Phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tại Đại hội Hội VHNT tỉnh lần thứ VII

Thứ hai, ngày 08-08-2022, 09:43| 2.502 lượt xem

Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đây là một sự kiện văn học, nghệ thuật có ý nghĩa thiết thực, nhằm đóng góp công sức trí tuệ của các văn nghệ sĩ tỉnh ta vào sự phát triển đi lên của quê hương cách mạng Tân Trào... Đồng thời xác định phương hướng nhiệm vụ của Hội trong thời gian tới; bầu ra BCH Hội khoá VII. Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo các Hội chuyên ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; lãnh đạo Hội VHNT của 9 tỉnh bạn và trên 100 hội viên trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Tạp chí Tân Trào trân trọng đăng bài phát biểu quan trọng này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh lần thứ VII. Ảnh: Trung Kiên

 - Kính thưa: PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương!
- Kính thưa: PSG. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam!
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Hội chuyên ngành Trung ương!
- Kính thưa Đoàn Chủ tịch!
- Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
- Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, giữa những ngày mùa thu lịch sử, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam, tôi rất vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến dự Đại hội Hội VH-NT tỉnh Tuyên Quang lần thứ 7, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, xin gửi tới các quý vị đại biểu, các văn nghệ sĩ lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Thưa toàn thể Đại hội!

Chúng ta đều biết, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, văn học nghệ thuật đã hun đúc nên một giá trị độc đáo, sâu sắc đó là nền văn học nghệ thuật yêu nước nhân văn và nền văn học nghệ thuật đó đã trở thành sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tuyên Quang, một địa danh thân thiết và thiêng liêng với đồng bào cả nước, người dân Tuyên Quang cần cù trong lao động, kiên cường bất khuất trong chiến đấu bảo vệ giang sơn, bờ cõi và tài hoa trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật, nơi đây không chỉ là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá, là nơi sinh sống, sáng tạo và lưu giữ văn hóa của cộng đồng 22 dân tộc anh em, mà còn là nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở và làm việc lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nơi gắn liền với những sự kiện trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc.

Trong cách mạng tháng Tám và suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang cùng các địa phương vùng căn cứ địa Việt Bắc đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng và chiến đấu bảo vệ tuyệt đối an toàn Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến và các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cần cù lao động sản xuất, đổi mới sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế ngày càng phát triển, nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên… Từ những chất liệu mang hơi thở của cuộc sống phong phú, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Tuyên Quang đã kế thừa và phát huy giá trị của chủ nghĩa yêu nước, tính nhân văn, từ thực tiễn phong phú của cuộc sống đã thổi hồn vào tác phẩm văn học, nghệ thuật. Văn học nghệ thuật Tuyên Quang trong suốt tiến trình đổi mới nói chung và trong nhiệm kỳ 5 năm qua nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của tỉnh.

Thông qua tác phẩm, hình tượng nghệ thuật, bằng ngôn ngữ đặc thù ở các chuyên ngành như: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu v.v... luôn tái hiện sống động, giầu sức thuyết phục, có sức lan toả lớn, mang đến những món ăn tinh thần phong phú cho công chúng yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp.

Sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, có trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Tuyên Quang đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, góp phần làm rạng danh mảnh đất Tuyên Quang lịch sử. Chúng ta có quyền tự hào vì các văn nghệ sĩ trên quê hương cách mạng đã có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao ở trong nước (như: Tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” của cố nhà văn Đinh Công Diệp đạt giải thưởng xuất sắc; tập thơ “Đôi mắt đợi” của nhà thơ Tạ Bá Hương đạt giải B (không có giải A) của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam…), đạt giải thưởng quốc tế (như: Tác phẩm “Tấm ảnh ngày mùa” của tác giả Quang Minh đạt huy chương đồng cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế; Tiểu thuyết “Đất cánh đồng chum” của tác giả Trịnh Thanh Phong, tập bút ký “Một rẻo mê công” của của nhà thơ Cao Xuân Thái đạt giải thưởng quốc tế); dấu ấn tiểu thuyết “Ma Làng” của nhà văn Trịnh Thanh Phong, chuyển thể thành phim truyền hình được khán giả cả nước đón nhận; hay giai điệu da diết, mênh mang trong tác phẩm “Tiếng đàn Then” của tác giả Tăng Thình. Bên cạnh đó còn nhiều tác giả đã được trao các giải thưởng cao về văn học nghệ thuật như: Phù Ninh, Doãn Quang Sửu (văn học); Nguyễn Chính, Quang Minh, Mạnh Cường (nhiếp ảnh); Mai Hùng, Lương Hiện, Lê Cù Thuần, Nguyễn Ngọc Điền (mỹ thuật); Nguyễn Vũ Phan, Lê Cường (sân khấu), Tân Điều, Vương Vình (âm nhạc)…. Có thể khẳng định rằng, với sự lao động sáng tạo của mình, đội ngũ các tác giả văn học, nghệ thuật trong tỉnh không ngừng lớn mạnh, có nhiều sản phẩm chuyển tải thông điệp từ cuộc sống, từng bước tạo được những dấu ấn và diện mạo làm phong phú đời sống văn học, nghệ thuật Tuyên Quang, hòa cùng dòng chảy văn học, nghệ thuật cả nước.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những đóng góp của Hội Văn học - Nghệ thuật và những thành quả sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua.

Tuy nhiên, chúng ta đều thừa nhận bên cạnh thành tích của Văn học nghệ thuật Tuyên Quang trong thời gian qua, vẫn còn những câu hỏi, những trăn trở trong mỗi chúng ta, như:

Mặc dù có chất liệu phong phú, điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật sáng tạo, phát triển, văn học, nghệ thuật Tuyên Quang phải chăng vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm dài hơi, công phu, đồ sộ, xứng đáng với tầm vóc của mảnh đất mang đậm dấu ấn lịch sử? phải chăng còn thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, lay động lòng người ?

