Rừng Công Đa nở hoa giấy trắng

Thứ ba, ngày 20-06-2023, 14:25| 1.031 lượt xem

Ghi chép dự thi của Xuân Đặng

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

Công Đa là một trong bẩy xã thuộc khu vực ATK (An toàn khu) và nằm ở phía Đông của huyện Yên sơn. Trước đây huyện lỵ Yên Sơn còn đóng trên địa bàn xã An Tường, Công Đa cách huyện lỵ hơn 20 km, nay huyện lỵ Yên Sơn chuyển lên Km 13 ven đường Quốc lộ 2 thuộc xã Tứ Quận thì Công Đa cách huyện lỵ Yên Sơn gần 40 km. Có thể nói Công Đa là một thung lũng ốc đảo cực nam của khu vực ATK bởi bao quanh xã là những dẫy núi đất cao chất ngất phủ một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng trồng cây lâm nghiệp như keo, mỡ, bồ đề do những năm gần đây  Công Đa cũng như toàn tỉnh Tuyên Quang có phong trào trồng cây lâm nghiệp phát triển kinh tế rừng rất sôi nổi và rộng khắp.

Đường tới Công Đa có hai ngả chính, một là đi từ trung tâm thành phố Tuyên Quang qua cầu Nông Tiến theo đường liên xã vào đến xã Đạo Viện rồi rẽ phải chừng vài km là đến xã Công Đa, hai là từ xã Thái Bình theo đường bê tông chừng hơn mười km là đến. Từ ngày có đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện Yên Sơn thì có thêm ngả thứ ba từ cầu Bình Ca thuộc xã Thái Bình đến ngã ba Kiểm lâm thuộc xã Phú Thịnh rẽ vào đường đi Đạo Viện rồi sang Công Đa. Dù đi đường nào vào Công Đa cũng phải qua từ một đến hai cái đèo khá cao vừa dài vừa quanh co uốn lượn qua những quả núi cao sừng sững chạm đến chân mây.

Vào một ngày đẹp trời, tôi phóng xe máy theo đường Hồ Chí Minh mới được thi công cách đây khoảng hơn chục năm. Con đường khá đẹp, có hai làn xe được trải nhựa phẳng phiu có vạch kẻ sơn phân làn rõ nét. Đây là lần đầu tiên tôi đi xe máy trên con đường này, bụng dạ cứ nghĩ Nhà nước mới mở con đường này vào xã Công Đa. Nào ngờ đây chính là con đường Hồ Chí Minh mà lần trước tôi có dịp đã đi qua. Nhưng lần ấy là ngồi trên ô tô con đông người, vừa đi vừa nói chuyện rôm rả nên không để ý. Suốt chặng đường từ ngã ba Phú Thịnh đến ngã ba Đạo Viện tôi vẫn không nhận ra chính trên con đường này tôi đã từng đi rất nhiều lần mỗi khi đi công tác vào khu ATK. Quang cảnh bây giờ khác xưa nhiều lắm, nhà xây hai tầng, ba tầng mọc lên san sát, đường sá phong quang sạch sẽ khác hẳn ngày xưa. Đặc biệt là màu xanh của rừng, từ những quả đồi thấp thoai thoải đến những quả núi cao chót vót đều phủ kín một màu xanh lá cây từ chân núi đến tận ngọn núi trông thật đẹp mắt. Đoạn đường từ xã Đạo Viện vào xã Công Đa chỉ vài km nhưng hơi khó đi vì đường trải nhựa nhưng đã bị long tróc nhiều đoạn. Trụ sở UBND xã Công Đa nằm sát bên đường liên xã nối Đạo Viện với xã Thái Bình chạy qua Công Đa và là nơi giáp ranh giữa thôn Đồng Giang và thôn Khuôn Bén.

Nhìn trên bản đồ hành chính huyện Yên Sơn thì địa giới xã Công Đa giống như một cái đĩa bầu dục nằm ngang. Trong lòng cái đĩa ấy lại chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn là một thôn làng khác nhau. Vách ngăn giữa các thôn, làng là một, hai cái đèo khá cao và dài. Chỉ có làng Đồng Giang và Khuôn Bén là gần nhau và không bị ngăn cách bởi cái đèo nào. Cả hai làng đều nằm trên trục đường liên xã nên rất thuận tiện đi lại giao lưu tình cảm, kinh tế với nhau. Người xưa có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng, tứ cận tự”. Trong bốn cái cận ấy Công Đa chẳng có cái cận nào, chợ không, sông không, chỉ có mỗi con suối chảy qua ở đầu xã, đường thì mãi sau này vào những năm 1960 huyện mới huy động dân công các xã đến phá núi mở đường từ xã Đạo Viện vào qua làng Đồng Giang đến làng Bẩng ở gần              cuối xã.

