Bút ký dự thi của Đỗ Anh Mỹ
Nhà trên sông Lô. Tranh sơn dầu của Lê Cù Thuần
Rộn ràng Lễ hội Trung thu Thành Tuyên nhắc ông Tâm một lần trở lại miền lau, nhớ lại những kỷ niệm của cha anh đánh chìm tàu chiến Pháp trên dòng Lô Giang. Ông bồi hồi dừng chân trên cầu Bình Ca, cây cầu bắc qua dòng Lô nối con đường Hồ Chí Minh, con đường chạy dọc Trường Sơn lên Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Làn gió Đông - Bắc thổi khí lạnh đầu mùa từ ATK (An toàn khu) ra, đem theo hương sắc của hạt gạo đặc sản La Khai, hương vị Tâm trà Vĩnh Tân, trà xanh Trung Long, trà Hữu cơ Trung Yên, trà Ngọc Thủy, sản phẩm làm ra từ bàn tay những người lao động mới các xã Minh Thanh, Trung Yên, Tân Trào, Kim Quan, Đạo Viện. Những cái tên nghe đã thành danh hưởng ứng chủ trương Mỗi xã một sản phẩm “OCOP”.
Lô Giang hôm nay, nước chảy hiền hòa. Hai bờ xanh ngát những rừng cây. Sóng dạt dào vọng lên bản “Trường Ca Sông Lô” của nhạc sỹ Văn Cao, với giọng ca trong sáng, hào hùng, khắc vào ký ức người nghe của các ca sỹ Quang Thọ, Quý Dương, Ánh Tuyết: “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu. Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang, Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa”. Đoạn này, tác giả đã hai lần có cảm xúc, nhắc tới bờ lau. Bờ lau ngày ấy nay chỉ còn những bụi lau lưa thưa trang điểm cho con đường.
Hai chữ Bình Ca gợi nhiều kỷ niệm. Những năm cách mạng chưa giành được chính quyền, trai tráng cả nước lên rừng tìm “cháo bẹ rau măng”. Cách mạng Tháng Tám thành công tiếp đến cuộc kháng chiến chín năm đánh Pháp, đuổi Nhật, “chăn sui đắp cùng”, mà hào kiệt khắp nơi nườm nượp qua bến Bình Ca, sang châu Tự Do tụ nghĩa, gia nhập đoàn quân cách mạng. Châu Tự Do, tên gọi của châu Sơn Dương, nơi bà con nổi dậy, đi theo cách mạng giành chính quyền, lập chiến khu liền một dải từ hữu ngạn Sông Lô sang Thái Nguyên, lên Cao Bằng, Bắc Kạn. Cờ đỏ sao vàng rực rỡ bờ lau. Châu Tự Do trở thành niềm tự hào của miền quê được giải phóng, quê hương độc lập tự do, niềm mơ ước, khát khao trong ánh mắt của người dân tả ngạn sông Lô còn nằm trong vùng địch chiếm đóng.
Trên cầu, nhìn về xuôi, một ngọn tháp trắng hiện ra, sừng sững tạc vào muôn xanh trên bến Bình Ca xưa, là Tượng đài chiến thắng Sông Lô, tưởng nhớ chiến dịch Thu - Đông năm 1947. Đã có năm, ông Tâm hồi hộp đặt chân lên đất bến phà chất đầy dấu ấn lịch sử, mong thấy lại con tàu chiến của viễn chinh Pháp đã bị Vệ quốc quân đánh chìm trong chiến dịch Thu - Đông, xem con tàu đã bị cha ông ta đánh đắm như thế nào, để được biết thêm nghệ thuật chiến tranh của ông cha ngày ấy. Con tàu đã nghe, được trục vớt lên chục năm nay. Ông mơ màng nghĩ về một bảo tàng trên bến Bình Ca trưng bày con tàu chiến Pháp bị quân ta đánh đắm, với tất cả những gì tìm thấy trong boong, đón du khách thập phương, du khách từ nước Pháp, về chiêm ngưỡng.