Trong thời gian vừa qua, khi Tuyên Quang cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19, phải chăng chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật kịp thời khắc họa đầy đủ sự kiên cường, hy sinh vượt qua gian khổ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần cổ vũ, truyền cảm hứng, tạo động lực, khơi dậy sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức? Chúng ta có còn thiếu những tác phẩm VHNT để thôi thúc lòng tự hào về mảnh đất, con người Tuyên Quang? Những câu hỏi nêu trên đang chờ chính chúng ta trả lời.

Thưa toàn thể Đại hội!

Chúng ta đều biết, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc - giá trị chân - thiện - mỹ. Chức năng cao cả của văn học, nghệ thuật là xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho các văn nghệ sĩ là:

Làm gì để có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mang hơi thở cuộc sống, có giá trị về tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao, khơi dậy giá trị văn học nghệ thuật đang ẩn chứa trong kho tàng tư liệu cuộc sống của nhiều dân tộc anh em trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng?

Các sáng tác mới phải chăng cần tập trung phản ánh cái mới, tích cực, cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ; lên án cái xấu, cái ác, lối sống thực dụng, xa rời các giá trị đạo đức, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Làm gì để tạo nên sự độc đáo trong sáng tạo văn học nghệ thuật, hướng sự độc đáo, sáng tạo đó vào mục tiêu quan trọng nhất, đó là: Xây dựng con người Tuyên Quang có trí tuệ, có tinh thần vì cộng đồng, có khát vọng vươn lên, trong sáng, lành mạnh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực - tự cường. Chúng ta đều có khát vọng xây dựng quê hương mình giàu đẹp, mà trên con đường hiện thực khát vọng ấy gặp những điểm nghẽn, đó là điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng số, điểm nghẽn về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong điều hành bộ máy hành chính phục vụ nhân dân, điểm nghẽn về nguồn nhân lực… vượt qua điểm nghẽn ấy chắc chắn phải do con người, đều từ con người, con người Tuyên Quang vốn giàu truyền thống yêu nước và sức sáng tạo. Nếu tất cả mọi người dân Tuyên Quang đều có khát vọng vươn lên, đều đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền vượt qua mọi khó khăn thách thức, cần cù sáng tạo trong lao động, học tập, công tác thì không khó khăn nào có thể cản bước. Văn học nghệ thuật hơn lúc nào hết cần lắm những thôi thúc ấy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, Đại hội cũng xác định 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó chính là mục tiêu lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực cao độ để thực hiện, văn học nghệ thuật cần thôi thúc mạnh mẽ hơn nữa khát vọng ấy, sớm biến thành hiện thực đem lại thành quả ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Để làm được điều đó nhiệm vụ đặt ra cho các văn nghệ sĩ rất nặng nề, xung quanh chúng ta rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào để tác phẩm của mình chiếu sáng cho thực tiễn cuộc sống, tác phẩm của mình bồi dưỡng và nâng cao con người chứ không phải giãi bày cá nhân, hạ thấp con người, tôi mong muốn các tác giả bám sát cuộc sống của nhân dân, trải nghiệm trên mọi mặt, trên các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cũng như thương trường, từ giảm nghèo đến quốc phòng, an ninh, từ thành thị đến những vùng sâu xa hẻo lánh… tất cả những chất liệu cuộc sống ấy phải là hơi thở cho từng tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Thách thức lớn đối với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang và từng cá nhân hội viên đổi mới chính mình, tự mình đặt ra mục tiêu sáng tác để phấn đấu. Thời gian không chờ đợi ai, và sự sáng tạo không tự đến, thành tựu văn học, nghệ thuật không thể tự nhiên đơm hoa kết trái mà có nếu thiếu đi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, sự trăn trở cùng với nỗ lực của mỗi tác giả.

Đồng thời với nhiệm vụ lớn lao đó các tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật cần hưởng ứng mạnh mẽ hơn nữa cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số để lan tỏa tốt hơn những tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với đông đảo công chúng và bạn bè trong nước và quốc tế.

Nhân dịp này tôi cũng trân trọng đề nghị Hội văn học Nghệ thuật tỉnh có nhiều hoạt động truyền cảm hứng để mỗi văn nghệ sĩ coi Hội như mái nhà chung, từ đó thỏa sức sáng tạo đem lại nhiều tác phẩm có sức lan tỏa, mang đậm bản sắc của quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, tỉnh anh hùng. Hội cũng quan tâm hơn nữa đến đề tài miền núi, dân tộc thiểu số, các tác giả trẻ, tác giả là người dân tộc thiểu số. Hội văn học nghệ thuật phải có các giải pháp khuyến khích, động viên, quan tâm đến những người có tài năng, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, khuyến khích họ sáng tác để có được những tác phẩm hay, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để Hội Văn học Nghệ thuật phát triển, để văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo của mình, tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao.

Tôi mong rằng, sau Đại hội này sẽ có nhiều tác phẩm mới, hay, đẹp, giàu sức truyền cảm, có sức lan toả lớn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và góp phần chung vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật của cả nước.

Tôi cũng trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho Hội văn học nghệ thuật tỉnh và các văn nghệ sĩ trong hoạt động, sáng tác; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đề nghị của Hội và anh chị em văn nghệ sĩ.

Nhân dịp này tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ nghĩa tình của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các đồng chí PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng các đồng chí lãnh đạo các Hội chuyên ngành Trung ương cũng như văn nghệ sĩ các địa phương đã dành cho Tuyên Quang, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp với những tình cảm tốt đẹp của các đồng chí trong thời gian tới.

Xin kính chúc sức khoẻ các vị đại biểu, các vị khách quý. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin tức khác