Một lần tôi đi công tác các xã khu vực ATK, sau khi xong việc ở xã Kim Quan, một xã liền kề với xã Công đa nhưng ngăn cách bởi dãy núi cao ngất trời. Để tránh phải đi đường vòng xa xôi, tôi nghe theo lời người dân địa phương dắt xe đạp đi tắt đường rừng, vượt đèo sang làng Bẩng. Ôi trời, tưởng đường dễ đi, ai ngờ cực khổ, mang tiếng có xe đạp nhưng có được ngồi đạp xe đoạn nào đâu, toàn phải dắt xe men theo đường mòn vượt đèo cao, rừng rậm, chênh vênh và hiểm trở, ngã lên ngã xuống mấy lần. Mãi rồi cũng đến nơi, tôi tìm đến nhà ông trưởng thôn, rất may lại gặp luôn cả ông Trần Xuân Củng, Chủ tịch xã lúc bấy giờ cũng vào đó công tác nên công việc của tôi diễn ra thuận lợi. 

Trước đây mấy chục năm, đường từ làng Bẩng ra “xã lỵ” tại làng Đồng Giang phải qua hai cái đèo khá dài và dốc, cây cối rậm rạp um tùm, nhiều đoạn cây rừng đổ ngả xuống đường che kín cả lối đi. Bây giờ nếu ai có dịp vào xã Công Đa đi từ đầu xã đến cuối xã, đến tận ngõ ngách của từng nhà dân cũng không phải chạm chân xuống đất vì đường đâu đâu cũng được bê tông hóa toàn bộ. Nhà xây khang trang đẹp đẽ mọc lên như nấm. Nhiều đoạn nhà dân hai bên đường xây nhà tầng, sơn tường xanh, tường vàng đủ kiểu, mái Thái lợp tôn xanh, tôn đỏ mà cứ ngỡ như phố thị đang hình thành. Dân Công Đa đang giàu lên trông thấy. Vậy tiền ấy ở đâu ra? Do nghề nông làm ruộng mà ra ư? Không! Vì tôi được biết đất nông nghiệp của Công Đa rất ít ỏi bởi núi cao cứ san sát bên nhau, có được mảnh đất nào hay ẻ núi nào có thể làm ruộng cấy lúa được thì người nông dân tận dụng bằng hết để làm ruộng cấy lúa. Vậy mà cũng chẳng đủ lương thực ăn nói gì đến làm giầu. Ngoài khu đất bằng phẳng bên bờ suối dành cho hai trường Tiểu học và Trung học cơ sở ra thì chẳng còn khu đất nào khả dĩ để xây trụ sở UBND xã.

Từ khi tôi biết Công Đa đến giờ trụ sở xã đã phải ba lần chuyển địa điểm và bốn lần xây trụ sở. Đầu tiên là ngôi nhà gỗ ba gian sát mép ruộng ở thôn Khuôn Ghềnh rất hẻo lánh. Từ đường liên thôn vào trụ sở UBND phải đi bộ trên đường bờ ruộng chừng vài trăm mét ra tít đầu thôn giữa đồng không mông quạnh. Thế rồi huyện cho kinh phí chuyển ra xây nhà năm gian ngay sát mép đường, dưới chân đèo cũng thuộc thôn Khuôn Ghềnh với cái sân chỉ rộng chừng ba, bốn mét. Lần thứ hai chuyển ra đầu làng Đồng Giang trên sườn đồi trồng keo khá dốc, hai bên đầu hồi nhà là hai đường bậc thang lên xuống. Nhà ấy bây giờ nhường lại cho Trạm Y tế xã hoạt động. Lần thứ ba chuyển ra bên đường liên xã, chỗ giáp ranh làng Đồng Giang và làng Khuôn Bén với căn nhà xây năm gian cấp bốn. Đến năm 2022 thì phá căn nhà cấp bốn cũ, xây lại trụ sở hai tầng hoành tráng như bây giờ. Khi tôi đến trụ sở xã thì các đồng chí lãnh đạo đi họp vắng, chỉ có Phó Chủ tịch phụ trách Khối văn hóa - xã hội, một cán bộ còn rất trẻ trực ở trụ sở. Sau khi nghe tôi trình bày, anh đưa tôi một tập tài liệu, qua tập tài liệu ấy tôi nắm được một số thông tin quan trọng và quý giá về phong trào trồng rừng của xã.

