Kỳ Lâm một thời để nhớ

Thứ năm, ngày 29-02-2024, 09:26| 390 lượt xem

Ghi chép của Triệu Đăng Khoa

Minh họa của Lương Hiện

 

Kỳ Lâm trước Cách mạng Tháng Tám có tên gọi là Phong Túc thuộc Tổng Bắc Lũng. Tương truyền rằng ngày xưa có hai vợ chồng từ đâu đó chạy giặc giã, mang theo bốn người con tản cư lên đây để tìm nơi sinh sống. Đến vùng đất này thấy phong cảnh hữu tình, đất đai phì nhiêu, lòng người nhân hậu nên đã quyết định dừng chân sinh cơ lập nghiệp. Bốn người con của họ sau này đều lấy vợ là người địa phương và sinh sôi, nảy nở thành xóm, thành làng.  Khi hai ông bà đó mất, làng xóm và con cháu đưa hai ông bà lên yên nghỉ tại một gò đồi cao, nhìn xuống dòng sông và cánh đồng phía trước mặt. Sau này đồi đó được gọi là đồi Mả Tổ. Đồi Mả Tổ chỉ cách cầu Sắt Sơn Dương chừng 300 mét.

Năm 1954, chính quyền cách mạng thành lập đơn vị hành chính mới, ra đời xã Kỳ Lâm, bao gồm bốn thôn: Kỳ Lâm, Bắc Lũng, An Đinh, Thịnh Tiến. Cái tên Kỳ Lâm đã đi ròng rã suốt 40 năm lịch sử. Năm 1944 xã Kỳ Lâm được nâng cấp lên thành thị trấn, lấy tên là thị trấn Sơn Dương. Các thôn đều thay đổi tên, riêng Kỳ Lâm vẫn còn giữ lại thành tổ dân phố như bây giờ.

Một thời để nhớ

Tôi sinh ra và lớn lên ở cái làng nhỏ bé thân thương ấy. Và mỗi mảnh đất, mỗi con người đều in đậm trong ký ức của tôi, những kỷ niệm không bao giờ phai. Tôi đã được mẹ kể về những ngày giặc giã thời Pháp, thời Nhật. Dân làng phải bồng bế con cái vào rừng sâu để tránh những cuộc càn quét, bắt bớ. Kể về sự cưu mang của dân làng với những người từ miền xuôi chạy ngược trong trận đói năm 1945… Nhưng có lẽ đi sâu vào ký ức của tôi nhất chính là thời kỳ chống Mỹ cứu nước gian khổ, từ năm1966 đến1975.

Đây là thời kỳ giai đoạn khó khăn nhất, ác liệt nhất của cả dân tộc. Giặc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá ra toàn miền Bắc hòng làm suy yếu hậu phương và chặn sự tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Tất cả những cầu đường, nhà máy, xí nghiệp thậm chí là cả làng mạc và trường học đều là mục tiêu ném bom của kẻ thù. Lúc đó con đường 13A nối từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên là con đường độc đạo. Những chiếc xe quân sự và dân sự đều phải đi qua con đường này. Cầu sắt Sơn Dương - cây cầu duy nhất nối hai bờ sông Đáy, đi qua địa phận Kỳ Lâm, trở thành mục tiêu hằng ngày của máy bay Mỹ. Chúng muốn cắt đứt huyết mạch của ta chi viện cho tiền tuyến.

Cả xã Kỳ Lâm lúc bấy giờ cũng trở thành điểm nóng khi mà máy bay Mỹ thường xuyên ném bom, bắn rốc két rải bom bi hằng ngày. Trong tình hình ấy, các trường học cấp 1, 2, 3 đều được sơ tán triệt để. Rừng Kỳ Lâm lúc đó trở thành bức tường xanh che chắn cho các cháu học hành. Ngòi Mấy, ngòi Chì, Khuân Hân, Khuân Khuỷa… là những địa danh mà các thế hệ học trò thời bây giờ mãi ghi trong ký ức. Tôi còn nhớ ngày ấy có một đơn vị chủ lực trên đường vào Nam đã về Kỳ Lâm đóng quân tại chân núi Sồi. Quân số có thể lên tới một Trung đoàn. Tất cả sinh hoạt dưới tán cây rừng bạt ngàn, tuyệt đối an toàn. Máy bay Mỹ ngày nào cũng bay qua, nhưng không thể phát hiện ra. Đêm đêm, đội văn nghệ của Chi đoàn thôn Kỳ Lâm vẫn soi đèn bão vào biểu diễn và giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Tình nghĩa quân dân gắn bó. Khi đơn vị vào Nam chiến đấu, nhiều chiến sĩ vẫn gửi thư về cảm ơn con người và và rừng núi Kỳ Lâm đã cưu mang, che chở. Nhiều cựu chiến binh sau chiến tranh trở về vẫn còn nhắc đến núi rừng Kỳ Lâm thủa ấy.

