Về Ninh Bình thăm làng nghề đá Ninh Vân

Thứ ba, ngày 16-05-2023, 10:07| 1.472 lượt xem

Ghi chép của Lê Na

 

Cụm tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Ảnh của Việt Trường

 

Là người con của quê hương Tuyên Quang, tôi luôn tự hào về cụm tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, đặt tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, trung tâm thành phố Tuyên Quang. Đây là cụm tượng đài về Bác Hồ hoành tráng nhất tại Tuyên Quang, do những bàn tay tài hoa người Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình thực hiện. Quần thể tượng dựng bên chân núi Thổ Sơn, biểu trưng khối đoàn kết công, nông, binh và thiếu nhi quanh Bác Hồ. Kể từ khi xây dựng tượng đài, nơi đây là điểm vui chơi cho người dân, đồng thời diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.

Nhân dự trại sáng tác Văn học Nghệ thuật do Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội mở tại Ninh Bình, tôi mới có dịp đến Ninh Vân, một xã nằm phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng chục cây số. Con đường vành đai 477, mới được xây dựng, dẫn chúng tôi về xã. Nhà văn Đinh Ngọc Lâm, người vốn quá thông thuộc địa danh này đưa chúng tôi đi. Đến Hoa Lư, Ninh Bình, ai cũng sẽ choáng ngợp bởi thế núi vây bọc. Núi như vòng tay thân thương, bền bỉ và kiêu hãnh ôm ấp làng mạc, đồng ruộng. Vừa ngồi trên xe, ông vừa kể về vùng đất nghèo Ninh Vân xa xưa. Làng ông có nghề thêu ren, ngay bên cạnh làng đá. Mới hay, giữa cái thứ mềm mại, nhẹ nhàng lại là đá, rắn chắc và nặng chịch. Hai làng nghề vẫn song hành đi lên trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới tiêu biểu. Chủ tịch xã Vũ Văn Tuyên bận điều hành một cuộc họp xã, đồng chí giới thiệu chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Diệu, 72 tuổi, Chủ nhiệm làng nghề đá Ninh Vân. Ông Diệu nguyên là một Cựu chiến binh, đi xe máy ra tận trụ sở Ủy ban nhân dân xã đón chúng tôi.

Nhiều đoạn đường trong xã đã bị vỡ lở, xuống cấp do thường xuyên có nhiều xe tải trọng lớn qua lại. Chiếc xe máy cũ của ông Diệu, nhiều khi phải dạt vào lề, nhường đường cho xe chở đá. Hai bên đường cơ man là đá. Đá đứng ngổn ngang như những ngọn núi nhỏ, núi lớn. Đá thô chưa xẻ, đứng bên nhau như bãi chiến trường. Đá đã qua sơ chế, vuông vức, từng tấm, từng hộp. Đá đang chế tác. Bên cạnh đó là các cửa hàng giới thiệu sản phẩm từ đá. Những tượng phật Di Lặc, Quan Âm bên tượng Chúa, Đức Mẹ. Nào voi, ngựa, rồng, phượng, nghê, chó. Nào đồ thờ cúng tâm linh, bên các loại chậu hoa, bàn ghế đá. Chân dung của làng nghề được hình thành từ đá. Tôi như ngợp hồn mình trước đá. Đá dẫn dụ tôi đi trong vàng nắng.

Nghề chế tác đá ở Ninh Vân có từ cả ngàn năm trước. Truyền thuyết lưu lại, cụ Tổ nghề đá đã có từ thời lập Kinh đô Hoa Lư. Những công trình kiến trúc, sản phẩm, đồ thờ cúng ở động Thiên Tôn, những bức y môn, cửa võng ở đền Thái Vi. Và, biết bao công trình lớn của đất nước từ xa xưa đều có dấu ấn của bàn tay thợ đá ở Hoa Lư. Tuy vậy, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân thì mới được hình thành từ năm 2005. Ban đầu, diện tích đất làng nghề chỉ có 11 ha đất, đến nay đã có trên 35 ha. Theo số liệu thống kê của xã, năm 2016 toàn xã có 1.025 hộ làm nghề đá, đến nay đã có xấp xỉ 2.900 hộ. Qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề đá ở Ninh Vân đã kế thừa những giá trị tinh hoa của bậc tiền nhân, nối tiếp nhau không ngừng sáng tạo. Nguyên liệu đá cho làng nghề hầu hết được tuyển chọn, khai thác từ Thanh Hóa, Nghệ An. Ninh Vân có 10 trong tổng số 13 thôn sống bằng nghề đá, lấy đá làm kế sinh nhai. Đá đã mang lại cuộc sống đầy đủ tiện nghi sang trọng, đưa nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú. Những ngôi nhà xây cao tầng, những biệt thự sang trọng cứ đua nhau mọc lên.

