Đinh Minh Sơn “Đến với văn chương không bao giờ là muộn”

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 10:30| 135 lượt xem

Điền Phương Thảo

 

 

Đối với số đông những người cầm bút, văn chương được gắn với cuộc đời như một cái nghiệp hoặc ít ra đấy cũng là một nghề. Tuy nhiên, cũng có những người đến với văn chương chẳng phải vì nghiệp mà cũng không phải là nghề. Đinh Minh Sơn luôn quan niệm: “Đến với văn chương không bao giờ là muộn”.

 

Đinh Minh Sơn sinh năm 1961, nay đã ngoài sáu mươi tuổi, nhiều người nhận xét ông là người khá giản dị và có phần khắc khổ. Nhưng tiếp xúc ông lại luôn tạo ấn tượng với người đối diện bằng nụ cười tươi, trong mọi cuộc trò chuyện, ông luôn tạo cho người xung quanh cảm giác thoải mái, vui vẻ. Hiện tại, ông sống trong căn nhà khuất sâu trong con ngõ nhỏ ở tổ 5, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang.

Đinh Minh Sơn đi vào con đường văn chương khá muộn. Trước đây, từng làm thợ cơ khí, làm nhiều nghề để trang trải cuộc sống, những công việc không liên quan gì đến văn chương nhưng ông lại có một tình yêu mãnh liệt với nó. Nhắc đến việc làm cơ khí, nhiều người sẽ liên tưởng đến hình ảnh của sự chăm chỉ, mồ hôi nước mắt và sự kiên nhẫn. Nhưng với Đinh Minh Sơn, việc làm này cũng chứa đựng đầy tình yêu và sứ mệnh gia đình. Đó cũng là nơi ông học được lòng kiên nhẫn, cam kết và tinh thần sáng tạo, những phẩm chất rất cần thiết trong cuộc sống và trong nghệ thuật sáng tác. Sau khi nghỉ hưu ông quyết định theo đuổi đam mê văn chương của mình. Năm 2017, ông trở thành hội viên Chi hội Văn học của Hội VHNT tỉnh.

Khi trò chuyện với Đinh Minh Sơn, tôi nhận thấy ông có một cảm xúc mãnh liệt dành cho nghệ thuật, và với văn chương điều đó càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi viết văn ông đưa cảm xúc và trí tưởng tượng của mình vào từng dòng văn, tạo nên những tác phẩm đầy tinh thần, ông như một nhà điêu khắc, đang tạo hình những ý tưởng và cảm xúc bằng từ ngữ. Đằng sau mỗi từ và câu chữ là một tâm hồn đầy nhiệt huyết với đam mê và sự chân thành. Viết văn không chỉ tạo nên những dòng văn mà tác giả còn tạo nên một phần của chính mình, để lại dấu ấn của tâm hồn trong từng trang giấy. Ông viết nhiều và làm cộng tác viên cho nhiều tòa soạn báo, tạp chí, cũng từ đó đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm sáng tác từ đồng nghiệp và bạn đọc. "Tôi luôn muốn tìm kiếm cơ hội để chia sẻ tình yêu và kiến thức của mình thông qua việc sáng tác”, Đinh Minh Sơn nói.

Là một nghệ sĩ luôn có ý thức khám phá, cống hiến tài năng của mình cho văn chương, Đinh Minh Sơn thử sức mình với nhiều thể loại từ truyện ngắn, bút ký đến thơ để thỏa mãn niềm đam mê muôn thuở. Thỏa mãn tình yêu văn chương lúc tuổi xế chiều. Ông tìm thấy cảm hứng ở mọi nơi, từ những cuộc trò chuyện hàng ngày đến những cảm xúc sâu thẳm bên trong tâm hồn. Qua từng dòng văn, ông có thể mở cánh cửa tâm hồn của người đọc và thay đổi cuộc sống xung quanh. Đinh Minh Sơn thường viết những câu chuyện về hiện thực xã hội qua góc nhìn hài hước, hóm hỉnh, đi vào lòng người qua nhiều bài bút ký, truyện ngắn: Trưởng thôn, Bến đỗ bình yên, Người phụ nữ nhân hậu, Phố trong làng... Những nhân vật trong truyện đều hiện lên sinh động qua ngòi bút của ông.