Mùa thu 1967, một đơn vị tên lửa phòng không đã đến đóng quân tại xã Kỳ Lâm, xung quanh cầu sắt Sơn Dương. Các khẩu đội cao xạ được đắp ụ trên cánh đồng Cả. Những quả tên lửa dài hàng chục mét được giấu kín bằng lá ngụy trang. Trong đơn vị có ba chuyên gia Cu Ba, họ được bố trí ở hầm chỉ huy đóng ngay cạnh trạm xá xã, cách cầu sắt Sơn Dương chừng 200 mét. Anh chị em dân quân ở thôn Kỳ Lâm được lệnh sẵn sàng phục vụ chiến đấu.

Hôm ấy tầm 9 giờ sáng, trời mùa thu trong xanh. Cũng như bao ngày khác, giờ này hàng tốp máy bay Mỹ từ hướng Nam lần lượt vút qua bầu trời Sơn Dương. Nhưng  khác những lần trước, lần này chúng quay lại lập tức bị bộ đội ta tấn công. Những quả càng cao xạ như hoa trên bầu trời, bủa vây lũ “thần sấm” “con ma”. Những quả tên lửa đỏ rực vút lên trời xanh, bám đuôi máy bay Mỹ. Và trên bầu trời xuất hiện những bó đuốc khổng lồ, đó chính là máy bay của Mỹ bị dính đạn, bốc cháy. Trong cuộc chiến này sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam loan báo đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắt sống phi công Mỹ nhảy dù tại núi Ma Cang thuộc xã Kỳ Lâm. Cầu sắt Sơn Dương được bảo vệ, không bị trúng bom và những chuyến xe quân sự vẫn nối đuôi nhau đi xuôi Thái Nguyên, vào Nam chiến đấu.

Trong trận này bộ đội ta cũng có các chiến sĩ hi sinh. Đặc biệt là Tổ chuyên gia Cu Ba đã bị rốc két của địch bắn trúng hầm và một chuyên gia Cuba đã hi sinh anh dũng. Máy bay trực thăng sau đó đã đưa chuyên gia của Cu Ba về Hà Nội, xong những giọt máu của ông đã đổ xuống mảnh đất này và ghi vào lịch sử. Về dân thường, trong trận chiến đấu này tôi cũng có một người anh trai họ chết vì bom bi, để lại đàn con nhỏ.

Trong chiến tranh ác liệt, trong sự khó khăn của tình hình kinh tế lúc bấy giờ, người Kỳ Lâm vẫn một lòng sắt son theo Đảng. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, người dân Kỳ Lâm đã làm tròn nghĩa vụ lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Con em Kỳ Lâm nô nức lên đường nhập ngũ, hòa vào những đoàn quân ra trận. Nhiều người con ưu tú của Kỳ Lâm đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, trong đó có anh hùng liệt sĩ Lương Sơn Tuyết. Anh là người duy nhất của huyện Sơn Dương được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Mỹ.

Viết tiếp sự tích giếng Đôi

Sự tích kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau. Chàng người Kỳ Lâm, Nàng là người Bắc Lũng. Họ muốn đi đến hôn nhân nhưng đôi bên gia đình ngăn cản bởi một lời nguyền từ xa xưa để lại. Đó là trai Kỳ Lâm không được lấy gái Bắc Lũng. Bị tập tục ngăn cản nhưng đôi trai gái vẫn quyết không rời nhau. Vào một đêm trăng sáng, họ rủ nhau ra bãi đất cạnh làng, ngồi bên nhau tâm sự. Và sau cái đêm ấy, hai bên gia đình không thấy họ về. Cả dân làng cũng chẳng bao giờ nhìn thấy họ nữa. Kỳ lạ thay, một thời gian sau ở bãi đất đấy bỗng đùn lên hai mạch nước trong vắt. Dân làng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ vì có nguồn nước uống. Họ bảo nhau vào rừng chặt những cây gỗ lim, xếp thành hai cái giếng, gọi là giếng Đôi, giếng Đôi rất đặc biệt. Mùa hè nước mát rượi và mùa đông nước ấm áp, bốc hơi nghi ngút. Giếng Đôi được linh thiêng hóa khi người làng truyền tai nhau những hiện tượng lạ vào những đêm khuya vắng. Các bậc cha mẹ thường cấm con em mình ra giếng Đôi chơi vào buổi đêm. Chỉ có thanh niên nam nữ, những đôi yêu nhau đêm đêm họ mới ra giếng trong đêm hôm khuya vắng. Trẻ em trong làng mỗi khi nóng sốt, các bà mẹ đều mang hương ra giếng khấn vái và gọi vía con về.  Mẹ tôi cũng đã nhiều lần gọi vía cho anh chị em tôi như thế.

