Khi thơ cất cánh

Thứ năm, ngày 20-03-2025, 09:02| 473 lượt xem

Tân Trào

 

Ảnh của Quang Minh

 

 

Ngay từ khi cắp sách tới trường, mỗi đứa trẻ, ngoài học các môn tự nhiên, lịch sử thì các em đều được tiếp cận với các loại hình văn học, bao gồm: văn xuôi, thơ, ca dao… Ở đó đều mang giá trị nhân văn cốt lõi, nuôi dưỡng tâm hồn con người từ khi mới chập chững bước vào đời. Ấy vậy mà giờ đây, người ta vẫn thường phàn nàn rằng, lớp trẻ thuộc thế hệ 9x trở đi lại ít quan tâm đến văn học, nghệ thuật, nhất là thơ.

Có quá nhiều sự chi phối trong cuộc sống, khiến không chỉ người trẻ mà cả với người có tuổi cũng không mấy mặn mà khi tiếp cận với lĩnh vực nghệ thuật. Điều đó cũng phần nào dễ hiểu, bởi con người ta còn tìm đến những loại hình khác, quan tâm đến những vấn đề cụ thể, như: Cơm - áo - gạo - tiền… hơn là thứ thuộc về tâm hồn. Không quan tâm đến thơ, không có nghĩa là thơ không còn tồn tại trong đời sống, trong vẻ đẹp tâm hồn con người.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã thực sự hấp dẫn người đọc, người xem chưa? Một thời nhiều tác phẩm đồ sộ về tính tư tưởng, viết về những vấn đề thời cuộc, hoặc mang tính dự báo đã trở thành sản phẩm gối đầu giường của biết bao nhiêu gia đình. Người đọc say sưa đọc, rồi truyền tay nhau đọc. Giá trị của tác phẩm chứa đựng trong mình sức sống bền bỉ trong lòng độc giả. Nhiều câu thơ được người ta thuộc nằm lòng, cho dù năm tháng đã qua đi. Đọc một câu thơ cũng khiến con người ta hừng hực khí thế, sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng cầm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc. Một bài thơ có giá trị, khiến người ta thay đổi cách nghĩ tích cực hơn. Thơ đã làm được điều đó một cách kì diệu. Thơ đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống xã hội, sự phát triển của loài người trong các giai đoạn lịch sử.

Bây giờ cuộc sống có quá nhiều sự biến đổi. Số lượng người đam mê, tiếp cận với lĩnh vực này đang ngày càng thưa vắng dần. Thực ra, đó cũng là xu thế tất yếu của con người sống trong môi trường sống hiện đại.

Vậy con người hiện đại hôm nay có cần đến văn học, nghệ thuật, cần đến thơ không? Câu trả lời chắc chắn là có. Văn học, nghệ thuật sẽ không thể mất đi, có thể ở đâu đó trong tâm hồn con người, những câu thơ hay vẫn bất chợt ngân lên, vang lên, sưởi ấm lòng người trong muôn nẻo lo toan. Có người nói rằng “thơ không làm ra hạt gạo để ăn, nhưng thơ sẽ làm nên khát vọng cho người nông dân trên cánh đồng”. Cái khát vọng đó dường như còn lớn hơn cái vật chất cụ thể. Vậy nên ở một nơi nào đó, giữa bộn bề cuộc sống, thơ vẫn âm thầm cháy lên, dẫu có lúc âm ỉ, nhưng có lúc lại thổi bùng lên mãnh liệt.

Bởi thế, trong nhiều năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã nỗ lực để đưa thơ đến với độc giả một cách tích cực và hiệu quả nhất. Không chỉ bằng việc quảng bá, công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật, trong đó có thơ, bằng việc in ấn, mà còn tổ chức các hoạt động giới thiệu thơ đến với những đối tượng khác nhau. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2002, Ngày thơ Việt Nam chính thức được thực hiện trên phạm vi cả nước, ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đó là ngày hội của những người làm thơ và yêu thơ vào dịp rằng tháng Giêng hàng năm. Thơ lại có thêm một đường bay để cất cánh.