Đi đâu về ông cũng muốn viết, viết đối với ông như một món nợ vậy. Ông có thể ngồi hàng tuần, hay nửa tháng để viết một truyện ngắn hay một bài ký. Đinh Minh Sơn luôn quan niệm: “Viết văn cũng giống như làm người, phải sống và viết cho tử tế và hết lòng”. Với sự nghiêm túc và tâm huyết với nghề, ông luôn hết lòng với trang viết của mình. Chính vì vậy, những tác phẩm ông viết ra đều để lại dấu ấn trong lòng độc giả bởi sự nhân văn sâu sắc mà nó gửi gắm. Truyện ngắn Đinh Minh Sơn chủ yếu viết về đề tài nông thôn, những câu chuyện xoay quanh cuộc sống mà ông được chiêm nghiệm, lấy đó làm chất liệu sáng tác xuyên suốt quá trình làm văn chương của mình. Ông xây dựng cốt truyện khá đơn giản, không có nhiều tình huống hay chi tiết xung đột. Nhân vật trong truyện ngắn của Đinh Minh Sơn luôn mang lại sự gần gũi thông qua những điều giản dị, như ông “Trưởng thôn” ở trong làng nọ hay nhân vật lão Canh trong “Phố trong làng”… Trong truyện ngắn “Bến đỗ bình yên” truyện xoay quanh cậu bé Hiếu, là trẻ mồ côi từ năm bảy tuổi, phải sống với chú thím, những tưởng đâu Hiếu sẽ có cuộc sống không phải lo toan, được hưởng những quyền lợi mà một đứa trẻ cần có thì cậu bé phải chịu nhiều vất vả, công việc hàng ngày là trông em, nấu cơm và chăn lợn, gà. Có nhiều khi bị đánh và bỏ đói khi cậu không hoàn thành công việc. Chịu quá nhiều sự cay nghiệt từ gia đình chú thím, Hiếu đã bỏ nhà ra đi. Trong cái rét tháng Ba, cậu bé mười hai tuổi đầu trần, chân đất, bộ quần áo đã cũ mèm, lấm lem đi trên con đường rừng. Trong cái đói rét ấy, Hiếu may mắn đã gặp được thằng Linh, cô Tâm, được cô Tâm cưu mang, quan tâm, chăm sóc như con ruột, được cho đi học, mua quần áo mới… Kể từ đó, Hiếu cũng có gia đình của mình, tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời nó... Nhân vật trong truyện ngắn của Đinh Minh Sơn tội nghiệp, bé nhỏ, sống với ước vọng bé nhỏ, phải trải qua nhiều nghịch cảnh như là định mệnh luôn rình rập đẩy họ vào những sự không may. Tuy nhiên cuộc đời khốn khó chỉ làm sáng lên những khát vọng sống, những phẩm chất con người dẫu có bị lay lắt như mầm cây trước giông bão. Truyện ngắn của Đinh Minh Sơn không chỉ muốn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất con người mà còn bày tỏ một cái nhìn lạc quan vào cuộc sống, tin tưởng vào sự nhân ái của con người.

Đinh Minh Sơn không phải dân chuyên viết văn nhưng những tác phẩm của ông cũng đạt được một số thành tựu nhất định: Giải Ba cuộc thi bút ký về chủ đề: Đất và người Tuyên Quang trong công cuộc đổi mới năm 2020; Giải C cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023; Giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Tuyên Quang năm 2023… Tuy đây chưa phải là giải thưởng lớn nhưng nó cũng giúp ông có thêm động lực tiếp tục cống hiến cho nền văn chương của tỉnh nhà. Đinh Minh Sơn chia sẻ: Sắp tới, sẽ xuất bản hai cuốn sách truyện, thơ mà ông đã ấp ủ nhiều năm: "Đó là một cơ hội để tôi chia sẻ những tưởng tượng, suy nghĩ và câu chuyện của mình với mọi người, và tôi rất háo hức chờ đợi điều đó". Chắc chắn cuốn sách ra đời chúng ta có cái nhìn sâu hơn về hành trình sáng tác của Đinh Minh Sơn.

Qua những chia sẻ chân tình, tôi cảm nhận được sức sống và sự hồi sinh của nghệ thuật trong tâm hồn, sự cảm hứng không bao giờ kết thúc của Đinh Minh Sơn. Đôi khi, một nghệ sĩ đi lên từ sự bình dị và những kỹ năng tự học. Đinh Minh Sơn là người như vậy, làm văn chương tay ngang không học về văn chương qua hình thức học thuật. Thay vào đó, ông chất chứa sự đam mê mãnh liệt với ngôn từ, những câu chuyện và cách thức thể hiện tâm hồn thông qua từng con chữ. Trong bút ký Người phụ nữ nhân hậu tác giả đã viết về người phụ nữ 57 tuổi đã hiến máu 39 lần, một người phụ nữ nhỏ bé nhưng đã làm được những điều lớn lao, giúp đỡ cho nhiều người. Có thể thấy rằng, Đinh Minh Sơn luôn quan tâm đến những sự việc diễn ra xung quanh mình và những điều đó trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của ông.

Đ.P.T

Tin tức khác