Một lần lên đỉnh Trường Sơn

Thứ ba, ngày 18-04-2023, 09:36| 1.320 lượt xem

Từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi mới bước chân vào lính tôi đã thích và đã nhiều lần hát biểu diễn bài "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát" của Huy Du, bài hát mênh mang, giai điệu du dương nhưng lại rất hào sảng. Lúc đó tôi nghĩ một ngày nào đó mình sẽ vượt Trường Sơn, sẽ đứng trên đỉnh Trường Sơn để hát cùng đồng đội bài hát này. Nhưng sau 3 tháng luyện tập, đồng đội tôi thì vượt Trường Sơn, còn tôi thì ở lại rồi trở thành chiến sỹ văn công.

Minh họa của Quảng Tâm

 

“Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca

Gửi tới quê nhà bao la…”

 Sau này khi đất nước đã thống nhất, tôi đã qua KonTum, Gia Lai, Đắc Lắc... đã đi trên dải Trường Sơn hùng vĩ nhưng cũng chưa bao giờ được bước chân trên đỉnh Trường Sơn theo đúng nghĩa của nó. Tháng 12/2015, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với Hội VHNT các DTTS Việt Nam tổ chức một đoàn cán bộ, văn nghệ sỹ đi thực tế tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Thật là may, chuyến đi đó tôi đã thực sự được bước chân lên đỉnh dãy Trường Sơn. Đó là ngày về Quảng Nam, thăm huyện Tây Giang, một huyện miền núi nằm trên dãy Trường Sơn, giáp biên giới với nước bạn Lào.

Từ Đà Nẵng đi về phía Tây khoảng 120 km là đến huyện Tây Giang, cung đường lên huyện uốn lượn khá đẹp nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro nguy hiểm khi phải liên tục vượt qua những con dốc cao, quanh co với những cái tên không thấy mộng mơ chút nào như Khom Lưng hay là Mẹ Ơi... Ấy là theo lời giới thiệu của anh cán bộ văn hóa huyện được cử đi cùng đoàn. Anh chàng là người Cơ Tu, da ngăm đen, người thấp đậm chắc nịch, toàn thân để trần, đóng khố, chỉ có một tấm choàng vắt qua vai và trên đầu buộc một miếng vải đỏ. Tuy cách đóng khố của người Cơ Tu rất kín đáo không hoang dã như một số dân tộc khác ở vùng Tây Nguyên nhưng ngồi cạnh anh tôi vẫn thấy không được thoải mái. Riêng anh thì ngược lại, không e dè, nhút nhát, luôn miệng giới thiệu về vùng quê đặc biệt này. Nào là Tây Giang là huyện có số dân ít nhất tỉnh Quảng Nam, đến năm 2018 cả huyện mới có hơn 16 ngàn người, đa số là người dân tộc Cơ Tu. Nào là huyện Tây Giang có 10 xã thì có đến 8 xã giáp đường biên giới với Lào v.v...

 Nhìn những đỉnh núi điệp trùng cao vút phía trước, anh chàng Cơ Tu chỉ tay nói:

- Bây giờ đi lại dễ dàng nhưng thời kháng chiến cán bộ, bộ đội ta đi gùi gạo hay vận chuyển súng đạn phải luồn rừng vượt qua khe suối rất vất vả. Từ đây sang ngọn núi bên kia có khi đi từ sáng mà tối mới đến, phải ngủ lại hôm sau mới về.

Không cần giải thích thì tôi cũng tin đó là sự thật, thời chống Mỹ vùng đất này đã chịu nhiều hy sinh gian khổ nhưng vẫn "Trung dũng kiên cường,

đi đầu diệt Mỹ". Một vùng đất mà như đồng chí Hoàng Minh Thắng - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã nói: "Dù bà con còn thiếu thốn, ốm đau, nhưng vẫn vui vẻ đồng cam cộng khổ với cách mạng. Sống ở những nơi đó mà không sợ lộ bí mật, không bị một ai bắn tin, khai báo với địch, cơ quan vẫn an toàn, an tâm làm việc".