Nhớ lại Chiến dịch Thu - Đông năm ấy, sau khi nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội (tháng 12-1946), Thực dân Pháp điều xe, kéo pháo lên Việt Bắc, toan tính “nước pháo lồng, xe lệch” tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng, chính quyền non trẻ của ta. Địch chia làm ba mũi: Một, từ Lạng Sơn kéo lên Cao Bằng, đánh xuống Bắc Kạn. Một, nhảy dù xuống Chợ Đồn, Chợ Mới, hợp với cánh quân từ Cao Bằng về đánh chiếm Thái Nguyên. Mũi thứ ba, chia làm hai ngả. Một, theo đường Sông Hồng, Sông Lô lên Tuyên Quang. Một, từ Bắc Kạn bí mật đi theo con đường qua Chiêm Hóa xuống, tạo gọng kìm đánh úp chiến khu ta. Trên Quốc lộ 4, quân ta đón lõng, tiêu diệt đại quân Pháp ở đèo Bông Lau. Cánh bí mật luồn rừng theo đường Chiêm Hóa lại bị quân ta phục kích đợi sẵn, đánh cho tơi bời ở Cầu Cả, Yên Nguyên. Đường thủy, hơn chục ca nô, tàu chiến nối đuôi nhau, hùng hổ rẽ sóng ngược dòng Lô Giang, bị lực lượng ta căng ra, đánh chặn trên đoạn sông dài. Lửa cháy sáng rực bờ lau Đoan Hùng. Sau một tháng sa lầy ở Việt Bắc, quân Pháp đành lên ca nô, kéo còi tháo chạy, lại bị vệ quốc quân phục kích đánh ở Bình Ca. Nước cờ pháo lồng, xe lệch bị bắt bài. Năm 1950, sỹ tốt giặc lại bị đánh đau ở Đông Khê, lại thêm thua trận ở chiến dịch Biên giới. Thế cờ bị lật ngược, Pháp lúng túng, kéo tướng sỹ tượng, xe pháo mã lên Điện Biên Phủ, thách đố lại ta. Một tấn thuốc nổ đặt dưới hầm đồi A1 đã khai mồ cho chế độ thực dân trên đất Điện Biên, mở đường cho sự sụp đổ ách thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở ra sự sụp đổ của Chủ nghĩa Thực dân cũ trên toàn thế giới.
Qua Bình Ca, lại nhớ hai đặc sản, hai sản phẩm OCOP: Nhãn Thái Bình và Mật ong hoa nhãn. Nhớ năm đất nước hòa bình, năm 1960, nghe lời kêu gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ, kiều bào ta ở Thái Lan, Tân Đảo... đã trở về Tổ quốc, xây dựng quê hương. Một bộ phận bà con lên miền lau Thái Bình vỡ đất. Một miền “Bãi dài ngô lau, núi rừng âm u” đã nhường chỗ cho những rặng nhãn chạy dài. Vườn nhãn Thái Bình đến nay, nhiều cây đã có ngoài sáu mươi năm cắm rễ trên mảnh đất phù sa chứa đầy nguyên khí từ trên non ngàn, nghìn năm dòng Lô chở về, đã thành cổ thụ. Người lớn ôm thân cây không xuể. Những chùm rễ gân guốc, thân cành vạm vỡ, săn chắc; những chùm quả xum xuê hạt nhỏ, quả to, múi dầy, ngọt dịu, chả khác nhãn lồng Hưng Yên. Một thời, Thái Bình thành làng nghề làm long nhãn. Nhiều nhà làm long đã thành triệu phú. Nhà xây, xe máy, ô-tô cũng từ mồ hôi hai bàn tay quyện với khói lò long nhãn mà có. Nhãn Thái Bình nay được công nhận sản phẩm OCOP, nhưng chưa cạnh tranh được thị trường. Phải chăng, vì bà con chưa quan tâm nghệ thuật bao bì, nhãn mác, đóng gói, bao tiêu, nên nhãn vẫn bị rơi vào cảnh được mùa thì mất giá. Nhãn Sơn Dương năm nay, bán cả cây tại gốc năm ngàn một kí, ngoài đường, hai mươi ngàn. Trong khi nhãn có tem mác được đóng gói bắt mắt ở Hà Nội không dưới bốn chục ngàn đồng. Có năm, cây nhãn cổ thụ mấy chục năm tuổi bị đào gốc, bốc rễ chở về xuôi, trồng trên khuôn viên các biệt thự xanh. Những cành nhãn gân guốc, vạm vỡ, hình thù bắt mắt bị cắt ra làm vật cấy ghép phong lan.
