Khởi sắc từ một trại sáng tác

Thứ hai, ngày 06-11-2023, 09:05| 813 lượt xem

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang từ ngày 16/10/2023 đến ngày 22/10/2023. Tham dự trại có 20 văn nghệ sĩ, đến từ các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thuộc ba chuyên ngành: Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn học.

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mở trại sáng tác dành riêng cho các tác giả của chín tỉnh tại Tuyên Quang là một chủ trương và sự quan tâm đặc biệt, có ý nghĩa và thiết thực, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, giao lưu học hỏi lẫn nhau, tìm tòi ý tưởng, đề tài, nội dung chuyên ngành và cho ra đời những tác phẩm mới đầy ý nghĩa trên mảnh đất Tuyên Quang xinh đẹp và giàu tư liệu sáng tác này.

Nhận thức được vai trò của cá nhân cũng như những ý nghĩa tốt đẹp đó, trong suốt bảy ngày dự trại vừa qua, anh em văn nghệ sĩ đã rất vui mừng phấn khởi và tích cực tham gia những chuyến đi thực tế đến huyện Chiêm Hóa (thăm Kim Bình - Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, danh thắng cấp tỉnh Thác Bản Ba (xã Trung Hà), tới huyện Yên Sơn (thăm vùng trồng cây ăn quả xã Tứ Quận, hồ Ngòi Là, làng văn hóa dân tộc Cao Lan Động Sơn, Chân Sơn) để trải nghiệm và tìm cảm hứng sáng tạo.

Đồng thời, các trại viên từ các tỉnh bạn cũng đã rất cố gắng tìm hiểu thực tế tại nhiều điểm khác trong tỉnh, như: Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Tân Trào (Sơn Dương), Kim Quan, Đạo Viện (Yên Sơn), Hàm Yên…để mỗi người, bằng trách nhiệm của mình cũng đã nỗ lực, tập trung sáng tác những tác phẩm mới đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất tại thời điểm này. Đó là những tác phẩm phản ánh phong phú, chân thực về cảnh sắc, con người, cuộc sống, các tầng nấc, giá trị văn hóa tinh thần cũng như sự phát triển mọi mặt của tỉnh Tuyên Quang và của đất nước.

Không những thế, tại trại này, các trại viên đã rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cho sáng tác của mình bằng sinh hoạt các nhóm thơ, nhạc, ảnh…khiến không khí của trại rất sôi nổi, ấm cúng và đoàn kết. trong buổi tổng kết bế mạc trại, một số ca khúc được sáng tác về Tuyên Quang, Yên Sơn, Chiêm Hóa đã được các nhạc sỹ, là trại viên, thể hiện như một minh chứng cho hoạt động của họ tại trại sáng tác.

Sau bảy ngày dự trại, kết quả sáng tạo của các trại viên được thể hiện bằng những con số biết nói như sau:

Chuyên ngành Văn học với số lượng trại viên đông nhất chiếm tới mười bốn người, chiếm tới già nửa văn nghệ sĩ một nửa cũng là chuyên ngành có số lượng tác phẩm nộp cho Ban tổ chức nhiều nhất: 63 tác phẩm, tập trung vào hai thể loại chính: thơ và truyện ngắn. Đây cũng là hai thể loại có lợi thế mạnh của các nhà văn trong một thời gian ngắn. Chỉ có một bút ký Mùa mới ở Bản Bung của Lê Quốc Thu.

Điểm nổi bật trong 63 tác phẩm lần này của trại, các tác giả đã bám sát yêu cầu của trại, chủ đề tư tưởng của các tác phẩm đều phù hợp với yêu cầu của Ban chỉ đạo và Ban tổ chức trại sáng tác.

Về nội dung tác phẩm: Truyện ngắn của các trại viên có nội dung phong phú, đa dạng về các lĩnh vực đời sống, văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là về dân tộc, miền núi.

Nhà văn Vũ Xuân Tửu, người được mời đánh giá chất lượng các tác phẩm nộp trại lần này, cho biết: Về nghệ thuật, các cây bút trong trại lần này tỏ ra có kỹ năng sử dụng ngôn từ khá tốt, nhuần nhị, phù hợp với việc miêu tả tâm lý nhân vật, tính cách con người miền núi (dân tộc La Chí, Tày, Nùng…); các cây bút tỏ ra có nghề trong mỗi sáng tác, bút pháp khá vững vàng như: Như nước xuôi dòng (Nguyễn Thị Minh Lý, bút danh Ngọc Minh - Hà Giang) các truyện Vô ngôn, Gió đổi chiều, Chiêc vợt màu boóc - đô của Nguyễn Minh Hằng (Thái Nguyên), Dưới mái hiên nhà (Lê Ngọc,Tuyên Quang).

