Dòng chảy truyện ngắn Tuyên Quang đang tiếp tục

Thứ sáu, ngày 24-03-2023, 10:11| 1.517 lượt xem

Truyện ngắn là thể loại có nhiều tính ưu việt: Dung lượng tinh gọn, nắm bắt và phản ánh hiện thực nhanh, tính phổ cập rộng, được độc giả nhiều thế hệ trông đợi. Trong lịch sử văn chương, truyện ngắn có vai trò quan trọng và có vị trí trang trọng, luôn được các báo và tạp chí văn học ưa chuộng. Đây là lợi thế cho những người viết truyện ngắn, nhưng cũng là thách thức, bởi sự vận động và phát triển của nghệ thuật truyện ngắn vô cùng mạnh mẽ, tầm đón đợi của độc giả ngày một cao, đặt ra những đòi hỏi ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt. Viết được một truyện ngắn đã khó; viết được những truyện ngắn hấp dẫn, có sức sống với thời gian để trở thành tác giả truyện ngắn tiêu biểu cho một vùng đất lại càng khó hơn. Chính vì thế mà các hội văn học nghệ thuật địa phương trong cả nước đều chú trọng đến thể loại truyện ngắn. Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang cũng vậy.

Cuộc thi truyện ngắn Tuyên Quang 2022 với mục đích “tìm kiếm những tác phẩm truyện ngắn có chất lượng cao cả về nội dung và hình thức, xây dựng hình tượng “đất và người Tuyên Quang” tiêu biểu với những nét hào hùng trong quá khứ, tình nghĩa thủy chung và khát vọng hướng đến những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp trong cuộc sống; phát hiện những tài năng văn học trẻ góp phần nâng cao chất lượng truyện ngắn, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới”.

Sau gần một năm phát động, Cuộc thi đã nhận được 97 bản thảo của 71 tác giả nhiều lứa tuổi trong cả nước.

Đọc bản thảo có thể thấy các tác giả đã thâm nhập đời sống khá nhanh nên biên độ đề tài được phản ánh trong Cuộc thi khá rộng: Từ những câu chuyện lịch sử phóng chiếu tới hiện tại; từ quá khứ chiến tranh cho đến những đổi thay chóng mặt của đời sống đương thời; từ những giá trị phong tục tập quán bền vững đến hiện tượng phôi phai bản sắc; những vấn đề nóng hổi tính thời sự về kinh tế -  chính trị - văn hóa trong thời kinh tế thị trường với những thành tựu đáng mừng cùng những hệ lụy cần tháo gỡ; từ những trăn trở về đạo đức lối sống đến những âu lo về môi trường sinh thái... đều đã được các tác giả đề cập. Điều đáng mừng là các tác giả đã bám sát vào chủ đề cuộc thi là “ca ngợi quê hương, thiên nhiên, con người, tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất Tuyên Quang; phản ánh nét đẹp văn hóa của cộng đồng 22 dân tộc anh em đang chung sống trên mảnh đất Tuyên Quang; khuyến khích sáng tác những đề tài phát triển từ những truyền thuyết, câu chuyện dân gian, cổ tích… có ý nghĩa nhân văn về mảnh đất Tuyên Quang” nên số lượng tác phẩm lấy cảm hứng từ vùng đất Tuyên Quang chiếm trên 70% lượng bản thảo. Không chỉ những cây bút sinh sống ở Tuyên Quang mà các tác giả ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hòa Bình, Phú Thọ… cũng hào hứng chọn vùng núi Việt Bắc này làm nguồn sáng tạo.

