thì đông hơn, trong đám nữ sĩ trẻ ấy có bà chị con bác tôi (nhà thơ Đ.T.H). Chả biết hai người rối rít thế nào, Lê Na cứ gọi tôi bằng "cậu" tôi lờ như chả biết gì. Đến bữa tổng kết chả rõ sao hai người lại ngồi cùng mâm với tôi, Lê Na rất đắc thắng, có lẽ hắn cũng sắp gọi tôi bằng cậu, nhưng giời chả cho, bà chị tôi cũng chẳng lành, bà rót rượu nâng cốc rồi cười vui. Nào chúc hai cậu cùng khỏe. Lê Na đỏ mặt tưng bừng và dường như bị cú nốc ao đột ngột, từ ấy không thấy gọi tôi là "cậu" nữa. Chuyện chỉ vậy thôi, kể thế cũng đủ, cũng vui rồi.

Lê Na là vậy, sống thong thả, nhẹ nhàng, vui vẻ, ân tình, có chút đam mê... dù bận bịu nhiều với nhiệm vụ của người chiến sĩ công an nhưng Lê Na vẫn thủy chung với thơ, Lê Na lặng lẽ viết, đến bây giờ ông đã cho ra mắt bạn đọc 4 tập thơ. Tập nào tôi cũng được Lê Na gửi tặng. Tập nào tôi cũng đọc kỹ nhưng chả hiểu vì sao cứ đọc xong là tôi lại xếp gọn gàng lên giá sách như là chỉ để chơi, để thi thoảng nhìn thấy mà nhớ đến nhau. Có anh bạn thích thơ Lê Na nói với tôi như trách cứ: "Bác viết nhiều chân dung các văn nghệ sĩ Tuyên Quang, sao bỏ quên Lê Na nhỉ...".  Tôi cười chả nói gì bởi biết mình có quên Lê Na đâu. Quả vậy, mấy bữa nay chả tỏ nỗi niềm gì, tôi mở thơ Lê Na và cứ ngồi một mình với bốn tập thơ của ông (Gửi tình về núi, Thôi đừng làm sóng, Dọc miền lau và Năm nhành lục bát). Những cái tên đèm đẹp ấy quấn hút, lôi cuốn tôi từng dòng, từng trang viết. Tôi đọc, đọc xong gấp sách lại thấy một miền thơ núi non hiển hiện. Có bài hao gầy như dáng mẹ, vóc cha, có bài mơ màng sông suối, có bài ầm ào sóng biển lại có bài lặng lẽ với hòn sỏi bóng cây, có bài cần mẫn, nâng niu như người ngồi đan lát... Tất cả cùng trải ra cho ta nhìn, ngắm mà cùng say mê như Lê Na từng say mê. Có thể nói Lê Na là người giàu cảm xúc vì vậy mà chỉ một chiều qua phố vướng sợi nan của người đan cót Lê Na đã dựng lên được hình tượng một phó cót cần mẫn hiện lên từ đôi bàn tay khéo léo của người đan cót đẹp đến mơ màng.

Sợi mưa thì chuốt cho bền

Sợi thương nhớ chuốt cho bền tháng năm

Đêm đêm chẻ nhỏ ánh trăng

Đan bền bờ sóng dệt thành tình yêu.

Mê mẩn với hình tượng đẹp từ người ngồi đan cót bên góc phố, nhà thơ chia sẻ.

Tôi đi qua phố một chiều.

Em ngồi đan cót bao nhiêu tháng ngày

Cho tôi hát về bàn tay

Xòe ra như sợi nan đầy gió sương.

Chắc gì em đã cho thương

Những là cót trắng bên đường em phơi

Thì xin cho câu thơ tôi

Thành sợi nan trắng cho đời, cho em.

