Vươn lên từ những cánh rừng

Thứ năm, ngày 29-02-2024, 09:20| 312 lượt xem

Ghi chép của Đinh Minh Sơn

 

Minh họa của Tân Hà

 

Đã mấy năm nay, cứ đến mùa măng Bát Độ, chúng tôi lại phóng xe vào thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, mua vài tải măng Bát Độ đã được luộc sẵn, về phơi làm măng khô phần thì để ăn dần, còn lại làm quà cho anh em bạn bè gần xa. Con đường vào xã Phú Thịnh được trải nhựa bóng loáng ít xe đi lại, chúng tôi vừa đi vừa ôn lại những đoạn đường mà ngày xưa thường vào lấy củi, lấy chuối cho lợn ăn, mới thấy cái thời ấy thật vất vả, đường rừng cheo leo, nào là dốc con voi, con rồng, dốc Yên Ngựa cũng cách nhà sáu, bảy cây số mà đi bộ vào tận nơi lấy được gánh củi, cây chuối mang về, lên rừng vớ được cái gì thì ăn cái ấy, khát đã có nước suối. Càng đi sâu vào phía trong, không khí càng thoáng đãng và mát mẻ, hai bên đường ngoài nhà dân, còn toàn là cây công nghiệp, xen lẫn những ruộng lúa, nương ngô, tạo nên một cảnh thanh bình của miền rừng núi.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới đường rẽ vào thôn Mỹ Lộc. Con đường nhỏ chỉ rộng ba mét, đã được bê tông hóa từ Dự án 135. đường ngoằn ngoèo khó đi, những đoạn cua, đèo dốc, xen lẫn cây rừng là những khóm tre Bát Độ măng đang mọc lên tua tủa sau những cơn mưa rào, mạch nước từ đỉnh núi chảy xuống, những đàn gà, đàn ngan của người dân thả rông đang mải miết kiếm ăn, những thửa ruộng lúa đã xanh đồng, và đặc biệt gần như nhà nào cũng có ao thả cá. Vườn rau, vườn cây ăn quả. Đi hơn ba cây số đường rừng, chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Tư, nghe tiếng xe máy cả hai ông bà chạy ra đón chúng tôi. ông Tư người nhỏ bé đã ngoài bảy mươi tuổi, đon đả:

- Tưởng không vào, vợ chồng tôi đang luộc măng cho hai chú rồi đây này.

- Vào chứ anh, đã hẹn rồi mà. Tôi đáp lời.

Chúng tôi ngồi ngay chiếc bàn kê ngoài sân. Khoảng sân rộng rãi thoáng mát, được lợp tôn chống nóng. Phía trước sân là vườn rau nhỏ, bên cạnh nhà là vườn ngô sắp cho thu hoạch, phía dưới những luống ngô là đàn gà, to có, nhỏ có, đang mải miết kiếm ăn. Sau tuần trà ông Tư nói:

- Đây, xuống đây xem bà nhà tôi luộc măng, xong rồi phải nhờ hai chú một việc đấy nhé.

Theo chân ông Tư, chúng tôi sang chái nhà, một nồi quân dụng loại to, đầy ắp măng đang sôi sùng sục, vợ ông Tư cười:

- Chỉ khoảng hai mươi phút nữa là được.

Tôi hỏi:

- Luộc nhiều thế này không sợ bị he hả chị?.

- Có bí quyết cả đấy, này nhé: Muốn măng không bị he mà vàng đều, ngoài việc đun kỹ còn phải cho một nắm lá mướp là xong, không bị he tí nào.

Trong lúc đợi măng chín, ông bạn tôi tranh thủ sửa mấy ổ cắm điện, còn tôi được ông Tư dắt đi quanh nhà ngắm nghía, ông chỉ lên những núi đồi xung quanh, ôi chao một màu xanh bát ngát mênh mông. Ông nói ở trên đỉnh đồi toàn là keo, phía dưới là tre Bát Độ, rồi ông tâm sự:

Trước kia thôn tôi có tên là thôn Cà, khổ lắm đường đi lại khó khăn, chủ yếu là trồng sắn, rồi sấy khô bán ra thị trường, mỗi lần ra đến ngoài đường, nắng thì cũng phải mất đến hai giờ, còn mưa thì không đi nổi. Là một thôn khó khăn của xã, của huyện, đã đói nghèo bao giờ cũng đi cùng tệ nạn xã hội, nào là trộm cắp, cờ bạc, rượu chè. Phá rừng là chủ yếu, nhưng từ khi có thay đổi cơ chế giao đất giao rừng, lại có đường bê tông của Dự án 135, dần dần cũng thay đổi hẳn. Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền, chúng tôi chuyển đổi cây trồng, thay vì chỉ có sắn, ngô, phá ròng thì trồng cây công nghiệp, lấy cây keo là chủ yếu. Nhưng trồng keo cũng phải từ tám năm trở lên mới đủ độ tuổi để thu hoạch, nghèo vẫn hoàn nghèo. Xong qua sự tìm hiểu và hướng dẫn của các cấp chính quyền, nhân dân ở đây tận dụng những mảnh đất trống của đồi núi, trồng thêm tre Bát Độ, nhờ đất tốt lại có mạch ngầm, nên chỉ ba năm đã có thu hoạch, nhà nọ bảo nhà kia nên cho tới nay, mọi người mọi nhà đều trồng cây công nghiệp và tre Bát Độ, lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo thu nhập trước mắt và làm giàu lâu dài, an ninh trật tự được giữ vững, cán bộ huyện, xã và công an thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, các tệ nạn xã hội giảm hẳn, mọi người đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, cùng phát triển kinh tế. Rồi ông hào hứng chỉ về phía các ngọn núi:

- Ở phía trên là cây công nghiệp, đều có đường ô tô, khi đến độ tuổi khai thác, xe lên tới tận đỉnh luôn, công nhân chỉ việc cưa cắt, chuyển lên xe. Còn phần ngọn, phần cành chúng tôi tận thu về làm chất đốt quanh năm. Đến khi trồng mới thì các hộ trong thôn giúp nhau hết nhà này đến nhà khác, thu nhập cũng khá. Phần dưới chân đồi núi, xung quanh đều trồng tre Bát Độ, chủ yếu lấy măng thu nhập hàng năm như vợ chồng tôi có mấy ha rừng, ngoài cây công nghiệp, mỗi năm cũng thu hoạch được mấy tấn măng đấy, đến vụ thương lái mọi nơi đánh cả ô tô đến mua, đi bán các chợ hoặc mang về xuôi, nhiều khi không có măng để bán. Còn hằng năm, khi có ngày hội ngày lễ, ngày Tết thôn tôi vui như trảy hội, nhà thì mổ lợn, mổ trâu, mổ bò, tát ao, mọi người ở nơi khác đến mua rất đông, ai cũng thích vì toàn hàng thực phẩm sạch.

Chị có vẻ trẻ hơn anh nhiều đấy, tôi nói ông cười

móm mém:

- Chả giấu gì chú, bà ấy là bà hai của tôi đấy, bà cả nhà tôi khi sinh cháu thứ tư, không may bị bệnh nặng qua đời. Cuộc sống lúc ấy quá vất vả, con còn thơ dại, nhân một dịp có việc về quê tận Nam Định, cơ duyên thế nào mà gặp được bà ấy, rồi nên duyên vợ chồng, đưa nhau lên đây sinh sống, có thêm được một thằng cu nữa. - ông nói trong niềm vui xen lẫn tự hào: Năm đứa con tôi đều khá cả, hai đứa con gái xây dựng gia đình nơi xa. Thằng út học xong, đi bộ đội, rồi ra quân, bây giờ làm cho một tập đoàn ở dưới xuôi, thu nhập khá cao. Còn hai thằng ở trong thôn, mỗi đứa ở một quả đồi, nhà cửa khang trang, vườn rừng rộng, được cái vợ chồng nó đều chịu khó, lại có sức khỏe nên kinh tế phát triển lắm, hàng năm thu nhập đến hơn chục tấn măng, năm vừa qua cả hai đứa đều mua được ô tô con, mà mới đập hộp luôn nhé. Trong thôn nhiều nhà cũng mua xe, làm nhà mới từ rừng đồi đấy. Ông nói tiếp, cuộc sống của gia đình tôi nói riêng, cả thôn này nói chung kinh tế phát triển, mọi người, mọi nhà đều yêu thương, sẵn sàng chia sẻ trong cuộc sống, nói gì thì nói, mọi thứ đều tự túc được cả, này nhé gạo lúa ở mộng, gà lợn ở trong chuồng, cá ở dưới ao, rau ở vườn và trên rừng, cần lúc nào, cần cái gì, có thứ đó mà toàn đồ sạch thôi. Điện, nước đầy đủ kể cả mạng Internet, thỉnh thoảng mới phải ra thành phố giải ngố một tí, nhưng chủ yếu mua muối, súp, mì chính, nước mắm thôi.

Tôi hỏi:

- Cuộc sống đã khác xưa nhiều, kinh tế ngày càng phát triển, an ninh trật tự được giữ vững, sắp tới thôn mình có định hướng gì mới không?

