Rượu chè một khúc sông Năng

Thứ sáu, ngày 21-04-2023, 15:00| 1.419 lượt xem

Bút ký dự thi của Lương Ngọc An

Trong lành Na Hang. Ảnh: Hà Thế Đô

 

Nhìn trên bản đồ, huyện Na Hang (Tuyên Quang) với 12 đơn vị hành chính, bao gồm 1 trị trấn huyện lỵ và 12 xã quây quần, giống như một hài nhi đang nằm quận tròn trong bào thai chờ ngày khai hoa mãn nhụy. Hài nhi ấy đầu gối lên dãy Phja Oắc của vùng Nguyên Bình (Cao Bằng), một tay vắt lên vùng Bắc Mê cổ kính Hà Giang, còn lưng ngả vào Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn). Dòng sông Gâm huyền thoại giống như nguồn sinh lực tràn trề từ đất mẹ chảy qua cuống rốn là lòng hồ thủy điện để dung dưỡng cho sinh linh ngày càng phương trưởng, còn sông Năng quấn quýt vùng Yên Hoa, Đà Vị là tràng hoa quấn cổ, báo hiệu một số phận bản lĩnh, mạnh mẽ, quyết liệt; một sức vóc cường tráng, bề thế và một hào quang lộng lẫy mai này...

 

Cứ đắm đuối với sự liên tưởng đầy nâng niu ấy, trong một lần đến với Na Hang cách đây chưa lâu, tôi đã có cơ hội thả hồn trên con thuyền ngược lòng hồ thủy điện, theo dòng sông Gâm lên vùng đất Thượng Lâm huyền thoại, để mang về bao truyền thuyết mơ màng và khơi gợi, cùng câu gọi Ái Au da diết yêu thương… Chẳng hiểu có phải vì cảm cái tình của cô gái con quan dám yêu chàng mồ côi nghèo khó, hay vô tình bữa đó đã chạm phải hương Phạc Phiền mà thành nhớ đến nao lòng, hay men rượu Na Hang buổi đó còn say đến bây giờ, mà lần này khi bạn rủ, vẫn lại Na Hang, thì dù bề bộn, dù cập rập, dù đắn đo còn đó, nhưng cuối cùng tiếng gọi kia vẫn thắng mọi chần chừ…

Lần này bạn bảo, Hồng Thái, miền hoa Lê.

Vậy là con đường cứ thế ngược lên cao, qua vùng đất lưu vực của “tràng hoa quấn cổ” sông Năng… Thế nên bài viết mới có tên Rượu chè một khúc sông Năng…

*

Trong số những con sông dềnh dàng và dữ dội ở miền núi phía Bắc nước ta, phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc, thì sông Năng là một trong số ít những con sông có thể gọi là “thuần Việt”. Với chiều dài chỉ có 117 km, sông Năng được hình thành từ 2 nhánh chính, một từ những khe suối nhỏ trên núi cao thuộc hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng, và một từ vùng Pác Nặm thuộc tỉnh Bắc Kạn. Sông Năng sau khi nhận nước từ hồ Ba Bể, chảy xuống thác Đầu Đẳng (Bắc Kạn) vào địa phận xã Đà Vị của huyện Na Hang. Với chiều dài 25 km chảy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cho tới khi hợp lưu với sông Gâm tại chân núi Pác Tạ, ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang mang hình bầu vú ngửa lên trời, sông Năng giống như cô gái sau khi lấy chồng cất mãi đi cái tên cha mẹ đặt cho mình để mang một cái tên chung của gia tộc... Nếu hình dung như thế thì con đường mà chúng tôi đang đi hôm nay có thể xem là “của hồi môn” mà người mẹ Việt đã chắt chiu dành dụm cho cô con gái dịu dàng và xinh đẹp mang tên sông Năng cho đến buổi theo chồng…