Giếng Đôi được người dân trong làng gọi với cái tên thân thiết là giếng Làng. Nó là nơi duy nhất để hơn năm mươi nóc nhà cùng nhau đến đây gánh nước về nhà. Cũng là nơi thanh niên nam nữ trong làng gặp nhau, hẹn hò và nhiều đôi đã thành vợ thành chồng.

Ngày ấy có một đơn vị lâm nghiệp vì đóng tại Kỳ Lâm để chăm sóc và giữ rừng. Đoàn có nhiều cô gái trẻ măng và tuổi xuân phơi phới. Anh Lương Sơn Tuyết lúc bấy giờ cũng là chàng trai trẻ trong làng, tuổi mười tám, đôi mươi. Nhà anh ở cạnh giếng Làng. Ngày ngày anh ra giếng gánh nước và một hôm tình cờ làm quen với một cô gái xinh đẹp của tổ Lâm nghiệp, tên là Ma Thị Thanh. Họ yêu nhau và cuối cùng thành vợ, thành chồng. Thế rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Anh Tuyết phải lên đường nhập ngũ, mà họ chưa kịp có với nhau một đứa con. Trước hôm lên đường hai vợ chồng dắt tay nhau xuống giếng Làng để ôn lại kỷ niệm và cũng để nói với nhau những lời thề tình yêu chung thủy. Anh Tuyết vào bộ đội, ngược đường lên Tây Bắc để Sang mặt trận nước bạn Lào. Nhận được thư báo anh Tuyết chuẩn bị ra mặt trận, chị Thanh quyết định đi từ nhà lên Tây Bắc gặp anh và quyết tâm của chị được đền đáp. Hai người có ba ngày ở bên nhau. Điều thiêng liêng là tình yêu của họ đã nở hoa kết trái. Khi trở về chị đã mang trong mình giọt máu thiêng liêng, mà sau này sinh hạ được đứa con gái.

Anh Lương Sơn Tuyết lên đường chiến đấu trên các bạn Lào. Một ngày đầu tháng 9/1967, Lương Sơn Tuyết cùng các đồng đội chiến đấu dũng cảm và hi sinh trên điểm cao Phu Kẹng. Hôm ấy địch dùng bộ binh kết hợp với pháo binh với lực lượng hùng hậu, tấn công lên điểm cao do đại đội 5 của anh chiếm giữ. Quân số của ta ít đối chọi với một lực lượng đông gấp bội của địch, phía ta hi sinh gần hết và cuối cùng chỉ còn một mình Lương Sơn Tuyết bất ngờ dùng Ak, lựu đạn bắn xối xả vào đội hình địch. Bị bất ngờ phải tháo chạy. Tuy nhiên sau đó anh cũng đã hy sinh anh dũng. Ngày 25/8/1970 liệt sĩ Lương Sơn Tuyết - người con của Kỳ Lâm đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Giữ gìn truyền thống quê hương

Trong công cuộc đổi mới đất nước và cơn lốc của kinh tế thị trường đã làm mất đi một số những giá trị văn hóa. Người ta quan tâm đến kinh tế mà quên đi những giá trị cội nguồn. Kỳ Lâm cũng không ngoại lệ. Tôi đã từng hỏi một số thanh thiếu niên trong làng: Có biết gì về Anh hùng liệt sĩ Lương Sơn Tuyết? Một số lắc đầu bảo: Chỉ nghe mang máng!. Từ ngày người dân dùng nước khoan hoặc nước của nhà máy nước thì Giếng Làng cũng dần bị lãng quên. Bùn đất lấp dần, cỏ mọc quanh giếng.

