Quà tết

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 10:45| 89 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

 

Minh họa của An Bình

 

 

Người già cũng hay nói chuyện Tết.

Ngồi thưởng trà, lão Thiện bảo tôi:

-  Nói đến quà Tết, tôi lại nhớ một chuyện buồn cười lắm. Ông có nhớ ngày xưa, hồi bé chúng mình còn đi học, Tết đến cũng đi Tết thầy không?

- Không. Hơn nửa thế kỷ rồi, ai mà nhớ được?

- Thế thì ông còn thọ lâu. Những người điếc và những người hay quên là sống dai lắm. Tôi kể ông nghe. Ngày xửa, ngày xưa, hồi vừa vào cấp hai, Tết ấy bọn mình xin tiền bố mẹ, rủ nhau mua chung một con gà thiến thật to, nhốt vào cái lồng, ngoài cài mảnh giấy kê danh sách bảy tám đứa, lấy que xiên qua, cử hai thằng khiêng sang làng bên Tết thầy dậy văn chủ nhiệm. Gần đến nơi, có đứa hỏi: Chúng mày ơi, vào nhà thầy, gọi vợ thầy là gì nhỉ? Một đứa bảo: Gọi là bu chứ còn gọi là gì nữa? Một đứa cãi: Không được, chỉ người đẻ ra mình mới gọi là bu thôi. Vợ thầy thì gọi là cô. Đa số ủng hộ: Ừ, gọi thế được đấy.

Đến nhà, để lồng gà gốc cây cau trước cửa nhà, bọn trẻ lao nhao: Em chào thầy ạ, em chào cô ạ ầm ĩ gần bằng nửa cái chợ quê. Ra đón các em, thầy khẽ nhìn cái lồng gà với bản danh sách dài lê thê, thầy cười tủm tỉm. Trò đông, nhà chật, giải chiếu ra sân, vui. Thầy nhắc cô bóc bánh chưng, nấu miến đãi các em. Thầy trò đúng là vui như Tết.

Đang vui, thầy cười bảo: Mừng năm mới, thầy kể các em nghe một chuyện xung quanh sự văn chương chữ nghĩa cho vui nhé? Bọn mình nhất loạt nhao nhao vâng ạ, vâng ạ. Và thầy kể thế này:

Ngày xửa ngày xưa, thời còn học chữ nho, ông giáo làng gọi là thầy đồ, chứ không gọi thầy giáo như bây giờ. Tết đến, lũ học trò rủ nhau đến mừng tuổi thầy. Thầy đồ bảo:

- Nhân ngày đầu xuân, thầy ra câu đối, các trò đối cho

vui nhé?

Đám học trò chỗ này, chỗ kia nhao nhao:

- Vâng ạ, vâng ạ.

Thầy dọn giọng nói:

- “Thần”. Trò nào nào?

Một trò giơ tay:

- Thưa thầy, “Thánh” ạ.

- Tốt, rất tốt. Thần đối với thánh, phải rồi. “Nông”. Trò

nào nào?

Một trò khác giơ tay:

- Thưa thầy, “Sâu” ạ.

- Tốt, rất đối. “Giáo”. Trò nào?

Một trò khác giơ tay:

- Thưa thầy, “Gươm” ạ.

- Đúng rồi, giáo đối với gươm là phải rồi. “Dân”. Trò nào?

Một trò khác giơ tay:

- Thưa thầy, “Quan” ạ.

- Được, cũng đối. “Nghệ”. Trò nào?

Một trò khác xung phong:

- Thưa thầy, “Gừng” ạ.

- Đúng rồi, nghệ đối với gừng, rất hay. “Ngũ”. Trò nào?

Một trò khác giơ tay:

- Thưa thầy, “Tam” ạ.

- Phải rồi. Tam đối với ngũ, rất chuẩn. “Cốc”. Trò nào?

Một trò khác phát biểu:

- Thưa thầy, “Cò” ạ.

- Rất đúng. - Cụ đồ dọn giọng rồi thư thả: Bây giờ trò nào có thể ghép lại xem thầy đã ra một câu thế nào nhỉ?

Một trò mặt mũi có vẻ sáng sủa, nhanh nhảu:

- Thưa thầy, thầy đã ra câu: “Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc” ạ.

- Phải rồi. Nghĩa là gì?

- Thưa thầy, nghĩa là: Ông thần nông dạy người nông dân nghề trồng cây ngũ cốc ạ.

- Ngũ cốc là gì ai biết nào?

- Dạ, là năm thứ hạt: Thóc, ngô, kê, vừng, đậu ạ.

- Đúng rồi, trò giỏi lắm. Các trò đã đối câu của thầy thế nào. Trò nào ghép lại cho các bạn nghe nhỉ?

Một trò giơ tay:

- Thưa thầy, câu thầy ra là: Thần Nông Giáo Dân Nghệ Ngũ Cốc. Những từ của chúng con cộng chung lại thành câu là: Thánh Sâu Gươm Quan Gừng Tam Cò ạ.

Nghe vế đối trò đọc lên, cả thầy, cả cô và lũ học trò bò ra mà cười, cười như vỡ chợ. Phải nói là không khí ngày xuân rất vui, vui như Tết. Ông đồ vê một mồi thuốc lào rịt vào lõ cái điếu bát, làm một hơi, hướng ra gốc cây cau chúm môi phả khói. Đặng, ông thư thả:

- “Thánh sâu gươm quan gừng tam cò”. Nghĩa là gì, trò nào biết nhỉ?

Một trò giơ tay:

- Dạ, thưa thầy, câu ấy không có nghĩa gì, gọi là “tối

nghĩa” ạ.

- Sao thế?

- Dạ thưa thầy, tại... tại... Chúng con... chung nhau ạ.

- Phải rồi. Các trò giỏi lắm. Năm mới, thầy chúc các con sang năm vui, khỏe, học hành sáng láng.

Nghe lão Thiện kể chuyện ngày xưa, tôi cứ buồn cười mãi, vui mãi. Thế mới biết, các cụ ngày xưa đã ghép hai từ “chữ” với “nghĩa”, “câu” với “cú” thâm thúy thật. Ngày xuân ngồi thư thả bên chén rượu, càng ngẫm ngợi, càng thấm thía.

 Chuyện của chúng tôi, toàn chuyện người già. Người già tuổi cao, sức yếu không đi nương cày cuốc được nữa, thì hay rủ nhau ngồi với chén rượu, tách trà, cái điếu ục, hút thuốc lào vặt, buôn dưa lê cho ngày nó đỡ dài ấy mà.

N.Đ.L

Tin tức khác