Ông Tư cười:

- Có chứ, chúng tôi đang tiếp tục chuyển đổi cây trồng đấy, mọi người đang tính có một số khu vực rừng sẽ chuyển sang trồng quế, cây quế hợp với đất này, cũng chỉ vài năm là cho thu hoạch, mà thu hoạch lâu dài đỡ phải trồng đi trồng lại, nhiều hộ trong thôn cũng đang trồng, riêng vợ chồng tôi từ đầu năm tới nay đã trồng được hơn hai ngàn cây quế rồi đấy, năm tới sẽ phấn đấu trồng vài ngàn cây nữa, chỉ vài năm nữa thôi chú vào thì khác biết.

Tôi xen vào: - Em thấy đất rừng ở đây rộng và mát, hợp với những cây dược liệu đấy.

- Hay, ý kiến của chú, chúng tôi sẽ bàn bạc với thôn, nếu được phải nhờ các chú nhiều đấy, trồng loại dược liệu nào, cây giống ra sao, đầu vào, đầu ra như thế nào, nếu được thì cả vùng này lại có thêm bao nhiêu thu nhập ấy chứ.

Rồi ông đưa tôi lên quả đồi sau nhà đi qua những bụi tre Bát độ, ối trời toàn là măng, cây cao, cây thấp. Ông nói chỉ thu hoạch những củ măng to thôi, còn măng nhỏ để nó phát triển những cây già quá thì lại chặt bán cho cánh thợ xây làm giàn giáo hoặc làm chuồng trại chăn nuôi, bền phải biết. Lên gần tới đỉnh đồi tôi muốn thở không ra hơi, còn ông vẫn đi nhanh thoăn thoắt, ông dừng lại nói với tôi: - Đây là keo mới bốn tuổi chưa khai thác được và chỉ sang ngọn đồi bên cạnh đồi kia keo mười tuổi rồi đấy, đã có người đặt mua chỉ đợi đến tháng 11 khi hết mưa bão, đường dễ đi là họ đến khai thác, vợ chồng tôi lại có thêm một món tiền. Ông đưa tôi sang một quả đồi khác giới thiệu: - Đây là quế đấy, nhà tôi trồng hơn hai ngàn cây nhưng thiếu kinh nghiệm nên chết mất một ít, trồng từ đầu năm mà cây quế đã lên bằng đầu gối rồi, thích không?. Ở đây chỉ sợ không có sức mà làm giàu thôi.

Trở về nhà lại ngồi uống nước vẫn nụ cười mủm mỉm của người móm, ông kể buồn cười lắm: - Ngày xưa thôn tôi được gọi là thôn Cà, sau này khi kinh tế phát triển chúng tôi họp dân lại và đề nghị với huyện, đối thành tên Mỹ Lộc ý nghĩa lắm đấy.

- Khi em vào tới đầu thôn đã thấy một nhà thờ ở đấy, ở đây cũng nhiều người theo đạo à, anh?.

- Đúng vậy, ở thôn này có sáu mươi lăm hộ dân, thì gần một nửa là theo Đạo, chủ yếu là dòng họ Trần từ Nam Định, Vụ Bản lên khai hoang từ những năm 70. Trước đây mỗi lần đi nhà thờ, họ phải đi vài cây số cũng rất vất vả. Từ khi kinh tế phát triển, bà con giáo dân vận động đóng góp, xây nhà thờ họ được đẹp đẽ khang trang, cứ vào sáng thứ bảy hoặc các ngày lễ, các giáo dân về làm lễ. Ngoài ra còn gặp gỡ trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế, mọi người đoàn kết yêu thương nhau. Chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhắc nhở, uốn nắn những thiếu sót còn tồn tại thực hiện đúng làm sao cho tốt đời đẹp đạo. Ngoài ra thôn chúng tôi còn đóng góp xây nhà văn hóa, cùng Nhà nước xây dựng trường mầm non cho các cháu. Còn nữa, với núi rừng trùng điệp này, được thiên nhiên ban tặng, cũng còn rất nhiều cây thuốc quý, chúng tôi vừa khai thác vừa bảo vệ để còn sử dụng lâu dài cho thế hệ mai sau.

- Bác người nhỏ thế này mà làm rừng cừ thế?.

- Quen từ hồi nhỏ rồi chú à, trước kia đi bộ đội, sau chuyển sang thanh niên xung phong, rừng núi là nhà, là bạn và bây giờ bà xã nhà tôi làm là chính. Bà ấy chịu thương chịu khó lắm, không lúc nào ngơi tay, cóp nhặt vun vén cho gia đình.

Đang mải chuyện thì vợ ông gọi, nồi măng luộc đã chín, chúng tôi mỗi người một tay vớt măng rồi xả nước lạnh vào.