Đó là Trần Thị Nhung với Hồn Then và Mùa rẫy khát đầy ưu tư về văn hóa cổ truyền và những khó khăn của đồng bào miền núi; là Ngô Tiến Mạnh với Ngọn đèn tình trên núi hoài niệm thiết tha về một mĩ tục cùng khát vọng được sống, được yêu của người sơn cước; là Hồng Giang với những suy ngẫm về mâu thuẫn sắc tộc quá khứ ở Chuyện tình xóm cây vông, là những triết lý nhân sinh, những bài học đối nhân xử thế trong Khát và Cái đê bạc; là Mai Thái Sơn đề cao phẩm tính chung thủy, nghĩa tình trong Cô gái đồi chè và Hôn ước ngày nào; là Đinh Minh Sơn với những góc nhìn riêng về sự đổi thay ở một vùng núi, dù có sự hỗn tạp nhưng vẫn sáng lên niềm tin bởi có những con người bao dung, nhân hậu trong hai tác phẩm Phố trong làng và Bến đỗ bình yên; là Bùi Việt Phương hoài niệm thiết tha với những vẻ đẹp xa xưa trong Dòng sông con gái; là Đinh Thành Trung với Đồi cam rực rỡ với những ước mơ vươn tới cuộc sống ấm no hạnh phúc; là Bùi Thúy Mơ với Mẹ Toan giàu tình cảm nhân văn và cảnh sắc trữ tình miền núi… Nhờ những tác phẩm này mà Cuộc thi truyện ngắn 2022 của Văn nghệ Tuyên Quang không bị lẫn vào nhiều cuộc thi truyện ngắn đang nở rộ trên cả nước.

Ở thời đại nào cũng vậy, muốn hấp dẫn được độc giả, văn chương cần có chất lượng nghệ thuật. Cuộc truyện ngắn Văn nghệ Tuyên Quang 2022 đã xuất hiện những tác giả giàu năng lượng, có ý thức nghề nghiệp, có trách nhiệm với tác phẩm và có khát vọng vươn tầm sáng tạo nên đã cố gắng tìm tòi phương thức biểu đạt. Các dạng bút pháp tả thực, hiện thực huyền ảo, kỳ ảo, trào lộng, huyền thoại, giả tưởng...; các kỹ thuật dòng ý thức, giấc mơ, đồng hiện, tâm linh... đã được các tác giả vận dụng khá linh hoạt.

Nghệ sĩ nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn Tuyên Quang năm 2022 cho tác giả trẻ Lê Ngọc. Ảnh: Quang Hòa

 

Đó là Lê Ngọc với tác phẩm Tượng đài bất tử, một truyện ngắn có sức nặng cả về nội dung lẫn hình thức. Một làng Pua vùng

Việt Bắc, cụ thể mà khái quát về lịch sử một ngôi làng chịu nhiều tang thương trong chiến tranh. Ở đó, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tội ác, lòng căm thù, đức tri ân… hòa quện trong một không gian và thời gian dài rộng, hình tượng nghệ thuật ám ảnh bằng những chi tiết ngồn ngộn, ngôn ngữ phong nhiêu giàu cảm xúc. Tác giả đã sử dụng nhiều thủ pháp: Giấc mơ, nhật kí, lời kể của các nhân chứng… để tái hiện một quá khứ bi phẫn của những con người vùng cao theo cách mạng và bảo vệ cán bộ cách mạng. Thông điệp tác phẩm sâu sắc: Quá khứ cần phải được lên tiếng, được nhắc nhớ; hiểu quá khứ để trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai.

Lê Na với hai tác phẩm Chè chốt và Buổi chiều gặp lại. Hai truyện ngắn là hai câu chuyện, hai đề tài. Nếu như ở Buổi chiều gặp lại là sự trở về đầy nhọc nhằn quyết liệt của một con người trót sa ngã, nhờ sự bao dung độ lượng của những cảnh sát phòng chống ma túy mà cuộc hoàn lương đã thành công; thì ở Chè chốt là câu chuyện tình yêu giữa một cô giáo cắm bản với người lính biên thùy trong thời chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Truyện có nhiều chi tiết sinh động, trung thực, thể hiện khả năng quan sát và miêu tả tinh tế của tác giả; mạch truyện phát triển nhiều tuyến, quá khứ hiện tại đan xen, không gian nghệ thuật mở rộng từ trung du, biên giới, đồng bằng… tạo độ dày dặn cho tác phẩm; văn phong dung dị, cảm xúc chân thành, cấu trúc vững.