Ông Lương Nguyên Nghĩa là em trai ruột của anh hùng Lương Sơn Tuyết, năm nay 76 tuổi. Ông là một trong số ít các cụ cây cao bóng cả trong làng. Ngày anh Tuyết đang chiến đấu ngoài mặt trận thì ông Nghĩa đang là công nhân lái phà ở bến phà Bình Ca. Nơi đây cũng là trọng điểm ác liệt do máy bay Mỹ đánh phá hàng ngày. Bởi đó là bến phà độc nhất nối Tuyên Quang và Sơn Dương. Sau những năm đối mặt với sinh tử, hòa bình ông lại quay trở về quê hương Kỳ Lâm, tiếp tục cầm cày cầm cuốc, xây dựng cuộc sống mới. Ông thường hay tới nhà tôi chơi nhâm nhi chén rượu và nhớ về quá khứ. Nhắc về câu chuyện Giếng Làng, ông bảo: Giếng Làng tức là hồn làng và ông đọc hai câu thơ trong bài thơ của ông:

“Giếng Đôi của làng như đôi dòng sữa mẹ

Nuôi lớn bao thế hệ thành người”

Và ông bảo: “Thế hệ chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và khôi phục Giếng Làng để mãi mãi cho con cháu chúng ta”.

Nắm bắt được nguyện vọng của dân làng, đặc biệt là của thế hệ người cao tuổi. Bí thư Chi bộ lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Vy bàn bạc cùng Tổ trưởng Tổ dân phố Triệu Huy Đăng họp dân lấy ý kiến. Kết quả thật bất ngờ, đại đa số người dân ủng hộ việc khôi phục giếng Làng. Những người con của Kỳ Lâm, đã đi làm ăn sinh sống từ Nam ra Bắc nghe tin cũng gửi tiền về ủng hộ. Chỉ trong gần một tháng, công trình cải tạo giếng Làng đã hoàn thành. Hai chiếc giếng được nạo vét, xây lại sát bên nhau. Dòng nước mát lại phun lên xanh biếc. Những ngày nắng hè, giếng nước lại vang lên tiếng nô đùa của con trẻ. Có một lần nhà văn Vũ Xuân Tửu xuống nhà chơi. Biết ông là người rất trọng tình quê, tôi dẫn ông ra xem Giếng Làng. Nhìn thấy Giếng Đôi và được khỏa tay xuống dòng nước mát, ông bảo: “Đây mới đích thực là cội nguồn văn hóa làng quê”.

Từ hơn năm mươi nóc nhà gỗ lợp tranh vách nứa, giờ đây Kỳ Lâm đã có gần 300 nóc nhà, toàn nhà xây kiên cố, có nhà cao 3 - 4 tầng. Con đường làng ngày xưa lầy lội, nát dấu chân Trâu được thay thế bằng con đường bê tông rộng 5 mét. Và con đường này được đặt tên là đường Lương Sơn Tuyết - người con của quê hương Kỳ Lâm, người lính Anh hùng của đất nước. Hơn 90% hộ dân của Kỳ Lâm được công nhận là gia đình văn hóa. Rất nhiều con em của Kỳ Lâm đỗ đạt vào các trường đại học, trở thành các kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo… Có em vào trường quân sự, tiếp nối con đường vinh quang của Anh hùng Lương Sơn Tuyết. Đất lành chim đậu, ngày càng có nhiều người tìm đến Kỳ Lâm chọn làm nơi sinh sống, tạo nên một vùng quê đa văn hóa, đa nghề nghiệp trong một xã hội văn minh, tiến bộ. Dù vậy Kỳ Lâm vẫn giữ được những nếp sống đẹp của làng xã vùng quê. Họ yêu thương đùm bọc nhau trong nếp  nghĩ: “Nghĩa tử, nghĩa tận”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Kỳ Lâm - mảnh đất nhỏ bé nhưng mang trong mình nhiều dấu tích lịch sử mà không phải nơi nào cũng có được. Xã Kỳ Lâm xưa giờ đã lên thị trấn. Tổ dân phố Kỳ Lâm đang cùng với 25 tổ dân phố trong thị trấn phấn đấu xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với thị trấn trung tâm của huyện Sơn Dương - huyện Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Kỳ Lâm một thủa, ai còn nhớ ai, ai đã quên? Nhưng với tôi nó mãi mãi là ký ức đẹp trong suốt cuộc đời!

T.Đ.K

Tin tức khác