*

Núi Pác Tạ, ngọn núi có tính “định vị” cho Na Hang cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không phải chỉ có một tên gọi Vú Trời như tiếng người Tày vẫn gọi, mà còn có tên khác là Núi Voi, gắn với truyền thuyết về một con voi quận công, sau khi đi đánh giặc về uống rượu say mà chết rồi hóa đá… Truyền thuyết nào thì cũng có cái lý của nó, và câu chuyện Núi Voi, cái lý là ở thứ rượu ngô thơm nồng lịm ngọt ngất ngây đắm đuối ở xứ này. Rượu ngô Na Hang…

Người sành rượu xứ ta chắc không ai không biết đến thứ rượu ngô nấu bằng men lá, đặc sản của đồng bào dân tộc ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Thế nhưng nếu như hầu hết các “thương hiệu” nổi tiếng như rượu ngô Bắc Hà, rượu ngô Hà Giang, rượu ngô Tây Bắc… đều là sản phẩm của đồng bào Mông, thì riêng ở Tuyên Quang, thương hiệu Rượu ngô Na Hang lại là đặc sản của người Tày, với những bí quyết làm men, ủ rượu hết sức đặc biệt. Mặc dù từ năm 2020, trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP - của tỉnh Tuyên Quang, rượu ngô Na Hang đã được đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao: Đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất về quy trình sản xuất; sở hữu trí tuệ; đăng ký tem, nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc… Và một năm sau, năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Rượu ngô Na Hang; nghĩa là thứ đặc sản này đã đạt đến độ “Vua biết mặt, Chúa biết tên”, đã được đem đi tiêu thụ ở nhiều cơ sở kinh doanh, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh… Nhưng cũng phải thân thiết lắm, cũng phải “nâng lên đặt xuống” với nhau đến đủ độ say sưa và tin cậy lắm, ông bạn vốn là một chủ cơ sở sản xuất rượu ở thị trấn Na Hang mới “dốc bầu”: Ngô lấy từ giống ngô của địa phương, trồng trên những thửa nương có độ cao trên 100 m so với mặt nước biển (thành phố Tuyên Quang là 26,5 m), bắp đều, hạt nhỏ, chắc, mẩy... Nước từ khe núi đá, có vị thơm ngọt của lá non… Men làm từ 36 loại cây thuốc lấy trên rừng, hái, băm, giã, trộn, đun, ủ… Ấy là rượu quý, còn bình thường thì cũng phải trên 20 loại… Hỏi: giữa 36 loại và 20 loại thì khác nhau những gì? Bạn bảo: đó là bí quyết gia truyền. Nhưng cứ uống tiếp đi rồi kể… Tất nhiên là sau đó bạn có kể, chỉ có điều nghe rồi mà chẳng nhớ được gì bởi những nồng nàn ngọt lịm đã tưới đẫm trong người.

36 loại thuốc để làm men rượu, mỗi loại có một tác dụng, chữa bệnh hoặc bổ dưỡng khác nhau, nhưng đều là những thứ tốt cho sức khỏe con người. Có cây dùng lá, có cây dùng rễ, vỏ, có loại dùng cả cây cả lá… có loại để đẹp da, có loại để tinh mắt, có loại cường tráng gân cốt, loại chồng uống vợ khen… lại có loại để mà “uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say không tục, cái lâng lâng đủ để chỉ chấp nhận, chỉ thu nạp vào mình những thân thiện, hồ hởi, chân thành”… Mới chỉ có men mà đã thế, ấy là chưa kể đến việc chọn ngô, bung ngô, trộn men, ủ men… rồi nguồn nước, rồi thời gian nấu… rồi cả vô vàn những bí quyết của người Na Hang, cộng thêm với sự tỷ mỷ, kiên nhẫn và chăm chút của người phụ nữ Tày như một nghệ sỹ tài hoa qua từng công đoạn… mới cho ra đời thứ rượu ngất ngây mà trong vắt, không những không gây hại cho sức khỏe con người, mà còn tạo cảm giác ấm cúng, thân mật khi quây quần bên chén; thứ rượu mà mới chạm môi đã thấy nồng nàn hương trời đất, đến khi uống vào thơm ngát như vừa cảm nhận được tất cả sự công phu và tấm chân tình gửi gắm, và nếu có say cũng là say rừng say núi, và tất nhiên là say cả tình người… Thứ rượu mà voi uống vào còn biết đi đánh giặc, và chết đi rồi nậm rượu vẫn còn đó, sừng sững giữa nơi đám cưới của dòng sông…