  Ông Diệu tâm sự, trước đây, khi chưa có làng nghề, người Ninh Vân đói kém phải vác búa, đục đi khắp nơi kiếm sống. Họ lang thang lên rừng, xuống biển, ra đảo. Có việc gì, làm nấy. Bán sức lao động từ bàn tay chai sần, mồ hôi đẫm người. Đục cối xay giã, đục đá kê chân cột, con lăn để ra hạt thóc. Hình ảnh những lão nông tay quai đá, mình trần, mặc quần thợ cối còn in đậm trong mắt người làng. Ngày nay thì rất nhiều người từ nơi khác lại đến Ninh Vân học nghề đá và làm thuê. Người từ huyện Lục Yên, Yên Bái. Người từ Quỳ Hợp, Nghệ An. Rất nhiều trai tráng từ vùng nguyên liệu đá Thanh Hóa phải xa nhà đến để học việc, kiếm kế sống.

Ông Diệu có ba người con, thì trừ người con tham gia quân đội, còn lại đều theo nghề gia truyền làm đá. Ông bà ở cùng người con trai út. Một cơ ngơi sang trọng đi lên từ đá. Căn nhà rộng, thoáng, lịch sự và khang trang, đến cả trăm mét vuông. Nền lát đá trắng, mát. Cả một khoảng sân rộng cũng lát đá. Góc sân, một hòn non bộ dựng lên những cây đá nhấp nhô. Một đàn cá koi, đủ các màu sắc, tung tăng trong dòng nước mát. Người Cựu chiến binh tâm sự, nếu mỗi tháng, gia đình ông không thu được 50 triệu đồng cho sáu khẩu, thì không đủ chi tiêu.

Buổi trưa, làng quê yên ả. Quá nửa số người làng, nghỉ lại nơi sản xuất. Ông Diệu đưa tôi đến thăm một nghệ nhân của làng. Con đường bê tông, sạch bong. Bước vào cổng nhà, một khuôn viên và căn nhà đẹp mở ra. Cây cảnh đan xen và phong lan buông rủ. Chủ nhà đang rửa bộ bàn ghế màu nâu gụ ở lầu nghênh phong. Tôi lầm tưởng nó được làm bằng gỗ. Nhưng đó là một loại đá cực hiếm, có màu và vân gỗ.

Trước mặt tôi là ông Phạm Ngọc Hoàn, sinh năm 1958, nghệ nhân ưu tú chế tác đá mỹ nghệ. Khuôn mặt hiền lành, vuông vức, chân quê. Dáng người không cao to, mái tóc cắt ngắn, vừa lộ ra chân tóc bạc. Ông nói chuyện điềm đạm không vồn vã. Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghề đá, cha ông, cụ Phạm Viết Duân, một người thợ đá nổi tiếng khắp vùng. Chính xác thì cụ Duân là một nghệ nhân chế tác đá. Cùng với cụ Duân, còn có cụ Lương Văn Tụ đều là những bậc thầy nghề đá, các cụ được biết đến như một tiền bối của nghề đá nơi đây. Sản phẩm mỹ nghệ mà cụ Duân để lại rất nhiều, ở quanh vùng, nhưng đặc biệt nhất là lư hương đá ngoài trời tại đền Vua Đinh, cố đô Hoa Lư.