Cách đặt tên tác phẩm cũng ngắn gọn, giàu sức gợi: Trăng náu (Thanh lương), Những nuộc lạt (Bùi Thị Mai Anh), Vô ngôn (Nguyễn Minh Hằng).

Các nhân vật tính cách, nhân vật loại hình xuất hiện khá rõ nét trong các truyện ngắn lần này: Quang (Những nuộc lạt), Phấn (Cô Phấn của Thúy Hạnh), Công (Chiếc vợt màu boóc - đô).

Một số cây bút đã chú ý tả trang phục của nhân vật: trang phục dân tộc La Chí của người con nuôi trong Như nước xuôi dòng (Nguyễn Thị Minh Lý), dấu hiệu duy nhất để sau nhiều năm lưu lạc, giúp mẹ con nhận ra nhau; trang phục của người mẹ đã chết trong Gặp mẹ (Bùi Thị Mai Anh) cho thấy bối cảnh thời đại dựa trên trang phục cũng như điều kiện kinh tế của người mặc trang phục.  

Về chuyên ngành thơ: chỉ có sáu tác giả nhưng số lượng bài nộp lên tới 49 bài, có nhiều bài hay, có những phát hiện, sử dụng ngôn từ khá tốt: Về đi trâu ơi, Nhà người lắm nỗi đa đoan (Nông Ngọc Mạnh, Bắc Kạn), Trên cầu tình yêu (Đinh Tiến Hải, Bắc Giang), Ngày gặt ở bản Mù (Lê Na, Tuyên Quang), Đón mùa, Tuổi chiều (Nguyễn Thị Thu Hương, Yên Bái) Trong bài Đón mùa có câu thơ rất hay: “Mẹ tính tuổi anh theo nấc ruộng bậc thang” mang đặc trưng miền núi rõ nét, vừa giản dị mà có sức gợi lớn.

Đinh Tiến Hải có tới 18 tác phẩm được hoàn thành trong một tuần và có nhiều bài hay: Thành Tuyên, Chiều trên sông vắng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tác giả viết còn lan man (cả truyện lẫn thơ).Tác giả Nguyễn Thị Thu Hương bên cạnh những bài chất lượng thì giọng thơ vẫn còn dàn trải, kể lể.  Có những truyện ngắn nội dung hay nhưng tên đặt chưa hay, chưa đủ sức gợi: Như nước xuôi dòng (Nguyễn Thị Minh Lý), Gặp mẹ (Bùi Thị Mai Anh). 

Chuyên ngành Nhiếp ảnh đã nhận được 08 tác phẩm của 02 tác giả: Nguyễn Thị Minh Lý (Hà Giang), Nguyễn Cường (Tuyên Quang). 

Ông Nguyễn Trọng Minh (Quang Minh), Chi hội phó chi hội Nhiếp ảnh đã có những nhận xét xác đáng về các tác phẩm dự trại như sau: Nhìn chung, các tác phẩm đã bám sát chủ đề đất và người xứ Tuyên, các bức ảnh đã làm toát lên được nét đẹp, bản sắc văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, cảnh đẹp của miền đất xứ Tuyên. Đây là thế mạnh của các trại viên nhiếp ảnh, kịp thời ghi lại những hình ảnh của những buổi thực tế sáng tác.

Tay máy Nguyễn Thị Minh Lý (Hà Giang), mang tới 04 tác phẩm: Tình làng, Chiều thu, Mùa vàng, Đội văn nghệ thôn Động Sơn. Đặc biệt, tác phẩm Tình làng được tác giả chụp tại xã Kim Quan, đã đặc tả được cái chân thực của các nhân vật là người dân tộc Nùng, trang phục, ánh sáng cùng với sự giao lưu giữa các nhân vật đều khá tốt.

Tác giả Nguyễn Cường (Tuyên Quang) cũng góp mặt 04 tác phẩm: Hồ thu, Bên bếp lửa hồng, Thẩm trà, Đôi bạn. Hồ thu là một tác phẩm ấn tượng với ánh sáng đẹp cùng khoảnh khắc con thuyền trên khung cảnh buổi chiều trên hồ Ngòi Là. Tác phẩm Thẩm trà là tác phẩm tốt chụp hai thiếu nữ bên ấm trà Shan tuyết Hồng Thái, ánh sáng và bố cục tốt.

Tuy nhiên, cả hai tác giả cũng vẫn còn hạn chế trong bố cục ảnh, khi chụp vẫn chưa chọn được khoảnh khắc tối ưu nhất để nâng tầm giá trị cho tác phẩm của mình.

