Buổi chiều gặp lại

Thứ tư, ngày 26-04-2023, 09:26| 1.225 lượt xem

Truyện ngắn của Lê Na

 

Minh họa của Quảng Tâm

 

Đã nhiều buổi chiều nay, ông Lường có thói quen cố hữu. Khi nắng hè bớt gay gắt, ông bắt đầu dắt xe máy, khoác máy ảnh lên đường. Từ khi có thêm cây cầu mới, gương mặt thành phố sáng sủa hơn. Giống như cô gái đến tuổi trăng tròn, bắt đầu chăm chút vẻ đẹp của riêng mình. Khúc sông chảy qua thành phố duyên dáng hơn. Nước trong trẻo, mềm mại, in bóng cây cầu lung linh. Nắng dịu là lúc gió sông thức dậy. Gió chạy dọc những bãi ngô, mía, vườn cây ăn trái. Gió len lỏi vườn hoa, ruộng rau màu.

Ông Lường ra nhập cùng gió. Đó là niềm vui khi về già. Hơn trăm năm trước, đây là khu Canh Nông, một vùng bán sơn địa, người Pháp đã thực nghiệm trồng cây bản địa và cây nhập nội. Bẵng đi một thời gian, đất đai trở thành một vùng lau, chít, sim, mua hoang dại. Chả có ma nào ngó ngàng tới. Cây cầu mới, đánh thức một vùng hoa, cây cảnh, tạo ra sinh kế cho bà con ven sông.

Hôm nay, ông Lường tạt xe máy vào lối nhỏ, dẫn đến một vườn hoa hồng khuất sau vạt đồi đất đỏ. Không có mục tiêu trước, cứ thấy có đường đi xe máy được là ông tới. Trước mắt ông là một vườn hoa hồng rộng. Lác đác những nụ hoa vừa bung nở, làm cho không khí bớt vẻ oi nồng.

Ông Lường để xe vào vệ đường, đi bộ xuống vườn. Người chủ vườn đang lụi cụi chăm sóc hoa. Một người đàn ông, nhỏ thó, nhanh nhẹn. Ông ta mặc đồ bảo hiểm cũ, vải bạc sờn, đầu đội chiếc mũ lá cọ rách. Những mảnh lá cọ te tua, phơ phất trên tóc. Tay người nông dân thoăn thoắt, cắt bỏ những cành hồng đã nở hết hoa hoặc bị sâu, bệnh. Ông Lường cất tiếng chào từ xa. Tiếng chào vẫn ngoài tai ông chủ vườn. Ông tiến lại gần hơn, thân thiện:

- Xin chào bác. Năm nay hoa có khá không bác?

- Không dám, chào ông. Ông đi vãn cảnh ạ. Người chủ vườn, gỡ bỏ cái mũ lá khỏi đầu, dùng nó phe phẩy trước mặt, tay còn lại đang cầm chiếc kéo tỉa cành.

- Nắng nóng quá, tôi thích ra bờ sông dạo chơi cho mát. Cũng là vui thú tuổi xế chiều, bác ạ. Ông Lường tháo cái kính râm đen xì khỏi gương mặt vuông chữ điền, bộ râu lởm chởm.

- Sướng nhất các ông. Như chúng em, nắng nóng hay rét buốt cũng phải bám vào vườn mà sống. Nghèo đói, khá giả đều trông vào hoa. Được cái, mấy năm nay, hoa đắt, người trồng hoa cũng mở mặt với thiên hạ.

Ông Lường xin phép được chụp ảnh người nông dân đang chăm sóc hoa. Chủ vườn hoa từ tốn:

- Em mặc lôi thôi thế này, làm xấu cả ảnh của bác.