Đã 23 năm trôi qua, kể từ khi Ngày thơ Việt Nam được tổ chức, đã có hàng vạn người yêu thơ trong cả nước được tham dự, được lắng đọng lòng mình trong những câu thơ, những bài thơ chất chưa bao nhiêu sự rung cảm, suy tư về cuộc đời. Ngay tại Tuyên Quang, trong mấy năm gần đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có những đổi mới về cách thức tổ chức, nên Ngày thơ mang đến cho người yêu thơ, nhất là đối với đối tượng là học sinh, sinh viên của các đơn vị trường học một góc nhìn thiện cảm hơn đối với thơ. Nhiều các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên rất hào hứng, ấn tượng khi tham gia Ngày thơ trong dịp Rằm tháng Giêng hàng năm.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ hai mươi ba, với chủ đề “Tổ quốc bay lên” được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Trường THPT Tân Trào (thành phố Tuyên Quang), với sự tham gia của đông đảo các nhà thơ của tỉnh và một nghìn năm trăm cán bộ, giáo viên, học sinh, đặc biệt là có sự góp mặt của nhiều nhà thơ, văn nghệ sĩ lớn của đất nước - những người mà các em học sinh trước đó chỉ biết đến thông qua tác phẩm của họ trên sách giáo khoa, bây giờ mới có dịp gặp ở ngoài đời thực.

Một không gian chật kín các ghế ngồi. Lần đầu tiên các thầy cô giáo, các em học sinh của nhà trường được tham dự, nhưng tất cả đều lắng đọng, háo hức khi vừa được nghe thơ, vừa được giao lưu, gặp gỡ các văn nghệ sĩ của tỉnh, của Trung ương. Đồng thời các em học sinh còn được hòa mình vào không khí thơ vừa trang nghiêm, vừa rộn ràng. Điều đó cho thấy, thơ vẫn lắng vào sâu thẳm trong nhịp đập tâm hồn con người. Thơ vẫn như ngọn lửa thổi bùng sự đam mê. Thơ đã cất cánh bay lên ước mơ tuổi trẻ, không chỉ để tôn vinh những giá trị thi ca, mà còn để cùng cất lên tiếng nói ca ngợi Tổ quốc, tôn vinh vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người.

Việt Nam, một đất nước được coi là cường quốc của thi ca. Có học giả đã từng nói rằng, ngay trong các cuộc chiến tranh, đất nước có thể thiếu gạo, thiếu mọi thứ nhu yếu phẩm cần thiết, nhưng không thể thiếu thi ca. Thơ luôn là dòng suối mát trong lòng dân tộc. Từ những câu ca dao mộc mạc, đến những vần thơ hào hùng của các thế hệ thi nhân, đã góp phần khắc họa một Việt Nam kiên cường, bất khuất trong chiến tranh, vững bước, cất cánh bay cao trong hòa bình, phát triển cùng dân tộc.

Nhìn từ thực tế của thơ ca hôm nay cho chúng ta thấy rằng, thơ ca luôn đóng góp to lớn vào diễn trình phát triển của loài người. Nhân loại trên thế giới, hay người dân Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, thì cũng đều coi thơ là món ăn bổ ích, chỉ là ít hay nhiều, tùy thuộc vào tâm thế của từng cá thể. Ngay ở Việt Nam, trong kháng chiến, người ta dùng thơ để hiệu triệu con người hòa chung vào cùng ý trí chiến đấu, chống kẻ thù xâm lược. Người ta coi một tác phẩm thơ mang sức nặng của cả một binh đoàn. Trong thời bình, thơ dùng để cổ vũ các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước.

Bởi thế, trách nhiệm của người viết đối với tác phẩm của mình luôn cần được đề cao. Một tác phẩm hay khi công bố, được độc giả đón nhận phải là tác phẩm hay, có tính tư tưởng, tính thời đại và viết trúng những vấn đề mà độc giả quan tâm. Độc giả ngày hôm qua khác, độc giả ngày hôm nay sẽ còn khác hơn nhiều trong tiếp nhận tác phẩm. Họ có quyền được kén chọn món ăn mà họ ưa thích, họ thấy là ngon, là hấp dẫn. Việc quảng bá tác phẩm không chỉ bằng cách thức truyền thống, mà còn cần quảng bá trên các nền tảng số để độc giả được tiếp cận nhiều hơn với thơ.

Độc giả thời nào cũng vậy. Độc giả luôn cần và mong đợi sự chuyển động, cất cánh của thơ.

T.T

Tin tức khác

Sân khấu

Xem bói đầu năm

29-02-2024| 2.196 lượt xem

Nhiếp ảnh

Chuyện tình của biển

12-06-2025| 1 lượt xem

Neo đậu

11-06-2025| 1 lượt xem

Buổi sớm

30-05-2025| 2 lượt xem

Bình minh

23-05-2025| 2 lượt xem

Mùa vàng Hoàng Khai

22-05-2025| 133 lượt xem

Mỹ thuật

Đêm Long Sơn

19-06-2025| 3 lượt xem

Mùa đổ lá

29-05-2025| 48 lượt xem

Sáng yên tĩnh

19-05-2025| 55 lượt xem

Lời thề nguyện

16-05-2025| 3 lượt xem

Gọi hè sang

30-04-2025| 207 lượt xem