Đọc tập bút ký Người ở bến Lù của nhà thơ Tạ Bá Hương

Thứ ba, ngày 17-10-2023, 09:56| 734 lượt xem

Trung Trung Đỉnh

 

Ký, một thể loại đa dạng và phức tạp, khó phân định rạch ròi mà lâu nay nhiều người viết không  xác định đúng thể loại giữa ký báo chí với ký văn học, kể cả cụ Nguyên Tuân, cây bút được mệnh danh là cao thủ nhất (trong số các nhà văn ở miền Bắc sau hòa bình 1954) với thể loại này. Tùy bút, bút ký, ký  sự, ghi chép v.v… được các nhà văn nhào nặn thành một áng văn đẹp được gọi một từ… Ký. Tuy nhiên, sự nhào nặn dễ thương ấy phải được bàn tay tài hoa của một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm trước hiện thực  sinh động và giàu sức sống của một không gian văn hóa đặc sắc. Có thể nói, lâu nay ở ta, trên mặt bằng chung của các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, sự nhầm lẫn giữa ký báo chí với ký văn học là chuyện hàng ngày. Mặc dù, nghiêm ngặt mà xét về mặt lý luận thì, bản thân thể loại bút ký văn học không chấp nhận sự hỗn độn dễ dãi của cái lối viết tự nhiên chủ nghĩa. Các nhà văn hội viên của ta có một thời quá dài, chỉ cần  thực hiện khẩu hiệu ba cùng, “đi vào thực tế cuộc sống”, gặp gỡ nhân vật, đến đất, gặp người, gặp việc, chăm chỉ ghi ghi chép chép nắm bắt  sự việc trung thực rồi về, viết. Bút ký văn học hay bút ký báo chí đều đứng trước cùng một sự kiện, cùng một vấn đề, nhưng nó không cùng chung một lối thể hiện trên văn bản. Thậm chí nó cách xa nhau “một trời một vực”. Tôi không muốn nói  giữa hai “anh chàng” này, “anh” nào hay hơn “anh” nào, hữu  ích hơn anh nào. Nhưng bút ký văn học tự nó được phép tung tẩy giữa hiện thực và không gian văn hóa đất và người của đối tượng trong thời cuộc. Ký báo chí thuần túy là một sự nắm bắt đưa đón thông tin dù anh có tài biến báo, tài ba “phóng bút” linh hoạt thế nào cũng vẫn phải bám chắc xâu được chuỗi rễ - cành vào sự kiện thật, không được phép né tránh, dù chỉ là một sự việc chi tiết nhỏ. Nhưng bút ký văn học thì sự kiện thật chỉ là cái cớ, chỉ là một điểm tựa mà nhà văn tài hoa được phép thả sức tung tẩy trong cái không gian khoáng hoạt đầy quyến rũ của đời sống. Chính không gian rộng mở của thể loại đã dìu ngòi bút của nhà văn tiến sâu vào bên trong vẻ đẹp của hiện thực, của lòng người.  Nhà văn, hay nói đúng hơn, văn chương của nhà văn được thể loại mời mọc đưa đón dẫn đi đến với người đọc suồng sã hơn, thân thiện hơn. Ký nói chung có hàng chục loại, mỗi thể loại có một đặc điểm riêng, nhưng bút ký văn học luôn luôn được người viết đề cao, tất nhiên là chất văn học. Chất văn học là gì? Đó là hình tượng là mỹ học của đời sống, nó tôn vinh cái đẹp giúp cho tâm hồn ta trong sáng hơn. Đọc bút ký văn học hay, hấp dẫn, nó có khả năng đem thông điệp mà đối tượng được thể hiện đến với trái tim người đọc gần nhất, hiệu quả nhất.

 Tôi đọc tập bút ký của nhà thơ Tạ Bá Hương, giống như vừa được anh đưa lên vùng núi cao Tuyên Quang, gặp gỡ những người con xứ Tuyên mà nhiều năm nay tôi đi lên đi xuống rất say mê tới những nơi thân thuộc do hoàn cảnh riêng cũng có, do cái duyên của tôi với  “Sắc hoa trên đá”, “Những vùng chè xanh lại” với “Mây trắng Phiêng Ngàm” của Na Hang,  với Sơn Dương đất ngọt Tân Trào cùng các huyện Chiêm Hóa, đến vùng chiến khu “Trên miền xanh Pắc Cáp” tới “Mùa măng Nà Lạ” rồi leo lên tận Đồng Văn, Mèo Vạc dọc sông Nho

Quế - Hà Giang, núi và đá và các bản Mông vừa xa vừa gần. Vâng, bây giờ đọc tập bút ký của nhà thơ giàu chất trữ tình này tôi mới có dịp nhìn nhận lại những con sông hung dữ và hiền hòa như sông Gâm, sông Lô, sông Chảy, với những ngôi làng cổ xưa giờ được hiện ra dưới chân những quả đồi, những vạt lau, những cô gái ơi ới gọi xuống bến Lù tắm giặt. Bến Lù chỉ là một cái tên, một địa danh bình thường giống như hàng trăm bến sông của xứ sở đại ngàn Yên Sơn.  Tôi xin trích một đoạn  ngắn để chúng ta  dễ hình dung không gian  mà non nước xứ Tuyên được Tạ Bá Hương dẫn  dụ:

“…Dưới kia, những con thuyền neo buộc sát bờ, sóng dềnh lên, thuyền chòng chành xô nghiêng về một phía. Lòng hồ mênh mang màu xám đục. Những lúc trời nắng ráo, người ta sẽ cảm nhận được hàng chục cù lao xanh in mình bên bóng nước, nom như những chiếc ô xanh mà ai đó vừa bỏ quên bên sông nước. Phía thượng nguồn, từng ngọn núi răng cưa đổ ra hai bên bờ sông Gâm, sông Năng, nhiều đoạn thắt lại, nước chảy xiết, vỗ mạnh vào ghềnh đá, bọt tung trắng xóa. Hai con sông ấy hợp lưu chỗ chân núi Pắc Tạ, ngọn núi mang biểu tượng của núm vú người đàn bà, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên của huyện. Trên dãy núi phồn thực ấy là cuộc sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc xã Khau Tinh. Nghe đâu, đường lên xã ấy khó khăn lắm, tôi chưa lên bao giờ”.

Những năm trước đây thời còn bao cấp, tôi lên với Hà Tuyên bằng xe khách rất cũ, rất cà tàng, leo núi nhọc nhằn, với con đường đất đá lổn nhổn ổ voi, ổ gà, cả tuần cả tháng mới có một chuyến. Hành khách tất cả đều nghèo khó như nhau, chen chúc nhau khổ sở và luôn sẵn sàng ghé vai giúp đỡ nhau giữa đói rét nhọc nhằn. Thực tình, nhìn da ai cũng xanh, mặt ai  cũng hốc hác, nhưng bao giờ tôi cũng được anh chị em đồng nghiệp, bạn bè ưu ái tạo điều kiện đưa đi Sơn Dương, đến với cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa. Theo dọc con sông Đáy chui tít vào sâu trong các bản làng của bà con các dân tộc trong “An toàn khu” của vùng “đại bản doanh” chiến khu Việt Bắc xưa. Nơi đây có rất nhiều những câu chuyện về những kỳ tích của quân dân Việt Minh, của những nhân vật lớn thời cách mạng còn trứng nước.  Và tôi được nghe chuyện nhà văn viết truyện Đường rừng đầu tiên thời tăm tối của đất nước mà nhà văn Lan Khai, người mở đầu bằng những chuyến đi ra đi vào vùng An toàn khu được đồng bào chia sẻ. Thời chiến sự bất thường, ranh giới giữa ta địch, vùng an toàn và vùng cấm đầy bất trắc, bí hiểm, ly kỳ. Các tác phẩm của Lan Khai sau này được đánh giá rất cao. Ông  mở ra một cánh cửa mới của một thể loại đặc biệt cho văn học Việt Nam hiện đại. Có thể nói, thời nay, các  nhà văn trẻ xông xáo vào  những “điểm nóng”  đương đại có cái dễ, cái thuận lợi hơn rất nhiều thời chúng tôi. Nhưng mỗi thời có cái hay, cái dễ, cái khó của mình. Thời nay trước mắt các bạn trẻ cũng gặp không ít những trở ngại, những trắc trở mới mà  khoa học chia đều cho mỗi bên. Viết bút ký, dù là bút ký văn học được tung tẩy, được sống trong khung cảnh mới thuận lợi hơn, đi đứng thuận tiện hơn, nhưng cảm nhận mới của người đọc thì thực sự phức tạp, rất đa dạng, rất đa chiều, đa nhận thức, tạo nên những áp lực không nhỏ cho người viết. Sự biến chuyển chung của thời cuộc, trình độ và nhận thức của người đọc đã lên rất cao, đòi hỏi các nhà văn phải theo kịp bước tiến chung mới của xã hội. Nhà thơ Tạ Bá Hương, thuộc lớp nhà thơ nhà văn trẻ của Tuyên Quang. Anh đang cùng các bạn đồng nghiệp trẻ “ngụp  lặn” trong bốn bề cấp bách đòi hỏi nhiều thay đổi, nhiều nỗ lực cả về vật chất lẫn tinh thần, cả cơ bắp cường tráng lẫn trí não thông minh tài giỏi. Đất Tuyên quê ta đã và đang ngọt, giờ còn cần sự bứt phá sáng tạo của thế hệ “Bốn chấm không” thời đất nước đang vươn vai vượt qua các loại khó khăn mới, thời chớp nhoáng mới của “trí tạo nhân tạo” rất cần sự điềm tĩnh của một cuộc sống, giàu tri thức với tư duy tập trung cập nhật theo kịp thời đại, dựa theo tự nhiên của xứ sở mà vẫn thuận theo nhịp tăng trưởng không ngừng như những con sông  quê mình… Vâng  giống như…  “Lộ trình sông Gâm, sông Năng đổ nước xuôi dòng bắt buộc phải đi qua bình địa của khu bảo tồn thiên nhiên, núi non trùng điệp, địa hình hiểm trở, có lúc lòng sông đủng đỉnh chảy, nhưng gặp đoạn thắt lại, con sông bỗng chốc như chú ngựa bất kham, hung hãn tung bờm phi nước đại. Trên một khúc sông vắng, người ta nom thấy lỗ đá giống hình mũi trâu, đồng bào Tày gọi là Đăng Vài. Cánh lái thuyền có kinh nghiệm kháo nhau rằng, hễ gặp nước sông Gâm thấp hơn Đăng Vài thì thuyền qua được, còn mực nước dâng cao, réo sôi phì phì như trâu thở thì chấp nhận buộc thuyền chờ lũ rút. Chính sự hiểm trở và huyền bí của đại ngàn nên nhiều công trình tín ngưỡng nằm dọc đôi bờ sông Gâm đã hình thành từ rất sớm. Ngay tại ngã ba Pắc Vãng, nơi giao thoa của hai nền văn hóa, ngôi đền thờ Quan Đế đại thần đã được dựng lên. Dưới chân Pắc Tạ, ngọn núi cao nhất ở huyện Na Hang, nằm phía bên kia công trình thủy điện, không chỉ gắn với truyền thuyết về chú voi nghiện rượu, nhưng có công đánh giặc, được phong tước Voi Quận công mà còn tồn tại ngôi đền thờ phụng vị hôn thê của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, vị tướng từng trấn thủ Tuyên Quang dưới thời nhà Trần”.