- Không sao. Sự chân thật là cốt lõi của cái đẹp. Bác đi chăm hoa chứ có phải đi du lịch đâu. Bác cứ làm việc bình thường, còn tôi sẽ tìm khoảnh khắc đẹp. Ông Lường vừa phát hiện ý tưởng mới. Sự xù xì, cũ kỹ đang chăm chút cho cánh hoa rực rỡ. Ông bấm máy liên tiếp. Tiếng màn chập của ống kính loạch xoạch. Ông nghiêng ngó, loay hoay tìm góc chụp. Ngược, thuận sáng và cả ánh sáng xiên. Kiểm tra lại, ông mãn nguyện với những bức ảnh tương phản. Chủ thể đối lập. Hoa và người nông dân tôn nhau lên. Sau vài câu chuyện xã giao, hai người trở nên gần gũi hơn. Người nông dân mời ông Lường vào cái lều nương, bên chân đồi.

Lều được dựng bằng bốn cây rừng, có ngoãm, trải dát tre làm sàn nằm. Mái và xung quanh che chắn tuềnh toàng bằng lá cọ. Trong lều, một bộ chăn màn, gối, ám màu khói. Cạnh đó, một chai nước lạnh và một cái điếu cày. Ông Lường cúi người, chui vào lều. Người nông dân giới thiệu tên là Sủng. Hai người bây giờ mới có dịp ngắm kỹ “dung nhan” của nhau. Ông Sủng chừng sáu chục, cộng trừ “vài nhát”. Gương mặt sạm sương gió, biết là người từng trải, khắc khổ. Trên mí mắt trái, có vết “gián nhấm”. Có lẽ là chiến tích để lại từ thời trai trẻ nghịch ngợm. Sủng cũng lén nhìn nét mặt của ông Lường. Chắc ông đã gặp người đối diện ở đâu đó. Sau giây lát sững người, ông chợt đổi cách xưng hô:

- Em chào thầy Lường. Chắc thầy không nhận ra em?

- ...? Quả thực, tôi chưa nhận ra bác. Ông đang ngơ ngác trước cách xưng hô mới. - Chắc bác lầm. Tôi có làm thầy giáo bao giờ đâu!

- Không! Chính thầy là thầy giáo của em. Em là một học sinh cá biệt. Ngày ấy đã gần hai chục năm rồi...

Chiều chạng vạng chợt hiện về một thời đã xa. Ông Lường nhìn sâu vào đôi mắt Sủng, nghe anh kể lại câu chuyện của cuộc đời mình:

Sủng sinh ra và lớn lên ngay trên dòng sông này. Từ đời ông bà, cha mẹ đến đời Sủng, đều kiếm sống trên sông nước. Một tấc đất cắm dùi cũng không có. Chỉ mượn sợi dây neo bè, giằng níu đất bờ sông. Mùa lũ, nhà bè duềnh lên ngang mặt phố. Mùa đông, lòng sông teo tóp, dãy nhà bè lại thả trôi ra gần giữa dòng. Sông như là nguồn sữa nuôi anh lớn lên. Ngôi nhà kết bằng tre mai, lợp lá cọ nổi nênh trên sóng.

Mùa mưa lũ, dân chài vớt củi, gỗ, tre, nứa từ mạn ngược theo lũ cuốn về. Nhặt nhạnh từ sông lên bán. Mùa khô đi xúc cát, sỏi gánh lên bờ gom thành từng núi rồi bán cho những người có xe trâu, xe ô tô trở đi. Có người chuyên gánh thuê nước sông cho người giàu. Rỗi việc, xóm nhà bè chẻ nứa, đan cót. Chả biết tự bao giờ, đã hình thành xóm Cát - Cót - Củi - Phên. Phần lớn họ là dân nhà bè. Bố mẹ Sủng cũng làm tất cả những nghề đó, để nuôi con. Anh em nhà Sủng học không đến ngọn, chỉ đủ chữ để biết đọc, biết viết, biết tính tiền công.

Ngày ấy, sông như bà đỡ cho xóm nổi. Xuống nước là có bữa ăn. Buông cần câu là giật được cá. Ông bố Sủng, một con rái cá sông. Với chiếc thuyền nan dọc theo sông, tấm lưng trần, sậm màu bồ hóng, tối về bao giờ ông cũng được cả yến cá, tươi ngon. Từ trạch làn, nhệch, chiên, trôi, trắm đến dầm xanh, anh vũ, không thiếu thứ gì. Có hôm còn kiếm vài con ba ba. Tất cả giao cho mấy người buôn cá trên chợ. Bán xong họ trả tiền, sòng phẳng.