Ngày nay, đến Khu di tích Tràng An, Ninh Bình chúng ta sẽ được dâng hương tại đây. Chúng tôi, những trại viên của trại sáng tác văn học do Tạp chí Văn Nghệ Quân đội mở đã được đến đây. Mọi người kính cẩn dâng hương, lắng lại lòng mình, tưởng nhớ bậc tiền nhân đã khai thiên lập địa, giữ gìn bờ cõi, Tổ tông. Một khối đá thiêng liêng, soi chiếu hàng triệu triệu con dân đất Việt và khách quốc tế đã về đây. Màu xám đá, màu xanh cây sẽ trường tồn cùng năm tháng.

Ông Hoàn đã học nghề và tiếp thu được vốn kinh nghiệm quý báu của cha mình. Đó là tính cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác gần như tuyệt đối. Ông còn nhớ câu chuyện mà cha mình đã kể về cuộc thi chọn người tài đục cánh cửa bằng đá. Bài thi phải đục đá, đủ cả đào, trúc, cúc, mai và rồng bay, phượng múa. Nhiều chi tiết tinh sảo, hóc búa. Hai người thợ đã âm thầm đục đá theo mẫu đã ra. Cuối cùng, khi nộp sản phẩm, sự chính xác đến hoàn hảo. Không ai nhận ra bản cánh cửa đá nào của ai.

Cả cuộc đời ông Hoàn đã sống với đá, ăn ngủ cùng đá. Để đánh thức hồn đá, khơi gợi ý tưởng từ khối đá nặng, thô ráp, vô tri là cả một vấn đề lớn. Nó phải đánh đổi cả mồ hôi, xương máu và trí tuệ, không chỉ một mà nhiều thế hệ. Ngày mới vào nghề, cha ông Hoàn dạy đục rồng là phải hiểu được vai trò, vị trí của con rồng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Rồng Việt Nam, không giống với bất cứ con rồng ngoại lai nào. Mặc dù là con vật không có thực, nhưng chỉ một chi tiết sai lạc, sản phẩm cũng không được chấp nhận. Bố cục một hoặc nhiều con rồng trên mặt đá cũng rất khó. Điều quan trọng là phải có đầu, có đuôi. Phần thân, nếu thấy “bí thì dí mây”.

Khi tôi hỏi những kỷ niệm đáng nhớ nhất của nghề này, ông cho biết. Đó là vào năm 1989, khi ông bắt tay thực hiện công trình tượng Người Mẹ Tổ Quốc Việt Nam ở nghĩa trang Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Bức tượng người mẹ Việt Nam, hai tay nâng lá Quốc kỳ, cũng là dải khăn tang buông dài xuống đất, nhân kỷ niệm 15 năm giải phóng đất nước. Đây là bức tượng đá, nặng trên một ngàn tấn, cao 24 mét, cao nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Nhiều đêm ông chỉ ngủ một vài tiếng đồng hồ. Từ bản vẽ, chuyển sang chất liệu đá, là một thử thách lớn đối với chàng trai trẻ. Có đêm thức trắng, thao thức miệt mài cùng bản thiết kế. Khi bức tượng đã xong, mỹ mãn, niềm vui không tả xiết. Ông quan niệm hạnh phúc thật đơn giản. Đó là bản thân mình đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Ngày nay, mỗi lần bay vào thành phố Hồ Chí Minh, khi máy bay hạ độ cao, bức tượng do chính ông và đồng sự xây dựng lại thấp thoáng hiện ra, ông thấy niềm vui xen nỗi xúc động dâng tràn.

Ở trung tâm các thành phố ở Việt Nam, nơi nào cũng có những tượng đài, cụm tượng đài do người Ninh Vân trực tiếp xây dựng. Tượng đài các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, đặc biệt là hình tượng Bác Hồ được đặt nơi tôn kính, trang trọng. Người Ninh Vân đã gửi lòng mình vào tượng đá. Tượng đài Nguyễn Trãi, xây dựng năm 1994 - 1995, tại trung tâm quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi, đặt tại trung tâm thành phố Thanh Hóa, được xây dựng đầu những năm 2000. Có thể nói trên khắp sáu mươi ba tỉnh thành phố của Việt Nam, từ Nam ra Bắc, ở đâu có tượng đài đồ sộ, hoành tráng bằng đá, ở đó có bàn tay người Ninh Bình.

