Niềm vui trên quê bạn

Thứ năm, ngày 27-04-2023, 09:35| 1.208 lượt xem

Bút ký dự thi của Phạm Huy Định

Minh họa của Tân Hà

 

Tháng 3 năm 1979 Yến và Loan tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế Lâm nghiệp Trung ương ở Phú Thọ khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vừa tạm lặng tiếng súng. Lúc này tôi vẫn là chàng sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa Hà Nội. Bốn tháng sau, Yến (người yêu của tôi) nhận được quyết định của Bộ Lâm nghiệp điều lên công tác ở Hà Tuyên. Tôi xin nghỉ học ba ngày để đưa Yến đến Ty Lâm nghiệp tỉnh lúc đó đóng tại thị xã Tuyên Quang.

Một ngày vật vã, chen chúc nhau trên chiếc xe ca Ba Đình khởi hành từ Hà nội. Xe chạy lúc nhanh, lúc như bò trên con đường Quốc lộ số 2 mặt đường gập ghềnh. Xe ì ạch qua bao dốc, vòng lượn quanh co dưới chân những cánh rừng, khói xả đen mù mịt, khét lẹt. Năm giờ chiều chúng tôi đến thị xã Tuyên Quang trong sự ngơ ngác, ngỡ ngàng. Yến hỏi tôi: “Anh ơi, sao thị xã lại nghèo, xơ xác như thế này?”. Dọc con đường bong tróc, lở loét từ bến xe tỉnh lên bến phà Nông Tiến là hai dãy phố nhà gỗ cũ kĩ, tường trát toóc xi, lợp lá cọ, lợp tranh tướp như cỏ dại, bạc phếch. Không hàng quán, không cửa hiệu. Người người cứ cắm cúi, lặng lẽ đi bộ trên con đường loang lổ vũng nước sau cơn mưa, bước vội vào những khung cửa nhếc nhác. Chúng tôi tìm một căn nhà trọ dựng bằng bương tre, lợp lá cọ sát bến phà Nông Tiến. Bà chủ nhà chỉ cho tôi căn phòng mà vừa bước vào đã sặc mùi ẩm mốc do nước mưa dột qua mái lá cũ đọng trên nền đất lâu ngày. Nhà trọ xập xệ, tắm giặt dùng nước giếng múc bằng chiếc gầu làm bằng mảnh lốp ô tô. Tôi hỏi bà mấy giờ có điện. Mặt bà chủ lạnh tanh: “Cả thị xã còn chưa có điện nữa là nhà trọ”. Tôi ngao ngán lắc đầu, bước ra nhìn bầu trời thị xã đang nhuộm ánh hoàng hôn...

 Tôi đưa người yêu ra đứng ở phà Nông Tiến ngắm dòng sông Lô cuối trời chiều mùa Hạ. Bỗng dưng Yến nói với tôi:

- Em có hai đứa bạn là Loan và Hương học cùng lớp kế toán ở bên kia bến phà, hay chúng mình đi sang đó anh!

Tôi hỏi lại em:

- Em đã biết nhà bạn chưa?

- Dạ, ngày học năm thứ nhất em đã lên nhà Loan và đầu năm thứ ba em lại được Loan và Hương đưa về thăm nhà!

- Em có nhớ nhà các bạn không vì đã gần bảy giờ tối rồi nếu xa quá mình đi bộ trên đường rừng nguy hiểm lắm!

- Em chỉ nhớ nhà Loan ở ven bờ sông Lô. Đi qua phà Nông Tiến, đi khoảng bốn, năm cây số là tới. Hình như là ở xã Bình Ca hay Tiến Ca gì đó. Quê Loan rất nhiều Nhãn và Na. Nhà Loan ngay sát đường quốc lộ anh ạ!

Chúng tôi xách va ly, làn nhựa đựng đồ xuống phà và đi tìm nhà bạn. Dòng sông Lô qua thị xã Tuyên Quang chảy rất êm đềm. Con phà lừ lừ trườn lên mặt nước, sóng vỗ vào hai mạn phà ì oạp. Lên phà, chúng tôi cứ chầm chậm, cắm cúi bước trên con đường hoang vắng. Chỉ thấy gió hè lào xào trên những bụi lau. Tiếng cuốc kêu gọi con về tổ nghe đến não lòng. Chúng tôi bước đi khi màn đêm đang sầm sập buông xuống ở miền quê xa lạ. Vừa đi, vừa hỏi thăm, đến tám giờ hơn chúng tôi đến được nhà Nguyễn Thị Loan - cô bạn thân của Yến. Loan khỏe mạnh, mập mạp có đôi mắt đen láy mà tôi đã gặp. Ngày ấy khi đang học, Loan bắt Yến phải đưa về thăm nhà tôi trên quê Bưởi để quyết định câu chuyện tình yêu của bạn mình, một cô gái Hà Nội với chàng sinh viên đất Trung du...