Bố Sủng còn vác tre hóp thuê từ dưới sông lên bờ. Đếm cây, đếm bè tính tiền. Nhỏ thó vậy mà mỗi buổi cũng kiếm được dăm ba cân gạo. Ông theo dân buôn bè lên ngọn nguồn khai thác gỗ, tre, nứa, đóng bè về xuôi. Những bè lâm sản dàn kín một khúc sông. Một buổi sáng đang cốn bè, khi chui xuống gầm bè nứa, bố Sủng đã bị đuối nước mà không thoát ra được. Con rái cá lại chết đuối dưới sông. Cả xóm nhà bè ngỡ ngàng, thương tiếc. Mẹ Sủng héo mòn, ít lâu sau, cũng theo bố ra đi.

Mười sáu tuổi, Sủng bắt đầu tự mình, kiếm sống. Cá, cua, tôm tép đến cát sỏi, củi cây… đã ám vào chàng trai trẻ. Rồi Sủng lấy vợ, sinh con gái đầu lòng. Đặt tên con là Giang. Giang là sông. Sông vỗ sóng suốt đời người thuyền chài. Nhà bè, cái phao lớn cứ bập bềnh, nổi trôi cùng đời Sủng. Cây tre nào mục hỏng, lá cọ nào cùn, rách lại thay mới.

Nguồn cá tôm đánh bắt mãi cũng cạn kiệt. Người khôn, của khó. Có kẻ lén lút dùng mìn hoặc kích điện để đánh bắt cá. Phía thượng nguồn, nhiều đoạn sông bị chặn dòng làm thủy điện. Nước suối đổ vào sông bị ô nhiễm do dân làm vàng, khai thác quặng trái phép. Dư lượng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ từ các nương đồi chảy ra suối, dồn xuống sông. Chưa hết, ngày đêm dòng sông bị khuấy đục ngầu bởi các loại tàu công suất lớn hút cát sỏi; Bởi các tàu sà lan chở cát, sỏi, tấp nập xuôi ngược suốt ngày đêm. Khai thác cát sỏi thủ công bị cấm đoán, giành chỗ cho những dây chuyền khai thác công nghiệp của mấy doanh nghiệp.

 Ngoảnh đi, ngoảnh lại sông nước không nuôi nổi gia cảnh. Sủng lăm le bước lên bờ. Anh hướng đến khu đất hoang, bên khu mộ của cha mẹ mình. Sức trai, miệt mài san đồi, lấp ruộng lầy thụt. Nhưng, giời không thương kẻ khó. Vườn ngô của anh đến mùa thu hoạch lại bị nước lũ cuốn trôi. Sủng lội bùn, vớt vát những quả ngô sót lại. Anh lững thững vác cái túi dứa, lèo tèo một vụ ngô, chỉ đủ nuôi mấy con gà nhép.

Nhiều đêm không ngủ được, Sủng ra cửa ngồi, thả chân xuống dòng sông. Ngày xưa, những con cá nhỏ thường đùa rỡn, mơn man bàn chân anh, giờ chúng đi đâu hết. Kỷ niệm xưa cũng đã bỏ anh ra đi. Anh muốn trả cho sông nỗi buồn riêng.

Sủng quyết định đi tìm chân trời mới. Tinh mơ, theo lời rủ của một người bạn, anh xách cái ba lô cũ, đựng vài bộ quần áo, nhét mấy đồng vào túi, ra bến xe. Xóm nhà bè còn yên giấc. Mặt sông loang loáng ánh đèn hắt xuống từ trên phố. Vợ con anh không hề biết chuyến ra đi này.

