Tạ Bá Hương đau đáu từ đôi mắt đợi

Chủ nhật, ngày 02-10-2022, 09:28| 961 lượt xem

Tạ Bá Hương đến với văn nghệ Tuyên Quang từ những năm cuối thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước với những bài thơ đầu đời hồn nhiên nhưng phủ dày sương gió, nắng nôi lam lũ của quê nhà. Ấy là Ngoại và mẹ tôi, Đứng trước mùa vải chín, Dòng sông thời gian... Năm 2001 Tạ Bá Hương dự lớp bồi dưỡng sáng tác về miền núi dân tộc do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang tổ chức, liền đó anh được dự trại sáng tác văn học năm 2001 do Hội Nhà văn Việt Nam giúp đỡ tổ chức tại Tuyên Quang. Khi đánh giá kết quả trại sáng tác này, nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói với tôi: "Tạ Bá Hương nó như là cái hạt rơi vãi ven bờ đê ấy, nhưng nó sẽ nảy mầm, cái mầm ấy có sức vươn xa đấy, Hội cần chú ý giúp đỡ để nó trưởng thành...". Quả nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh rất chuẩn. Ngay sau trại sáng tác ấy Tạ Bá Hương trở về lặn lội đến bản dạy học theo cơ chế hợp đồng bởi, khi ấy anh mới tốt nghiệp Khoa Tiểu học của Trường Trung cấp Sư phạm Tuyên Quang (nay là Trường Đại học Tân Trào). Vui buồn với tuổi thơ ở những nơi bản vắng, nhưng anh vẫn cặm cụi làm thơ và gửi thơ thường xuyên cho Báo Tân Trào. Năm 2002 anh xuất bản tập thơ “Dòng sông thời gian”. Tập thơ được bạn bè văn nghệ quê nhà và những người yêu thơ đón nhận với nhiều ý kiến khen, chê rôm rả. Đánh giá về tập thơ này, cố nhà thơ Mai Liễu đã để thời gian viết một bài với tít đề: “Tạ Bá Hương tự thân tách vỏ nảy mầm”, qua tập thơ “Dòng sông thời gian”. Bài viết của ông không dài cũng không ngắn, nó đủ cỡ để nói lên cái mạnh, cái hạn chế của một cây bút trên con đường tự lầm lũi đến với thơ. Ông khen: "Cái quý của thơ Tạ Bá Hương là ở tấm lòng, một tấm lòng chân thật luôn sẻ chia và đồng cảm với những con người lam lũ ở quê mà những con người ấy không phải ai xa lạ, họ là ông bà, bố mẹ, anh chị em với những người thân cùng làng xã quanh năm nhọc nhằn thiếu túng nhưng luôn một dạ “Lá lành đùm lá rách” cùng sẻ chia vượt qua gian khổ để tìm đến sự no đầy, ấm áp...

Nhà thơ Tạ Bá Hương

Trong bữa ăn lặng thầm nội khóc

Dành cơm cho con, ngô sắn nhận riêng mình

(Ngoại và mẹ tôi)

Cái nét quê mộc mạc nghĩa tình ấy cứ tràn chảy suốt mạch thơ của Hương để rồi anh tự suy ngẫm, tự nhận lại mình và nhẫn nại vượt lên.

Bết bùn dính lấm bàn tay

Đất quê mộc mạc hồn đầy trăng treo

Ngả đời đếm bước gieo neo

Tôi như hạt thóc mẹ gieo ngoài đồng

Cứ hồn nhiên, cứ âm thầm

Tự thân tách vỏ đội mầm lớn lên.

 (Ngoảnh lại)