Khu tam giác rừng lau ba xã xưa sỏi đá, nay được đầu tư cơ sở hạ tầng, thành khu công nghiệp trẻ. Cầu, đường, điện lưới được nâng cấp đón đợi các nhà đầu tư. Ông cha ta ngày xưa nghèo, vẫn nhớ, “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, nhưng cái khó bó cái khôn. Nghèo thì lấy vốn đâu ra. Nghe bên hàng xóm có câu: “Phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi thương bất hoạt,...”. “Nói phải, củ cải cũng nghe”. Nghị quyết của tỉnh đề ra lộ trình công nghiệp hóa, chắt chiu từng đồng vốn xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Long - Bình - An. Nay đã đón được ba doanh nghiệp đến đổ vốn đầu tư, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trẻ. Lại thêm nghị quyết, đưa chủ trương “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP” thúc đẩy hoạt động doanh thương; phát động loại hình du lịch Homestay đón du khách vào tận bản làng xa xôi hẻo lánh. Người dân có việc làm, có thêm thu nhập, việc mở đường, mở trường, mở trạm, xây nhà văn hóa thực hiện Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới mấy năm nay dễ như bóc bánh chưng Tết.
Mấy xã cận giang: Cấp Tiến, Đông Thọ, Quyết Thắng từ xưa heo hút. Ông chủ đồn điền, bác sỹ người Pháp mộ phu từ Nam Định, Thái Bình lên Nam Sơn Dương phá rừng, mở đồn điền chè, cà phê Kim Xuyên. Lao phu sợ vùng này khỉ ho cò gáy, nước độc, rừng thiêng, để mặc rừng lau âm u. Sau hòa bình, nhà nước mở nghề rừng phát triển kinh tế, mà bà con nơi này vẫn cam chịu vùng đất “Một ba lăm”.
Từ ngày thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện Mỗi xã một sản phẩm OCOP, nhất là từ sau Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, bà con các xã dọc miền lau, từ Cấp Tiến đến Trường Sinh cùng nhau hiến hàng ngàn mét đất mở đường bê tông liên thôn. Con đường liên xã chạy dọc dòng Lô sau bảy mươi bảy năm người Pháp thua trận bỏ về nước (1945 - 2022) nay đổ nhựa At-phan (Asphalt) thênh thang hiện đại. Hai bên đường mọc lên những chòm phố trẻ trao đổi giao thương các sản phẩm OCOP của vùng miền. Sản phẩm Bột nghệ Tiến Phát (Cấp Tiến), Xúc xích, Giò lụa, Thịt lợn Sáng Nhung (Đông Thọ), Mật ong Vân phủ, Vân Sơn, Bưởi Sáu ba (Chi Thiết), Mỳ gạo (Hồng Lạc), Dầu lạc (Trường Sinh). Nhờ thị trường OCOP thúc đẩy, ai cũng tranh thủ thời gian, tiết kiệm từng mét đất, biến từng giọt mồ hôi thành hàng hóa đặc biệt, có thêm thu nhập.
Con đường bê tông, at-phan hai làn xe chạy từ Quốc lộ 2, Km11 tắt sang miền lau, nối với cây cầu bê-tông, một đầu gối sang bến cảng An Hòa. Con đường dành cho xe có tải trọng lớn. Bên cầu nổi lên Khu công nghiệp mới khang trang, thiết bị hiện đại của Công ty cổ phần Giấy An Hòa đang làm giàu trên bến cảng bờ lau. Bến cảng ngày xưa thô xơ, gập ghềnh đá. Công nhân vừa sản xuất, vừa cầm súng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Lâu lâu mới có một xà lan vào cảng ăn đá chở về xuôi.