Quá trưa, Sủng và bạn rời xe khách, lên một chiếc xe ôm vòng vo đến một con suối. Không khí ở đây hối hả, hùng hục. Những trục tời kéo cát sỏi, đất đá, nghiến răng ken két. Suối đục ngầu, đỏ như mắt khóc. Cả trăm người đang đào bới, xúc đãi đất, cát tìm vàng. Những mái lều lá, tạm bợ nép bên chân đồi, mé rừng. Anh hùng, hảo hán tứ xứ về đây lập giang sơn. Trai tráng từ dưới xuôi, không việc làm đi tìm giàu sang. Nghèo khó quanh địa phương cũng có mặt, đợi vận may. Tệ nạn xã hội khắp nơi rủ nhau về. Sủng vào làm thuê cho một chủ bưởng. Những lúc “vào cầu” lại xủng xoẻng bài bạc, thâu đêm, suốt sáng. Hàng quán la liệt, đắt đỏ. Bãi vàng thực sự là bãi chiến trường. Chanh chấp, đánh chém xảy ra như cơm bữa. Đêm xuống, nơi đây là một thế giới riêng.

Cờ bạc, rượu chè, đĩ bợm. Những giang hồ ấy đã ít nhiều ngấm vào Sủng.

Nhiều lúc, Sủng thấy nhớ con. Giang mới tám tuổi, đang học lớp hai. Đôi má phúng phính, hay dỗi, hay hờn. Giang chỉ thích hát múa, vẽ hoa và vẽ mèo. Có đêm, anh thương vợ. Người vợ luôn sống trong túng quẫn, cam chịu. Dưới cái mái cọ thấp lè tè, kinh tế eo hẹp, vợ chồng Sủng như bị tù túng, nhiều lúc muốn bung ra. Họ biết và quen nhau, rồi nên vợ chồng sau những buổi tắm sông cùng trăng. Miền đất này đã sinh ra những người đẹp. Và dòng sông làm đẹp con người. Dưới ánh trăng đêm, dòng nước mát và cô gái mới lớn đã phơi lộ những đường nét ngọc ngà. Anh đã bị hút hồn sau những lần ở bên sông. Rồi tình yêu nảy nở…

Làm sao anh có thể trở về khi mà công sức của anh vẫn trong tay chủ bưởng. Ở đây, anh chỉ có quyền được làm và được ăn; Được xả đồi, bóc đất, khiêng, vác những bao đất, cát, sỏi đá từ trong lòng núi ra suối đãi. Thời gian của chủ bưởng tính bằng cân tiểu li, còn thời gian của kẻ làm thuê, tính bằng những bao đất, cát đè nặng trĩu, oằn lưng. Hơn ba tháng trời, sau khi lấy được mấy đồng tiền công rẻ mạt, Sủng quyết định trốn khỏi bãi vàng. Khuya. Trăng núi xao xác. Anh lén dậy, xách ba lô, đi tắt rừng ra phố huyện, đón xe.

Háo hức về nhà bao nhiêu, thì đến nhà, Sủng lại hụt hẫng bấy nhiêu. Vợ anh, cô con gái người thuyền chài, tưởng như cam chịu đã bỏ đi theo người con trai khác. Nghe đâu vào Tây Nguyên trồng cà phê và tiêu. Đứa con gái anh đang ở với bà ngoại. Sủng đón con về, hai bố con lại lầm lũi trên sông. Hằng ngày, Giang đến lớp, chiều tối mới về. Con bé, được cái nết ham học, về đến nhà lại chúi mũi vào sách vở. Cũng may, còn có bà ngoại để cháu qua lại.

Chẳng biết từ đâu, cái thị xã nhỏ bé ven sông bỗng xuất hiện những người nghiện ma túy. Họ lén lút tụ tập nơi bến xe, bến thủy, nhà trọ hay xóm nhà bè. Ngày đó Trung tá Lường đang công tác trong lực lượng phòng chống tội phạm ma túy. Anh được tổ công tác giao nhiệm vụ trinh sát tại khu nhà bè. Một hôm, từ hạ lưu, một cái bè nuôi cá lồng, được kéo lên, táp vào gần xóm nổi. Nghe đâu, bè của một người dân trên phố. Trên bè, một cái lều lụp xụp giành cho người trông cá. Ở đó, qua những “ô cửa” tự tạo, có thể quan sát toàn bộ dãy nhà bè.