Thơ Hương là chính con người Hương vậy, vì thế mới có cái tít đề như trên... Lời khen của nhà thơ Mai Liễu vô tình có ý trùng lặp với nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh "Tạ Bá Hương nó như cái hạt rơi vãi ở ven đê nhưng nó sẽ nảy mầm..." Những lời cổ vũ ấy có sức như lửa ấm hun đắp thêm tình yêu thơ của Tạ Bá Hương và tôi có cảm nhận Hương đang ấp ủ những giấc mơ dài quyết một đời chung thủy với thơ. Vậy mới có đận anh mạnh dạn đề xuất với tôi xin về Hội để có thời gian dành cho thơ nhiều hơn. Thực tình lúc ấy tôi rất khó xử bởi biên chế của Hội thì chật cứng rồi, quý tấm lòng thơ của Hương nhưng đành chịu, tôi gợi ý động viên Hương đi học tiếp Trường Viết văn Nguyễn Du rồi sau này tính tiếp. Dường như Hương không tính toán mà cặm cụi ôn bài, kỳ thi ấy anh đã đậu, đậu thì vui đấy nhưng lấy gì để ăn học suốt mấy năm ròng, gia đình lại rất khó khăn. Hương đắn đo nhưng rồi quyết tâm đi học. Ngần ấy năm đèn sách, Hương trở về với tấm bằng đỏ. Tiêu chuẩn vào làm việc ở Hội là có thừa nhưng biên chế vẫn chật cứng thế. Tôi tính định để Hương làm tạm hợp đồng nhưng cách này e không ổn, bởi cuộc sống cơm áo thì cần nhiều thứ mà đồng lương hợp đồng đủ sao được vả số bài vở để có đất in trên Báo Tân Trào cũng hẹp! Đang đắn đo chưa biết nói với Hương như thế nào thì may quá, một đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bảo tôi: “Trường hợp Tạ Bá Hương cũng là nhân tố quý đấy, tiếc Hội chỉ có ngần ấy biên chế, để mình đề nghị cho cậu ấy về làm hợp đồng ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, sau này vẫn yêu văn thơ thì cậu ấy sẽ tự tìm đến Hội...”.

Vậy là thời gian sau Tạ Bá Hương được tuyển vào Đài Truyền hình tỉnh làm phóng viên hợp đồng, áp lực công việc ở đây rất nặng, nhưng Hương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và đã tự thi đỗ viên chức rồi được biên chế chính thức ở Đài. Công việc ổn định, nhưng vợ con lại mỗi người một ngả, thời gian này vợ Hương vẫn công tác ở Bảo tàng Tân Trào, vậy nên đời sống gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, Hương phải căng sức để cày, vừa hoàn thành chỉ tiêu cơ quan giao khoán, vừa cần mẫn với trang trại cam ở quê nhà và vẫn làm thơ đều đặn. Năm 2011 Tạ Bá Hương lại xuất bản tập thơ “Đêm thức giấc”. Tâp thơ dày dặn, vẫn rì rầm mạch nguồn từ “Dòng sông thời gian” chảy dài qua những miền quê nhưng ở đây người đọc cũng như người viết cùng bất ngờ tự ngẫm thấy những ngọt ngào của cuộc sống mới đang từng ngày nhú nảy ngay trên chính những làng quê mà bấy nay vẫn nhớp nháp phù sa, bời bời gian lao ấy. Tiếc không có thời gian để nói hơn về tập thơ này nhưng khi gấp lại trang cuối thì thấy tận sâu kín lòng mình như có gì vừa thổn thức vừa hy vọng. Thật mừng cho Hương, nhưng đùng một cái Hương lại bị lâm bệnh hiểm nghèo, bị suy thận đến độ bốn, tuần phải mấy bận đi chạy thận.

Cái khó, cái nghèo lại đeo bám, khổ hơn là căn bệnh mỗi ngày càng phát nặng, Tạ Bá Hương phải đi thay thận! Quả này không chỉ khó khăn về tiền bạc mà còn trĩu nặng nỗi lo cho số phận, không tỏ ông giời có thương cho. Bệnh thì phải chữa thôi, Hương liều và quyết tâm đi thay thận. Gia đình, bầu bạn cùng thấp thỏm, lo âu, hy vọng chờ đợi ca phẫu thuật. Cũng nhờ giời, ca phẫu thuật thành công, Hương ổn định dần. Vài tuần dưỡng trị rồi ra viện. Qua tai họa Tạ Bá Hương lại trở về với công việc ở nhà Đài, vừa tu bổ sức khỏe vừa cày, cày vì nhiệm vụ phải đảm nhiệm, cày để lấy tiền trả nợ... Vất vả nhọc nhằn chồng lên nhọc nhằn vất vả vậy mà Tạ Bá Hương vẫn vương vấn với thơ, nhờ công việc làm báo được đi nhiều, gắn bó nhiều với những vùng đất lạ, Hương viết được nhiều hơn, hay hơn, thơ của Hương thường xuyên đăng trên Báo Tân Trào và đôi khi được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ký in trên báo Văn nghệ và một số tờ báo khác ở Trung ương. Những thành quả này dù chỉ là nho nhỏ nhưng nó lại có sức cổ vũ lớn cho tinh thần, sức khỏe của Tạ Bá Hương ngày càng vượng phục, nuôi lớn tình yêu nghề, yêu thơ của Tạ Bá Hương nhiều hơn. Hương cần mẫn làm việc, lặng lẽ làm thơ dù chả ai bắt làm, cái nghiệp thơ nó thế, Tạ Bá Hương cứ làm thơ như việc mình phải làm vậy. Được thì cũng chả biết được cái gì mà mất thì cũng không biết mất cái chi... Có điều vui vui là khi gặp gỡ mấy tay "dở người" với nhau chỗ hội hè, quán sá thì cứ lôi thơ ra đọc ầm ỹ. Nhờ thế mà nhiều người biết đến, của giời phú cho là ở chỗ này. Vậy nên Tạ Bá Hương mới gặp cái duyên với Hội Văn nghệ tỉnh nhà, cái tổ ấm mà bấy nay anh ao ước.

