Đến với bài thơ hay của Mai Liễu

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 11:02| 1.862 lượt xem

Mai Liễu

BÊN THÁC

 

Mười bảy tuổi tôi ra thành phố

Bỏ tuổi thơ lam lũ góc rừng

Bỏ lại sau đèo chiều trăng đỏ

Xóm nghèo thả khói lẫn vào sương.

 

Tiếng hoãng kêu thảng thốt đồi nương

Con đường mòn hoa bìm buông tím nụ

Em đi cấy gặp ngày mưa lũ

Qua ngòi ai dắt nước đang lên?

 

Gió chẳng ngừng nên núi chẳng ngồi yên

Mưa nhễ nhại mùa giêng hai măng mọc

Bìm bịp kêu mé rừng gọi nắng

Giữa phố phường khảm khắc vọng trong đêm.

 

Một đời tôi vẫn người của núi

Suối nguồn chẳng dấu mỗi chân rêu

Bụi bậm, phồn hoa xin gửi lại

Cúi đầu bên thác ngửa lòng tay.

 

                             (Rút từ tập Suối làng, 1994)

 

 

Bên thác là một bài thơ in trong tập thơ đầu tay Suối làng của nhà thơ Mai Liễu được nhà xuất bản Văn hóa - Dân tộc phát hành năm 1994.

Bài thơ thể hiện tình yêu chân thành, tha thiết của một người con đối với quê hương thân yêu.

Quê hương hiện lên trong nỗi nhớ của người con đi xa với những hình ảnh bình dị, gần gũi. Đó là cuộc sống lam lũ của “xóm nghèo thả khói lẫn vào sương”. Đó còn là những hình ảnh và âm thanh quen thuộc, bình dị của  xóm núi như đã trở thành máu thịt của nhà thơ: đèo chiều trăng đỏ, nước lũ, hoa rừng tím ngắt, tiếng hoẵng, tiếng bìm bịp, tiếng chim khảm khắc…

Tác giả sử dụng động từ “bỏ”, “bỏ lại” nhưng không phải để quên mà để nhớ, nhớ sâu sắc, càng đi xa càng nhớ, càng sung sướng càng không quên. Từ “bỏ” được nhắc lại hai lần như sự day dứt khôn nguôi khi nhân vật trữ tình phải rời khỏi quê hương ra đi.

Đó là vẻ tươi tắn của quê hương miền núi, đó là quê nghèo mà vẫn lung linh trong nỗi nhớ:

“…sau đèo chiều trăng đỏ

Xóm nghèo thả khói lẫn vào sương”

Đó còn là những màu sắc, hình ảnh tươi tắn: “Con đường mòn hoa bìm buông tím nụ” cũng được thể hiện trong bài thơ. Mùa tới, mùa qua được khắc hoạ bằng những hình ảnh đẹp, với cách ví von độc đáo:

“Mưa nhễ nhại mùa giêng hai măng mọc

Bìm bịp kêu mé rừng gọi nắng”.

Các từ “nhễ nhại”, “gọi”, “chẳng ngồi yên”, “thảng thốt” gợi sự vất vả nhưng thân thiết, quen thuộc của quê núi trong lòng người đi xa.

Tâm trạng của tác giả được thể hiện cả trong ba khổ thơ đầu và khổ thơ cuối.

Trong ba khổ thơ đầu, gắn bó trong tâm khảm nhà thơ là tất cả những gì vất vả của cuộc sống nơi núi rừng nhưng không thể nguôi quên. Bài thơ thấm đẫm tâm trạng nhớ thương da diết. Trong không gian núi rừng tươi đẹp ấy, hai nhân vật “tôi” và “em” đã khiến không gian núi rừng ấm áp, gần gũi hơn. Hai câu thơ với những hình ảnh quen thuộc của miền núi:

“Em đi cấy gặp ngày mưa lũ

Qua ngòi ai dắt nước đang lên?”

đầy lo lắng, ám ảnh khôn nguôi trong lòng nhà thơ.

Giữa không gian phố phường, tiếng chim khảm khắc “vọng trong đêm” chính là nỗi nhớ, là tiếng lòng của tác giả thổn thức, hướng về quê hương làng bản từ nơi xa xôi.

Ở khổ thơ cuối:

“Một đời tôi vẫn người của núi

Suối nguồn chẳng dấu mỗi chân rêu

Bụi bậm, phồn hoa xin gửi lại

Cúi đầu bên thác ngửa lòng tay”.

Chỉ khi trở về bên thác nước quen thuộc của quê hương, tác giả mới thấy mình chính là mình, và ông khẳng định: “Một đời tôi vẫn người của núi”.

Trước suối nguồn trong vắt “chẳng dấu mỗi chân rêu” thì nhà thơ hòa mình vào với dòng thác quê hương, rũ sạch mọi ưu phiền mà ông gọi là “Bụi bậm chốn phồn hoa” để được là chính mình.

Hình ảnh “Cúi đầu bên thác ngửa lòng tay” của nhà thơ vừa gợi cho người đọc cảm giác ăn năn, sám hối của người con đi xa nay về cúi đầu nhận lỗi, vừa gợi cảm giác thích thú của chính đứa con đi xa nay được trở về với những gì thân thương nhất của cuộc đời mình, nơi mình được sống thật nhất.

Bài thơ viết theo thể thơ tự do, cảm xúc đằm thắm, ngôn ngữ thơ dung dị, nhiều hình ảnh nhân hoá, so sánh mới lạ, gợi cảm, giàu sức liên tưởng:

“Xóm nghèo thả khói lẫn vào sương”

“Bìm bịp kêu mé rừng gọi nắng”

“Gió chẳng ngừng nên núi chẳng ngồi yên

Mưa nhễ nhại mùa giêng hai măng mọc”

Là bài thơ được in trong tập thơ đầu tay nhưng Bên thác là một bài thơ hay với chất liệu núi rừng nguồn cội. Những câu thơ được viết hết sức tự nhiên mà ấm áp, có chút day dứt, ân hận của người vốn gắn bó một đời với quê núi mà phải dời bỏ quê hương ra đi nhưng khi trở về, vẫn được quê núi đón nhận đầy bao dung, chở che, yêu thương.

Bài thơ để lại ấn tượng trong lòng người đọc không ở câu chữ cầu kì, tứ thơ độc đáo mà lại ở sự chân thành, mộc mạc, giản dị.

Bài thơ này có thể coi như sự mở đầu cho khuynh hướng thơ của Mai Liễu: gắn bó với quê hương, nguồn cội sau này. Và đây là hướng đi đúng để thơ Mai Liễu có chỗ đứng trong lòng độc giả như ông từng nói: “Quê hương và tình người miền núi là niềm trăn trở, hối thúc tôi cầm bút và nó còn trở đi trở lại mãi trong cuộc đời cầm bút của tôi” (Lời đầu sách Đầu nguồn mây trắng); "Chỉ khi trở về với cội nguồn miền núi của tôi, thơ tôi mới ít nhiều để lại chút ấn tượng nào đó trong bạn đọc" (Nhà văn Việt Nam hiện đại - NXB Hội Nhà văn Việt Nam - 1997 - trang 386) và tự nhận: “Một đời vẫn là người của núi”.

Bùi Thị Mai Anh

Tin tức khác