Bốn giờ sáng, trinh sát Lường được thuyền chở ra bè cá ấy. Nhiệm vụ của anh là dùng phương tiện đặc dụng, ghi hình toàn bộ những người xuống các nhà bè, thông báo qua bộ đàm cho tổ công tác trên bờ. Bánh mì, lương khô, trứng luộc và nước lọc, đủ dùng cho một ngày. Khuya muộn, Lường mới được rời bè cá. Hôm sau lại tiếp diễn. Hơn một tuần theo dõi, tài liệu trinh sát đã được nghiên cứu, xử lý. Đúng giờ T, ngày N, tổ công tác ập xuống, bắt gọn bốn đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Sủng là chủ nhà, đang nắm trong tay những tép ma túy cùng với cuộn lá chì (chì dùng để kẹp lưới đánh cá) định ném xuống sông phi tang thì đã bị một trinh sát giữ lại.

Cuộc khám xét nhanh chóng thực hiện. Có tổ trưởng dân phố, đại diện chính quyền địa phương tham gia. Qua xét nghiệm nhanh, bốn đối tượng đều dương tính, cùng với chín tép ma túy, và cuộn lá chì, bằng chứng không thể chối cãi. Lực lượng chức năng đang khám xét, bất ngờ Giang, con gái Sủng xuất hiện. Nó khóc lóc, kêu gào trước cảnh bố bị khóa tay. Ngôi nhà bè mà bố con nó đang ở, bị cảnh sát khám xét. Bé mặc nguyên bộ đồng phục của trường, khuôn mặt mếu máo, đầy nước mắt. Trinh sát Lường nhìn Giang không cầm nổi nước mắt. Khi nghe bố nó nói vọng ra: “Thôi, từ mai con nghỉ học”. Con bé gào lên: “Không, con không bỏ học. Con kh...ô…ô...ng! Các chú công an thả bố cháu ra!”.

Lường thấy cay cay trên mí mắt. Anh lấy tay xóa vội giọt nước mắt. Giang cũng như con gái anh. Cháu cần phải được đến lớp. Mỗi khi đi công tác vài ngày là Lường lại nhớ con, chỉ mong ngày về ôm con vào lòng. Thật tội nghiệp cho bé Giang. Nhưng luật pháp không thể tha thứ cho hành vi phạm tội của bố nó.

 Xe cảnh sát đi rồi, Lường cùng bác tổ trưởng dân phố đưa Giang về nhà bà ngoại. Từ khi công tác trong lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, anh đã chứng kiến bao cảnh đời éo le. Bao nhiêu vụ án ma túy mà đơn vị anh đã khám phá, là bấy nhiêu hoàn cảnh chớ trêu, ngang trái. Phía sau tội lỗi của kẻ phạm tội là nỗi đau đớn, mất mát cả thể xác lẫn tâm hồn của người thân, trong đó có trẻ em. Những đứa trẻ đâu có tội tình gì. Gương mặt chúng ngây thơ, trong trắng. Đôi mắt đen tròn, tinh khôi. Những tép ma túy được gói trong tờ giấy bạc của người cha tội lỗi và khuôn mặt ướt nhòa nước mắt của đứa trẻ cứ ám ảnh, cật vấn người trinh sát.

Theo đề xuất của anh, ngày hôm sau, Lường được đơn vị cử đến gặp nhà trường và tổ trưởng dân phố. Câu chuyện xoay quanh việc đề nghị nhà trường, chính quyền địa phương vận động bà con giúp đỡ, động viên cháu Giang tiếp tục đến trường. Anh cũng chuyển số tiền nhỏ, được anh em trinh sát trong đơn vị quyên góp giúp đỡ cháu Giang.

Trong những lần xét hỏi bị can Sủng, Lường nhận ra bản chất thật của con người này. Đôi lúc cuộc sống đã xô đẩy con người ta đến chân tường. Phạm tội lần đầu, đối tượng cũng đã thành khẩn khai báo hết. Sau những giờ xét hỏi, Lường             giành thời gian tâm sự về cuộc sống, thông báo kết quả học tập của Giang cho Sủng nghe. Anh nói với Sủng, phía trước của anh còn dài, hãy vì cháu Giang mà cố gắng làm lại cuộc đời. Sủng ân hận những gì anh đã gây ra. Anh mừng rơi nước mắt khi biết tin con gái đã vượt khó để học tốt.