Chuyện là cuối năm 2019 Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng một lúc nghỉ hưu cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Cơ quan Hội khi ấy tưởng như rơi vào cảnh "rắn mất đầu", nhưng với con mắt của anh em hội viên vốn vẫn đoàn kết lại được sự quan tâm của tỉnh, Tạ Bá Hương được điều động từ nhà Đài về Hội, rồi được giới thiệu bổ sung vào Ban Chấp hành và bầu làm Phó Chủ tịch Hội, kiêm phụ trách xuất bản Báo Tân Trào. Cơ quan thường trực Hội tạm ổn định, đứng đầu là Chủ tịch Hội Đinh Công Thủy. Có lẽ Hương vừa mừng vừa lo, mừng là được về đúng chỗ để có điều kiện sáng tạo văn chương nhiều hơn, lo là sự lớn đột ngột sợ không đảm nhiệm nổi chức sắc được giao phó, nhưng anh em vẫn một lòng vào việc. Khổ, cái số lận đận thì cái lận đận nó cứ về, khi bắt tay vào công việc thì tờ Báo Tân Trào theo Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh phải chuyển sang làm Tạp chí mà việc bắt buộc theo quy định Tổng Biên tập phải có bằng Cao cấp lý luận chính trị thì Tạp chí mới được cấp phép chuyển đổi để xuất bản. Hai tiêu chuẩn này cả trưởng và phó đều trống, vậy là tờ báo đành ngừng hoạt động. Trong hoàn cảnh ấy Tạ Bá Hương lại bút mực lên đường về Hà Nội, lại khó khăn, cái nợ nần một thời thay thận còn đeo bám, giờ lại một năm đi học xoay sở sao đây. Tạ Bá Hương phải gác mọi việc riêng tư để tập trung vào học tập, sau ngót năm giời anh đã tốt nghiệp và trở về, Tạp chí Tân Trào được cấp phép, số đầu Tạp chí được xuất bản, không khí trong Hội rộn ràng cho dù buổi ban đầu Tạp chí cũng còn nhiều khiếm khuyết, song dần từng bước cũng được khắc phục. Tạp chí ngày càng chững chạc, hoàn thiện cả nội dung và hình thức, đúng tôn chỉ mục đích, tạo niềm tin với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như đông đảo hội viên, cộng tác viên và đông đảo bạn đọc bấy nay vẫn yêu thích Báo Tân Trào.

Trách nhiệm với công việc, chịu khó lắng nghe, học hỏi để từng bước nâng cao chất lượng tờ Tạp chí, Tạ Bá Hương vẫn không quên việc sáng tạo nghệ thuật (làm thơ). Giữa mớ công việc bộn bề còn đầy bỡ ngỡ ấy Tạ Bá Hương vẫn cho ra mắt tập thơ thứ ba: “Đôi mắt đợi”. Tập thơ gồm 42 bài thơ, không dày, không mỏng, in chân phương, giản dị. Và cũng như bao bạn viết, tôi cũng được Tạ Bá Hương tặng tập thơ này.