Không biết khi làm thơ Lê Na có ý xây dựng nhân vật trong thơ không nhưng thấp thoáng dọc miền thơ ông qua mấy tập thơ tôi đều bắt gặp những nhân vật trong thơ ông vừa đậm nét, vừa thân phận. Như bài Cậu tôi, Mùa ở nghĩa trang liệt sĩ, Người đi rất chậm, Chợ âm phủ, Người âm lịch, Áo lính chị tôi, Tiếng rao bán chổi... Qua hình ảnh những câu thơ mỏng mảnh, nhẹ nhàng như mây bay, như sương rớt lại hiện ra bóng dáng những con người cần mẫn suốt đời lặn lội gắn bó với ruộng vườn, núi non. Cứ nhìn trong làn mây mỏng, những giọt sương ấy trong thơ ông ta như được sẻ chia với nỗi niềm qua mỗi vòng xe lăn và tiếng rao của người bán chổi trên đường, những nhọc nhằn của đôi vợ chồng lính với miếng cơm, manh áo sau thời trận mạc, với mái chèo chòng chành của người lái đò bến cũ Bình Ca, đặc biệt là nỗi lo toan ruộng đồng, mùa vụ. Nặng lòng với những lo toan này không phải là ông phật, bà tiên mà lại là Người âm lịch. Đọc bài thơ này thấy hình tượng một con người cần mẫn, lòng luôn bề bộn những lo toan, ấy là nỗi canh cánh sợ đồng sâu úng nước, vườn nhà khát mưa, là sợ ai để đường bừa giả dối làm cho bông lúa xác trên đồng, lo và sợ ấy nên lòng cứ đầy ngập yêu thương, yêu từng nhành mạ, mầm khoai, rồi nâng niu từng hạt giống cất trong chai lọ đợi ngày gieo trồng... Người âm lịch ấy là ai! là người quen mặc nâu sồng. Hình tượng người âm lịch cứ hiển hiện trong thơ không phải thánh thần mà bằng xương, bằng thịt lòng luôn trĩu nặng với ruộng đồng bát ngát. Đọc hết bài thơ lại thấy Người âm lịch ấm áp như lửa giữa lòng mình. Người là mẹ, mẹ của nhà thơ và cũng là mẹ của chúng ta. Cảm động là thế, gần gũi là thế, tài tình là thế. Ở đây tôi thấy Lê Na đã bất tử được hình ảnh người mẹ với những bời bời lo toan cho ruộng đồng, cho con cháu, cho xóm làng...

Người âm lịch rất hay thương

Nhà bên nhạt muối con đường vắng cây

Bao nhiêu hạt giống vụ này

Cất trong chai lọ đợi ngày mang gieo

Người âm lịch nặng lòng yêu

Củ khoai, trái chuối chia đều cháu con.

Thơ ông không thiên về tả chân dung mà đậm đà về thể hiện thái độ tính cách của nhân vật, vì vậy nhân vật tự sống được trong lòng người đọc, giúp người đọc cảm được những vui buồn mất mát, sự hy sinh của mỗi nhân vật hiện trong thơ ông. Việc xây dựng nhân vật trong thơ có lẽ cũng ít nhà thơ làm được bởi đặc trưng của thơ là cảm xúc, nhiều nhà thơ nhạy cảm khi gặp tứ thơ là họ bật ra thơ hay ngay. Còn có nhân vật thì phải lặng lẽ hơn, phải gắn bó, chia sẻ thì mới thành hình hài được. Những nhân vật trong thơ Lê Na đều lồ lộ điều này. Đọc, lòng cứ mênh mang buồn. Nhiều khi thấy ông cô đơn một mình giống như những nhân vật trong thơ.

Vườn quê gió lặng sương dầy

Đêm rơi theo giọt kim giây dềnh dàng

Người xa vắng, giấy trắng trang

Bước thu lay mấy trái bàng rụng khuya.

Chỉ có một mình ngồi trong đêm thì mới đếm được tiếng kim giây dềnh dàng, tiếng quả bàng rụng khuya chứ. Có lẽ vì buồn nên khi cảm xúc làm thơ ông thường tìm về cõi thật vậy mới gặp “Người đan cót”, “Cây bù nhìn trên nương”, “Cậu tôi”, “Người âm lịch”... Viết đến những dòng này tôi thấy nhận xét của mình về Lê Na có gì hơi sai sai khi bảo: "Ông là người sống vui vẻ, nhẹ nhàng, có chút ham chơi". Thực tế qua những trang thơ, mỗi nhân vật trong thơ mới thấy ông là người cô đơn cần mẫn, vô tư, giản dị luôn gắn bó với cái đẹp của thiên nhiên, con người vốn có. Nay ở tuổi sắp thất thập rồi nhưng thấy ông vẫn năng nổ, vẫn cặm cụi viết. Tin rằng sẽ còn được đón nhận những trang viết mới thật hay của ông, những nhân vật thật đời trong thơ ông.

Cuối năm 2022

Trịnh Thanh Phong

Tin tức khác