Là người con của quê hương Tuyên Quang, tôi luôn tự hào về cụm tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, đặt tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, trung tâm thành phố Tuyên Quang. Đây là cụm tượng đài về Bác Hồ hoành tráng nhất tại Tuyên Quang, do những bàn tay tài hoa người Ninh Vân thực hiện. Quần thể tượng dựng bên chân núi Thổ Sơn, tạo thành khối đoàn kết công, nông, binh và thiếu nhi quanh Bác Hồ. Kể từ khi xây dựng tượng đài, nơi đây là điểm vui chơi cho người dân, đồng thời diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.

Nhưng, điều này có thể ít ai biết. Đó là vào năm 1974, làng đá Ninh Vân đã có bốn người thợ được chọn đi ghép đá xây dựng lăng Bác Hồ. Trưởng thôn Đỗ Đình Cơ, sinh 1954 đưa tôi thăm gia đình bà Đỗ Thị Ái, sinh năm 1960. Bà Ái là con gái cụ Đỗ Khắc Phơi, là người được trực tiếp ghép đá xây lăng Bác Hồ. Cùng tham gia ghép đá lăng Bác còn có các cụ Đỗ Khắc Hào, Vũ Huy Tư, Vũ Huy Phơng. Các cụ đều đã về với Tổ tiên. Bà Ái tâm sự, khi bố mình làm đá ở lăng, bà đang học cấp hai. Vào dịp nghỉ hè, bà được bố cho đi chơi, ăn kem. Sau khi lăng Bác hoàn thành, bà cũng là những người đầu tiên vào lăng viếng Bác, năm 1976...

Chiều, tôi một mình lang thang ngoài làng nghề. Khu ồn ào nhất vẫn là máy xẻ, cắt đá. Những pa lăng, cần cẩu cả trăm tấn đang nghễu nghện làm việc. Có những bánh xe răng cưa đang xẻ đá, đường kính tới cả hai mét rưỡi. Nguồn nước tuôn xối xả để làm mát đá. Ông Đỗ Khắc Thái, sinh năm 1960 đang theo dõi máy xẻ. Một diện tích cả ngàn mét vuông “bãi chiến trường” của ông đang ngổn ngang đá. Ông Thái có hai mô tơ xẻ đá với công suất 37kw/h và 45kw/h. Mỗi tháng ông xẻ gần một trăm mét khối đá, tiêu hết khoảng sáu mươi triệu tiền điện. Số đá xẻ ra chỉ để gia đình sản xuất ra thành phẩm.

Rẽ sang khu đá thành phẩm, tôi bước vào cửa hàng của anh Lương Văn Bảy, sinh năm 1971. Hai ngàn mét vuông đất đang bày kín sản phẩm từ đá. Nào cổng đá, lăng mộ, bia đá, các linh vật từ nhỏ đến lớn. Những mái cong, cổng vòm nặng cả trăm tấn. Anh Bảy đang thuê hai mươi công nhân với giá

12 triệu đồng một người/tháng, cơm nuôi. Họ từ Con Cuông, Nghệ An, từ Lào Cai, Yên Bái…

Gia đình anh Lương Văn Bảy đến nay đã có năm đời theo nghề đá. Ông nội của anh là Lương Văn Phở đã có 12 năm đục đá ở Chùa Hương. Cha mẹ anh có tám người con thì toàn bộ giờ sống với đá. Các con anh cũng vậy. Đá đã chọn người. Năm mươi hai tuổi, Bảy đã có hơn ba mươi năm làm nghề. Không có trường lớp cụ thể, cứ cầm tay chỉ việc. Làm nhiều thành quen, trở thành kỹ năng khi nào không hay. Bảy tâm sự: Nghề nào cũng cần có niềm đam mê. Làm đồ cổ theo các mẫu sẵn có. Làm đồ mới, sáng tạo đã có máy móc, vi tính. Ngày nay, nhiều công đoạn đục đá đã có máy CNC đảm nhiệm. Nó có thể thay thế sức người rất lớn. Tuy nhiên, để một sản phẩm đá hoàn hảo, không thể thiếu vắng bàn tay con người ở những chi tiết độc đáo, tinh tế.