Chẳng nhàn rỗi lắm nhưng có sách là đọc, nhất là thơ vì thơ luôn làm cho tâm hồn con người ta rạo rực, trẻ trung, hy vọng, yêu mình, yêu mọi người hơn... Mở đọc từng trang hết tập gấp lại rồi lại mở ra đọc lại mong tìm được những điều vừa nói trên. Quả “Đôi mắt đợi” ít nhiều có đem lại cho tôi mong muốn đó. Lẫn vào nhịp điệu thơ của Tạ Bá Hương, tôi cảm thấy giọng điệu trong “Đôi mắt đợi” vẫn là nguồn mạch từ “Dòng sông thời gian”, từ “Đêm trở giấc” nhưng đến đây nó như dòng sông chia ra nhiều nhánh chảy. Nhánh tìm về chỗ trong trẻo của suối ngàn để tìm lại những xôn xao đầu nguồn trong điệu páo dung, những lúng liếng của lời Then, câu Cọi tận những nơi bản làng xa vắng; nhánh lầm lũi bên sườn đồi, xá đất quê mùa nơi anh sinh đẻ; nhánh ngỡ ngàng khắp các địa danh mới lạ trên các nẻo đường quê hương đất nước để rồi cùng tụ về một khát vọng - khát vọng yêu thương, hạnh phúc. Nói điều này không tự ý chủ quan bởi thơ Tạ Bá Hương trong “Đôi mắt đợi” tự có điều đó. Bởi theo nhánh chảy về chỗ suối ngàn là thấy những xôn xao ấy trong điệu Páo dung, trong lời Then óng mướt.

Cả một vùng cung xanh

Lọt vào nhà em ở

Núi rừng ngân nhịp thở

Suối đa mang hối hả tìm về

Thơ không tả nhưng tự hiện những đêm hát Páo dung rộn ràng trong những căn nhà nơi bản vắng mà câu hát được mang về từ góc rừng, ngọn núi, suối khe từ lâu lắm rồi mới được thức dậy.

Bây giờ trên đỉnh mây che

Câu hát sao day dứt thế

Tưởng như đêm có thể

Ta đang chạm cửa nhà trời

...

Páo dung em giấu lửa vào lòng

Ngọn lửa cháy sang anh nồng ấm.

Câu Páo dung như lửa bám vào rồi cứ thế lan xa để rồi người phải thốt lên:

Ôi câu hát Páo dung

Câu hát màu xanh bén rễ vào bậc cửa

Đêm nay rừng mất ngủ

Đêm nay núi không tìm thấy lối về

(Câu hát màu xanh)

Óng mượt, thướt tha hơn nữa là lời Then được bắt lên từ nhịp “ới la” nó làm lúng liếng cả đêm hội trong đôi mắt người con gái bản Tày, để rồi cho ta cảm được trong câu Then ấy như có lửa mặt trời, như có cái buốt lạnh chảy ra từ ruột đá, lại phảng phất mùi hoa, mùi lá từ bí ẩn của núi của rừng. Nó làm cho ta quay tít vòng trời, vòng đất mà vẫn không bắt được em ở nơi nào.

Em ở nơi nào bên kia nếp gió

Em ở nơi nào bên kia đường mây

Em ở nơi nào bên kia dốc nắng

Cho tôi theo về bên ấy bản Tày

Vâng, chỉ có ngửa tay xin em cùng về phía bản Tày, về được bản Tày thì anh mới tỏ được cái cháy nồng, óng mượt của câu Then.

Cầm trong tay câu Then óng mượt

Tôi cầm vào cái nhớ cái thương

Để biết được hạt ngô hạt lúa

Khát nảy mầm trong hốc núi thung sương

Cội nguồn của những câu Then sinh ra từ đó, nó rất gần và cũng rất xa, nhưng khi hiểu được thì mọi sự cùng vỡ òa.

Đêm vỡ ra từ bập bùng ánh lửa

Đem thả tình vào câu hát bùa mê

Tôi - chàng trai suốt nửa đời bụi phố

Đêm nay lạc cả lối về

(Nghe em hát Then)

Chàng trai suốt đời bụi phố mà đêm nay lạc lối chả muốn về, chứng tỏ đời sống ở nơi bản vắng, rừng xa đã thay đổi, đã hồi sinh, sự hồi sinh ấy mới thổi bùng đêm hội có câu Páo dung, có lời Then óng ả để ta mê đắm. Đọc thơ là người muốn tìm về, điều đó chứng tỏ thơ có sức cắm rễ sâu vào đời sống để sinh cành, sinh tán tỏa rộng bốn bề cho ta bóng mát và thấu đáo hơn về đời sống của những con người ở vùng sâu, vùng xa cùng những nét đẹp văn hóa bền vững đang hồi sinh sống lại.

