Tạ lỗi với ngàn xanh

Thứ tư, ngày 20-09-2023, 09:20| 647 lượt xem

Tùy bút của Phù Ninh

 

Minh họa của Tân Hà

 

 

Ông bà nội, sinh được năm người con trai, cha tôi là con thứ hai. Xưa có câu

 “Tam nam bất phú”, số con trai ông bà nội tôi gần gấp đôi “tam nam”, nghèo là cái nhẽ đâu thể tránh khỏi. Người Việt, chủ nhân của nền văn minh lúa nước, trải nghìn năm lấy nông nghiệp làm nghề sống chính. Đất đai, chủ yếu là ruộng nước, thứ tài sản quý giá nhất được cha mẹ chia cho các con một phần khi ra ở riêng. Cũng không rõ ruộng đất của ông bà nội tôi có bao nhiêu nhưng hẳn không nhiều. Đã thế lại phải chia làm sáu phần cho năm người con và một phần hương hỏa. Đến lúc cha mẹ tôi lo chia số ruộng ít ỏi kia cho bốn anh em trai chúng tôi. Tình thế gia cảnh khiến cha tôi phải rời làng Vĩnh, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh tha hương. Song có lẽ do quan hệ huyết thống cùng tình quê neo giữ, cha tôi chỉ dám vượt sông Lô sang Tuyên Quang. Cuối cùng Người tìm được một bãi đất thoai thoải dưới chân dãy núi có tên là núi Sộp. Chỗ đất ấy trước đã có người ở. Chẳng hiểu tại sao họ bỏ đi. Chỉ nghe có con “Ma Khách”, tức ma người Tàu. Có hai người họ xa đi cùng cha tôi. Đầu tiên ba người dựng chung chiếc lán lấy chỗ ăn nghỉ. Ngày ngày khai phá những đám đất đầu dộc. Bền gan và cực nhọc, mỗi người có năm bảy thửa ruộng bậc thang, dựng lán riêng, đem sang thêm một hai lao động. Mỗi năm hai vụ, cày cấy, gặt hái, phơi khô quạt sạch, xong đâu đó gánh thóc về quê. Một cái trại hình thành. Ban đầu lấy tên dộc  ruống liền kề trại có tên là Sao Vang. Song, dường như nó quá nhỏ bé, nên phải mượn tên làng lớn bên cạnh mà gọi là Trại Trâm. Làng Trâm, làng ông ngoại nhà văn Trịnh Thanh Phong. Làng đa đinh, nhiều ruộng, đình lớn, chùa to, có lý trưởng, chánh tổng, quyền uy nhất nhì một vùng. Cứ tưởng như thế là mỗi nhà chín mười miệng ăn qua được nạn giáp hạt, chẳng ngờ bãi đất đó lại nằm trong đồn điền của người Pháp. Chủ đồn điền Roay đờ ba là bác sĩ làm việc ở Hà Nội, hằng năm chỉ thăm đồn điền một lần, chính là đi săn. Một người Việt quản lý việc trồng cà phê và chăn nuôi bò. Trại Trâm nằm ngoài phạm vi hai diện tích trên, nên mỗi năm dân đinh phải đi làm cỏ cà phê chừng nửa tháng.                                                                                                           

*

Vùng Nam Sơn Dương, trải dài xuống Lập Thạch dân cư đa số là người Cao Lan. Chẳng rõ cơ duyên nào mà tôi kết nghĩa  với một người Cao Lan tên là La Văn Quạy. Trong khi hai người ở hai xã, hai huyện, hai tỉnh khác nhau, ông Quạy ở Vĩnh Phúc, cha tôi ở Tuyên Quang, hai nhà cách nhau chừng 10 cây số. Ông Quạy thân hình dạng tầm tầm, nhanh nhẹn và đặc biệt sức khỏe phi phàm. Nghe truyền đã có lần dùng răng càm chiếc cối đá giã cua đi quanh sân mấy vòng, trong cuộc thách đố của trai làng. Chính người anh em kết nghĩa này giúp cha tôi khai thác gỗ đủ dựng ngôi nhà ba gian cột, xà, cửa bức bàn thuần bằng gỗ lát xoan. Hơn một nửa thế kỷ nắng mưa, giờ chỉ còn giữ được những phiến kê chân cột bằng đá xanh.