Quảng Nam thời kháng chiến là như vậy, còn ngày nay vùng đất này đã trở thành điểm đến của du khách khắp cả nước. Có thể nói rằng nếu miền Nam có Đà Lạt, miền Bắc có Sa Pa thì miền Trung có Tây Giang. Đà Lạt và Sa Pa thì đã nổi tiếng từ lâu, còn Tây Giang vẫn như một miền đất hoang sơ, bí ẩn còn ít người biết đến. Nếu như cả huyện Tây Giang nằm trên dãy Trường Sơn thì đỉnh Quế cao 1.369 mét so với mặt nước biển, thuộc thôn Voòng, xã Tr'hy  được xem là ngọn núi đẹp nhất tỉnh Quảng Nam bởi quanh năm sương mù bao phủ trắng xóa. Đứng trên cao nhìn xuống, có thể thấy biển sương rất rõ hệt như cảnh thần tiên, đúng như câu thơ  “mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều” của Nguyễn Đình Thi. Theo như anh cán bộ văn hóa Tây Giang thì nơi đây trước kia toàn là rừng rậm nguyên sinh, riêng một ngọn đồi có toàn cây quế, vì vậy mà có tên gọi là đỉnh Quế như ngày nay.

Đỉnh Quế cao chót vót, có con đường chạy từ dưới chân núi dọc theo đỉnh, hai bên là vực sâu thăm thẳm. Nhìn bốn phía trời xanh ngắt một màu, gió thổi lồng lộng, mây trắng bồng bềnh ôm ấp núi, trên đỉnh đồi cao có chút nắng rong chơi còn sót lại rồi cũng dần biến mất. Cả không gian lại chìm ngập trong biển mây, khung cảnh đẹp đến mê hồn, đứng trên đỉnh Quế, có lẽ chưa bao giờ chúng ta cảm thấy mây và trời gần nhau đến thế, như chỉ cần với tay ra là có thể chạm được vào mây.

Mọi người trong đoàn vô cùng thích thú, tranh thủ quay hình, chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc vô cùng quý giá này. Đỉnh Quế bây giờ không còn heo hút xa xôi nữa, nó đã được huyện Tây Giang và tỉnh Quảng Nam đầu tư thành một điểm du lịch mới. Nếu như trước đây có đoàn khách nào mà "phượt" lên đây thì hoàn toàn phải tự túc về ăn uống nghỉ ngơi. Bây giờ thì đã khác, một dãy nhà bán hàng tạp hóa và hàng tự sản tự tiêu của bà con đã mọc lên phục vụ khách du lịch. Hàng hóa ở đây chủ yếu là đồ ăn thức uống như: Thịt thú rừng khô, các loại rượu ngâm như ba kích,  đẳng sâm, tr'din, các loại rau rừng, măng rừng. Có mấy giò lan rừng treo lủng lẳng, có cả một lồng mấy con sóc đang nhảy nhót...