Bơi theo dòng chảy này trong “Đôi mắt đợi” thấy cảm xúc trong thơ Tạ Bá Hương vừa lắng đọng, vừa tràn trề lênh láng khắp các bản làng ẩn bí dưới lòng rừng, bóng núi. Nhưng khi lội ngang sang nhánh chảy về chỗ ruộng đồng nơi anh sinh đẻ ta lại ngậm ngùi trước cánh đồng phơi nắng, đằm mưa năm tháng và dáng hình những người nông dân thân thuộc, là cha, là mẹ, là chị, là em vẫn một nắng hai sương cặm cụi cả đời chăm lo cho mùa màng sinh nở cứ sừng sững hiện lên.

Mẹ còm cõi nhặt lại những gì còn sót lại

                                      của mùa màng

Trên cánh đồng phù sa ngầu đỏ

Nỗi đau quặn thắt

Mẹ dõi mắt nhìn trời giấu đi nỗi lo...

(Sau lũ)

Gian nan, khó nhọc nhưng người quê vẫn bền bỉ, một dạ, một lòng với đồng ruộng, giấu kín lo âu để tính kế cho mùa màng sinh nở, lạc quan tin tưởng vào sức lực của mình để vượt lên tìm đến mùa màng.

Em gánh thời gian qua tuổi trẻ

Sông Lô vẫn một dòng

Neo vào Hàm Yên quê mẹ

...

Trong muôn nỗi cuộc đời

Có gừng cay muối mặn

Có nhịp điệu mùa màng theo lời sông trôi đi

Cánh đồng dâng lên từng hàng ký tự

Hạt lúa củ khoai gầy guộc nuôi người

Tôi lặn ngụp trong lòng quê thơm thảo

Trong lời ru mẹ hát thuở nằm nôi

Ru hạt mầm ngủ vùi ngày đông giá

Ru lưng trần dầm mình trên nắng hạ

Mơ về miền xa xanh.

Trong muôn nỗi cuộc đời gừng cay muối mặn ấy người quê càng thấu tỏ hơn cái tình cái nghĩa trong hạt lúa củ khoai, vậy nên họ càng chắt chiu, cần mẫn để sinh đẻ ra thêm mùa vụ làm phong phú mùa màng hoa trái trên quê hương, tạo những nét đẹp lãng mạn, sinh động của quê nhà giữa những ngày trở dạ, đổi thay. Nhờ thế mới có:

Rừng cam treo từng chùm nắng trên cành

Em gánh mây Cham Chu

Mai kịp về chợ Thụt

Phía Bợ còn không mùa kéo mật

Hương ngọt ngào đánh thức nụ chè non

Gót chân người thơm sang chợ Tổng

(Quê mẹ)

Lặng lẽ, âm thầm nhưng trên đồng quê sự sống cứ sinh nở kết trái ra hoa tạo nên sắc màu, hương vị mùa màng. "Rừng cam treo từng sợi nắng trên cành, rồi phía Bợ còn thơm mùa kéo mật, Hương ngọt ngào đánh thức nụ chè non. Thành quả lao động mỗi ngày bóc vỏ nảy mầm, làm cho công việc ở đồng quê bộn bề, mới mẻ. sinh đẻ thêm mùa thu nhập vậy người quê mới vui vẻ gánh mây Cham Chu về chợ... Thơ tự nói những đổi thay, những no đủ mỗi ngày và nó còn cùng với người được giao lưu khắp thiên hạ (Mai kịp về chợ Thụt rồi sang chợ Tổng) là thế. Ở nhánh chảy này thơ Tạ Bá Hương chân chất, chân chất đến thô mộc, ngươi cảnh làng quê hiện hữu như những gì tự sinh ra ở đó. Nhưng khi được giao lưu đây đó theo nghề làm báo, đi và gặp những miền đất lạ thì những cảm xúc bàng hoàng, sâu lắng đầy thảng thốt cũng rạo lên khi một lần về thăm Đất Tổ, một chuyến đến Cát Bà, một chiều qua Đèo Bụt, một thoáng đến làng chài. Cảm xúc ở nhánh thơ này không xôn xao như khi gặp câu Páo dung, lời Then óng mượt như lửa, như rượu cháy mà là những ngẫm ngợi về quê hương đất nước ở những nơi đầu sóng, ngọn gió để thấu hiểu, để yêu từng tấc đất, từng đường biên trên sông biển nước nhà, ấy là khi được gối đầu lên ngực sóng, nghe tiếng trầm hùng của biển mà tự thấm đẫm vị mặn của muối biển để nhận rõ từng tấc đất tấc biển của quê hương đất nước cho lòng tự cất lên tiếng hát, lời yêu đầy khát khao hy vọng.