Cũng từ thuở ấy người Trại Trâm bắt chước dân Cao Lan phá rừng trồng lúa nương. Thu Đông năm 1947, cha tôi bị giặc Pháp sát hại. Năm tuổi tôi mồ côi cha. Nhà cửa ở  làng Vĩnh  bị giặc đốt, cháy mất cả giấy khai sinh. Cuộc sống đưa đẩy, Tuyên Quang với Trại Trâm thành quê hương thứ hai của anh chị em tôi. Tuổi 13, 14 tôi đã theo người lớn phát nương.  Khoảnh rừng làm nương được định vị từ trước và khắc dấu nhân (X)  lên  vỏ một cây to nhất, nhằm khẳng định  chủ quyền sở hữu. Thường người ta chọn khoảng rừng có nhiều cây to, bởi khi đốt sẽ được lớp tro dày, do đó lúa ngô tốt gấp bội, to bông mẩy hạt. Phát nương phải tuân thủ quy trình từ dễ đến khó. Trước hết, dùng dao quắm phát sạch những cây nhỏ và dây leo. Sau cùng mới dùng rìu chặt hạ cây lớn. Làm ngược lại dễ sẽ xảy ra hiện tượng gốc đã chặt đứt mà cây không  đổ. Rắc rối  là ở đám dây leo. Có những dây to bằng bắp tay cuốn lấy cành lá khiến cây chỉ đung đưa, đung đưa như chọc tức người cầm rìu. Trường hợp này, có khi cả tháng sau mới tiếp tục công việc được. Nhưng cũng có khi bất ngờ cây đổ, do dây leo đã khô, không còn đủ lực giữ cây ở dạng thẳng đứng nữa.  Chặt hạ cây lớn đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Phải ước định hướng cây đổ để mở rìu; phải tính toán mở rìu sâu bao nhiêu thì cây sẽ đổ. Có người do chủ quan hoặc do ước lượng thiếu chính xác dẫn đến bị cây đè phải gây tai nạn rất nguy hiểm. Đến tận hôm nay và có lẽ đến suốt đời tôi luôn giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe thấy tiếng động lớn. Nguyên cớ là do bị khủng bố bởi tiếng cây đổ. Hình dung cảnh một thân cây to hơn cột nhà, hoặc hơn thế nữa, cành lá sum suê, rơi tự do tạo một luồng phản lực, khi đập xuống đất gây ra tiếng nổ lớn không khác  tiếng bom. Thân cây nảy lên khỏi mặt đất rồi mới chịu nằm hẳn xuống. Một quang cảnh tan nát, bầm dập cành lá đến rợn người. Nhiều năm sau đó nạn phá rừng diễn ra với quy mô và tốc độ chóng mặt. Nhằm giải quyết nạn thiếu lương thực, Sơn Dương đưa ra chủ trương trồng sắn trên đất rừng.  Những cánh rừng từ thấp đến cao lần lượt bị “cạo trọc”.  Nghiêm trọng nhất là khi có chủ trương thành lập Nông trường 26 tháng 3. Hàng loạt cánh rừng nguyên sinh các xã Hồng Lạc, Hào Phú, Đại Phú, Phú Lương, Tam Đa bị chặt hạ để trồng dứa. Chưa được ba mùa cây dứa chẳng đem lại chút lợi nhuận nào mà hậu quả là mất rừng, dẫn đến cảnh những con suối ngày càng cạn nước.

Cúi xin ngàn xanh thế tất cho sự  tàn phá ấy, cũng vì phải lấy việc lo miếng ăn đầu tiên cùng tầm nhìn hạn hẹp. Chiểu theo Luật Phát triển và Bảo vệ rừng hiện hành thì không biết phải chịu phạt cải tạo đến bao nhiêu năm! 

*

Chỉ khi đất nước đổi mới, rồi biến đổi khí hậu mà nguyên nhân chính là do con người, tất cả mới ngộ ra. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng dần được thực thi nghiêm. Chương trình trồng rừng sản xuất đã đem lại lợi ích thiết thực cho người trồng về căn bản độ che phủ được phục hồi. Song thực tế cho thấy dẫu rừng sản xuất trồng trên diện tích lớn bao nhiêu cũng không đủ bù rừng tự nhiên mất đi những tháng ngày qua, bởi đã bị lâm tặc xẻ thịt tàn bạo. Một lần tôi dự tổng kết Chương trình trồng rừng 327, sau những phát biểu khẳng định hiệu quả của chương trình, nhưng đến lượt mình, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm Nghiệp đã nói rằng, chất lượng rừng gần như bằng không vì chẳng có một lâm trường hay một cá nhân nào trồng cây gỗ lớn, gỗ quý như nghiến, đinh, lim, sến, táu, lát hoa, pơ mu, hoàng đàn... Mặt khác, rừng sản xuất chưa được khai thác và trồng mới theo quy hoạch. Cần phải bảo đảm diện tích trồng mới luôn lớn hơn diện tích khai thác và trồng mới phải thực hiện ngay sau khi khai thác để giữ ổn định tỉ lệ độ che phủ.