Đêm ấy, Yến với hai người bạn Loan và Hương rúc rích bên nhau trong căn phòng trát đất trộn rơm nói về việc lên vùng cao nhận công tác. Tôi ngồi với bố mẹ Loan hỏi thăm ông về một miền quê núi lần đầu tiên tới. Giọng ông trầm trĩu và đượm nỗi buồn:

-  Đất quê Bình Ca này nghèo lắm anh ơi. Tôi khẳng định bây giờ hơn 90% hộ trong xã thiếu đói. Sắn, ngô, khoai là lương thực chủ đạo nuôi sống con người. Trẻ con sáng ra ăn mẩu sắn luộc hay quả na, chùm nhãn, trái ổi để đi học. Cả xã chưa có cái nhà xây nào cho đúng nghĩa. Khi con Loan đi học chuyên nghiệp, tôi phải bán hết lợn, gà, ngô... mua cho nó cái xe đạp Thống Nhất đã cũ. Dân thì nghèo, cuộc sống lay lắt thì làm sao xã hội tiến bộ, văn minh được!

Hơn chín giờ, ông xin phép đi ngủ sớm để mai lên đồi làm cỏ sắn. Tôi lặng lẽ bước ra sân, bóng mình nhòa vào đêm đen. Tôi đứng nhìn một vùng quê bạn không đèn điện tối om, mịt mùng và không định nổi hướng mình đã đi lúc chạng vạng chiều nay. Tiếng những con chim cú kêu trong rừng đêm nghe lạnh gáy. Thôn xóm chìm trong bóng đêm âm u, hoang vắng. Nỗi buồn cứ ập đến trong lòng và thầm hỏi: “Bao giờ quê bạn hết cảnh đói nghèo. Bao giờ và bao giờ làng quê em bừng sáng Loan nhỉ?”...

Loan được Ty Lâm nghiệp phân công lên nhận vị trí kế toán tổng hợp ở Lâm trường Yên Minh 1. Hương tới Lâm trường Quản Bạ, còn người yêu tôi lên làm kế toán ở Lâm trường Yên Minh 2 đóng ở xã Bạch Đích. Sáng sau, Loan lấy xe đạp chở đồ của Yến. Ba chúng tôi đi bộ ra bến phà Nông Tiến để qua sông đến Ty Lâm nghiệp Hà Tuyên. Sau buổi sáng làm việc ở phòng Tổ chức Ty Lâm nghiệp. Dù tôi có trình bày hoàn cảnh kể cả xuống thang xin cho Yến được ở Lâm trường Vị Xuyên nhưng đáp lại là cái lắc đầu và khoát tay của ông Trưởng phòng. Ông nói thẳng tưng:

- Hộ khẩu, lương thực của chị Yến cùng với quyết định trưởng Ty đã ký và chuyển lên Yên Minh 2 rồi. Đi hay không là do chị, chúng tôi không có quyền thay đổi!

Tôi lần mò tìm gặp những người ở trong Ty Lâm nghiệp và được biết lâm trường nơi Yến được điều động đến nằm trên một quả đồi, cách biên giới Việt - Trung hơn ba cây số. Khi cuộc chiến nổ ra tháng 2/1979, pháo từ phía bên kia nã sang cày sới tung cả địa phận đất lâm trường. Nhìn cô người yêu bé nhỏ vừa đến tuổi hai mốt, da trắng như trứng gà bóc, hai cái đuôi sam tung tẩy sau lưng lại phải đến nơi “khỉ ho cò gáy, nai tác, lợn rừng kêu” và pháo, đạn có thể dội xuống đầu bất cứ lúc nào, tôi không đành lòng. Tôi nói với Loan: “Thôi anh đành đưa Yến về Hà nội rồi tính sau. Nếu Yến lên trên đó thì tình yêu của bọn anh cũng tan như mây phủ rừng chiều khi gặp gió!”. Chúng tôi tạm biệt Loan và quay về Thủ đô. Có ai ngờ đâu đây lại là cuộc chia xa của những người bạn thân lâu đến gần bốn chục năm trời. Tháng 12/1979 chúng tôi tổ chức hôn lễ về sống chung một nhà. Trước khi cưới, tôi ngồi xe tải hai ngày lên đất Yên Minh để chuyển lương thực, hộ khẩu của vợ về Hà Sơn Bình. Chiều tối mùa đoâng ôû mieàn nuùi ñaù Yeân Minh söông giaêng traéng xoùa, laïnh thaáu xöông. Xong vieäc, toâi ñi boä hai cây số đến Lâm trường Yên Minh 1 của Loan. Đêm đầu tiên tôi ngồi nghe các cô gái tuổi đôi mươi khóc thút thít vì nhớ quê, nhớ cha mẹ, nhớ bạn trong điều kiện sống thiếu đủ thứ, tương lai mờ mịt ở vùng biên ải. Sáng sau, Loan hỏi tôi:

- Bao giờ anh về Hà Nội?

- Thấy ông lái xe khách nói là ngày kia xe ở Mèo Vạc về qua. Anh sẽ đón xe ấy về thôi!

- Anh ơi, trên này hai ngày mới có một chuyến xe ca. Cái lên, cái xuống, khách đông lắm sợ anh không đi được. Ở đây muốn đi lên, hay xuống cực lắm. Để em hỏi anh bạn lái xe ở Hà Giang lên chiều qua nếu anh ấy về luôn anh có đi không?

Buổi trưa hôm ấy, Loan đưa tôi đến gặp anh chàng lái xe chừng ba mươi tuổi giới thiệu. Thế là tôi được anh cho đi cùng nhưng chỉ về đến thị xã. Loan vội chạy về phòng lấy gói bánh qui và hai phong lương khô đưa cho tôi để đi ăn đường. Tôi bước lên buồng lái chiếc xe Zin 157 ì ạch trườn trên cung đường đá lởm chởm, gập ghềnh, bám chênh vênh một bên vực thẳm, bên vách đá dựng đứng, qua cổng trời Quản Bạ về đến thị xã Hà Giang trong đêm tối mịt mùng...

Thời kỳ đó sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, Bộ Lâm nghiệp thành lập một loạt các lâm trường bám sát vòng cung biên giới tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu... để giữ đất, tăng cường lực lượng chiến đấu tại chỗ. Nhiều đợt cán bộ, công nhân ở mọi vùng miền được điều động lên Tây Bắc và Đông Bắc. Yến may mắn được Bộ Lâm nghiệp cho chuyển về công tác ở Ty Lâm nghiệp Hà Sơn Bình. Yến xa Loan, một người bạn rất thân thiết từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Trung cấp Kinh tế Lâm nghiệp Trung ương. Cuộc sống mỗi người một nơi, xa cách nhau gần tám trăm cây số. Trong thời kỳ đất nước còn chế độ bao cấp khó khăn trăm bề, vì vậy chúng tôi không đi lại và liên lạc với nhau được. Cũng từ ngày ấy, một ngày cuối năm 1979, tôi không có dịp nào về thăm lại quê của Loan nữa. Một miền quê nghèo nhưng đã ghi dấu ấn đẹp trong lòng tôi về tình nghĩa bạn hữu thời trai trẻ...

Năm trôi qua, tháng trôi qua thế hệ chúng tôi đã trưởng thành. Năm 2014 trong dịp tổ chức gia đình cho con trai. Xong việc đại sự, Yến ngồi xếp những tấm ảnh cũ và mới vào cuốn album. Bỗng vợ tôi thừ người nói:

-  Anh ơi, chẳng biết cái Loan, cái Hương, cái Cứu ở Tuyên Quang bây giờ ra sao. Không biết còn ở Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc nữa không anh nhỉ?