Tôi thấy ống nước chảy vào bể tràn hết ra ngoài liền nói:

- Nước tràn bể rồi, tắt đi.

Ông Tư tủm tỉm cười:

- Nước mạch trên núi đấy, chảy chán cả ngày lẫn đêm, chảy cả năm không hết. Ở đây nhiều nhà bắt nước nguồn trên núi về sử dụng, nước chảy xuống ao nuôi cá rất nhanh lớn, còn ao lại thông ra ruộng, ra mương tạo thành dòng suối nhỏ của thôn đấy. Rồi ông bảo bà vợ, bà ra sau nhà lấy mấy cây măng cho hai chú về ngâm chua. Tôi đi theo chị, chị cầm con dao nhọn hai lưỡi, chọn những củ măng to, chọc vào gốc lắc đi, lắc lại hai bên, rồi rút củ măng lên, động tác rất thành thạo. Tôi nói: Măng to nhỉ, chị cười đáp: Có cây măng to nhất, tôi cân thử được tám kilôgam đấy chú ạ.

Chị mang mấy cây măng để ngoài sân rồi nói với tôi. Thôi kệ, các lão ấy sửa điện, anh em mình xuống ao câu mấy con cá để các anh mang về, chị vào bếp lịch kịch giã mồi, xách cần câu đi ra đưa tôi một vỏ thùng sơn to, anh cứ để em câu còn anh ngồi gỡ cá nhá, cá rô phi đơn tính nhà em nuôi được gần một năm rồi, nhưng chỉ bằng bốn ngón tay, vì không cho ăn tí thức ăn tăng trọng nào cả, chắc và thơm lắm. Ao nhà chị rộng chừng hơn một trăm mét vuông, được kè đàng hoàng có nước lưu thông, bờ ao có bắc một chiếc cầu, chị nhanh nhẹn mắc mồi cứ thả xuống là giật lên những chú rô phi háu ăn giẫy đành đạch, chỉ hơn mười năm phút chị đã câu được hơn hai cục con, quấn cần câu lại, chị nói: Thôi tạm thế đã, cũng gần trưa rồi, mình vào ăn cơm đã.

Lên nhà rửa chân tay xong thì cũng là lúc ông bạn tôi và anh Tư cũng xong công việc, người thì trải chiếu, người bê mâm, bê nồi lên, tôi ngạc nhiên hỏi: Anh chị chuẩn bị lúc nào mà nhanh thế?. Ông tư cười hề hề khi nghe các chú điện đang vào vợ chồng tôi đã chuẩn bị rồi, thực phẩm đều sẵn trong tủ lạnh, chỉ thịt mỗi con gà, câu con cá trắm ăn cho tươi thôi.

Chiếc chiếu được rải giữa gian khách, tôi tranh thủ quan sát vận dụng trong nhà, quả nhiên không thiếu một thứ gì từ ti vi, tủ lạnh, bếp ga, xe máy đủ cả, thấy tôi quan sát, ông nói: Tôi già rồi chứ cũng dư tiền để mua ô tô đấy, rồi ông dắt tôi đi xem hai tủ lạnh nhé, cứ gọi là các loại thịt cá, chỉ mong có khách đến chơi.

Bữa cơm rất ngon mà đầm ấm, ông Tư rượu đã ngà ngà say, đột nhiên hát một câu trong bài “Lá đỏ” rồi cười:

- Nào nhà thơ, nhà văn góp vui đi.

Cũng ngà ngà say tôi mở điện thoại nói:

- Mời cả nhà nghe ca khúc Về bản em, thơ do em sáng tác, lấy cảm hứng mỗi khi vào đây đã được nhạc sĩ Phan Vũ Anh phổ nhạc và Đài truyền hình Tuyên Quang hòa âm phối khí cho nghệ sĩ biểu diễn.

Kết thúc bài hát có đoạn:

Chia tay hẹn mùa xuân em nhé

Mùa xuân sang anh về bản em

Ông nói: Không được phải thay là “cứ có dịp anh sẽ về bản em”, rồi cười khà khà với hàm răng đã rụng gần hết.

Chia tay ông bà Tư Thim. Tạm biệt thôn Mỹ Lộc, chúng tôi ra về vẫn con đường dốc quanh co, khúc khuỷu đất vẫn những cánh rừng bạt ngàn cây công nghiệp tre Bát độ và rừng nguyên sinh, tôi càng cảm thấy sự vất vả, chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây. Họ làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình, nơi mà thiên nhiên đã ban tặng, họ góp phần vào gìn giữ màu xanh cho đất nước và họ cũng chính là tinh hoa của núi rừng.

Đ.M.S

Tin tức khác