Nhà thơ viết bút ký giống như  con chim ưng bắt được bóng mồi từ trên rất cao mà sà xuống cực nhanh cực nhậy “vồ” như chớp lấy “con mồi” hiện thực. Một chi tiết đắt  cho một thiên bút ký hay cũng giống như sự nắm bắt tứ thơ của bài thơ, nó vụt sáng lóe lên và lan tỏa cho sức sống của cả bài. Nhà thơ viết bút ký đã “khoác  ba lô” lên là đi! Anh đã và sẽ còn đi rất nhiều, đi đến tận nơi tìm con người mới như anh đã gặp...

“Anh Tuấn và hàng chục hộ nông dân bản địa sinh sống bên thềm sông trước kia chỉ quen với cái nương, cái rẫy, giờ đây đã trở thành những ngư dân chấp nhận một cuộc sống lênh đênh trên sông nước lòng hồ, tạo nên những khu vực chăn nuôi thủy sản mang lại kế sinh nhai mới.

Họ đã nuôi trồng khảo nghiệm thành công đối với loại cá Anh vũ, một loại cá đặc sản đã từng được tiến vua. Đây là giống cá sống trong các kẽ đá dưới độ sâu hàng chục mét trên lưu vực sông Gâm và chúng chỉ sinh trưởng được ở môi trường sống hoang dã…”.

Đó là một vùng núi non, một vùng văn hóa đa sắc tộc, sống quần cư trong các thung lũng có sự bao bọc của những cánh rừng đại ngàn và trải qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Na Hang nuôi dưỡng một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Các lễ hội Lồng tông, hát Then, Cọi của đồng bào dân tộc Tày và lễ Cấp sắc, hát Páo dung của đồng bào dân tộc Dao vẫn như mạch nước nguồn đổ về nuôi dưỡng những con người nơi non cao. Để trẻ con biết vịn vào câu hát mà lớn lên, người già biết vịn vào câu hát mà khuyên răn con cháu từng nết ăn, nết ở. Có một điều lạ là, hầu như ở Na Hang, trên mỗi ngọn núi, mỗi cánh rừng và trong mỗi trầm tích đất đá đều lưu giữ những truyền thuyết mà người dân bản địa sáng tạo nên, nhằm lý giải về hiện tượng tự nhiên, trở thành khát vọng sống mãnh liệt của cộng đồng dân cư, gắn liền với truyền thuyết về loài chim phượng hoàng…

Đọc tập bút ký “Người ở bến Lù” kích thích tôi yêu hơn Tuyên Quang vì tình yêu đã có sẵn nhiều năm. Bây giờ đây như được  nhà thơ Tạ Bá Hương nhắc nhở khéo rằng “yêu như thế chưa đủ đâu”. Bạn  sẽ hiểu thêm đất và người xứ Tuyên qua những thông điệp mà chúng tôi trao cho bạn nhẹ nhàng nhưng rất sâu nặng qua chất thơ đằm thắm của những áng văn xuôi giản dị này, nó được viết bằng cả trái tim và khát vọng của bà con các tộc người Việt Bắc.

Hà Nội, tháng 9 năm 2023

T.T.Đ

Tin tức khác