Tôi cũng bần thần xem lại những tấm ảnh ngày vợ tôi và các bạn mình chụp lúc ra trường. Vừa mới đấy thôi, những nét mặt trẻ trung, rạng ngời, phơi phới niềm tin tràn trề khát vọng. Đến hôm nay đã mấy chục năm trời họ xa cách không biết được tin tức về nhau. Yến nói với tôi: “Bây giờ chắc nghỉ hưu cả rồi, khi nào về quê anh lên Tuyên Quang dò tìm tin tức mấy đứa bạn cho em!”. Năm 2016 nhân dịp về thăm quê, tôi lái xe lên Tuyên Quang. Mấy chục năm xa giờ trở lại, tôi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay quá nhanh của một thị xã miền núi nghèo xơ xác ngày trước. Giờ đã là một thành phố Tuyên Quang đường đi thênh thang, trung tâm thương mại, nhà cao tầng san sát. Quảng trường thành phố rộng thênh thênh và rất hoành tráng. Các cơ quan, công sở khang trang, bề thế lắm. Con đường chạy dọc bờ sông Lô từ đầu thành phố lên đến phường Nông Tiến trải nhựa áp phan phẳng lì. Cây cầu uy nghi, sừng sững vượt sông Lô ngay nơi bến phà cũ thay những chuyến phà ì ạch ngày xưa. Tôi hỏi thăm đường đến trụ sở của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang. Ngồi tiếp tôi ở phòng khách Văn phòng Sở là một cô gái còn rất trẻ. Sau khi nghe tôi trình bày về việc đến tìm bạn cách đây hơn ba mươi năm công tác ở Lâm trường Yên Minh. Cô gái rất nhiệt tình đứng dậy nói với ông Trưởng phòng Tổ chức. Ông ra tiếp và nghe tôi kể nhanh câu chuyện và nguyện vọng của mình. Gọi là ông chứ thực ra vị Trưởng phòng chưa đến tuổi năm mươi. Tôi đợi gần hai tiếng đồng hồ, anh trở lại phòng khách và nói:

- Tôi đã cho lục lại những quyển sổ lưu về cán bộ Sở quản lý từ năm tách tỉnh nhưng không thấy tên chị Nguyễn Thị Loan. Có lẽ anh phải lên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Giang may ra tìm được bởi thời gian trôi qua đã lâu rồi và sau khi tách tỉnh thì hồ sơ của Sở nào, Sở đó quản lý và theo dõi!

Tôi đứng ở sân Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang trong lòng hẫng hụt, hoang mang. Lên Hà Giang ư? Quá xa và mất nhiều thời gian lắm. Thôi đành để một dịp nào lên thăm cao nguyên đá Đồng Văn vậy. Nghĩ ngợi một lúc, tôi lặng lẽ đánh xe ra phía bờ sông ngắm cây cầu Nông Tiến khoác màu sơn trắng nối thành phố sang phía đường Quốc lộ 37. Thời gian trôi đi đã quá lâu, tôi cứ láng máng về một miền quê mình đến muộn và lại vội vàng ra đi. Tôi trách mình sao ngày ấy không ghi lại tên xóm, tên xã và tên bố mẹ của Loan để hôm nay phải đứng ngẩn ngơ, hoài niệm. Chiều dần buông, ánh nắng đã khuất sau rặng núi phía Tây thành phố. Tôi đành ngậm ngùi, nuối tiếc lái xe đến ngắm Quảng trường Nguyễn Tất Thành, cụm tượng đài kỉ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang và khu tưởng niệm Bác Hồ. Lòng mình cũng vợi bớt nỗi buồn bởi cảnh sắc của quảng trường đẹp và quyến rũ đến nao lòng. Tôi cứ bâng lâng nhìn những chùm đèn đủ sắc màu trên các con đường của thành phố Tuyên Quang hắt ánh sáng lung linh xuống dòng nước sông Lô êm đềm và quay xe trở lại Phú Thọ quê mình...

 Chuyến đi tìm Loan không thành cứ ám ảnh trong đầu vợ tôi. Những khi rảnh rỗi, hai vợ chồng ngồi bên nhau ôn lại chuyện ngày xưa, Yến nói trong day dứt:

- Chúng em học cùng tổ, ngủ chung giường, chia nhau từng chiếc bánh chưng, sắn, củ khoai luộc, từng quả bồ kết gội đầu... vậy mà bây giờ chẳng biết nó ở đâu. Không biết Loan có qua được hòn tên, mũi đạn, bệnh tật nơi biên cương không anh nhỉ?

- Lúc nào thuận lợi, mình tìm về quê Loan hỏi dò tung tích em ạ. Bây giờ mình có thời gian và điều kiện nhất định sẽ tìm được Loan và các bạn của em ở Tuyên Quang!

Yến của tôi thở dài thườn thượt, mắt nhìn xa xăm:

- Gần bốn mươi năm đã trôi qua, cảnh vật, không gian vùng đất ấy chắc đã đổi thay hết rồi. Làng xóm của Loan có khi cũng đổi tên, cha mẹ có khi cũng chẳng còn mà mình thì không nhớ cụ thể biết tìm nhau sao đây?

