Phố trong làng

Thứ năm, ngày 06-10-2022, 15:25| 1.323 lượt xem

Truyện ngắn dự thi của Đinh Minh Sơn

Minh họa của Lê Cù Thuần

Cái làng Bung ấy nằm tít trong rừng sâu, sâu đến nỗi muốn ra chợ huyện bán con gà, con lợn hoặc mua cái kim sợi chỉ, tương cà mắm muối, cũng phải đi bộ vượt đèo dốc gần 2 tiếng chứ chẳng chơi. Ấy thế mà khi nhà nước mở một con đường nhựa chạy vào sát chân núi, để các nơi vào mua gỗ rừng trồng cho bà con, thì tự nhiên làng Bung trở thành phố. Cứ gọi là phố vậy thôi, nhưng cũng chỉ có chừng dăm chục nóc nhà, đã mở đường thì đi kèm với điện. Từ khi mở đường cả làng Bung điện sáng choang, có điện rồi thì các hàng quán, hàng tạp hóa, máy xay xát cũng mọc lên. Những rừng keo đến tuổi khai thác dần dần được đốn hạ, thay thế bằng loạt keo mới mơn mởn. Đời sống bà con trong làng no đủ hẳn lên, nhà nào cũng sắm sửa ti vi, xe máy, có nhà tới hai xe máy mới hẳn hoi. Bọn thanh niên sau một ngày lặn lội trên rừng, buổi tối chúng lại phóng xe máy lên phố huyện chơi.

Nhà lão Canh nằm ở giữa làng, vợ chồng lão có ba đứa con, hai đứa con gái lớn đã lấy chồng ở làng bên, còn thằng Tực con trai út của lão cũng đã ngoài hai mươi, lão cũng đã nhắm cái Kính em lão Nghị trong làng để làm vợ cho nó. Cái Kính là đứa con gái thùy mị nết na, nó hay cười, hay hát, là em họ lão Nghị từ xuôi lên sống với nhà lão Nghị từ bé. Bọn thanh niên trong làng, đứa nào đứa ấy cứ gọi là mê tít. Đã có lễ ăn hỏi rồi định ngày cưới, nhưng cả hai đứa đều xin hoãn lại, lão Canh bực lắm, nhưng thằng Tực thì nói như một nhà triết lý:

- Thời buổi bây giờ khác rồi bố ạ. Không phải cứ lớn lên là lấy vợ đẻ con, quanh quẩn với rừng núi ruộng vườn, thì bao giờ mới đổi đời được. Hơn nữa bây giờ làng ta đã có đường, có điện, có cửa hàng tạp hóa, xe ô tô ra vào nhiều, mọi người đang chuẩn bị xây nhà mới, thay những căn nhà ọp ẹp, bố thấy không, họ phải lên huyện mua sắt thép, đặt cửa đi, cửa sổ mất công đi xa, nếu làng mình có một xưởng cơ khí thì không bao giờ hết việc. Do vậy con và Kính sẽ đăng ký đi học một lớp cơ khí ở tỉnh, bố mẹ ở nhà chuẩn bị cho con ít vốn, học xong chúng con sẽ cưới và mở xưởng, mà vốn con vay bố mẹ chứ con  không xin đâu đấy.

Nghe con nói xong, ông chỉ lặng im, nghĩ cũng đúng. Thôi, trời chẳng chịu đất thì đất chịu trời vậy. Thế rồi hai đứa làm hồ sơ xin đi học thật.

Chúng nó đi một lèo, tới Tết mới về thăm nhà, hai đứa đều mặc bộ đồ công nhân xanh, đứa nào đứa ấy chững chạc hẳn lên. Ngay tối hôm về, bọn thanh niên tụ họp tại nhà lão Canh rất đông, cái Kính cũng sang từ sớm phụ giúp làm bữa cơm tất niên. Trong bữa cơm không khí vui vẻ đầm ấm, bọn trẻ háo hức nghe thằng Tực và cái Kính kể chuyện học ở dưới tỉnh, nào là đi thực tập tại một nhà máy cơ khí hiện đại lắm, có đủ các loại máy móc thiết bị như máy dập, máy búa, máy tiện… Không còn làm thủ công như mấy ông lò rèn ở phố huyện. Cục sắt to như cái phích, chỉ cần đưa vào máy một lúc là nhỏ lại ngay, con dao thép gió nhỏ tí mà bóc được cả một cây thép to đùng. Đến cái đoạn nghe thằng Tực nói về ước mơ của nó, sau này ra trường sẽ mở xưởng cơ khí tại làng thì bọn chúng nhao nhao hẳn lên:

- Sau này mở xưởng cho chúng tao làm với nhé.