Kết thúc điều tra vụ án, anh báo cáo đơn vị, xin cho cháu Giang được vào thăm bố. Đây là nguyện vọng của bị can Sủng. Được đơn vị đồng ý, anh trực tiếp đưa cháu đi thăm. Hơn một tiếng đồng hồ, hai bố con to nhỏ, chuyện trò với nhau. Giang khoe với bố, được làm quản ca, được vào đội Sao đỏ của lớp. Lường đứng nhìn niềm vui, ánh mắt của hai cha con Sủng mà không giấu nổi xúc động.

Chuyện đó, kể ra cũng đã mười mấy năm rồi. Năm năm thi hành án, Sủng hoàn lương về với cuộc sống cũng đã hơn chục năm. Bao chuyện vui, buồn nghề nghiệp mau chóng qua đi. Là lính hình sự, trinh sát Lường đã gặp nhiều chuyện xót xa, cảm động về tình người. Giữa cái ác và cái thiện; Giữa éo le, ngang trái của cuộc đời vẫn còn mảnh đất cho lương tri, tình thương nảy mầm. Về với đời thường, ông Lường rũ bỏ mọi vướng bận để hưởng những năm tháng thanh thản cuối đời. Ông chọn cái máy ảnh làm bạn, lang thang, chỉ để ghi lại những hàng cây, góc phố, bến sông, hoa lá, phong cảnh quê hương để chơi, hay gửi ảnh tặng bạn. 

Hôm nay, với ông Lường, một buổi chiều đáng nhớ. Buổi chiều không tìm mà gặp, một tù nhân ngày nào. Ông hài lòng với bức ảnh ghi lại bên vườn.

Câu chuyện của hai người chưa dứt mà bóng tối đã ập xuống. Vườn hoa bảng lảng khói sương. Những bông nụ hồng trắng, vàng như sáng lên bên những bông đỏ vừa nhen lửa. Trước khi chia tay, hai người đã kịp lấy số điện thoại của nhau. Ông Sủng tiễn khách lên tận đường bê tông. Hai cái bóng như đang bước ra từ một buổi chiều huyền thoại.

Ông Lường ít dùng cà phê, bởi chứng mất ngủ. Sáng nay là ngoại lệ. Ông đã hẹn mời ông Sủng. Quán cà phê không hoa mĩ như giới sành điệu ưa thích. Gian phòng nhỏ, mái lá, hướng ra sông, bài chí nhẹ nhàng mang chút hoài niệm. Bức tranh của một họa sĩ, người trên phố,

vẽ con thuyền nan đỗ bến sông, dưới tán gạo đỏ hoa. Đôi ba cánh hoa đỏ tươi, phơi trên cát vàng. Từ đây, có thể thấy thấp thoáng mái nhà bè và những lá Quốc kỳ bay trong gió. Quán ít khách, chủ yếu người trung niên.

Đúng hẹn, ông Sủng bước vào. Ông nhanh miệng và kính cẩn chào thầy giáo. 

Trông ông khác hẳn hôm trước. Tóc cắt ngắn để lộ màu da đồng hun. Chiếc áo phông trẻ trung, màu cánh gián, sơ vin trong quần vải thô, màu tàn thuốc. Ông Lường chìa tay ra đón tay bạn. Hai người ngồi về một phía, hướng mắt ra sông. Từng giọt cà phê thánh thót. Ông Lường muốn nghe câu trả lời của ông Sủng mà ông đã hỏi từ hôm trước.

