Chi bộ Mỏ Than ngày ấy

Thứ ba, ngày 17-10-2023, 09:16| 598 lượt xem

Bút ký dự thi của Nguyễn Đình Lãm

 

 

Những năm nửa đầu của thế kỷ trước, không khí cách mạng ở Tuyên Quang thật hào hùng. Để nhớ lại ngày ấy, ở tuổi tám mươi, nhưng xem ra còn nhẩn nha điều khiển xe gắn máy được, tôi lòng vòng khắp bảy phường sáu xã nội ngoại thành, thăm lại những dấu tích lịch sử thật hào hùng và oanh liệt của nhân dân tỉnh nhà.

Từ nhà riêng trên đường Trần Phú, tôi qua đường Quang Trung, sang đường Nguyễn Văn Linh, quẹo phải theo phố Phan Thiết, qua đường Tuệ Tĩnh ra đường Tân Hà, gặp ngõ 167. Đứng trên lầu cao nhà ông Phạm Văn An, bạn tôi, nhìn qua vài khoảnh ruộng lúa đang xanh tốt. Bên kia là phường Minh Xuân. Tôi thả bộ trên lối mòn chỉ độ vài trăm mét, lên sườn đồi. Tại góc khuôn viên nhà số 12, tổ 40 có một bia đá lớn, ghi: “Địa điểm nhà cụ cả Kiến, nơi Chi bộ Mỏ Than. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, được thành lập ngày 20 tháng Ba năm 1940”.

 Đứng một mình, tôi đưa mắt ngắm rộng một vùng, mới thấy rằng, các cụ ngày xưa thật khéo chọn nơi đây làm địa điểm thành lập Chi bộ Đảng. Bởi chỗ này là trung tâm của mỏ. Mỏ than ngày ấy nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tuyên Quang bây giờ. Bao gồm phường Minh Xuân, một phần phường Ỷ La và chạy dọc theo bờ sông Lô. Lúc bấy giờ, thợ mỏ có trên dưới một nghìn công nhân. Từ nơi đây, chỉ băng qua vạt ruộng sang ngõ 167, đi vài trăm mét, vượt qua đường Tân Hà là ra sông Lô rồi. Ngược dòng là lên Chiêm Hóa. Xuôi dòng một đoạn, bên kia là núi Dùm sừng sững và rừng bạt ngàn có thể che bộ đội, mà cũng có thể vây quân thù.

Ở Tuyên Quang lúc bấy giờ, phong trào cách mạng của nhân dân phát triển rất mạnh, nhưng chưa có tổ chức Đảng ở địa phương trực tiếp lãnh đạo. Do đó, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Ngày 20/3/1940, Chi bộ Mỏ Than được thành lập. Số đảng viên đầu tiên của chi bộ có bảy đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai, Trần Xuân Hồng, Bùi Văn Đức, Lương Hải Bằng, Trần Hải Kế và Trần Thị Minh Châu. Cấp trên chỉ định đồng chí Vũ Mùi làm Bí thư. Viết đến đây, hồn tôi bỗng nhớ mấy câu trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”.

Thế là kể từ nay, phong trào cách mạnh ở Tuyên Quang đã có một Chi bộ Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo.

Ngày 20/3/1940 Chi bộ được thành lập, thì tối ngày 27/01/1941 lá cờ đỏ búa liềm - Lá cờ Đảng đầu tiên kiêu hãnh tung bay trên sườn  núi Dùm, bên kia sông Lô, thuộc phường Nông Tiến bây giờ. Cờ búa liềm xuất hiện, khiến bọn giặc Pháp bên này thị xã vô cùng hoảng sợ. (Khi ấy, thành phố tuyên Quang còn là thị xã).

Và cũng từ đây, phong trào cách mạng của Nhân dân Tuyên Quang phát triển càng mạnh. Ta đánh nhiều trận thắng lợi giòn giã. Điển hình là trận phục kích đánh địch của tự vệ tại ki-lô-mét 7 đường Tuyên Quang - Hà Giang, một địa danh thuộc xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, vào ngày 22/10/1947. Trận này đã được đánh giá là một trong mười chiến thắng vang dội nhất trên mặt trận Sông Lô. Rồi trận Khe Lau, ta bắn chìm ca-nô, tàu chiến, tiêu diệt nhiều địch. Giặc Pháp phải thú nhận là bể lửa Khe Lau (Chỗ này hai bên bờ sông có nhiều lau sậy, nên gọi là Khe Lau). Viết đến đây, tôi lại bỗng nhớ một đoạn trong bài thơ “Cá Nước” của nhà thơ Tố Hữu:

“Rồi Bông Lau, Ỷ La

Ba trăm thằng tan xác

Cành cây móc thịt da

Thối inh rừng Việt Bắc.