  Thế mới biết tình cảm của những cô gái thuở đôi mươi tuy cuộc sống giản đơn, ở bên nhau chỉ có mấy năm học mà chân thành, sâu sắc biết chừng nào. Con người ta nếu sống chân tình khi khó khăn, gian nan buộc phải vật lộn để mưu sinh có thể quên nhau vì xa cách nhưng trong lòng vẫn khắc khoải. Đến lúc thanh thản chỉ còn chăm lo cho riêng mình thì càng nhớ những người bạn tâm giao, tri kỷ. Đó cũng là nỗi lòng, tâm trạng của thế hệ chúng tôi, những người đã tôi luyện trong chiến tranh, vượt bao gian nan, thiếu thốn vật chất nhưng thấm đẫm tình yêu thương, trọng nghĩa, vẹn tình... Mùa hè năm 2017, chúng tôi có dịp trở lại quê nhà. Trước khi đi mấy ngày, tôi nói với vợ: “Mình về trước và đi thẳng từ Hà Nội lên Tuyên Quang để tìm Loan em nhé. Em lục lại ký ức về quê Loan xem còn nhớ được gì nữa không!”.   

Chúng tôi đi qua cầu Nông Tiến chừng năm trăm mét, nhìn thấy mấy quán nước và tấp xe vào. Khi cô chủ mang ly cafe đặt trước mặt, tôi hỏi luôn:

- Em ơi, đây là xã gì?

- Đây thuộc phường Nông Tiến thành phố Tuyên Quang anh ạ!

- Ở đây có xã nào gần thành phố có nhiều nhãn, na không?

- Em ở Phú Thọ lên thuê quán nên chẳng biết đâu. Anh sang phía bên kia đường hỏi bà cụ bán nước may ra cụ biết! 

Cụ Vân chừng tuổi tám mươi, da hồng hào, đôi mắt còn rất sáng. Cụ đưa tôi cốc nước vối nóng và hỏi:

- Bác hỏi thăm về nhà ai mà chỉ biết có nhiều Nhãn, nhiều Na. Na ở vùng này dọc bờ sông Lô thì nơi nào cũng có, Nhãn thì xuống Bình Ca mới nhiều!

Bình Ca, đúng rồi Bình Ca. Trong đầu tôi thoáng nhớ lại chuyện đêm ấy ngồi với bố Loan. Ông có nhắc đến hai chữ Bình Ca. Tôi hỏi lại cụ Vân:

- Có phải Bình Ca là nơi có bến sông đã đi vào lịch sử trong trận đánh với quân Pháp năm 1947 không ạ?

- Đúng rồi, nhưng vùng đất này nhập lại tách, đổi tên mấy lần không biết bây giờ còn giữ tên cũ nữa không. Nếu như bác tả nhà bạn gần ngã ba gì đấy thì ngã ba gần đây nhất là lối đi vào Sơn Dương, bây giờ thuộc địa phận xã Thái Bình. Bác có ô tô cứ đi thẳng vào Ủy ban hỏi xem có ai biết không!

Tôi đứng lên, trả tiền hai cốc nước cho cụ. Cụ Vân xua tay:

- Hai bác từ Hà Nội bỏ công lên đến tận đây đi tìm bạn sau gần bốn mươi năm xa cách thì chắc là nặng nghĩa, nặng tình lắm. Tôi không lấy tiền đâu, mời bác thôi. Các bác cứ đi, vừa đi vừa hỏi nếu còn duyên may mắn thì gặp. Chúc các bác tìm được bạn cũ, người xưa nhé!

Tôi lên xe đi chầm chậm, nhìn thấy cổng Ủy ban nhân dân xã Thái Bình liền rẽ vào. Đỗ xe ở sân, xuống xe, liếc nhìn biển hiệu, tôi vào thẳng Văn phòng Ủy ban. Trong văn phòng có bốn năm người, anh cán bộ người dong dỏng hỏi:

- Bác có yêu cầu gì ạ!

Tôi ngồi xuống ghế, nhìn anh cán bộ văn phòng và trình bày:

- Chúng tôi từ Hà Nội lên đi tìm một người bạn ở vùng này tên là Nguyễn Thị Loan năm nay chừng sáu tư, sáu lăm tuổi. Trước đây làm kế toán trưởng Lâm trường Yên Minh Hà Giang!

- Bác có biết bá Loan con nhà ai, ở xóm nào, tên chồng, tên con là gì không ạ!

Tôi ớ người và nói rằng không biết vì tôi đến nhà cô ấy cách đây ba chín năm rồi. Lần ấy đến vào đêm muộn và sáng sau đi ngay nên cũng chẳng hỏi han kỹ lưỡng!