Con đường nhựa mới mở bám theo bờ sông, con đường liên xã về Trường Sinh mới năm nào ai cũng ngợi khen, nay bị mưa lũ, sóng xô, ngày đêm lở đất khoét bờ, gặm nham nhở mép đường. Một đoạn dài để lại vết nứt, muốn xé mặt đường hắt ra sông. Nhìn núi cát chất cao phía trên bến đò, ai nấy giật mình, lo cho số phận con đường, lo cho sự an toàn của người và xe ngày đêm qua đây, càng lo nhiều hơn cho số phận cây cầu thế kỷ An Hòa, cây cầu ngàn tỷ, nằm ngay khúc sông nước xoáy.
Ngỡ ngàng dừng chân trước bãi ngô, nhớ câu: “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng âm u…”. Thưa nhạc sĩ Văn Cao! Giả hôm nay cụ qua đây, chắc cụ sẽ đồng ý cho sửa thành: “Bãi dài xanh ngô, núi rừng xa xa”. Ông Tâm đang ngơ ngác tìm người hỏi thăm, thì một phụ nữ đi ủng, ngồi trên xe máy đời mới dừng xe, hỏi:
- Bác Tâm à. Bác đi đâu lại dừng xe ở đây!
- Cô Thành. Tôi “buồn ngủ gặp chiếu manh!” rồi. Thấy bãi ngô Cấp Tiến bạt ngàn, nhìn mát mắt quá, đứng ngắm tý. Nhà cô ở gần đây không?
- Nóc nhà bà ngoại em kia, ngay trong đê.
- Làm gì thấy nóc nhà nào. Tôi toàn thấy mái bằng cả lượt, cô!?
- Hì! Bác lẩm cẩm rồi. Nhưng bán cái lẩm cẩm của bác vẫn có giá đấy. Hì!
- Bãi ngô này, cô Thành biết bao nhiêu mẫu không?
- Thì bác tính thử đi. Rộng thì từ chân đê ra bến đò Đĩa đấy, bác.
- Phải mấy trăm mét, cô nhỉ. Thế còn chiều dài bao nhiêu?
- Chốc lên xe, bác để ý công-tơ-met xem thử. Đến tận chân đồi cây Đông Thọ đấy.
- Cám ơn cô Thành nhiều! Hôm này quay lại, tôi vào thăm cụ sau, nhé.
Chia tay Cấp Tiến, chia tay cánh đồng ngô bát ngát, rừng chuối bao la trồng theo hợp đồng bao tiêu của Công ty Chế biến hoa quả, ông Tâm vừa đi vừa nhớ lại lời cô Thành. Cô ấy nói đúng. Người nông dân khi được cầm tấm bìa đỏ nhận ruộng đất trên tay, khác gì năm xưa Chính phủ cải cách ruộng đất, bà con được ông đội phát cho tấm biển, tự tay đóng cọc, cắm trên thửa ruộng của mình, vẫn chỉ sợ mình mơ. Nay vận động người ta phá bờ, xóa ranh giới để đổi mới canh tác, đổi mới sản xuất, đâu phải dễ. Bao nhiêu xã, giờ mới thấy Cấp Tiến vận động thành công. Hôm nay, vẫn trên diện tích ấy, mỗi thửa phá bờ lại được thêm một rạch ngô dài gần cây số. Ngày trước, mỗi vụ làm đất, nhà nào có trâu bò kéo thì bình chân như vại, chả vội. Nhà không có sức kéo, phải chờ người ta gieo trồng xong mới mướn được trâu. Muộn thời vụ, cây ngô lèo tèo, cái bắp lép hạt. Ngày thu hoạch, lại thêm một lần chờ nhau. Nhà kia ngô vào chắc, nhà này bắp còn non. Chờ cả tháng chưa giải phóng được mặt bằng để lại làm đất. Giờ việc làm đất có máy cày, máy bừa về hợp đồng, một tuần, đất đã lên luống, đánh rạch, chờ sẵn. Cây ngô làm bầu ươm sẵn trên sân, tiết kiệm được một tuần sinh trưởng trên đất. Ngô tăng sản hôm nay một năm ba vụ, bán cả cây cho Công ty Chế biến thức ăn gia súc, có máy về chặt đốn. Bà con chỉ việc bốc lên ô-tô, nhận tiền là xong. Nông dân giờ ăn trắng mặc trơn, đi toàn xe xịn. Trẻ em chả nhà nào để thiếu tiền mua sách, thiếu quần áo đẹp, để con phải bỏ học.