 

Tàu giặc đắm sông Lô

Tha hồ mà uống nước

Máu tanh đến bây giờ

Chưa tan mùi bữa trước”.

Ngẫm về những chiến công oanh liệt của quân và dân Tuyên Quang ngày ấy, tôi khâm phục vô cùng, hồn bâng khuâng, châm một điếu thuốc, thả bộ qua ngách 24, ra ngõ 38, sang phố Nguyễn Thị Minh Khai, thảnh thơi trên đường 17/8 ngắm Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Đặng, quẹo trái vào đường Xuân Hòa, sang phố Vũ Mùi. Con phố dài chừng cây số chạy thẳng từ cổng trụ sở UBND tỉnh ra bờ sông Lô. Con phố rất đẹp mang tên đồng chí Bí thư Chi bộ đầu tiên của Tuyên Quang. Đồng chí Vũ Mùi, quê xã Tân Hà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chi bộ Mỏ Than ngày ấy, chính là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang bây giờ.

Đứng trên phố Vũ Mùi, ngắm dòng Lô Giang hiền hòa mà anh hùng, in bóng ngọn núi Dùm hùng vĩ và oanh liệt, lòng không khỏi tự hào.

Khoảng giữa phố Vũ Mùi, nơi cắt đường Xuân Hòa là Trung tâm huấn luyện và Thi đấu thể thao của tỉnh. Tại đây, ngày 23/12/1947 một cuộc mít tinh và duyệt binh hoành tráng đã được tổ chức. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh tuyên dương công trạng của quân dân Việt Bắc, trong đó có đoạn: “Các chiến sĩ sông Lô, bảy mươi năm về trước, Tuyên Quang trên bờ sông Lô đã từng anh dũng đứng lên chống quân xâm lược Pháp khi chúng mới đến nước ta. Ba năm trước đây, tỉnh Tuyên Quang là nơi đặt thủ đô tạm thời của Khu giải phóng và xây dựng.

Tuyên Quang cùng phủ Đoan, Bình Ca, Khe Lau trên bờ sông Lô đã oanh liệt chiến thắng thủy quân và lục quân của giặc. Hôm nay, Tuyên Quang lại được vinh dự chọn làm nơi cử hành lễ duyệt binh và tuyên dương công trạng này…

Tinh thần kháng chiến của quân và dân Việt Bắc muôn năm!

Tinh thần các chiến sĩ sông Lô muôn năm!”

Tại sân Trung tâm huấn luyện và Thi đấu thể thao của tỉnh, số 154 đường Xuân Hòa có tấm bia đá lớn ghi: “Tại đây, ngày 23/12/1947 đã diễn ra lễ mừng chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ Việt Nam thay mặt Chính phủ tuyên dương công trạng quân dân Việt Bắc”.

Một mình đứng đây, đọc những dòng ghi trên bia, tưởng lại không khí hào hùng ngày ấy, hồn tôi như văng vẳng Trường ca Sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao. Ông cũng sáng tác trong năm ấy, năm 1947:

“Sông Lô, sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu

Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang

Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa

Dòng sông Lô trôi

Dòng sông Lô trôi

Mùa xuân tới nước băng qua ngàn

Nước in ven bờ xanh ươm bóng tre

Dòng sông Lô lướt trôi”.

 

Mới đây, Khu di tích Chi bộ Mỏ Than Tuyên Quang được xây dựng lại thật hoành tráng, cách chỗ cũ chừng hơn trăm mét. Trên quả đồi rộng, một ngôi nhà sàn năm gian khang trang. Tấm bia đá ghi sự kiện có mái che cẩn thận. Con đường mòn khi xưa dẫn vào Khu di tích, nay được thay bằng đường trải nhựa đủ cho hai làn xe. Phong cảnh toàn khu toát lên một vẻ trang nghiêm và thanh bình.

*

Lòng bâng khuâng, tôi vòng lại phía bờ sông. Trong không khí mát mẻ và thư thái, tôi thả bộ trên phố Vũ Mùi, ngắm dòng Lô Giang hiền hòa in bóng núi Dùm hùng vĩ.

Mọi dấu tích còn đó. Những dấu son lịch sử cách mạng của Nhân dân tỉnh nhà không thể nào quên. Lòng đầy tự hào và tin tưởng. Đúng như Tố Hữu đã viết:

“Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin”.

N.Đ.L

Tin tức khác