Rượu Na Hang từ bao đời đã đi vào đời sống của người dân xứ này, như những tinh túy gom góp lại để làm nên tinh túy. Đêm trước với Na Hang gần như không ngủ, cứ thao thức mãi với những huyền thoại, với cuộc sống, với những ân tình nhân hậu, sau những cay nồng ngào ngạt của rượu, trong dạt dào tiếng sóng sông Gâm…

*

Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP) là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Đến tháng 9/2022, sau 3 năm thực hiện chương trình, tỉnh Tuyên Quang đã có 128 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao; trong đó, có 33 sản phẩm đạt “bốn sao” và 95 sản phẩm đạt “ba sao” cấp tỉnh... Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị nông sản. Ở Na Hang, trái Lê Khâu Tràng là một trong số các sản phẩm OCOP của huyện. Thương hiệu này nằm trên địa bàn xã Hồng Thái. Diện tích trồng cây Lê toàn xã cho đến thời điểm này lên tới trên 30 ha...

Nằm cách thị trấn huyện lỵ chừng hơn 60 km, ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, Hồng Thái là một trong những xã cao nhất không chỉ của huyện Na Hang mà còn là của tỉnh Tuyên Quang. Nếu như những con đường miền xuôi đẹp dịu dàng như những thiếu nữ tuổi dậy thì, thướt tha và mềm mại, thì những con đường miền núi lại hấp dẫn bằng vẻ hoang sơ sơn nữ, thấp thỏm và huyền bí. Dọc đường đi, trên những sườn núi, những thửa ruộng lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo từng mùa lúa chín; thảng đôi lúc, xa xa, một vài nếp nhà bàng bạc, thấp thoáng giữa xanh của rừng, giữa mỏng mảnh của mây làm cho con đường như ngắn lại, nhưng thời gian thì cứ dài ra bởi những điều níu kéo... Chỉ đến khi bóng những cây Lê già thân mốc thếch, thứ cây đặc trưng đã làm nên “thương hiệu” của vùng này, hiện ra trong vài tầm với, người ta mới chợt nhận ra mình đã đến nơi, trong tâm trạng nửa luyến tiếc con đường, nửa háo hức với trầm tư, cổ kính...

Với phong cảnh núi non hùng vĩ, xen giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh các sườn đồi, con suối Khuổi Phầy chảy qua địa bàn xã đổ ra sông Năng lúc nào cũng tung bọt trắng xóa, phong cảnh Hồng Thái thực sự là một bức tranh bình yên và thơ mộng. Đây là quê hương của 8 dân tộc anh em, trong đó trên 70% là dân tộc Dao Tiền, cùng chung sống, với hơn 300 hộ, hơn 1.600 nhân khẩu.

Người dân Hồng Thái lâu nay chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp và một phần lâm nghiệp, chỉ vài năm gần đây, bên cạnh việc phát triển du lịch cộng đồng, với điều kiện khí hậu hết sức đặc biệt trời cho, Hồng Thái đã đưa cây Lê, một loại cây ăn quả xứ lạnh vào trồng để vừa lấy quả, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch. Hàng năm, từ khoảng tháng 2 đến tháng 4 Dương lịch, khi tiết trời sang Xuân cũng là lúc hoa Lê nở trắng khắp núi rừng. Cả xã Hồng Thái khi ấy như được phủ lên mình một màu trắng muốt của hoa Lê… Người Hà Nội lâu nay vào dịp Tết vẫn thường gặp những cành hoa Lê bày bán dọc những con đường quanh khu vực Tây Hồ và lân cận. Những cánh Lê nở nhợt nhạt, ngơ ngác, bấy bớt giữa phố phường lạ lẫm hoàn toàn khác với những chùm hoa tự tin òa vỡ, sát cánh đầy khỏe khoắn và vạm vỡ nơi này… Bạn gọi Hồng Thái là miền hoa Lê cũng bởi thế.