Miên man nghĩ lại, ông Tâm tiếc cho công sức của bà con quê ông ngày trước, ngày Miền Bắc còn thắt lưng buộc bụng chống Mỹ, cứu nước. Hợp tác xã nhận ra một điều, nhân khẩu hợp tác thì đông, hợp tác thiếu đất sản xuất, trong khi làng chen chúc ở chật như nêm. Quanh làng, đồi như úp bát. Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã vận động thành công chủ trương di dân lên đồi làm nhà, dành bãi ven sông cho sản xuất. Bà con hồi ấy tự giác, lấy đâu ra chuyện đền bù, làm gì có nhà nước hỗ trợ. Bao nhiêu năm mát mắt nhìn bãi ngô chạy dài bát ngát. Nồi cơm từ đấy đỡ phải cõng sắn. Trẻ con đi học có bát ngô bung, dân làng ai cũng hả hê. Dân mấy xã đi qua, ai cũng khâm phục. Vậy mà mới bấy nhiêu năm, dân ở đâu lại về tái chiếm, làm nhà hợp pháp. Các công trình lấn ra đất soi nham nhở. Giờ vận động được người ta trả lại đất sản xuất cho làng, nhất định sẽ đòi bồi thường tiền tỷ. Làm sao học được phương thức làm ăn của bà con Cấp Tiến.
Mải vi vu trên con đường hồi xưa mưa thì lầy lội, nắng thì bụi cuộn lên như một con rồng, nay trải áp-phan êm như ru trên đất Vân Sơn, ông Tâm đi lạc sang đất Xóm Hồ. Ông dừng xe, ngỡ ngàng đứng trước cánh đồng rộng nhất nhì khu vực. Ngày còn học lớp năm, ông đã theo thầy cô giáo vào đây giúp bà con bắt sâu cắn lúa trên cánh đồng này. Cánh đồng mênh mông, giờ bờ thửa được bê tông hóa, trông như bàn cờ tướng, ông Tâm tưởng tượng bờ ruộng bậc thang trên vùng cao, hay những ô cỏ trên quảng trường thành phố. Ông chợt nghĩ, cánh đồng rộng nhất nhì khu vực, bằng phẳng mênh mông, giờ bờ đổ bê tông, có muốn đưa máy móc về làm đất cấy lúa, gặt đập liên hoàn, thâm canh tăng vụ, giúp bà con bớt đổ mồ hôi, như các nơi đang dồn điền đổi thổ, thì hàng trăm tấn bờ bê tông phải ủi đi đâu. Đúng là, @-bó-tay.com?
Lại có người vỗ vai, giật mình. Ông Tâm ngoảnh lại:
- Long Voi! Cậu làm tôi giật mình.
- Bác đi đâu mà đứng đây?
- Anh đang tìm lại cái hố bùn hồi bé vào bắt sâu đám ruộng cầu bềnh bị thụt ngang thắt lưng, sợ quá, khóc mãi.
- Hì. Bác chỉ được cái nhớ dai. Nhưng đấy không phải hố bùn. Nó là hố luồng đấy. Có hố thụt đến ngực người lớn. Bác còn là may. Nhưng giờ đồng nào cũng khô cạn cả rồi. Chốc nữa mời bác vào em uống nước nhé.
- Cậu về đun nước trước đi. Nấu cho tớ bát mỳ OCOP ăn thử ngon không nhé.
- Còn có thứ khác tuyệt vời hơn, bác ạ.
- Thứ gì chứ?
- Ốc nhồi OCOP đầm chùa bóp riềng mẻ, gói lá gừng nướng than.
- Được đấy. Thế phải kiếm thêm một bình tông Mỹ, gọi thêm mấy ông nữa.
Ông Tâm lái xe đi một vòng quanh làng, trên con đường hồi nhỏ sỏi đá, đi mòn gót chân, nay ngõ nào cũng đổ bê tông nhẵn thín. Ông về đỗ dưới gốc đa, bấm hồi còi dài, ra ngơ ngác, ngỡ ngàng nhìn cây đa bến ca nô giờ trơ trụi, già nua. Long Voi nghe còi xe, hớt hải chạy ra:
- Bác quên nhà em rồi à?