Có rất nhiều người đặt câu hỏi rằng: Tại sao Công Đa là một xã nghèo, đất nông nghiệp ít, tài nguyên khoáng sản không có gì, việc buôn bán không thuận lợi vậy sao dân lại giầu lên nhanh chóng vậy? Đúng thế. Cả xã có 868 hộ, 3.567 nhân khẩu, bao gồm

các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Thái, Pà Thẻn, Mông, Hoa, Mường, Pu Péo sống ở 9 thôn làng mà hộ nào cũng khá lên, sắm được xe máy, ti vi, nhà cửa khang trang rộng rãi và nhiều tài sản có giá trị khác. Câu trả lời là: Tất cả từ rừng trồng mà ra. Có thể nói mọi khu đất đồi núi trọc hay rừng nghèo, rừng tạp đều được nhân dân trong xã biến thành rừng trồng cây lâm nghiệp để làm nguyên liệu giấy hoặc chế biến thành gỗ thương phẩm bán ra thị trường. Cả xã có tổng số hơn 5.000 ha đất trồng rừng. Nhà nhiều có tới 10 ha, nhà ít nhất cũng có 3 - 4 ha. Đặc biệt có nhà có tới vài chục ha. Thời gian trồng và chăm sóc từ 5 - 7 năm là được khai thác với giá 80 triệu trên 1 ha trở lên, tùy theo chất lượng rừng. Bình quân mỗi năm hộ nhiều thu được vài trăm triệu đồng, hộ ít cũng được vài chục triệu đồng. Đặc biệt là thôn Khuôn Bén có diện tích trồng rừng nhiều nhất so với các thôn làng khác. Một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng rừng ở Công Đa là hộ ông Trần Văn Công thôn Khuôn Bén. Ông cho biết:

- Nhờ chính sách phát triển lâm nghiệp của Nhà nước, gỗ rừng trồng trở thành có giá, năm 2010 gia đình tôi khai thác 8 ha thu 400 triệu đồng, năm 2015 địa phương vận động nhân dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, tôi tiên phong tham gia và rừng của tôi được cấp chứng chỉ FSC giá gỗ bán cao hơn từ 15 - 20% tùy theo độ tuổi và chất lượng rừng. Từ năm 2018 đến 2021 gia đình tôi khai thác 25 ha, rồi mua thêm rừng trồng của các hộ khác thu trên hai tỷ đồng.

Ông Bùi Tiến Thành, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bén cho biết:

- Cách đây hơn chục năm người dân Khuôn Bén bắt đầu chú trọng vào trồng rừng. Đến nay toàn bộ đất rừng tại địa phương đã được xanh hóa, chính rừng đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình, xóa được đói, giảm được nghèo, nhiều hộ đã giầu lên từ rừng.

Vừa vân vê chén trà nóng hổi trên tay, ông vừa thủng thẳng nói:

- Nếu không có rừng thì bà con nông dân nơi đây cứ nghèo mãi. Từ tình yêu rừng, bà con Khuôn Bén nguyện thề giữ rừng, làm cho rừng mãi mãi xanh tươi. Chả thế mà Khuôn Bén là thôn đầu tiên của tỉnh được cấp chứng chỉ là thôn quản lý rừng bền vững, điều mà trước đây người dân Khuôn Bén chưa bao giờ nghĩ tới. 

Từ nhà ông Thành ra, tôi quay trở lại trụ sở UBND xã. Rất may đồng chí Chủ tịch xã Lương Công Trình cũng vừa đi họp về. Anh nói:

- Là xã có diện tích trồng rừng lớn nhất huyện Yên Sơn, các cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế rừng đã được xã triển khai, thực hiện có hiệu quả, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, trong đó vấn đề liên kết đã giúp cho lĩnh vực lâm nghiệp địa phương không chỉ phát triển về quy mô sản xuất mà còn nâng cao giá trị kinh tế theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền vận động bà con trồng các loại cây lâm nghiệp có chất lượng cao, đặc biệt là cây keo phát triển rất tốt vì phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn xã. Mở rộng diện tích cấp chứng chỉ FSC để nâng cao giá trị gỗ nguyên liệu giấy và nâng giá trị sản phẩm gỗ.

