Viết là hành trình

Thứ tư, ngày 02-03-2022, 15:20| 1.078 lượt xem

Đối với lĩnh vực sáng tạo, bạn phải không ngừng đam mê, dấn thân, đổi mới và khai phá chính mình. Nếu cứ vục mãi vào bản năng thì một lúc nào đó kho trời cho này cũng cạn kiệt. Mà hành trình sáng tạo vốn dĩ không có điểm dừng, nó luôn ở phía trước khiêu khích, vẫy gọi chúng ta tiến lên. Vậy làm thế nào để ngòi bút ngày càng sắc, tình yêu văn chương ngày càng phong phú, miền tinh thần ngày càng đẹp đẽ? Câu hỏi này không loại trừ bất kỳ ai đã, đang trên hành trình đọc và viết.

Viết là tự nguyện làm “kẻ lưu đày” sáng tạo

Hành động viết là nhu cầu thỏa mãn của bản thân. Khi bạn tự đặt câu hỏi “vì sao phải viết?”, “viết để làm gì?”, “viết như thế nào?”,… tức là bạn đã ý thức được giá trị và tầm quan trọng của sự viết. Nếu không viết, bạn sẽ có cảm giác như đánh mất một cái gì đó mà cuộc sống dẫu đủ đầy, dư dả vẫn không bao giờ bù đắp nổi. Vì thế, trước hết, viết để được là chính mình. Viết là nơi bạn hiện hữu một cách tự do nhất. Bạn có quyền làm chủ không gian tâm hồn, mở rộng và thênh thang nó theo cách bạn muốn.

Bạn có miền tinh thần tự do nhưng chưa chắc bạn sáng tạo được. Nó đòi hỏi bạn phải có một trái tim đòi yêu, mở lòng ra với cuộc sống. Bạn thực sự sống với những giá trị thì mới làm ra những giá trị. Tự do phải được hiểu vừa là miền cư trú sống động của tâm hồn, là sự tự do mang tính bản năng đồng thời là miền nhận thức của cái tôi, là sự tự do có ý thức. Bạn cần có kinh nghiệm xử lý trò chơi tự do bản năng và tự do ý thức. Biểu hiện của sự tự do ý thức thông qua hành động chấp nhận đày ải, làm kẻ lưu đày trên cánh đồng chữ nghĩa. Chữ nghĩa trong sự tương tác cộng sinh, trong sự tưởng tượng đa chiều kích, nó sẽ khiêu khích, khơi mở những đồng hành, những tầm đón đợi. Trong bài thơ “Tự bạch”, Trương Đăng Dung đã viết: “Ngôn từ như con tắc kè hoa, có đời sống riêng và không ngừng thay đổi” [Em là nơi anh tị nạn, Nxb Văn học, 2020, tr.72]. Nếu chỉ đơn thuần thuận theo sự tự do của tâm hồn, cái bạn viết ra khó đáp ứng được sự bền vững và lâu dài. Lưu đày trong tâm hồn nhưng đồng thời bạn cũng phải học cách lưu đày trong trường trận ngôn từ. Dấn thân và chinh phục, đó là cách bạn chăm sóc, trân quý ngòi bút của chính mình.

“Bạn đã đủ cô đơn cho sáng tạo chưa?”

(Inrasara). Một câu hỏi không lạ gì vì cô đơn vốn là gia tài của người nghệ sĩ, nhưng nó luôn nóng hổi, thường trực đối với lĩnh vực sáng tạo. Marguerite Duras đã từng khẳng định: “Nỗi cô đơn của người viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm…”. [Viết, Nxb Văn học & Nhã Nam, 2010, tr.13]. Bản thân bà đã nhiều lần trói buộc, giam cầm trong ngôi nhà, ngắt mọi kết nối với bên ngoài và kể cả ngắt tiếng nói của mình để được viết. Những kiềm tỏa, áp đặt của bà trở nên có ý nghĩa: đổi sự mất tự do bên ngoài để có được sự tự do bên trong tâm hồn. Ấy là lúc người nghệ sĩ nhận thức, thấu suốt về giá trị của nỗi cô đơn. Tâm trạng cô đơn giúp người nghệ sĩ dọn dẹp lòng, thanh tịnh nhất, “tỉnh táo” nhất, dành mọi tâm huyết cho đứa con mà họ sắp, đang thai nghén. Cách chọn không gian cô đơn, tĩnh lặng của nhiều nhà văn thiên tài như

Honoré de Balzac, George Sand, Ernest Hemingway, Haruki Murakami,… là một minh chứng. Với sự viết, cô đơn tạo trạng thái hân hoan, thích thú, đưa người viết đến đường dẫn của sáng tạo. Nên, hành trình cô đơn của nhà văn chính là hành trình thúc đẩy sự viết và sáng tạo.