Thằng Tực trịnh trọng:

- Tất nhiên rồi, nhưng phải tính chuyện về lâu dài, mà tốt nhất chúng mày cũng nên làm hồ sơ xin đi học một lớp cơ khí đi, khi học rồi mới hiểu được, có tay nghề thì mới làm được.

- Thằng San e dè: Liệu như chúng tao có học được không? Học có khó không?.

Cái Kính chen vào:

- Em là con gái mà còn học được nữa là các anh, chỉ cần chịu khó rèn luyện thêm. Ở trường nhiều đứa chưa biết lao động là gì, thế mà vẫn học được huống hồ mình là người vùng núi, lao động chân tay từ bé.

Sau lần đó thằng San, thằng Đức, cái Mai, cái Oanh và mấy đứa nữa đều làm hồ sơ xin đi học, cả làng dường như vắng hẳn tiếng xe máy vào các buổi chiều, buổi tối.

Cứ mỗi lần được nghỉ hè, nghỉ Tết chúng lại ngồi với nhau, cùng nhau dự tính ước mơ. Còn bố mẹ chúng thì mừng lắm, họ thấy con mình chững chạc hẳn lên, không nghịch ngợm, quậy phá nữa và nhà nào cũng chuẩn bị chút vốn liếng cho chúng sau này khi học xong.

Cái Kính và thằng Tực ra trường trước nửa năm. Chúng chọn một miếng đất bằng phẳng, rộng chừng hai trăm mét vuông để mở xưởng, vì ở vùng núi đất đai thì rộng thoải mái, ông Canh nhờ mọi người trong làng dựng tạm cho chúng một cái nhà xưởng. Thằng Tực nhờ quen các thầy cô giáo ở nhà trường và nơi nó thực tập, mua sắm một số trang thiết bị ban đầu như các loại cờ lê, mỏ lết, máy hàn điện, máy cưa, máy cắt… và mua một số loại sắt thép, nhôm kính thông dụng thường dùng.

Công việc ngày càng phát triển, lão Canh cùng ông Phong, ông Sơn già mỗi khi đi rừng về lại vào xưởng phụ giúp chúng nó.

Rồi lần lượt những đứa đi học cũng ra trường. Chúng họp nhau lại, bầu thằng Tực là xưởng trưởng, cùng nhau góp vốn đầu tư chung. Càng ngày công việc càng nhiều. Các làng bên cũng sang đặt hàng, việc làm đều, thu nhập càng ổn định.

Tiếng lành đồn xa, rồi một hôm đích thân ông Chủ tịch huyện đánh xe xuống tận nơi thăm hỏi. Ông mừng lắm, động viên chúng và sẽ trao đổi với huyện tạo mọi điều kiện cho chúng.

Đúng như lời ông nói, một thời gian sau một số doanh nghiệp cơ khí đến tham quan, có doanh nghiệp cơ khí của tỉnh đến đầu tư thêm trang bị máy móc, hỗ trợ cho xưởng chậm trả vốn đầu tư, để xưởng có điều kiện thuận lợi. Đặc biệt xưởng còn được đầu tư một nhà xưởng sản xuất tôn lợp hẳn hoi, đặt máy chia từng khu, chỗ dành cho gò hàn, chỗ sửa chữa ô tô, lại cho chuyên gia về hướng dẫn làm các loại máy sao chè, vò chè, máy tuốt lúa, nghiền ngô… Tất nhiên là cho nợ thời gian dài, mỗi năm trả một phần.

Việc nhiều dần dần, số lượng công nhân cũng tăng dần theo công việc. Có cả người làng bên cũng sang xin vừa học vừa làm. Cả một góc rừng rộn ràng tiếng máy, tiếng búa, những ánh lửa hàn lóe lên như những đóa hoa rừng.

Hơn hai năm sau, mọi việc đã ổn định, Tực và Kính mới tổ chức đám cưới, lão Canh hãnh diện lắm, làm cỗ mời cả làng, lại có cả bạn bè của hai đứa ở huyện và tỉnh về dự nữa, có lẽ là to nhất làng từ trước đến nay.

