Chất thơ

Thứ sáu, ngày 21-04-2023, 09:49| 1.293 lượt xem

Trần Anh Thái

 

 Nhà thơ Trần Anh Thái

 

Con người từ khởi thủy, khi sinh ra đã có chất Thơ. Nó tiềm ẩn đâu đó trong vô cùng. Nó là vô thức. Nếu con người nhập cuộc, ở vào một thời điểm nào đó, một cuộc tao ngộ bất thường, thích hợp nào đó, tự nhiên Thi ca phát lộ - từ chính nó. Cường độ phát lộ nhiều hay ít, mạnh hay yếu, đến được sự chân thật hay đi bên ngoài sự chân thật tùy thuộc vào tiềm năng nội lực của mỗi tạng tính mà làm bật ra, viết ra những sản phẩm Thơ khác nhau. Cũng có người mãi mãi Thơ không phát lộ, nhưng chất Thơ vẫn luôn có đó, nó tiềm ẩn sâu thẳm trong bản thể, nó chưa được đánh thức, nó bị bỏ quên. Điều đó không sao, vấn đề là nó đã có đó, trong vô thức -  Điều này giải thích vì sao những đứa trẻ mới sơ sinh đã vô cùng hứng khởi với màu sắc lạ, mọi trò chơi khác thường. Và nữa, những người không dính dáng gì đến văn chương nghệ thuật, những người làm toán học chẳng hạn, thậm chí là những nông dân không biết chữ, suốt ngày trồng rau, cày ruộng… nhưng trong một cơn hứng khởi mãnh liệt bất kỳ, từ thẳm sâu trong họ bật ra những nhịp  thơ, nhịp hát, một lời ca, hoặc nhảy múa hoan ca tràn ngập. Chất thơ -  Hòn đá đã có mặt ở thế gian, cho dù người ta cố tình quăng nó xuống sông, vứt nó xuống biển, chôn nó tận sâu trong lòng đất thì nó vẫn thế, là chính nó, đang có đó, mãi mãi. Điều này là không thể phủ định. Cho dù có muốn cũng không thể được, vậy thôi. Bằng chứng là, vì chính cái chất thơ ấy, chứ không phải cái gì khác, mà nảy sinh niềm hứng khởi, thôi thúc sáng tạo, con người tự hoàn thiện mình, làm Người. Tôi  nghĩ như vậy.

Lối Rẽ

Cuộc sống - người khổng lồ Cám Dỗ đã có mặt. Con người từ bỏ bản thể, từ bỏ tự do tuyệt đối bước vào lối Rẽ của người khổng lồ Cám Dỗ. Họ bị người khổng lồ Cám Dỗ vây chặt, bám riết với mọi ràng buộc khốc liệt và ngớ ngẩn. Họ sa lầy trong tù đọng của những hấp dẫn giả tạo một cách tự giác, vô tư. Họ háo hức đi trên lối Rẽ, một lối Rẽ mà sự tha hóa đang chờ đón họ ở tương lai. Thứ tương lai mà người khổng lồ Cám Dỗ tạo ra để lôi kéo con người, thực chất nó là sự bịa đặt, không có thật, không bao giờ có, bởi người khổng lồ Cám Dỗ - kẻ bịa đặt vĩ đại. Và cứ thế cùng thời gian, con người mê mải đi trong mây mù trên lối Rẽ, càng đi càng mệt mỏi, bế tắc, ê chề, vô vọng không có điểm dừng, không nơi kết thúc. Trên lối Rẽ ấy, nhiều khi họ tuyệt vọng cùng đường và nhiều khi họ reo vui hạnh phúc. Họ đi trong rừng. Họ reo vui vì có lúc mơ hồ tưởng rằng đã gặp một vài mảnh vỡ thiên đường rớt xuống trần gian; họ tuyệt vọng cùng đường khi gặp núi sâu vực thẳm, không nơi bấu víu. Nhưng họ vẫn đi. Họ là quán tính của một cỗ máy vận hành liên tục không ngưng nghỉ. Họ là cái đuôi chạy trong vòng quay quyền năng của người khổng lồ Cám Dỗ. Và chính trong lúc cùng quẫn đó Thơ ca xuất hiện. Thơ ca bật ra từ nội tâm thăm thẳm của niềm vui sướng mơ hồ và nỗi bất hạnh lắng sâu. Nó bật ra đúng vào lúc tận cùng nhất ở một trạng thái trong suốt thuần khiết nhất, gần giống với sự trong sáng nguyên thủy mà nó đã từng có; không vướng víu, bận tâm bởi bất cứ hệ lụy nào. Nó xuất hiện trên lối Rẽ của người khổng lồ Cám Dỗ, cái lối Rẽ buồn bã tới mức: “Thế giới không có gì bí mât… Trái đất này chật mắt trẻ em chơi”. Với chỉ một khát vọng, trút bỏ nỗi đau, bước ra khỏi lầm lạc khốn khổ, Trên Đường tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm cái đẹp.

