Bút ký của Đỗ Anh Mỹ
Minh họa của Tân Hà
Hơn năm mươi năm, mỗi lần tết đến, Xuân về, tim Thành vẫn rộn ràng nhớ lại cái tết năm Mậu Thân ở chiến trường B2, vui tại nhà má Nhơn.
Anh em thương binh được đánh thức từ rất sớm. Mấy cô y tá tíu tít đi hái hoa cài lên trước cổng trào. Các chị hộ lý đến từng giường giúp thương binh chỉnh đốn trang phục, đầu tóc. Anh em thương binh ngơ ngác, hỏi nhau:
- Tết đến nơi rồi, lại phát động tuần lễ tự túc lương thực hay sao?
- Có khi lại chuyển địa điểm, lại dựng lán, moi hầm.
- Địch độ này gom dân, lập ấp, đưa quân đi càn khắp nơi.
- Nhưng như thế, cần gì cổng trào, kết hoa?
Chợt từ cổng, đoàn người đi vào. Đại tá Viện trưởng đóng bộ “cả cây”, vui vẻ ra cổng đón khách. Thành chống nạng bước ra, nghe tiếng gọi từ phía sau:
- Anh Thành! Em sắp hổng nhận ra anh đó. - Cô gái để ý tìm từ bao giờ.
- Cô..., là ai nhề?
Thành đã nhận ra cô du kích võng mình vào viện. Bữa ấy, Thành khi tỉnh khi mê. Tình cờ gặp lại ân nhân, Thành bối rối, ngày ấy sao chưa hỏi tên nhau. Thôi thì cũng tại chiến tranh!
- Tên cô...? Lên có việc gì thế? Đi với đoàn à? Còn cô...?
- Em tên Hiền, Tư Hiền. Anh Hai định hỏi Hai Nghĩa, đúng hông?
- Tôi không nhớ... Tôi hỏi người cùng cô khiêng tôi lên đây ấy?
- Hai Nghĩa đó! Giờ cổ bận hoài. Nhậm chức xã đội phó rồi, anh!
Hội trường râm ran không ai chịu nhường ai câu nào. Những cuộc gặp trên Trường Sơn dù buồn, hay vui, đều có nước mắt. Giáo sư, Viện trưởng dẫn đoàn đại biểu đi vào. Hội trường thấp thỏm muốn biết, chuyện gì sẽ xảy ra?
Viện trưởng lướt qua những gương mặt từ đầu đến cuối hàng ghế, mắt nháy liên hồi. Hễ xúc động là mắt ông nháy. Ông giới thiệu các vị khách, rồi hạ giọng:
- Chúng tôi cám ơn chủ trương của Cách mạng, cám ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, đã vận động bà con nhận thương binh về gia đình ăn tết, chia sẻ những khó khăn với bệnh viện, làm dịu nỗi đau, mất mát cho thương binh. Tôi thay mặt Ban giám đốc cùng các thầy thuốc, nhân viên bệnh viện chúc mừng anh em thương binh hôm nay được bà con đón về ăn tết, nhận làm con nuôi! - Ông bỏ kính, chùi nước mắt.
Thương binh được đọc tên, kèm theo quê hương, thành tích chiến đấu và tình trạng thương tật. Từng gia đình lên đón về gặp người thân, ôm nhau bỡ ngỡ người cười, người khóc. Vừa nghe đến tên Thành, Tư Hiền khư khư giữ tay, sợ có ai nhận mất anh chàng gan lỳ ôm chặt gốc cây, nhất quyết không chịu để đưa đi bệnh viện.
Cuộc chia tay với thầy thuốc thật xúc động. Viện trưởng lộn ngược, chạy xuôi đi bắt tay, ướt hai tay áo nước mắt. Hôm nay, ông không có nước mắt mới lạ! Ông nhớ từng vết thương trên thân thể thương binh. Nhớ những ca phẫu thuật hết thuốc gây mê, không còn gây tê. Có ca mổ, thương binh chịu trói chặt vào cáng để khỏi quậy phá. Có thương binh đau quá, nhổ nước bọt lên mặt ông mà chửi. Nhưng ngày ra viện, lại ôm ông, khóc như trẻ con; Có ca đang mổ thì bị pháo kích, đạn nổ trên nóc hầm, đèn tắt, bụi bay mù mịt; Lần cả thầy thuốc, thương binh đã hi sinh.
Ngoài cổng, thầy thuốc, các mẹ, các chị hộ lý, nuôi quân níu võng, ôm nhau cười, ôm nhau khóc. Thương binh lục đồ, đổi cho nhau đôi dép, đôi giầy, cây bút, cuốn sổ tay viết dở, người tấm ảnh Bác Hồ, trao nhau làm kỷ niệm.