Và trưa hôm ấy anh em trong đoàn được thưởng thức một bữa tiệc đặc biệt với các món đặc sản của núi rừng uống với rượu Tr'din do anh chị em người bản địa chế biến. Những anh em miền núi như chúng tôi không xa lạ gì với những món: Cơm lam, thịt thú rừng xông khói, bánh sừng bò, cá suối... Nhưng trước cảnh mây núi Trường Sơn hùng vĩ, trước tình cảm mộc mạc của tình người nơi đây mà bữa cơm trưa hôm ấy thật đặc biệt. Có hai món hấp dẫn tôi, cứ tưởng là rất quen mà hóa lạ, đó là món xôi sắn và ếch nướng. Từ bé anh em tôi đã phải ăn cơm độn sắn, không phải theo kiểu đặc sản như bây giờ mà vì thiếu gạo nên mẹ tôi phải phải độn thêm sắn vào. Ăn mãi đến phát chán, ngán đến tận bây giờ, ban đầu tôi cũng dửng dưng nhưng thấy mấy chị em cứ gạt cơm ra chọn sắn để ăn nên tôi mới thử, công nhận ngon thật. Không còn nghi ngờ gì nữa, sắn ở đỉnh Trường Sơn này ngon hơn hẳn những nơi khác. Không biết có loại sắn nếp và sắn tẻ không, nếu có thì chắc chắn sắn ở đây thuộc loại sắn nếp. Củ sắn không to, không bở tơi mà dẻo quánh, màu trắng đục, ở quê tôi thường loại sắn này ăn rất nhạt nhưng ở đây thì ngược lại, ăn rất ngon. Còn món ếch nướng thì tôi cũng không lạ gì, ban đầu tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Nghe nói đây là loại ếch núi rất hiếm, không phải lúc nào cũng bắt được, nhìn những con ếch bị nướng vàng, teo lại cứ như con chão chuộc, loại này tôi chúa ghét, chưa bao giờ động vào. Thấy mọi người khen ngon tôi cũng nếm thử, quả thực thịt rất thơm ngon, có lẽ ếch ở vùng quê tôi là là ếch ruộng còn ếch ở đây là ếch rừng nên  nhỏ hơn. Đồng bào ở đây tẩm ướp rất khéo, có vị cay của ớt, có vị thơm của sả, của hạt tiêu rừng nên không còn mùi tanh. Các anh chị ở đây còn giới thiệu những món dân dã như: Mối rang, cháo mối, cà-đang (sùng đất), ếch xào thiên niên kiện... nhưng vì đoàn đến vội quá nên không chuẩn bị kịp. Dân tộc Tày của tôi có món bánh làm nhân từ trứng một loại kiến gọi nôm na là bánh trứng kiến, nhiều anh em bạn bè người Kinh không tin, đến khi được ăn rồi thì khen rối rít. Bây giờ tôi lại nghe người Cơ Tu có món ăn chế biến từ con mối, tôi không nghi ngờ nhưng cảm thấy rất lạ, chỉ tiếc chưa được thưởng thức mùi vị của nó như thế nào.

Người Cơ Tu là dân tộc có khiếu về múa hát, hình như già trẻ trai gái ai cũng biết hát múa. Họ hát để giãi bày tình cảm, tức là mượn lời hát để nói về một nội dung cần chuyển tải, vì vậy mà mới gọi là hát lý, nói lý. Đây là một trong những hình thức tự sự dân gian đặc sắc và độc đáo, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Cơ Tu. Nó gắn liền với lời ăn tiếng nói của đồng bào, thể hiện lối giao tiếp, ứng xử, biểu lộ tâm tư, tình cảm của mỗi người và cả cộng đồng. Còn về múa có hình thức múa "tung tung da dá", đây là điệu múa thể hiện tinh thần tập thể, tính cộng đồng rất cao trong đời sống của người Cơ Tu.

Hôm nay trên đỉnh Quế thơ mộng, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ tôi không có điều kiện để hát "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", chỉ tự ngân nga trong lòng mình, bởi vì xung quanh tôi lúc này đang tràn ngập những âm thanh tiếng cồng, tiếng chiêng từ những chàng trai, cô gái Cơ Tu đang say sưa nhảy múa. Tôi không hiểu rõ nội dung nhưng từ những ánh mắt nụ cười, tôi hiểu họ đang ngợi ca về dân tộc mình, về quê hương miền tây Quảng Nam đang từng ngày đổi mới. Thật là hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc đời được về với Tây Giang, miền quê phía tây Quảng Nam, và được một lần lên đỉnh Trường Sơn.

 

Tháng 3/2023

T.Đ

 

Tân Điều

Tin tức khác