Trên Đường

Trong hành trình trên lối Rẽ của người khổng lồ Cám Dỗ, con người yếu đuối và cả tin luôn thua cuộc, luôn bị cuộc sống đánh bại. Họ bị người khổng lồ Cám Dỗ nói rằng: Lối Rẽ là chân lý, là sự thật, là hoàn thiện… và họ tin vào điều đó, tin như chưa bao giờ được tin. Họ quả quyết một cách dứt khoát rằng lối Rẽ mới là con đường duy nhất đúng, duy nhất là sự sống. Và hậu quả là: Bất hạnh khổ đau tràn ngập. Vào chính lúc đó, Thơ - là kẻ cứu rỗi. Nó bật ra trong thẳm sâu tự do, trong suốt; nó không cùng trên lối Rẽ mà là Trên Đường, khao khát và thuần khiết. Điều này làm cho Thơ ca không cùng mục đích với hiện thực của lối Rẽ, nó không cùng đường với lối Rẽ, nó vượt lên trên lối Rẽ. Đương nhiên, trong thực tế, Thơ không bao giờ đến được bản thể ban đầu. Vì nó, như vô thức, đã rời bỏ, quá lâu, quá xa bản thể. Xa, lâu đến mức có lúc nó không còn nhận biết chính nó nữa, đến mức nó tưởng rằng lối Rẽ mới là đương nhiên chân thật. Và nó quên, quên béng chính nó. Giờ thì qua sợ hãi, khổ đau và tuyệt vọng, nó bật ra. Nhưng khốn khổ thay, nó không bao giờ tìm đến được bản thể, không đến được tự do tuyệt đối. Mọi nỗ lực của nó chỉ gần đến, chỉ ở Trên Đường. Và chỉ khi ở trạng thái thuần khiết Trên Đường này, nó đã mang trên vai sứ mệnh vô cùng lớn lao - tự nhiên thế - sự cứu rỗi…

Không ai bắt nó cả. Nó tự nguyện, nó là nghiệp mệnh. Nó kéo con người ra khỏi nỗi đau trần thế, kéo con người ra xa lìa lối Rẽ của người khổng lồ Cám Dỗ, nó khao khát Trên Đường thuần khiết. Tuy nhiên, đường đi xa thẳm “mù rối chông gai”; có thể không bao giờ đến được chính nó, nhưng sứ mệnh nó là thế, nó vẫn đi, với khát vọng “Trong bóng tối của những điều chưa biết là ánh sáng… Ánh sáng ở nơi chưa có con đường”. Và ngay chính lúc Trên Đường, nó đã thấy le lói ánh sáng thuần khiết; nó là tràn đầy, nó là hạnh phúc tràn ngập - nó là Thơ.