Anh cầm lời sóng trên tay

và em mắt biển đã đầy nắng mai...

(Khúc ru biển)

Rồi một chốc ngỡ ngàng khi ngược lên Đèo Bụt, lắng hơi thở của rừng mà nhận ra cõi tiên, cõi phật, và lúc lụt giữa rừng lê, thưởng ngoạn mùa hoa đẹp trắng trong sương tuyết mà nhận ra nguồn cội loài hoa ở xứ mây trời.

Lách rễ vào cội nguồn đất mẹ

Lời ru hoa - Ru những cuộc đời

Ru triền đá sắc

Ru áo bạc đất nâu

Đi đến tận cùng giá buốt

Miền hoa em về tinh khôi

(Hoa lê)

Mùa hoa tinh khôi bạt ngàn trắng nõn giữa rừng, mơ màng trong sương theo vụ theo mùa sinh nở, đến nơi mặn mòi muối biển và khi gặp một làng chài thấy các cháu bi bô học bài, tập vẽ, bên mép sông các cháu nắn nót từng nét để vẽ ông mặt trời, vẽ về dòng sông đỏ ngàu phù sa, vẽ về cánh đồng đầu ngọn gió... Làng chài lênh đênh nhưng ngập đầy khát vọng, mơ ước... Gian khổ, yêu thương, hy vọng, đợi chờ... Tất cả cùng rào lên, bay bổng vượt qua núi cao, băng qua rừng thẳm cùng tụ về Đôi mắt đợi với một khát vọng, niềm tin của tình yêu mãnh liệt.

Con dốc thì cao

Con dốc dẫn vào trái tim em đẹp

Anh vẫn đi mải miết mà không thấy mệt

Bởi có tình yêu thắp lửa dẫn đường.

 (Đôi mắt đợi)

Đúng vậy, chỉ có tình yêu thì mới thắp lửa cho lòng người sáng, tự biết đường, biết hướng tự tạo ra niềm tin, hạnh phúc cho mình. Cả ba nhánh thơ cùng trên dòng chảy trong tập Đôi mắt đợi của Tạ Bá Hương đã hội tụ niềm tin này. Đây là điểm mạnh, tất nhiên trong “Đôi mắt đợi” cũng còn nhiều hạn chế về cấu tứ, về thi pháp như những bài lục bát đôi khi còn gượng ép, bố cục có bài hơi đứt mạch gây hẫng hụt trong người đọc, mạch thơ lầm lũi còn giăng mắc giữa cũ và mới nên ít có bài thật đột phá. Tuy nhiên nhìn tổng thể thấy Đôi mắt đợi có đầy đặn hơn, có sức cắm rễ vào đời sống trên quê nhà, tạo những cảm nhận êm đềm, sâu lắng trong người đọc. Nó nối được sự liền mạch với Dòng sông thời gian, với Đêm thức giấc từ những tập thơ trước của Tạ Bá Hương. Viết đến những dòng này, tôi hoàn toàn đồng thuận với những lời tự bạch của Tạ Bá Hương trong lời tựa của tập Đôi mắt đợi. "Tôi cho rằng, báo chí chỉ nói được cái vỏ bề ngoài, còn thơ mới là cái lõi bên trong được chuyển tải qua ngôn ngữ, cái có trong thơ bao giờ cũng đầy đủ, sâu sắc và có sức sống lâu dài"… Đôi dòng tri ân khi đọc “Đôi mắt đợi” bằng tất cả sự chân tình của một người đọc, tuyệt không bàn đến thơ, mong tác giả và mọi người chỉ coi như một tham khảo.

Trịnh Thanh Phong

Tin tức khác