Nhưng cũng như người ta đã nhận định. Thời mở cửa, thì cái tốt và cái xấu cũng có thể xen vào. Chuyện là thằng Thành con lão Ích trong làng đã bỏ nhà đi nhiều năm, nay đột nhiên nó dẫn xác về, chẳng biết nó làm ăn ở những đâu, mà có vẻ rất giàu, khi về nó phóng một chiếc mô tô phân khối lớn, ga ầm ĩ cả làng, kèm theo một ả mắt xanh tóc đỏ rất điệu đà. Thằng Thành mặc bộ rằn ri, mắt đeo kính râm to lù lù,  miệng ngậm phì phèo điếu thuốc đen xì, nghe nói là xì gà thì phải, mấy ngày liền nó cứ lượn đi lượn lại, ngó ngó nghiêng nghiêng, ngáo ngơ. Mấy bà trong làng nhìn thấy chửi thầm trong bụng, đau con mắt bên trái, ngứa con mắt bên phải.

Rồi một hôm, nó thuê một toán thợ trên huyện về xây xây, dựng dựng ngay tại mảnh vườn nhà nó, đằng trước là đường nhựa, đằng sau sát với con ngòi chảy từ trên núi xuống, mọi người cứ đoán già đoán non, không biết nó xây để kinh doanh cái gì. Mãi tới hôm nó treo biển khai trương, mọi người mới vỡ lẽ tấm biển được kẻ vẽ rất đẹp mang từ phố huyện xuống “Quán bia Thành Đạt - Chúng ta cùng hát lên”.

Cả một đống người không biết từ đâu kéo đến ùn ùn. Những thằng con trai đầu bóng lộn chải ngược, lại xỏ một bên khuyên tai. Những đứa con gái mặt bự phấn, quần bò rách ngang gối, áo phông, thỉnh thoảng lại xổ ra mấy câu hê-lô; thanh-kiu, rồi bá vai, bá cổ mấy thằng con trai cười khanh khách.

Từ đó ngoài tiếng máy, tiếng búa xưởng cơ khí ra, lại thêm tiếng nhạc xập xình. Tiếng hát, nhưng nói đúng hơn là tiếng hét từ trong quán vọng ra, mấy cậu choai choai mới lớn trong làng, và cả làng bên lúc đầu còn tò mò, sau mon men đến, đâm ra thành nghiện. Ban ngày chúng vào rừng lấy măng, lấy củi thu từ những ngọn cây keo đã khai thác đem bán. Rồi bao nhiêu tiền cũng đổ vào đấy. Có những hôm tới năm, sáu cái xe con ở tận đâu đâu cũng về đấy, cứ làm như ở phố huyện và tỉnh không có bia vậy.

Thằng Thành giàu lên nhanh chóng. Nó mua xe con, nghe đâu ngót nghét cũng bạc tỷ, lại đưa cả mấy ả mắt xanh, mỏ đỏ, lúc nào cũng ngúng nguẩy liếc mắt đưa tình. Lão Ích nói với cả làng các cô ấy là ca sĩ đấy, về đây hợp tác làm ăn, mai mốt thằng Thành còn mở cả một khu du lịch sinh thái, lúc ấy dân làng ta tha hồ mà gặt hái. Chẳng phải đi rừng làm gì cho vất vả.

Lão Canh nghe cứ bán tín, bán nghi, lão cũng phải công nhận thằng Thành làm ăn giỏi thật. Rồi từ đó lão cũng quyết tâm xem bí quyết làm giàu của thằng Thành. Nhân một hôm trời oi nồng, như chuẩn bị đón những trận mưa to, lão không đi rừng, lão thủ vào trong túi áo ít tiền, lão đi qua quán bia định vào, nhưng thấy ngài ngại, đang lúc nửa muốn vào, nửa muốn đi thì thằng Thành phóng xe ở đâu về nhìn thấy lão, nó vội tắt máy, xuống xe đon đả chào khéo:

- Bác Canh ạ, ối trời hôm nay rồng đến nhà tôm, cháu hân hạnh mời bác vào thưởng thức cốc bia lạnh cho mát. Bác yên tâm đi, hôm nay cháu mời, cháu mời. Cứ như thế, mồm năm miệng mười, nó kéo tụt lão vào quán. Lão hơi ngượng, lơ ngơ chưa biết ngồi đâu, thì thằng Thành đã tiếp:

- Đây, bác phải vào phòng VIP này, hôm nay cháu mời bác thỏa thích, không say là không về đâu đấy. Rồi nó đưa lão vào phòng rộng chưa tới hai mươi mét vuông, rồi nó ra ngoài bê một két bia, hai cái cốc kèm đá lạnh vào, lão cứ ngồi thừ ra đấy, mới có dịp quan sát chiếc ti vi to đùng, được treo ở phía trước, mấy cái mích, chiếc bàn kính và chiếc ghế dài đệm mút, lại có những chiếc đèn xanh xanh, đỏ đỏ cứ quay tít, chiếu xuống nền như những đuôi công, chẳng biết nó bật điều hòa từ lúc nào mà cả căn phòng cứ mát rười rượi. Lão đang mải ngắm, thằng Thành đã bê một đĩa mực nướng, rồi đậu phụ rán mắm tôm lên, cứ là thơm phưng phức, nó lấy đá cho vào hai cốc, rồi bật lon bia, vừa làm nó vừa giới thiệu, bia ngon Heineken đấy bác ạ, ngon lắm. Nó đưa lão một cốc rồi nói:

- Hai bác cháu ta cạch một cái nào, cháu chúc sức khỏe bác ạ. Rồi nó làm một hơi rõ ngon. Còn lão cũng làm một hớp to, chà mát quá, nhưng sao thấy khai khai nhỉ, chưa chắc đã bằng anh cuốc lủi mình hay uống. Ngồi một lát thằng Thành xin phép: “Hôm nay cháu có việc phải lên huyện ngay bác ạ, bác cứ tự nhiên, sẽ có người tiếp bác”. Rồi Thành cất giọng gọi sang phòng bên:

- Lan ơi sang tiếp khách nhé, khách quý đấy.

Lát sau, một ả chắc vừa ngủ dậy, mặc chiếc áo hở cổ váy ngắn cũn cỡn mò sang. Thằng Thành nói nhỏ gì đó vào tai ả, ả nhe răng cười, đợi thằng Thành ra ngoài, ả chốt cửa cẩn thận, cũng chẳng có chút e thẹn nào cả, ả ngồi sát vào bên lão, tiếp tục bật lon bia, lấy mực, đậu phụ tiếp cho lão vừa nũng nịu:

- Ăn đi anh, nào anh với em cạch nhé. Chẳng đợi lão nói gì, ả đã tu ừng ực hết cốc bia, rồi vòng tay qua cổ lão nâng cốc bia lên.

- Uống đi anh, uống đi. Lão cứ đờ hết cả người ra, không biết sự tình là thế nào, cứ uống, cứ ăn như một cái máy, liếc nhìn ả chắc cũng chỉ chạc tuổi con thứ hai nhà lão, da trắng xanh, tóc vàng có vẻ mệt mỏi. Chợt ả bắt gặp cái nhìn của lão, ả cười:

- Anh, em có đẹp không, rồi ôm vào bên vai lão, cặp vú cứ cọ đi cọ lại mùi nước hoa, mùi son phấn, mùi men bia làm lão cứ ngất ngây. Rồi ả thò tay vào  ngực lão, làm lão giật nảy mình bừng tỉnh, gạt vội tay ả ra, không được, không được nhưng ả nào có tha có ngượng, vẫn tiếp tục rót bia ép lão uống, lão cũng đã ngà ngà say, lúc này ả nũng nịu:

- Anh cứ uống nhé, bây giờ em sẽ hát cho anh nghe, ả bật ti vi, bật mích cứ nhanh thoăn thoắt, rồi cất giọng hát:

- Anh ơi yêu là gì, khi một người đang ngóng chờ, ngày thương nhớ, nhớ một người...

Rồi lại: Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời, dẫu cho mưa rơi, đá mòn tháng năm…

Cứ hát, cứ tiếp tục bật bia, còn lão cứ uống, tự nhiên cái cổ họng lão cứ trơn tuồn tuột, cứ đưa cốc lên là hết. Còn ả cứ xoắn xuýt vào lão, ôm vai lão, gác cả hai chân lên đùi lão, lão cảm thấy rạo rực khắp người. Rồi ả cởi áo lão lúc nào không biết, hết xoa ngực, xoa lưng lại nắn bắp tay cuồn cuộn của lão mà xuýt xoa, mà hít hà, cũng phải nói lão đã sáu mươi, nhưng còn sung sức lắm. Da thịt của lão chắc như cây lim, cây nghiến. Con kiến, con muỗi có cắn, có đốt chắc cũng phải cong vòi, gãy răng. Rồi ả gục hẳn đầu vào ngực lão, lão như đi trên mây, trên gió, hít hà mùi nước hoa, mùi son phấn từ người ả tỏa ra.

Chết thật, ngần này tuổi đầu rồi mà bây giờ mình mới được hưởng, cái bọn thanh niên bây giờ chúng nó sướng thật đấy, lão chợt nghĩ.

Rồi lão và ả xoắn chặt vào nhau như sợi dây thừng lúc nào không biết. Trời ơi sướng quá, mê quá, chẳng bù cho vợ lão chỉ có mùi khói bếp, mùi măng chua trên người.

