Đôi điều từ Đại hội

Thứ tư, ngày 14-09-2022, 09:11| 867 lượt xem

Đại hội Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022 - 2027) đã kết thúc thành công và dư âm của nó sẽ còn mãi trong mỗi hội viên chúng ta. Đại hội diễn ra trong thời điểm đúng 40 năm thành lập Hội (1982 - 2022). Và cũng là lần thứ 7 anh chị em văn nghệ sĩ họp mặt đông đủ trong một sự kiện lớn.

Bốn mươi năm của một chặng đường văn nghệ sĩ và 40 năm của một chặng đường đời thật là dài. Từ ngày gặp nhau trong buổi ra mắt Hội VHNT tại Câu lạc bộ Thanh niên (cạnh Cửa hàng ăn số 1, nhìn ra bến phà Nông Tiến) đến giờ đã có bao biến cố, bao sự kiện đã đi qua. Những hội viên sáng lập thủa ấy, giờ người còn, người mất, người đã đi định cư nơi chân trời xa. Trong số những người còn bám trụ trên mảnh đất Tuyên Quang, trong Đại hội tôi đã nhìn thấy mấy gương mặt thân quen, là những gương mặt đầu tiên xây nên những ngôi nhà văn nghệ. Đó là bác Đặng Quang Tiết - Chủ tịch sáng lập của Hội, nhà văn Phù Ninh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Thăng, Huy Tuyên, nhà thơ Nguyễn Bình, nhà văn Trần Huy Vân, kiến trúc sư Thái Thành Vân… các bác không ngại tuổi cao, sức yếu đến dự với Đại hội. Bác Phạm Thuyết năm nay đã ngoài 90 tuổi, sức bác đã yếu lắm. Nhưng bác vẫn cố gắng lên dự phiên khai mạc. Hôm sau sức khỏe không cho phép, bác đã phải xin nghỉ. Nhà văn Trần Huy Vân dù đã chuyển về Hà Nội định cư nhưng anh vẫn gắn bó với Hội. Anh bảo: “Đại hội như thế này không thể không có mặt”.

Sự có mặt của những gương mặt sáng lập Hội như một điều minh chứng cho một chặng đường dài mà văn nghệ Tuyên Quang đã đi qua.

Đại hội lần này trên diễn đàn cũng như các cuộc đàm luận, người ta nhắc nhiều đến nhà thơ Gia Dũng. Nhắc nhiều đến anh em bởi lẽ anh có công sáng lập Hội. Tôi còn nhớ ngày mới về cơ quan, Văn phòng Hội lúc đó là một gian nhà đầu hồi của cơ quan Báo Hà Tuyên cho mượn tạm làm trụ sở. Những anh chị em trong thường trực Hội lúc đó là bác Hoàng Định - Phó Chủ tịch thường trực kiêm nhiệm. Gia Dũng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký người đứng ra lo toan tất cả các công việc của Hội. Anh Đinh Công Diệp, chị Đoàn Thị Ký cùng với bộ phận văn thư, kế toán ở dồn tất trong căn phòng rộng 40 m2. Sau đó anh Gia Dũng xin được miếng đất của Sở Văn hóa và làm được căn phòng năm gian lợp ngói, toóc xi, làm ngôi nhà chung cho anh chị em văn nghệ sĩ có chỗ đi về.

 Người ta nhắc nhiều đến Gia Dũng cũng là nhắc đến một kỷ niệm không bao giờ quên của Đại hội lần thứ nhất Hội VHNT Hà Tuyên - nay là Hội Văn nghệ Tuyên Quang. Đại hội diễn ra ở hội trường Nhà nghỉ Công đoàn Nông Tiến. Thời đó từ bên này sang bên Nông Tiến phải đi bằng phà. Những chuyến phà gợi nhớ ca khúc “Đêm trăng sông Lô”, nhạc Trần Công Khanh, thơ Trần Khoái:

“Đêm xuống phà nhường nhau từng bước. Vai áo nào cũng có trăng theo”. Trước Đại hội Gia Dũng dẫn một đoàn anh chị em phóng viên và Văn phòng Hội xuống xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương vừa để viết bài, vừa ngoại giao để mua thóc bổ sung cho bữa ăn của Đại hội. Rất may gặp Bí thư xã Nguyễn Xuân Phúc. Ông thực sự thông cảm cho anh em văn nghệ và quyết định xuất hai tạ thóc của Hợp tác xã bán cho Hội. Khi mà hạt thóc lúc đó còn phải chia ba để xây dựng đất nước thì hai tạ thóc lúc này quả là một tình cảm lớn lao. Sau đó chính bác Phúc tự đạp xe đạp tận Thượng Ấm về dự Đại hội Hội VHNT lần thứ nhất. Có lẽ đó là một Đại biểu cấp xã đầu tiên và duy nhất đến dự Đại hội Văn nghệ cho đến tận thời điểm này.

Nhắc đến một con người - nhà thơ Gia Dũng, cũng là nhắc lại một thời điểm khởi đầu cam go, vất vả của anh chị em làm văn nghệ trong thời điểm đất nước khó khăn. Cùng vào thời điểm đó, người ta còn nhắc nhiều những con người tâm huyết với văn nghệ, nhưng giờ đây họ cũng đã mãi mãi đi xa. Đó là Hoàng Định, Hoàng Quốc Kứu, Trần Hoài Giang, Nguyễn Trọng Hùng, Đinh Thiêm… và giờ đây nhất là Mai Liễu, Trần Xuân Việt đã ra đi trước Đại hội VII này.

Trong mỗi Đại hội, đại biểu Trung ương, đại biểu tỉnh bạn, đại biểu lãnh đạo và các ban, ngành trong tỉnh là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Đại hội. Từ Chi thành Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, ưu ái với văn nghệ. Trải qua bảy Đại hội Văn nghệ, Đại hội nào các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có mặt. Đó là phần thưởng cao quý, là nguồn động viên cho anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh ta. Đại hội lần này có các đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và phát biểu những điều chân thành, tâm huyết và thẳng thắn với anh chị em văn nghệ sĩ. Đồng chí cảm thông sâu sắc với sự khó khăn của Hội, đồng thời động viên anh chị em văn nghệ sĩ hãy đoàn kết, năng động, sáng tạo ra nhiều tác phẩm xứng với truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất Tuyên Quang anh hùng. Đồng chí hứa sẽ bố trí cho Hội có trụ sở làm việc, phù hợp với đặc thù của cơ quan Hội. Sự có mặt của đồng chí Chủ tịch tỉnh cùng các ban, ngành, đoàn thể và đại diện các huyện đã đến, cho Đại hội một niềm tin cho sự phát triển của Hội trong tương lai.

Về phía Trung ương và các tỉnh bạn, sự có mặt của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; nhà văn, nhà Lý luận, Phê bình Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Cao Duy Sơn - Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam cùng có sự góp mặt của lãnh đạo 9 tỉnh bạn đã đem đến không khí đầm ấm, chân tình. Điều đó cũng nói lên rằng Hội Văn nghệ Tuyên Quang đã có chỗ đứng trong tình cảm bạn bè văn nghệ cả nước, được bạn bè mến yêu và quý trọng

Chủ đề đổi mới, đoàn kết và phát triển luôn được đưa ra bàn luận của các Đại biểu đến dự Đại hội. Chúng ta đã đi qua chặng đường dài 40 năm. Con đường đi lên của Hội cũng có những bước thăng trầm theo từng giai đoạn của lịch sử. Thời mới thành lập anh chị em văn nghệ sĩ hừng hực sức trẻ. Thời chuyển hướng kinh tế văn nghệ phải “tự nuôi nhau”. Rồi đến thời kỳ đổi mới, tất cả tập trung vào kinh tế, văn nghệ dường như bị lạc lõng giữa cơn bão của kinh tế thị trường. Nhưng vào thời điểm nào thì Hội Văn nghệ vẫn là nơi để anh chị em văn nghệ sĩ gửi gắm tình cảm, niềm tin và là nơi “bảo trợ” cho những đam mê sáng tạo.

Với một Ban Chấp hành mới và một bộ máy lãnh đạo mới còn rất trẻ, được học hành, có kiến thức và tâm huyết với văn nghệ, tôi tin rằng Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang sẽ bước vào một trang mới, một khí thế mới đầy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Triệu Đăng Khoa

Tin tức khác