Nhìn từ một giải thưởng danh giá và uy tín của tỉnh

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 14:32| 1.374 lượt xem

*** Tân Trào

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh trao giải thưởng Tân Trào cho các tác giả. Ảnh: Thanh Phúc

 

Con người ta ai cũng muốn được khen thưởng. Nó thuộc về bản tính của loài người, ngàn năm qua đã vậy và ngàn năm sau cũng vẫn vậy. Ngay như một đứa trẻ non nớt ngồi trên ghế nhà trường, từ bậc học mầm non trở lên, mỗi khi năm học kết thúc, được nhận trên tay tấm giấy khen mà nhà trường trao tặng lại khiến các em vô cùng phấn khởi. Nó phấn khởi bởi đó là sự ghi nhận của tập thể đối với sự nỗ lực của cá nhân trong học tập. Lớn lên, những giải thưởng đơn giản hơn, như hội diễn văn nghệ quần chúng cấp làng xã mà được giải, ai nấy cũng phấn khởi không kém. Đấy là chưa nói đến những giải thưởng lớn hơn, quy mô lớn hơn, tầm cỡ lớn hơn.

Nói mấy điều như vậy để dẫn giải vào việc xét giải thưởng Tân Trào lần thứ 4 do Ủy ban Nhân dân tỉnh trao tặng, vừa được tổ chức trong trung tuần tháng 6 năm nay. Phải chờ một khoảng cách thời gian đến bốn năm thì Giải thưởngTân B3Trào mới tiếp tục được trao tặng, các tác giả được vinh dự xướng tên trong một không gian đầm ấm và trang trọng. Khỏi phải nói cảm xúc mà những tác giả được trao giải. Bởi đây là một trong những giải thưởng uy tín về lĩnh vực văn học - nghệ thuật và khoa học - công nghệ. Thế nên, những người làm nghề ở hai lĩnh vực này đều mong muốn và đặt mục tiêu phấn đấu để một lần trong đời được nhận giải thưởng danh giá này.

Qua bốn lần xét tặng giải thưởng Tân Trào đã nói lên điều đó. Ấy là chỉ nói riêng ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Dường như giải thưởng danh giá này đã được mặc định mỗi tác giả chỉ được nhận giải thưởng một lần trong đời. Có thể có tác giả vinh dự được trao tặng, nhưng cũng có tác giả cần mẫn cả đời, sáng tạo cả đời chưa chắc đã một lần được nhận cái niềm vinh dự và kiêu hãnh này. Đó là điều rất bình thường mà những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật đành chấp nhận bởi sự đào thải của quá trình tích lũy về chất.

Việc được nhận giải thưởng Tân Trào phụ thuộc hoàn toàn ở khả năng sáng tạo nghệ thuật của mỗi tác giả. Nó ít khi chịu tác động ở những yếu tố khác. Thực tế chứng minh rằng, các tác giả được trao giải thưởng Tân Trào đều có tác phẩm với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống xã hội, với độc giả, ít nhất là trong phạm vi của tỉnh. Nghĩa là tác phẩm, cụm tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả phải thực sự tiêu biểu về nội dung, hình thức và có giá trị về mặt tư tưởng, giá trị nhân văn sâu sắc. Những tác phẩm, cụm tác phẩm chưa đạt được các yếu tố này đương nhiên sẽ rất khó thuyết phục được các thành viên trong các Hội đồng để đưa vào xét giải.

Nhiều người cho rằng, nếu ở tầm cỡ quốc gia thì giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là danh giá nhất, thì ở tỉnh Tuyên Quang, giải thưởng Tân Trào là giải thưởng cũng vô cùng danh giá. Tất nhiên, nó ở cấp độ khác nhau, một ở tầm quốc gia, một ở tầm cấp tỉnh. Đối với các văn nghệ sĩ trên rẻo đất “Thủ đô kháng chiến”, nhiều tác giả đã từng đoạt các giải thưởng hàng năm thông qua các cuộc thi do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh tổ chức; thậm chí là từng đoạt giải thưởng ở các Hội chuyên ngành Trung ương. Những giải thưởng ấy cũng vinh dự lắm chứ. Tuy vậy, giải thưởng Tân Trào vẫn là giải thưởng lại mang đến những cung bậc cảm xúc tươi mới, xen lẫn niềm tự hào cho những ai đoạt giải. Bởi, giải thưởng này duy nhất do Ủy ban Nhân dân tỉnh trao tặng trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học, công nghệ.