Khi mọi việc đã xong, tỉnh dậy ả vẫn nằm trên người lão, khẽ lấy tay đập đập vào ngực lão nói nhỏ:

- Cứ hùng hục như trâu ấy, hôm nào lại đến nhé.

Ả đưa lão ra cổng phụ đằng sau, đi qua nương ngô mùi phấn son vẫn còn phảng phất trên người lão, lão chột dạ:

- Chết thật, nếu bị ai phát hiện thì hỏng. Tới con suối lão tìm một chỗ kín đáo, cởi quần áo lội xuống hì hụp tắm rửa, rồi vọt nhẹ lên rừng.

Tối hôm ấy lão ngủ một giấc ngon lành, đến sáng dậy đi đái chợt thấy buốt và khó đái, rồi rặn mãi cũng đái được, nhưng càng về trưa lại càng khó chịu, càng buốt nhiều hơn. Cái của đàn ông của lão bắt đầu sưng đỏ, lão hoảng quá nhưng không dám nói, định ra trạm y tế khám, xong chợt nghĩ nhỡ đâu họ hỏi thì trả lời thế nào. Thôi chết rồi, đích thị là ả hôm qua ngoài quán bia đã đổ bệnh cho lão. Trời ơi, bây giờ làm thế nào? Nằm vắt tay lên trán chợt lão nghĩ ra, à phải rồi ở làng bên có lão Phúc, là bạn của lão hồi nhỏ, trước là y sĩ trong quân đội về, bây giờ cũng làm thuốc ở nhà, phải sang đấy ngay thôi. Nghĩ sao làm vậy, lão vơ mấy bộ quần áo cho vào túi rồi gọi vợ lão đang lúi húi thái chuối cho lợn:

- Tôi đi sang làng bên có việc mai tôi về. Chẳng để vợ lão trả lời, lão vội vàng đi ngay. Khi tới nơi, lão Phúc chạy ra đon đả:

- Ôi, lâu lắm mới gặp, khỏe chứ ông?. Hôm nay ở đây nhé, tôi bảo bà lão nhà tôi làm con vịt uống rượu. Lão Canh vào trong nhà mà cứ ấp a ấp úng, làm lão Phúc cứ phải gặng hỏi mãi, một lúc sau lấy hết bình tĩnh, lão Canh mới nói bệnh của mình. Lúc đó mọi người trong nhà lão Phúc đi làm hết chưa về.

Lão Phúc bắt lão Canh cởi hết quần ra khám rồi thốt lên:

- Trời, ông bị bệnh lậu rồi! Nhưng cũng còn nhẹ, nếu để vài hôm nữa có mà rụng chim, rụng chim! Lão khai thật đi tôi còn biết mà chữa. Cực chẳng đã, lão Canh đành phải khai tuốt tuồn tuột. Rồi lão Phúc lấy thuốc tiêm cho lão Canh và nhắc nhở:

- Thuốc này kháng sinh, buốt đấy chịu khó nhé, điều trị vừa tiêm vừa uống cũng phải mất bốn ngày mới tạm ổn.

Sau mấy ngày điều trị cả thuốc tây và thuốc nam, lão cũng đã thấy ổn và xin phép ra về, vừa đi lão vừa nghĩ: Phải xử lý con này, phải báo công an, nhưng chẳng lẽ mình phải khai đã ngủ với nó à?. Chết thật, chết thật, không được. Nghĩ mãi mà không ra.

Về tới đầu làng, đang lưỡng lự không biết đi đường nào để tránh quán bia thì gặp ngay lão Sơn già:

- Lão Canh mấy hôm nay đi đâu đấy? Mọi người chẳng thấy đâu. Lão Canh trả lời ậm ừ:

- Tôi sang làng bên thăm bạn và con gái tôi.

Lão Sơn già thủ thỉ: Ông đi vắng không biết rồi, đã xảy ra chuyện động trời ở làng ta đấy. Lão Canh chột dạ:

- Chuyện gì vậy?.

- Quán bia thằng Thành bị công an về bắt hết rồi.

- Sao lại bắt?.

- Này nhé, bán bia chỉ là che mắt thôi, còn chứa gái mại dâm và hình như nó còn buôn cả hê-rô-in, ma túy đá gì gì ấy, ghê không. Thảo nào giàu nhanh thế. Mà bắt quả tang nhé.

Lão đần hết cả người ra.

- Ôi, may cho mình quá, hôm ấy mà bị công an bắt thì nhục, nhục lắm. Thôi từ giờ đến chết mình xin chừa, xin chừa.

Đinh Minh Sơn

Tin tức khác