Suy nghĩ một lúc, anh cán bộ trẻ hỏi vọng anh cán bộ đã đứng tuổi ở phòng bên. Ông bước sang nhìn tôi rất thân thiện. Ông nói với anh cán bộ văn phòng: “Bác này cất công đi tìm bạn như thế, mình phải tìm cách chứ. Nhưng ở Thái Bình nhiều người tên Loan lắm. Cậu giở sổ hộ tịch lưu trữ tra xem có ai nữ tên Loan tầm sáu tư đến sáu lăm tuổi không!”.

Anh cán bộ văn phòng lục trong tủ hồ sơ, cầm ra mấy quyển sổ hộ tịch đã cũ mốc thếch. Anh lật từng trang, đưa tay dà từng dòng những người sinh giai đoạn 1960 trở lại. Chừng hai mươi phút, vợ tôi từ ngoài đi nhanh vào văn phòng:

- Anh ơi, em vừa gặp và nói chuyện với cô Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã còn trẻ lắm tên là Lan Anh. Cô ấy nói nếu bá Loan có chồng tên là Đạo thì đó là bác họ của cô ấy. Cháu nói là có số điện thoại của Loan. Lan Anh đang liên lạc với Loan xem có đúng là bạn mình không!

Tôi mừng quá, nắm tay cảm ơn anh cán bộ văn phòng và bước ra sân. Cháu Lan Anh reo lên:

- Đây, bá Loan đây. Hai bác nói đi ạ!

Lan Anh đưa máy cho vợ tôi, tiếng hai người bạn gái giọng thảng thốt, mừng rỡ đến líu cả lưỡi. Yến nói rất to: “Yến học khóa 12 kế toán trường Cầu Hai đây. Yến Định đây, tao đi tìm mày từ sáng đến giờ...”. Đưa máy lại cho Lan Anh, vợ tôi bảo:

- Mình cứ ở đây, Loan sẽ cho con gái thứ hai ra đón về!

Tôi lái xe ô tô đi theo cháu Thu ngồi trên chiếc xe máy Vision màu đỏ ớt chạy ngược chiều lúc mình đi vào. Đến đúng ngã ba rẽ vào căn nhà sơn màu vàng sẫm, Thu bảo nhà cháu đây rồi. Trước cửa nhà Loan hướng ra vòng xuyến rộng thấy tấm biển chỉ dẫn đi Thái Nguyên 80 km - Tân Trào 40 km - Tràng Đà 8 km. Căn nhà xây ba tầng khang trang đón nắng ban mai. Tôi vừa tắt máy, Yến mở vội cửa xe bước xuống. Một cuộc hội ngộ bất ngờ như trong mơ giữa căn nhà xinh xắn ở thôn Chanh 1, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Khi tôi ở phòng thờ, thắp mấy nén nhang, cúi đầu vái hương linh người chồng của Loan đã mất cách đây mấy năm trở xuống dưới tậng trệt thì các con của Loan đã sắp cơm xong. Ngoài phía ngã ba, đèn cao áp đã sáng bừng. Tôi bước ra ngắm vội khắp một vùng núi đồi, mấy con ngõ cũng lấp lóa ánh đèn đường. Cả một vùng quê núi của Loan điện sáng như sao trời mùa Hạ...

Minh họa của Tân Hà

 

Sau bữa cơm đầm ấm thân tình, chúng tôi ngồi bên nhau chuyện như không dứt. Bây giờ chúng tôi lại ngồi nói với nhau về tình yêu, về tình bạn, về tương lai của các con và nói về sự đổi thay của quê nhà. Tôi nói với Loan và các con của bạn:

- Đất quê em đổi thay quá nhiều. Đi từ Nông Tiến vào dọc hai bên đường toàn thấy nhà xây đẹp, khang trang và sầm uất quá. Ngay chỗ nhà Loan cũng đã thay hình, đổi dạng không thể nào định vị được nơi lần đầu mình đến!

- Anh ơi, đêm nay cứ ngủ thật ngon. Sớm mai cháu Hải sẽ đưa bác đi thăm làng xóm, ngắm cảnh quan và các công trình của xã Thái Bình. Bây giờ là Thái Bình năm 2017 chứ không phải Thái Bình xơ xác, tăm tối như năm 1979 anh đến nữa nhé. Quê em có chín thôn đang khởi động một cuộc đổi mới toàn diện để đưa Thái Bình trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới bậc cao anh ạ!