Chuyện bạn kể thì vậy, nhưng hôm chúng tôi lên Hồng Thái thì hoa Lê đã vãn, thay vào đó là một màu xanh mơn mởn và ngút ngát của những chùm lá non đang trổ ra phơi phới đầy sức vóc, chỉ có “con đường hoa Lê dài nhất Việt Nam” do chính quyền xã Hồng Thái trồng, có chiều dài hơn 5 km, chạy từ trung tâm xã đến giáp địa phận xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn là còn ấn tượng. Con đường này vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận Kỷ lục về tuyến đường hoa Lê dài nhất Việt Nam vào dịp khai mạc Lễ hội quảng bá du lịch Hương sắc Na Hang đầu tháng 3/2023 vừa qua. Thấp thoáng bên đường, dưới thung lũng, những mái nhà cổ kính của người Dao Tiền xen với màu xanh non của lá, thi thoảng thấp thoáng vài chùm hoa Lê nở muộn trắng tinh khôi đã tạo nên một cảnh sắc thơ mộng, một vẻ đẹp rất riêng của nơi này…

Một lần lỡ hẹn với hoa Lê, cũng tiếc. Thôi thì đành dẫn lại thông tin về sản phẩm OCOP - Lê Khâu Tràng của Hồng Thái để ghi nhớ vậy. Song thực ra mục đích của chuyến đi này, nói cho cùng, cũng không phải là việc đó. Cái đang muốn tìm đến chính là sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái. Trước khi lên đường, sau khi nhấm nháp chén chè Shan Hồng Thái nóng bỏng và thơm dịu dàng tựa như hương vị đất trời vùng cao đầy quyến rũ, đã được nghe thông tin: Vùng nguyên liệu chè của Hồng Thái rộng 64 ha, trong đó 29 ha chè cổ thụ trên 100 năm tuổi, 35 ha trồng trên 20 năm tuổi. Từ vùng nguyên liệu này cho sản lượng chè búp tươi trên 9.000 kg mỗi năm, chè khô trên 1.700 kg mỗi năm, loại chè Shan tuyết Hồng Thái cao cấp 1 tôm 1 lá…

Vậy là mẹ đất đã thực sự ưu ái cho cô con gái sông Năng thứ tài sản hồi môn quý giá này rồi. Từ những tưng bừng rạng rỡ ngọt ngào của cây Lê trong nắng gió, đến đằm thắm chắt chiu lầm lụi đậm đà của cây chè tận đất sâu, tất cả đều quý giá, đều đặc sắc, đều nồng nàn hương vị tinh khôi của đất trời

Hỏi bạn, sao đất này lạ thế?... Bạn trả lời bằng câu chuyện từ truyền thuyết: “Xưa người khổng lồ Tài Ngào làm ruộng vùng Thượng Lâm, một lần gánh phân bón ruộng, chẳng may trượt chân ngã, cả 2 gánh phân đổ ụp xuống vùng Hồng Thái… Vậy nên…”.

Thảo nào…

*

Là một trong 3 xã trồng chè Shan tuyết của huyện Na Hang, là Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú; xã Hồng Thái được ví như Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng hay Sa Pa của tỉnh Lào Cai bởi cảnh sắc thơ mộng, khí hậu quanh năm mây mù bao phủ, là những điều kiện lý tưởng cho cây chè phát triển, nhất là các giống chè bản địa có giá trị kinh tế cao, như chè Shan tuyết, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… Vậy nên tuy chỉ chiếm có 64 ha trong tổng diện tích 1.300 ha trồng chè Shan tuyết trên

toàn tỉnh, nhưng thương hiệu Chè Shan tuyết Hồng Thái, thứ tinh hoa của đất trời mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, loại trà có hương vị thơm ngon, quý hiếm vào loại nhất nhì cả nước đã nhanh chóng được khẳng định trên thị trường, và trở thành một trong những sản phẩm du lịch nổi trội của tỉnh Tuyên Quang…