Hoàng Kim Yến có hai tác phẩm Quê gắn số và Dòng sông. Là tác giả có khả năng đa giọng điệu, ở truyện Dòng sông, Hoàng Kim Yến kể về thân phận một phụ nữ, vợ - mẹ liệt sĩ chịu nhiều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc với những nỗi oan khiên, mất mát bằng giọng cảm thương. Truyện Quê gắn số, một lát cắt hiện thực sinh động ở một miền quê với những tình tiết gieo cấy, đánh số nhà… cùng quan điểm sống, làm việc của những người nông dân nhiều tính cách được tác giả chọn một giọng kể hoạt, lời thoại tự nhiên, dí dỏm, toát lên được không khí nhộn nhịp cùng những hình ảnh tươi rói ở một làng quê đang ngập ngừng đổi mới.

Với hai truyện lịch sử độc đáo, tác giả Dương Đình Lộc tỏ rõ là người giàu kiến văn, ý thức được trách nhiệm của người cầm bút đối với xã hội. Trong Sông Bồ Chữ tác giả đã dùng một giai thoại văn chương thi phú làm ẩn dụ cho mối quan hệ giữa tiền bạc và tri thức, như một lời nhắc nhớ cần thiết trong thời đại kinh tế thị trường khi các giá trị bị đảo lộn. Còn trong Thanh kiếm họ Vũ, tác giả đã mượn câu chuyện lịch sử để phóng chiếu về thực tại, suy tư về quốc kế dân sinh.

Mấy năm gần đây, trào lưu Văn học sinh thái được các nhà phê bình giới thiệu ở Việt Nam đã tạo nên một luồng sinh khí mới trong đời sống văn học đương đại. Và Nguyễn Văn Học, một tác giả của Hà Nội đã tỏ ra nhanh nhạy khi có truyện ngắn Hoa giấy thơm lấy chủ đề sinh thái làm cảm hứng chủ đạo. Tình huống truyện thú vị. Kết cấu truyện cân đối với hai không gian thành phố - làng quê; hai hoàn cảnh giàu - nghèo tương phản, tương tác, làm sáng lên thông điệp nhận thức về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, ý thức về giá trị sống và chất lượng sống trong xã hội hiện đại.

Với thời gian gần một năm, Cuộc thi truyện ngắn 2022 của Văn nghệ Tuyên Quang đã tạo nên một bầu không khí sinh hoạt văn chương sôi động, mở ra cơ hội giao lưu, cọ xát nghề nghiệp, nâng cao kĩ năng văn chương cho các tác giả, góp phần xóa nhòa ranh giới “nhà văn địa phương” - “nhà văn Trung ương”. Qua sự thẩm định công tâm, khách quan, vô tư của Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo, chất lượng tác phẩm giữa các nhà văn chuyên nghiệp và các tác giả không chuyên không có khoảng cách xa. Điều đáng mừng là những tác giả đoạt giải cao phần lớn là người địa phương, và tác phẩm đoạt ngôi vị cao nhất của Cuộc thi là của tác giả trẻ Tuyên Quang sinh năm 1995. Đây là tín hiệu vui bởi Cuộc thi đã giới thiệu đến độc giả một lớp tác giả mới đầy triển vọng, không chỉ cho Văn nghệ Tuyên Quang mà còn cho cả nền văn học nước nhà. Văn xuôi Tuyên Quang đã có những tác giả truyện ngắn giàu thành tựu như Trịnh Thanh Phong, Phù Ninh, Đinh Công Diệp, Vũ Xuân Tửu…, và bây giờ là Lê Na, Lê Ngọc, Dương Đình Lộc, Hoàng Kim Yến… Cuộc thi truyện ngắn Tuyên Quang 2022 khép lại nhưng dòng chảy văn xuôi nói chung và truyện ngắn Tuyên Quang nói riêng đang tiếp tục. Điều những người tổ chức tin tưởng và hi vọng là các tác giả sẽ chứng minh được nội lực của mình trên con đường văn chương rất dài phía trước. Văn nghệ Tuyên Quang luôn tri ân và đồng hành với các tác giả cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đ.T.T

Đỗ Tiến Thụy

Tin tức khác

Quốc tế

Trong nước

Trong tỉnh