Vợ tôi toại nguyện lắm khi tìm gặp lại bạn thân sau bao năm biền biệt, cách trở vì địa lý, vì thông tin và cả vì chuyển dịch của mỗi người. Tìm và gặp lại được Loan đó là niềm vui vô hạn của vợ chồng tôi. Đến năm 2022 tôi trở lại Thái Bình quê Loan trong niềm vui hân hoan của hơn nửa triệu con người ở một vùng quê tỉnh Tuyên Quang. Lần nào bên nhau cũng say xưa, ân tình và dào dạt niềm vui. Lần thứ ba trở lại thăm quê bạn, tôi may mắn được gặp những con người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của Thái Bình như Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Mạnh Dũng hay Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phạm Thị Lan Anh. Được Loan giới thiệu Dũng và Lan Anh là hai cháu. Loan là cô của Nguyễn Mạnh Dũng và là bá của Phạm Thị Lan Anh. Hai người cháu của Loan đều ở thế hệ 8X nên nói chuyện với tôi trong không khí gia đình rất cởi mở, chân tình. Ngắm nhìn gương mặt ngời ngợi, tràn đầy năng lượng, phơi phới niềm tin của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Bình ở phòng khách nhà Loan. Tôi thầm nghĩ nhân dân Thái Bình đã đặt niềm tin đúng người, đúng chỗ. Nguyễn Mạnh Dũng tâm sự:

- Thái Bình quê cháu ở phía Đông Bắc huyện Yên Sơn. Từ Hà Nội đi hai hướng đều tới. Được biết các bác đã mất nhiều công để tìm được bá Loan cháu và về thăm quê hương Thái Bình. Do nhiều nguyên nhân nên tên xã đổi thay vài ba lần. Đầu tiên tên là Thái Bình vì trước năm 1945 các cụ từ Hưng Nhân, Hưng Hà đưa nhau lên đây lập nghiệp nên đặt tên là Thái Bình để luôn nhớ về quê gốc lúc ra đi. Thời kỳ 1947 - 1960 tên là xã Bình Tiến. Đến năm  1960 - 1969 Bình Tiến lại tách ra thành hai xã Tiến Bộ và Thái Bình. Từ 1969 - 1987 hai xã lại nhập vào lấy tên là Bình Ca và từ 1987 đến nay trở lại tên cũ ngày các cụ đặt là xã Thái Bình nên hai bác đi tìm cũng vất vả. Chúng cháu rất trân trọng, cảm phục và quý mến. Với tình cảm gia đình, cháu xin thưa với bác rằng là thế hệ con, cháu, được học hành cơ bản, có sức khỏe, có kiến thức. Giờ đây chúng cháu được Đảng, Nhân dân tin tưởng giao trách nhiệm cao cả thì tự hào luôn đi đôi với lo lắng. Anh em chúng cháu phải tu dưỡng, rèn luyện và hành động. Cán bộ chủ chốt phải tiên phong đi đầu trong mọi phong trào để góp phần làm cho quê hương mình giàu, đẹp, văn minh, phát triển bền vững. Mọi người được hưởng thành quả no ấm, bình đẳng và tiến bộ. Khi bác đến Thái Bình lần đầu chúng cháu cũng vừa chào đời. Chúng cháu là thế hệ lớn lên trong thiếu thốn thời bao cấp. Chứng kiến cảnh làng quê, thôn xóm của mình nghèo xơ xác. Không điện chiếu sáng, không có đường đi tử tế, nước sạch cũng không và ốm đau, bệnh tật không đủ thuốc chữa... Đó là sự thật chứ không phải nói chuyện ôn nghèo, kể khổ. Để có được thành quả như ngày hôm nay là một sự phấn đấu, quyết tâm và đồng lòng của hơn 5.000 con người thuộc mười bốn dân tộc anh em ở Thái Bình từ năm 2011 đến giờ đấy bác ạ!

Như để khẳng định nguyên nhân Thái Bình thành công từ khi bắt tay vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phạm Thị Lan Anh tâm sự:

- Bác ơi, hành trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình quê cháu cũng không dễ dàng đâu. Vì xuất phát điểm là một xã nghèo, tiềm lực không có là bao. Được như ngày hôm nay là sự phấn đấu không ngừng. Sự vận dụng sáng tạo trong cách làm. Như người trồng cây để có quả ngọt, trái thơm phải tốn nhiều công sức, trí tuệ. Mai cháu mời bác dành chút thời gian đi một vòng qua chín thôn của Thái Bình bác sẽ thấy lời anh Dũng nói đã trở thành hiện thực như thế nào. Có được thành quả như hôm nay, cháu khẳng định với các bác rằng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ là nhân tố cực kỳ quan trọng, có tính quyết định. Đánh giá đúng tình trạng của địa phương, vạch ra đường hướng phát triển, cụ thể thành nghị quyết trong các kỳ Đại hội Đảng bộ. Sau nữa là mỗi Chi bộ, mỗi Đảng viên phải có trách nhiệm đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng kế hoạch, phương án và hành động thiết thực. Nói phải đi đôi với làm và phải làm thật chuẩn. Đảng bộ vững mạnh, ý chí của mỗi đảng viên vững vàng dân mới tin. Khi nhân dân đã tin sẽ tạo được phong trào sâu rộng, lan tỏa trong xã hội thì khó mấy cũng vượt qua được. Bài học “lấy dân làm gốc” ở thời kỳ cách mạng nào cũng đúng phải không bác?

Những lời nói ngắn nhưng đủ đầy từ hai cháu của Loan đã để lại trong lòng tôi niềm tin yêu vào một thế hệ trẻ ở Thái Bình. Đêm ấy chúng tôi không ngủ, ngồi nói với nhau về sự đổi thay đến diệu kỳ ở một vùng quê. Khi được biết từ năm 2011 đến khi Thái Bình được tỉnh Tuyên Quang công nhận là xã đầu tiên đạt tiêu chuẩn nông thôn nâng bậc cao vào năm 2020 và chỉ sau hai năm vào tháng 8 năm 2022 là xã đạt tiêu chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Trong suốt hành trình ấy Thái Bình đã huy động được trên 139 tỷ đồng vốn từ Trung ương và địa phương, trong đó đóng góp của nhân dân trên 36 tỷ đồng. Hiện nay Thái Bình là xã có cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ thuộc diện tốt nhất huyện Yên Sơn. Đường liên thôn bê tông hóa toàn bộ. Đường giao thông nội đồng cũng hầu hết được bê tông hóa. Ở Thái Bình đã hình thành những vùng cây ăn quả nổi tiếng trong và ngoài tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP như nhãn lồng, mật ong Bình Ca. Mô hình trồng cây nhãn chất lượng cao ở Thái Bình đã đem về thu nhập cho người dân hàng tỷ đồng mỗi vụ. Huyện Yên Sơn đã phát động Chương trình “mỗi địa phương một sản phẩm” và chọn lựa cây Nhãn Thái Bình làm chủ đạo. Hiện nay Thái Bình đã có hơn 400 ha Nhãn trong đó có trên 100 ha có tuổi đời 10-15 năm cho thu hoạch cao. Mô hình tăng đàn gia súc trâu, bò, nuôi gà vườn đã đem lại kết quả rất khả quan. Những khu công nghiệp chế biến giấy, gỗ, vật liệu xây dựng... đã đem lại thu nhập ổn định cho người lao động ở Thái Bình. Công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ... đã và đang đem lại sự phát triển kinh tế bền vững cho nhân dân Thái Bình.

Hôm nay tôi ngồi bên Loan và gặp các con cháu của bạn mấy chục năm xa cách. Chúng tôi ngồi để nói cùng nhau về tình cảm từ thuở trước, chuyện mới bây giờ và cả chuyện của ngày mai. Tôi khẳng định với bạn của tôi rằng khi ta còn nghèo vẫn yêu thương nhau thì giờ ta đã sung sướng, đủ đầy về vật chất lại càng trân trọng nhau hơn. Chúng mình tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước suốt mấy chục năm qua. Nay đến giai đoạn mới, thời kỳ phát triển và hội nhập, trọng trách lịch sử giao lại cho thế hệ con cháu. Họ đã và đang làm được những điều khi xưa chúng ta hằng mong ước. Mỗi lần lên xã Thái Bình của Loan lại có một tin vui. Niềm vui trên quê bạn cứ đọng mãi trong tâm trí tôi trên đường về Hà Nội. Hồng phúc của dân tộc đó là hôm nay đã có một lớp người kế cận đủ tài, đức, trí, dũng và năng động, sáng tạo để từng ngày, từng ngày đưa mỗi địa phương và đất nước phát triển bền vững. Tôi hẹn Loan ngày xã Thái Bình của bạn đón mừng thành tích mới sẽ lên cùng em để chia vui. Chỉ còn hơn hai năm nữa thôi, xã Thái Bình đang băng băng tiến về đích trong Chương trình xây dựng xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn thông minh trên quê hương Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng.

P.H.Đ

 

Tin tức khác