Từ Bỏ

Chừng nào chưa dứt khoát rời bỏ Cám Dỗ, còn toán tính vụ lợi, luẩn quẩn trong vòng vây của các ham muốn, thì chừng đó nó chưa Trên Đường, chưa là Thơ. Vì đơn giản là nó vẫn đang bị áp đặt. Bị Cám Dỗ áp đặt. Mà tất cả mọi sự áp đặt thì đều không phải là thật, là gượng ép, là giả. Nếu không nói rằng, sự áp đặt càng quyết liệt bao nhiêu thì sản phẩm mà nó sinh ra càng méo mó, dị dạng bấy nhiêu; và không loại trừ nó còn tạo ra cả quái thai bệnh hoạn. Nhưng đáng thương thay, con người nhiều khi lại hoàn toàn không hề biết chính họ bị áp đặt. Không ít khi họ tin tuyệt đối rằng chính sự áp đặt mới là đúng, là chân thật. Họ mụ mẫm. Điều đó giải thích tại sao tất cả mọi người sinh ra đều có chất Thơ nhưng chỉ một số rất ít người chất Thơ mạnh mẽ mới viết Thơ. Và trong số rất ít người viết Thơ lại chỉ có rất ít người là sáng tạo Thơ. Còn lại số đông, chỉ làm ra một thứ na ná giống Thơ. Số đông này không phải họ không muốn Thơ mà thậm chí họ còn khao khát được Thơ. Nhưng vì họ bỏ quên, và vì họ hít thở trong bầu khí quyển của kẻ áp đặt, lâu dần sự áp đặt thành thói quen quán tính, thành đương nhiên. Họ làm theo sự đương nhiên một cách đầy đam mê, thích thú, thậm chí còn kiêu hãnh và tự mãn. Họ làm như quán tính. Họ đã để mất Thơ -  sự chân thật. Và họ cứ thế yên tâm lầm lũi đi trên lối Rẽ giả dối mà người khổng lồ Cám Dỗ bày đặt. Và đương nhiên, sản phẩm của họ sinh ra là một thứ na ná giống. Nó từ bàn tay của người khổng lồ Cám Dỗ sinh ra thì nó thuộc về người khổng lồ Cám Dỗ, không thuộc về họ. Họ không tới được chân thật. Trong thực tế, Thơ không bị chi phối bất cứ điều gì cả. Nó chối từ mọi áp đặt dung tục, vụ lợi, giả dối, toan tính. Nó chỉ là chính nó. Tự do và thuần khiết, thế thôi.

Trên Đường - Thơ - Sự thuần khiết - Cứu rỗi.

Thơ - Trên Đường tìm về mình. Con đường duy nhất dẫn đến Trên Đường Thơ chính là con đường của tài năng của trái tim. Và chỉ trái tim mới đủ sức dẫn dắt Trên Đường Thơ “Những trái tim lần tìm nhau run rẩy”. Ngoài ra không có bất cứ con đường nào khác. Không một sự xảo xiếc, thông minh, láu lỉnh thần thông nào khác. Nếu có chỉ là thứ na ná, na ná thật, bên ngoài, ngoài quá, xa quá, xa mãi hiển nhiên sẽ sinh tha hóa, quái thai.

Nhưng thật khó khăn vô cùng. Con người đã trót tin vào lối Rẽ của người khổng lồ Cám Dỗ. Họ rất ít cơ hội quay lại chính mình. Và họ phải trả giá. Bằng chứng lối Rẽ chính là thảm họa, là nguyên nhân, thủ phạm của những bi kịch, bế tắc và rối loạn. Chính vì tin vào lối Rẽ nên nó luôn lẫn lộn cái thật và cái na ná thật. Và khi cái na ná thật có cơ hội chiếm ưu thế, đến lượt nó phát huy quyền lực, trở lại giết chết niềm tin. Con người luôn trong âu lo, sợ hãi, giày vò khốn khổ… Sự thật thua cuộc.     

Sự thật đã thua cuộc. Chính vào lúc này chứ không phải lúc nào khác, Thơ dứt khoát rời bỏ Cám Dỗ. Cái Cám Dỗ mà trong đó chỉ thấy tràn ngập “Gã hề lăng xăng sàn diễn u mê”, để Trên Đường. Từ trong sâu thẳm Thơ vang vọng lời cảnh báo về thân phận con người, rằng: “Không ai giúp được chúng ta/Những tiện nghi và những giáo luật/Chỉ tiếng gọi vang lên sự sống/Tiếng gọi vang lên sâu thẳm cõi người”; để đưa con người thoát ra khỏi bối rối, khổ đau; ra khỏi mọi tranh giành, hận thù, tàn sát và lòng ghen ghét chiếm đoạt… Ra khỏi uy quyền từng ngự trị con người một cách tuyệt đối của người khổng lồ Cám Dỗ để trở lại trong suốt thuần khiết. Chừng nào nó còn chấp nhận thua cuộc, xao động cùng lối Rẽ, bằng lòng với lối Rẽ, an phận với lối Rẽ, chừng đó nó vẫn bị áp đặt, vẫn chỉ là giả, gượng ép. Là tiếng kêu cải lương trống rỗng. Nó là thứ vô ích . Nó chỉ thực sự có ích khi nó trở về chính nó, Trên Đường: Trên Đường - Thơ - Thuần khiết - Cứu rỗi. Nếu không, nó mãi mãi đôn đáo chạy bên ngoài sự thật. Và chỉ vậy không thể khác. Nó vô ích.

T.A.T

 

Tin tức khác