Đa số các cây chè Shan tuyết đều mọc hoang dã trong tự nhiên, giữa chốn thâm sơn, cùng cốc, quanh năm được bao phủ bởi mây mù và sương lạnh. Theo những người dân ở đây kể lại, thì vốn dĩ giống chè Shan tuyết đã có từ rất lâu đời ở nơi này. Khi những người nông dân phát nương làm rẫy, gặp cây chè thì đều để lại và trồng thêm, ban đầu cũng chỉ để uống chơi... Đến nay qua nhiều đời, những cây chè hàng trăm tuổi ấy trở nên to lớn và mọc khá xa nhau, phải trèo lên cây cao mới hái được những ngọn chè vươn ra đón gió trời và sương lạnh. Chính vì vậy mà bên cạnh những đặc điểm thơm ngon về hương vị, bổ dưỡng về chất lượng, thì chè Shan tuyết Hồng Thái nói riêng và chè Shan tuyết Na Hang nói chung, đều có thêm sự đảm bảo là rất lành, mộc và sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo yếu tố “ba không”: Không có sâu bệnh; Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học; và Không pha chế, ướp hương liệu… Chẳng thế mà từ khi bắt đầu bước ra “thi thố” trên thị trường đến nay, chưa đầy chục năm, cây chè Shan tuyết Na Hang đã liên tục gặt hái được những thành tựu về sự tín nhiệm: Sản phẩm OCOP “ba sao” năm 2018, nay đã đủ tiêu chuẩn để Next “năm sao”. Tháng 8 năm 2019, sản phẩm chè Shan tuyết được trồng trên vùng núi Kia Tăng cao trên 1.200 m của xã Hồng Thái đã được Thủ tướng Việt Nam, khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, chọn làm quà biếu Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông. Năm 2020, chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà - Hồng Thái được vinh danh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”. Năm 2021, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đến năm 2022, chè Shan tuyết Hồng Thái lọt vào top 50 thương hiệu,nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương… Hiện nay, chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà - Hồng Thái đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và đang được thử nghiệm ở hai thị trường Pháp và Mỹ, là một trong 80 sản phẩm giành giải Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam…

 Chuyện về cây chè bên khúc sông Năng mê hoặc là vậy. Nhưng chỉ khi đến với người làm chè, được mời ấm trà từ mẻ Shan tuyết mới sao, lại pha bằng thứ nước suối chảy từ khe đá giữa mây mù, rừng rậm, mới thấy hết vị đượm, hương thơm. Ngất ngây tựa như vừa được uống cả đất trời vùng cao trong sóng sánh…

*

Bán dạ tam bôi tửu

Bình minh sổ trản trà

Mỗi nhật y như thử

Lương y bất đáo gia.

(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày mỗi được thế, lương y không phải đến nhà).

Hẹn với bạn: “Viết về sông Năng nhé”. Đêm trước ngồi vào bàn, ngẫm nghĩ về đứa hài nhi triệu triệu tuổi đang nằm quận tròn trong bào thai chờ ngày khai hoa mãn nhụy, chợt thấy người lâng lâng rạo rực như vừa nhấp vài chén cay nồng ngào ngạt tinh túy của Na Hang. Cái rạo rực lâng lâng ấm cúng quây quần… Đến sớm nay, khi vừa viết xong câu “Ngất ngây tựa như vừa được uống cả đất trời vùng cao trong sóng sánh…”, môi bỗng thanh lành như vừa chạm hương thơm vị đượm thanh khiết của Shan tuyết miền cao. Nhìn ra ngoài hiên, tiếng con chim gù làm rung những giọt sương đêm qua còn treo nơi đầu lá, mong manh như một cánh hoa Lê trong ngần, chợt thấy, sao chỉ một hành trình chừng 25 cây số mà sông Năng đã có bao nhiêu điều để nói, để ngẫm ngợi, để gắn bó, nhớ nhung… Thế là lại tự hẹn với mình: “Sẽ lại viết về sông Năng nữa nhé”. Phải rồi, bởi người xưa cũng lại có câu: Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu (Uống rượu với bạn tri kỷ thì ngàn chén còn ít) kia mà…

02/4/2023

L.N.A

 

Tin tức khác