Hãy để trí tuệ kiếm tìm những thứ ngoài bạn nuôi dưỡng cảm hứng của bạn. Sự không bình yên của trí tuệ chứng tỏ bạn đang không ngừng nạp năng lượng, bồi bổ những kiến thức mới. Những chuyển động của kiến thức sẽ làm thăng hoa, lộng lẫy cảm hứng sáng tạo. Dù bạn đã thành danh hay mới chập chững, đều phải tự biết chăm sóc cảm hứng và làm dày sáng tạo. Viết, như là cách bạn làm đẹp giá trị chính mình.

Viết là hành trình nhập cuộc

Những năm 2005 - 2006, chúng ta có nhóm Mở miệng, Ngựa trời quyết liệt đổi mới, cách tân, tuy nhiên, việc đi quá giới hạn cũng khiến họ không tránh khỏi dư luận trái chiều và chững lại, dẫu rằng đợt sóng ồn ã đó đã ít nhiều tác động đến sự trầm đều của thơ Việt. Sau đó, sự kiện giải thưởng Lá Trầu, Bách Việt, và những năm gần đây là sự ra đời của Câu lạc bộ Thơ Namkau (thơ năm câu), Quán Văn, giải thưởng Nguyễn Đình Thi, Quán Chiêu Văn,… đã thể hiện một cõi văn chương bứt phá, năng động, dân chủ. Bạn có thể nhập cuộc, giao lưu với nhiều sân chơi, nhóm, diễn đàn, trường phái,… nhưng nhập cuộc chứ quyết không lệ thuộc, xô lệch. Bạn phải là chính mình, phải vật lộn xác lập tiếng nói. Sáng tạo tự thân là thế!

Tại sao người viết phải ý thức đả phá, chuyển hướng trong sáng tạo? Với văn chương, bạn “ăn mày dĩ vãng”, nhai lại chính mình là bạn đang đào mồ chôn mình. Bạn cần những/nhiều cú trật bánh để đổi thay chứ đừng bao giờ đồng thuận với nhịp điệu đều đều, tẻ nhạt. Mỗi lần bạn viết lại hoặc chối từ, vứt bỏ là mỗi lần bạn lớn lên. Sự chỉn chu, nghiêm khắc với sáng tạo là ý thức và trách nhiệm của bất kỳ người viết nào. Sức mạnh của sự chối từ, đả phá cái quen thuộc, lặp lại xáo mòn sẽ mang đến cho bạn những trạng thái hân hoan, hạnh phúc mới. Khoái cảm trải nghiệm cái mới từ đó tiếp tục nảy sinh những ngả hướng sáng tạo, dựng nên miền đa dạng của cái tôi. Như Franz Kafka, nhà văn gốc Do Thái, ông đã gần như đốt hết bản thảo của mình, may có người bạn thân giữ lại, chúng ta mới biết ông là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX. Hoặc James Joyce, nhà văn người Ireland, ông là người cực kỳ thận trọng, kỹ tính, ông nổi tiếng với giai thoại một ngày viết được 3 câu. Và rất nhiều nhà văn xuất sắc cũng ý thức rất rõ sự đả phá, chối bỏ. Như vậy, nếu bạn thường xuyên tạo những cuộc phiêu lưu ngoài mình thì bạn sẽ có cơn hưng phấn mới, tiếp tục tái tạo sự viết. Nói cách khác, với sáng tạo, muốn đi đường dài, bạn phải biết kích hoạt tính “dậy thì” vĩnh hằng của cái tôi và không ngừng “quấy” nó, “vọc” nó.

Khi bạn đả phá cái tôi tức là bạn đã tận dụng tối đa đôi mắt của nhà phê bình, của một biên tập viên để soi xét, thẩm định những gì bạn viết. Bất kỳ nhà văn nào khi viết xong cũng dành thời gian thích hợp để nhìn lại đứa con trước khi cho nó va chạm với đời. Quá trình đọc lại, sửa chữa bản thảo biểu thị sự tôn trọng của bạn đối với bản thân và đối với bạn đọc. Càng kỹ càng mức độ thành công càng lớn.

*

Viết là con đường có hoạch định. Ước mơ, dự kiến để tạo đà thành công và cho bản thân niềm vui, hứng thú. Hãy viết mỗi ngày, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, trong nghìn câu thơ, kiểu gì cũng có câu thơ hay, chứ đừng chờ cảm hứng đến mới viết, mà phải biết tạo cảm hứng thông qua hành động viết.

Viết nghĩa là bạn đang không ngừng vươn đến giá trị văn hóa.

Hoàng Thụy Anh

Tin tức khác