- Tớ bấm gọi mấy ông bạn ngày xưa đêm nào cũng kéo nhau ra đây ngồi tán gẫu đến khuya, rồi tiện nhà nào kéo cả lũ vào ngủ. Giờ họ đi cả rồi.
Ốc nhồi tươi bóp riềng mẻ, xiên nướng than hồng, chấm gừng ớt, lại có đĩa rau đủ vị cay đắng ngọt bùi, công nhận nhìn đã bắt mắt. Ông Tâm dâng chén rượu lên, cẩn thận tưới vào bốn góc bàn, rẩy mấy giọt trước nhà, chia chén rượu còn lại làm đôi, đưa một chén cho Long Voi, mắt rưng rưng, đỏ dần, ra hiệu đi cạn.
Mỗi người mấy xiên ốc nướng, mặt đã nóng ran. Hết chuyện bạn bè, củi đóm, làng quê, ông Tâm chạm hai cái ly vào nhau, hỏi:
- Cậu kể lại câu chuyện đỏ đen ở A Lưới xem nào. Ta nghe Phú béo kể rồi, nhưng chưa nghe cậu tự kể.
- Có gì đâu anh. Bọn em hồi ấy nằm đếm bom B52 thả xuống cung đường, rồi đánh dấu những quả chưa nổ để báo cho công binh đến phá, hết ở La Hạp lại vào A Lưới.
- Chuyện đỏ đen cơ mà. Nghe bảo, con beo đói đã phải nhường phúc cho cậu.
- Bác khéo đùa. - Long béo khẽ chạm ly, kể, hôm ấy đến phiên em nấu cơm. Em vào núi hái nắm rau về nấu để anh em ăn cho mát ruột. Tình cờ bị quả pháo bắn vu vơ. Mảnh pháo khều của em một miếng thịt bắp. Em bò đến gốc cây ngồi. Lúc sau có con beo chắc thấy mùi máu, mò đến, cứ ngồi nhìn em nuốt nước bọt.
- Thế rồi sao? - Ông Tâm cầm chén lên nhấp môi, hỏi.
- Em nhìn rãi con beo chảy ra, lưng em lại nổi gai ốc. Giá em có khẩu AK thì nó chết với em rồi. Đằng này, có mỗi quả lựu đạn, nhỡ ném mà nó không chết, nó càng...
- Thế rồi, thấy Phú béo kể, lúc con beo đứng dậy, không biết định đi đâu, thì lại có quả pháo nổ gần.
- Đúng thế, bác ạ. Nghe pháo nổ, em vừa đau, vừa sợ, ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy Phú Béo đang cõng em về. Anh em tiểu đội vào, bốn người khiêng con beo.
- Sao Phú béo biết cậu ở đấy mà vào?
- Tiểu đội thấy hai quả pháo nổ, không thấy em về nấu cơm, kéo nhau đi tìm gần hết buổi chiều.
- Cậu tốt phúc đấy. À này, hôm nọ ta bảo cô gái phóng viên, về khai thác kho kỷ vật chiến tranh của Cựu chiến binh xã mình. Cô ấy về khoe ngay lên thông tin điện tử. Các cậu lưu giữ cẩn thận, quý nhất đấy. Hay có nơi nào lưu giữ an toàn, các cậu chuyển cho họ giữ cho, ý nghĩa lắm đấy.
- Chiều nay, bác còn ở lại thăm quê chứ?
- Có chứ. Mới đi được một vòng quanh làng. Mà rượu rồi, sợ bị thổi hơi men, hì hì!
- Bác có tuổi, sợ gì…!
- Chấp hành đúng, tốt cho mình chứ cho ai đâu.
Ông Tâm ra đứng bờ sông, tưởng như hiện lên ánh lửa rực trời, soi sáng bờ lau từ những chiếc ca nô, tàu chiến Pháp đang bốc cháy. Trường ca sông Lô lại vút lên: “Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ôm bóng tre, dòng sông Lô trôi”.
Bình Ca, Mùa Thu 2023
Đ.A.M
17-10-2023
17-10-2023
17-10-2023
17-10-2023