Về chuyên ngành Âm nhạc: bốn nhạc sỹ cũng đã kịp hoàn thành 09 tác phẩm, trong đó có tới trên 50% tác phẩm viết về Tuyên Quang ngay trong đợt đi thực tế. Hai tác giả Tuyên Quang là Lương Thủy và Hoàng Ngọc Khanh đã thể hiện tốt ca khúc của mình. Nhạc sĩ Tân Điều đã nhận xét về các tác phẩm âm nhạc cụ thể như sau: Hai ca khúc Hẹn về Bản Ba và Nhẹ như lá mùa thu của nhạc sĩ Lương Thủyđều viết ở thể một đoạn đơn, ngắn gọn, dễ thuộc dễ hát. Hoàng Ngọc Khanh có thế mạnh trưởng thành từ một ca sĩ trẻ nên ca khúc Ninh Lai miền quê yêu thương có giai điệu tươi vui hoạt, tiết tấu hơi nhanh.

Nhạc sĩ Trần Sòi cũng kịp hoàn thành ca khúc Về Yên Sơn, phổ thơ Tạ Bá Hương có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, khúc thức gọn gàng, có đoạn nhắc lại và phát triển

Ca khúc Tặng anh được nhạc sĩ Trần Sòi phổ thơ Nguyễn Thị Thu Hương là một ca khúc ngắn gọn và đáng yêu, viết ở giọng C trưởng, trong sáng, khoáng đạt, có lúc dồn dập, phản ánh tâm trạng của những người đang yêu. Trong tương lại gần, hy vọng ca khúc này sẽ được các bạn trẻ yêu thích.

Tác giả Kim Phụng (Yên Bái) là nhạc sĩ nữ hiếm hoi của trại cũng đã kịp trình làng bốn ca khúc: Tuyên Quang, mùa thu lại về, Về với Tuyên Quang, Chiều tối mùa ngô và  Chín bậc núi rừng. Với ca khúc Tuyên Quang, mùa thu lại về, ở đoạn đầu, tác giả đã phác họa một mùa thu Tuyên Quang  rất đẹp với nét nhạc dàn trải mênh mông, nhưng sang đến đoạn sau, âm nhạc lại vút cao như bừng sáng, trào dâng, phản ánh sự đổi thay của cuộc sống mới trên que hương cách mạng.

Ca khúc Về với Tuyên Quang phổ thơ Lê Sáng có giai điệu rộn ràng, trong sáng, trẻ trung. Tác giả đã thành công khi sử dụng những nốt móc kép kết hợp với nhịp đảo phách. Quãng hợp âm cũng vừa phải, dễ hát.

Như vậy, chỉ trong vòng một tuần đã có tới 80 tác phẩm văn học nghệ thuật các thể loại, chuyên ngành khác nhau được 20 trại viên sáng tạo và nộp về Ban tổ chức trại. Đó thực sự là một kết quả vô cùng tốt đẹp, là sự nỗ lực cố gắng bằng cả tài năng, tâm huyết, trách nhiệm cao của mỗi  văn nghệ sĩ dự trại lần này.

Những ngày tham gia trại viết là những ngày tiếp lửa đam mê sáng tạo cho tất cả các trại viên của trại sáng tác. Những trải nghiệm và cảm xúc này chắc chắn sẽ còn đọng mãi và hứa hẹn trong tương lai, sẽ còn tiếp tục có nhiều thêm nữa những tác phẩm truyện ngắn, bút ký, tản văn, những hình ảnh sống động, những bài thơ, những bức hoạ, những ca khúc đẹp đẽ với sức sống mãnh liệt, và cả những nghiên cứu về văn hoá dân gian đăc trưng của những vùng đất giàu tài nguyên và chất liệu sáng tạo đẹp đẽ này.

Để có được thành công như vậy, tập thể Lãnh đạo Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng như cá nhân PGS.TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, NSND Vương Duy Biên đã dành thời gian quan tâm tới hoạt động của trại sáng tác lần này, khích lệ, động viên các anh chị em văn nghệ sĩ của các tỉnh tham gia trại sáng tác.

Bên cạnh đó, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa, huyện Yên Sơn, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức trại sáng tác, Văn phòng Liên hiệp Hội và các anh chị trực tiếp làm công tác quản lý, phục vụ Trại đã tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất về mọi mặt cho anh em trại viên yên tâm lao động sáng tạo trong những ngày dự trại, và hơn nữa, còn là những người truyền cảm hứng, tạo động lực, động viên khích lệ anh em cùng đam mê sáng tác.

Từ thành công của trại sáng tác lần này, rất mong các cấp lãnh đạo tiếp tục chú trọng, phát huy và mở rộng các trại sáng tác tại địa phương theo phương thức hướng về cơ sở, để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ địa phương có thêm điều kiện thuận lợi tiếp cận nhiều hơn với môi trường sáng tạo chuyên sâu và theo đuổi đam mê sáng tạo.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Trại sáng tác:

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trao đổi nghiệp vụ với các tác giả tham gia trại sáng tác

NSND Vương Duy Biên chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả nữ tại buổi lễ

                                                      Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ                                                        

Bùi Thị Mai Anh

Tin tức khác