Bây giờ ai đến Công Đa đều dễ dàng nhận thấy cuộc sống của nhân dân đã thay đổi rõ rệt, giầu lên trông thấy. Trong 4 cái “cận” nói trên thì Công Đa giờ có tới 3 cái “cận”. Này nhé. Chợ đã được mở cách đây hơn hai chục năm, sông thì không có là do tính chất địa lý của thiên nhiên nằm ngoài ý muốn của con người. Đường thì đã bê tông hóa rộng thênh thang đến từng ngõ xóm, mỗi nhà đã có 1-2 xe máy nên rất thuận tiện cho việc đi lại. Tuy không có chùa nhưng Phật vẫn đang ngự trị trong tâm của mỗi người dân nơi đây, cùng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu cùng nhau xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Lại nhớ có lần tôi đến Công ty cổ phần Giấy An Hòa, cũng là nơi tiêu thụ gỗ rừng trồng nhiều nhất của bà con nông dân xã Công Đa. Công ty nằm bên đường tỉnh lộ nối đường Quốc lộ hai với đường 37 đi Thái Nguyên cách cầu An Hòa khoảng trăm mét bên bờ sông Lô thuộc địa phận xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương. Đập vào mắt tôi là bãi đậu xe của công ty khá rộng rãi ngay bên đường trước cổng công ty. Trong bãi có rất nhiều xe tải hạng nặng và hạng vừa đậu đỗ chờ lệnh đi chở hàng. Một nhà bảo vệ khá rộng rãi xây theo chiều dọc từ phía trong ra đường mở cửa ra hai lối vào và ra của công ty. Cả hai lối đều có Barie chắn ngang và có bảo vệ kiểm soát người, xe ra vào công ty 24/24 giờ. Tiếp tôi là anh Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc công ty. Anh cho biết. Công ty cổ phần Giấy An Hòa được thành lập tháng 8 năm 2002 là một trong số 19 công ty thành viên của Tập đoàn Geleximco. Sau 4 năm xây dựng, đến năm 2006 công ty mới bắt tay vào hoạt động nhà máy thứ nhất. Đây cũng là nhà máy duy nhất cả nước sản xuất giấy thương mại, dây chuyền được thiết kế với công suất 130.000 tấn/năm. Sau nhiều năm đi vào thị trường đến nay sản phẩm bột giấy của công ty đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ra quốc tế. Nắm bắt được nhu cầu thị trường giấy cao cấp đang tăng lên. Năm 2010 công ty quyết định đầu tư nhà máy thứ hai sản xuất giấy cao cấp với 4 loại thành phẩm là: Giấy in, giấy viết, giấy photocoppy và giấy trắng phấn. Với thiết bị được nhập khẩu 100% từ các nước G7, dây chuyền hoạt động có công suất 140.000 tấn/năm. Tháng 9-2014 nhà máy này bắt đầu vận hành đem lại hiệu quả cao.

Hiện nay An Hòa có hàng trăm khách hàng khắp thế giới, giá trị doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 5,5 triệu USD tương đương 1.400 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 120 - 140 tỷ đồng/năm, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Một trong những giá trị được công ty nhân lên là phát triển vùng rừng trồng trên 10.000 ha ở tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận. Công ty đã vận dụng chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến sâu, tạo ra sản phẩm gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, từng bước tạo lập thương hiệu cho ngành chế biến gỗ Tuyên Quang. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống cho người lao động và hàng nghìn người dân trồng rừng. Hiện công ty đang duy trì ổn định cho 840 lao động, bình quân lương đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó công ty luôn tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ các gia đình gặp thiên tai địch họa, những gia đình nghèo khó hoặc các em học sinh nhà nghèo học giỏi với kinh phí một tỷ đồng/năm.

Trên đường về tôi cứ nghĩ lan man. Tuy còn nhọc nhằn, vất vả song phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Công Đa đang chuyển mình đi lên. Những gì cuộc sống của người dân Công Đa có được hôm nay là thành quả của một chủ trương đúng đắn của tỉnh là đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và giá trị từ chuỗi sản phẩm. Đó là bước đi, là lộ trình giúp người dân trồng rừng ở Công Đa hay ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thêm niềm tin để gắn bó với rừng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giầu mạnh, văn minh.    

X.Đ

Tin tức khác