Bản nhạc Trường ca sông Lô, trầm hùng phát ra từ một đĩa hát, lắng xuống. Ông Sủng, giọng trầm hẳn:

          - Thầy ạ, số em, giời không thương. Nhưng giời cũng không thể vật chết được. Có sức khỏe, ra tù, em quyết tâm làm lại, như lời thầy khuyên. Em lao vào bới đất lật cỏ, xới xáo khu đất cũ trồng hoa và cây cảnh. Cũng may, dòng sông đã được chế ngự, không còn lũ lụt như xưa. Đất phù sa trồng hoa, rau màu là thượng sách. Với lại, khi cuộc sống khá giả, người thành phố thích chơi hoa nhiều hơn. Em dành dụm kinh tế, tập trung nuôi cho cháu Giang ăn học. Hết phổ thông Trung học, cháu theo học một khóa hướng dẫn viên du lịch và làm tại một công ty lữ hành, trụ sở tại Hà Nội.

- Thế còn…? Ông Lường ngập ngừng nhấp ly cà phê, ngập ngừng cả câu hỏi.

- Hôm trước thầy có hỏi, nhưng em chưa trả lời. Lúc con gái em đi học, một mình một nhà, buồn lắm. Đàn ông một mình, ăn uống thất thường, tạm bợ. Có bữa, mẩu bánh mì cũng xong. Em cũng có tuổi rồi. Cũng nghĩ chuyện tìm người phụ nữ, biết nấu cơm, kho cá, luộc rau. Bỗng một hôm, cô ấy khóc lóc quay về. Ấy là con vợ em. Cô ấy bỏ đi, tưởng sẽ làm giàu từ cà phê ở Tây Nguyên. Ai ngờ, thu hoạch được vài vụ thì anh chàng ấy bị ngã nước, lâm bệnh rồi bỏ cô ấy ra đi. Cũng thương cậu ấy. Hai người chẳng có thêm đứa con nào. Bơ vơ một mình giữa vùng đất đỏ. Nghĩ cũng tội. Việc đó có lỗi của em. Thằng đàn ông bất tài, không lo nổi miếng cơm cho vợ, con. Thế rồi, cô ấy bán tháo gia sản, đất vườn quay đầu.

- Có thêm bà ấy, em sưu tầm nhiều loại hoa hồng khắp nơi về trồng. Giống hoa cổ, hoa ghép, hồng lai tạo mới, đủ các hương thơm và màu sắc. Ngày rằm, mồng một âm lịch, bà ấy thồ hoa ra chợ. Cưới hỏi, sinh nhật, lễ hội quanh năm, việc gì cũng cần hoa. Vào mùa hoa nở rộ, nhiều đoàn khách đã đến vườn check-in. Đặc biệt, em ươm và cung cấp nguồn cây giống. Không chỉ cho thành phố, hoa và giống cây của em đã lên đường đi nhiều miền quê.

Ông Lường ngồi im nghe Sủng say sưa kể. Hương cà phê quấn quýt trong gian phòng. Chợt từ phía ngoài, một cô gái ôm một bó hoa hồng cùng người phụ nữ bước vào quán. Nhìn gương mặt, biết cô gái vui lắm. Chắc cuộc cà phê để chúc mừng sinh nhật một trong hai người. Hai người tiến đến bàn mà hai ông bạn già đang ngồi. Cô gái dâng bó hoa lên trước mặt ông Lường: 

- Con chào bác. Con xin tặng bác. Ông Lường hết sức ngỡ ngàng. Có sự nhầm lẫn nào chăng?

Nãy giờ, ông Sủng ngồi im, xoay xoay ly cà phê đang uống dở. Giờ ông mới lên tiếng:

- Con Giang nhà em đấy. Nó vừa dẫn một đoàn khách du lịch lên. Còn đây là “bà già bán hoa”, nhà em - Ông Sủng chỉ tay vào người phụ nữ đi cùng. Giây phút xúc động tràn ngập. Khách bàn bên khoảng chục người cũng dồn ánh mắt về nơi ấy. Ông Lường thấy nước mắt mình tràn xuống. Ông lóng ngóng nhận hoa. Ai đó giơ điện thoại, ghi lại niềm vui của bốn người. Ánh đèn flat chớp sáng. Căn phòng bỗng quá chật như không chứa nổi niềm vui ­­­này.

Tin tức khác