Thế nên, mỗi lần xét tặng giải thưởng, ở các Hội đồng (từ Hội đồng chuyên ngành đến hội đồng chung khảo) đã phải làm việc hết sức căng thẳng. Các Hội đồng đều được lựa chọn những người có uy tín, đầy trách nhiệm và tính chuyên môn cao. Nhìn vào các tác phẩm, cụm tác phẩm để nhặt ra những tác phẩm, cụm tác phẩm nào tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất. Ở đây, yếu tố khách quan được đặt lên hàng đầu. Nếu anh không có chuyên môn thì không thể nào đọc và thẩm định tác phẩm, cụm tác phẩm được. Các thành viên trong các Hội đồng đều phải dành thời gian đọc rất kĩ, rồi họp lên họp xuống, cùng nhau phân tích, mổ xẻ xem tác phẩm, cụm công trình tác phẩm ấy, của tác giả ấy có xứng đáng được xét trao tặng hay không.

Qua đợt xét giải lần thứ 4, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt 7 giải thưởng. Trước đó, ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã có 16 tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm có hồ sơ tham dự xét giải thưởng Tân Trào. Nhưng, qua các Hội đồng xét, chỉ còn năm tác giả có tác phẩm, cụm công trình tác phẩm được lọt vào vòng cuối cùng, sau khi các bước thực hiện quy trình được hoàn thành. Có thể mỗi lần xét giải còn bỏ lọt tác giả xứng đáng, nhưng giải thưởng vẫn mở ra cơ hội cho những gương mặt văn nghệ sĩ đang nỗ lực cháy hết mình cho nghệ thuật ở những lần xét giải đợt sau.

Riêng 5 tác phẩm, cụm tác phẩm về văn học nghệ thuật được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ký quyết định trao tặng giải thưởng Tân Trào lần thứ 4, bao gồm: Tiểu thuyết "Rễ rừng" của tác giả Đỗ Anh Mỹ; phong tục "Lấy rể kế thế của người Tày ở Tuyên Quang" của tác giả Tống Đại Hồng; tập thơ "Giấc mơ hạt thóc" của tác giả Đinh Công Thủy; tập thơ "Đôi mắt đợi" của tác giả Tạ Bá Hương; cụm tác phẩm “Điệu hát Then tới đảo Trường Sa”, “Chung tay xây dựng quê hương”, “Khúc hát từ Quảng Trường”, “Tiếng đàn Then” của tác giả Tăng Thình… Các tác giả này đều là hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh và có nhiều đóng góp cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật trong suốt những năm qua.

Ngoài ra ở lĩnh vực khoa học, công nghệ có hai công trình của tác giả, nhóm tác giả cũng vinh dự được nhận giải thưởng Tân Trào lần thứ 4, gồm đề tài: "Nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Từ điển Tuyên Quang” của tác giả Tạ Đức Tuyên cùng nhóm tác giả; "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trên Báo Tuyên Quang" của tác giả Ngô Thị Thu Hà cùng nhóm tác giả.

Việc trao giải thưởng Tân Trào của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người hoạt động nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật và nghiên cứu khoa học trong tỉnh. Còn các tác giả là các văn nghệ sĩ ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vinh dự đoạt giải thưởng Tân Trào càng thêm tự hào, nỗ lực hơn nữa và dành tâm huyết cho công việc sáng tạo, một công việc lặng lẽ trên cái hành trình chữ còn muôn nỗi gian truân.

Tin tức khác