Từ khi nhận ra mình cũng là một “tội đồ” phá rừng, tôi không cầm dao chặt một cây, dù là cây nhỏ. Và khi  trồng bất cứ loại cây nào, cây lấy gỗ hay cây ăn quả thì luôn chăm chút để cây nhanh lớn. Nhớ hồi nhà văn Trịnh Thanh Phong làm Giám đốc  Thư viện Trường Đảng tỉnh, chưa đem bà Học và các con lên ở phố, ngày nghỉ ông đến giúp tôi làm vườn, đào ao. Tôi được người anh trai cho một cặp bò. Hai nhà văn Trịnh Thanh Phong và Trần Huy Vân giúp tôi dắt bò từ Lâm Xuyên đi bộ khoảng 70 cây số đến nhà ngoại ở xã Chân Sơn. Ông Phong phải bế con bê qua cầu ngòi Vạc ở Kim Xuyên, vì cầu lát cây gập ghềnh. Chuyến đóng vai “lái bò” có một không hai ấy đáng ra là một truyện ngắn mà tôi chưa viết được.

*

Cuối chiều, mỗi ngày đi làm về, tôi chọn những “cây tre bánh tẻ”, dùng búa chặt phần “củ” tách khỏi gốc mẹ, chém bỏ hết cành lá, chỉ giữ lại phần thân chừng hơn một mét, đem dâm xuống bùn. Chừng một tuần, tre nảy lá non mới đem trồng. Kỳ công vậy, nên trồng cây nào sống cây ấy. Mất đến hai năm thì hình thành bức rào vững chãi quanh nhà. Rất vui  vì xem việc trồng nên bờ rào tre là hành động tạ lỗi với rừng. Bờ rào tre ấy đem lại lợi ích thiết thực: Có thể nuôi bò mà không cần đi chăn. Thiết kế một cổng, buổi sáng mở cho bò ra đồi hoang ăn cỏ. Mặt trời lặn đặt chậu nước muối, dẫn dụ bò tự về chuồng uống nước. Việc sau cùng là đóng cổng rào. 

 Trong tiểu thuyết “Khúc sông không có bên bồi” sắp xuất bản, Giám đốc nông trường Nguyễn Thanh nói với Phó Giám đốc Ngân Trinh: Bắt tay trồng rừng lại từ đầu, đạt độ che phủ cao hơn trước khi thành lập nông trường.

Mong ước độ che phủ cao hơn của họ cũng là mong ước của tôi và triệu triệu người dân Việt.

 Tuyên Quang được quy hoạch là trung tâm phát triển lâm nghiệp. Tôi hình dung một trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống cây đủ cung cấp cho toàn vùng miền núi  và Trung du.  Ở đó sẽ có giống cây hiệu quả hơn thay thế hoặc bổ sung cây keo chiếm vị trí độc canh. Kinh nghiệm cho biết, trồng thuần loài trên diện tích lớn dễ phát sinh sâu bệnh dịch hại. Trồng xen loài hạn chế được khá nhiều hiện tượng này. Ở trung tâm đó có đủ các loài cây bản địa  từ cây ăn quả cam, quýt, mít, dừa, nhãn, vải, mãng cầu... đến gỗ quý: đinh, nghiến, sến, táu... và cả các loài cây có mặt trên trái đất, cọ dầu Malaysia, anh đào Nhật Bản, bạch dương Nga... Một đại công viên lâm sinh với không chỉ bách thảo mà là thiên thảo. Đại công viên lâm sinh sẽ giá trị to lớn, nhiều mặt. Viển vông, không tưởng chăng?

Niềm say mê, sự đồng thuận, ý chí quyết tâm thì “chỉ sợ lòng không bền” mà thôi. Chúng ta ai mà chẳng thuộc câu của Cụ Hồ:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

 Vì thế tôi lấy làm băn khoăn, không hiểu, hai ba năm nay và có lẽ nhiều hơn thế không thấy thành phố chúng ta tổ chức Tết trồng cây. Hàng cây trồng trên đường Minh Thanh năm ngoái, một đoạn ngắn tôi đếm được 40 cây không nảy lộc. Năm nay đã trồng lại, nhưng khi tôi viết bài này vẫn còn cây  “chết đứng” bên đường! 

Tháng 8 năm 2023.

P. N

 

 

Tin tức khác