Khác với nhiều ngành nghề khác, vài năm trước vướng dịch Covid, sản xuất bị ngưng trệ. Ở đây anh Bảy lại có những đơn hàng lớn, làm không hết việc, thu nhập tốt. Năm 2021, anh có đơn hàng đá tại khu vui chơi và lăng mộ của một gia đình ở Hải Dương, với tổng số tiền lên đến 23 tỷ đồng. Năm 2020, anh và cộng sự đã hoàn thành công trình Cây đa Bác Hồ tại Bắc Ninh, trong thời gian sáu tháng, có trị giá 6 tỷ đồng. Khách hàng của anh Bảy, tập trung ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An… Ngoài việc thi công những công trình mới, anh Bảy tiếp tục gia công những mặt hàng truyền thống. Mỗi tháng xưởng đá của anh Bảy phải sản xuất một tỷ đồng mới đủ lương cho công nhân. Trong hai ngàn mét vuông nhà xưởng đang giới thiệu sản phẩm, nếu tính tiền hàng, anh Bảy cũng có đến năm mươi tỷ Việt Nam đồng.

Ở Ninh Vân, không khó để gặp những cô gái, khăn chùm kín mặt, đeo găng, kính đang đục những sản phẩm nhỏ. Đây là công đoạn cần đến bàn tay của các cô gái, tỉ mỉ, chính xác. Đó như nét hoa văn hay chấm nhỏ trên lọ hoa, giả bình gốm, con giống, nghê, chó đá hoặc chày cối đá. Cạnh đó là cửa hàng bán đồ lưu niệm. Mỗi sản phẩm chỉ nặng từ vài cân đến vài chục cân. Những sản phẩm nhỏ xinh, bày xếp trên kệ, ngăn nắp, xinh xắn. Tôi gặp Đỗ Thị Duyên, hai mươi bốn tuổi đang say sưa tạo vân cho đá. Sau khi máy đã mài nhẵn bề mặt đá, bây giờ người ta lại làm “xù xì” một cách tự nhiên.

Nếu chỉ lang thang quanh làng, xã, tôi làm sao hiểu hết đá và lòng người Ninh Vân. Chuyến đi này cho tôi hiểu thêm sức vươn xa của một làng nghề ở đồng bằng Bắc Bộ. Một người mà tôi muốn giới thiệu với bạn đọc là doanh nhân trẻ Đỗ Đức Tạo, sinh năm 1973. Từ nhiều năm trước, Công ty Đá mỹ nghệ Lâm Tạo đã kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đưa đá mỹ nghệ Ninh Vân đến với nước Mỹ, Myanmar, Lào, Cam Pu Chia. Năm 2016, Đỗ Đức Tạo đã bán 28 bức tượng đá sang New York, Mỹ, nhiều bức nặng tới 25 tấn. Tất cả đều được chuyển bằng đường biển. Đó cũng có thể được coi là xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Lần trước, tôi gọi điện thoại cho Tạo, anh đang khai thác nguồn hàng ở Lào Cai. Lần này, anh lại đang ngoài Quảng Ninh. Mới hay, cái khái niệm làng nghề đá Ninh Vân luôn mở. Phạm vi của làng nghề, không chỉ nằm vỏn vẹn trong 35 ha đất của 13 thôn trong xã. Người Ninh Vân hôm nay đã và đang bắt kịp nhịp sống mới. Nhớ lại hôm Nguyễn Quang Vũ, sinh năm 1983, con trai ông Diệu đưa tôi từ xã lên thành phố Ninh Bình. Vũ là một lớp người mới của Ninh Vân luôn nhanh nhạy và sáng tạo. Anh và lớp người mới đã biết kế thừa truyền thống và tiếp thu tinh hoa mới của nghề đá. Công nghệ 4.0 đã được thế hệ các anh chiếm lĩnh. Qua câu chuyện ngắn ngủi trên ô tô, tôi càng hiểu thêm những người yêu đá ở nơi đây đang làm chủ vận mệnh của mình, làm giàu cho gia đình, quê hương.

L.N

 

 

Tin tức khác