Má Nhơn sờ lên mặt, lên đầu Thành. Môi run run, má lẩm bẩm:
- Con không phải thằng Hai Toàn của má. Hai Toàn bị lính Hàn xâu tay, thả trôi sông rồi. Đêm nó về trong giấc mơ của má thôi. Con tên chi? Má con ngoài Bắc mấy tuổi? Má con tài thiệt đó. Con đi xa má không nhớ con sao? Con bị thương ở mặt trận nào? Má con biết chưa? Tội nghiệp con! Tội nghiệp má con!
Mắt Thành rưng rưng. Từ thuở chăn trâu, hôm nay Thành mới được một bà mẹ vuốt ve âu yếm. Má lần từ đầu đến chân, hai hố mắt má động đậy, giọng má run nhiều hơn. Hai giọt nước lăn ra từ hố mắt. Tư Hiền nhìn má, khóc theo.
Từ ngày má Nhơn được tin, anh Hai Toàn bị địch bắt, xâu dây thép vào tay, đẩy cả chục Việt Cộng xuống sông, trôi mất xác, má khóc ngày khóc đêm. Hai mắt lòa lúc nào không biết. Tư Hiền thương má, muốn má quên chuyện anh Hai bị địch sát hại. Vừa nghe chủ trương của cách mạng vận động các gia đình đón thương binh về ăn tết, nhận làm con nuôi, Hiền bàn với má, bụng đã nghĩ đến Hai Thành, anh bộ đội miền Bắc bị thương, tự tay Hiền băng bó ở trên cứ, lại đưa anh lên bệnh viện ở Trường Sơn về cho có má, có con. Má bớt khóc. Tư Hiền rảnh tay thoát ly, đi đánh Mỹ. Hiền thấm giọt nước trên gò má má, nói:
- Má à! Anh Hai Thành là bạn chiến đấu, cùng đơn vị anh Toàn nhà ta đó!
- Thiệt ha? Hai Toàn nhà má đã hi sinh. Giờ con là thằng Hai, con trai má. Từ nay, con có má, má có con. Má con mình đỡ đần nhau, nghe con!
- Từ nay con sẽ thay anh Hai trông coi má! - Thành xúc động an ủi má Nhơn.
- Má khổ nhiều rồi, con. Năm lần sanh, hai lần sài đẹn, nó bỏ má đi. Anh Hai bị địch sát hại. Chừ Tư Hiền, muốn trả thù cho anh, bỏ nhà đi du kích. Út Hòa bỏ học, đi lính quốc gia. Nó khùng, nó điên. Má giận nó muốn chết đó con!
- Út Hoà đóng quân ở đâu, hả má? - Thành chột dạ, vội hỏi.
- Nó đóng đồn trên Tư Ngãi. Nó sợ liên luỵ đến cộng sản, lâu không về rồi.
Má ra vườn, lần hái lá, đun nước cho Thành rửa vết thương. Bụng Thành xốn xang. Chuyện xảy ra quá đột ngột, khiến Thành không biết nên vui, hay buồn. Việc nhận thương binh về gia đình ăn tết Mậu Thân là chủ trương của Cách mạng. Chiến tranh gần đến ngày kết thúc càng khốc liệt. Thương binh càng nhiều. Hậu phương miền Bắc thuận lợi mấy, nhưng tải thương hàng ngàn cây số đi dọc Trường Sơn đâu có dễ. Thành đã nghe, thương binh được nhận chăm sóc ở gia đình cũng lắm rủi ro. Mọi sinh hoạt không thể ở mãi trong hầm tối. Đã có trường hợp, bị địch phát hiện, bắt giữ, liên lụy đến cả cha mẹ đỡ đầu. Số không chịu nổi đòn roi tra tấn đã chiêu hồi, phản bội. Đa số anh em sức khoẻ phục hồi lại tìm về đơn vị. Có người ở lại lập gia đình, tham gia du kích. Cũng không tránh khỏi có nhà đón thương binh về, bị địch o ép, đem nộp cho lính quốc gia.
Bao nhiêu năm xa mẹ, hôm nay được tắm nồi nước lá má Nhơn đun, tự nhiên Thành chảy nước mắt. Đang loay hoay băng lại vết thương, Tư Hiền hớt hải từ chợ chạy về báo có địch đi càn, rồi khoác súng, chạy ra sau vườn, chỉ kịp quay đầu bảo:
- Tui phải đi giúp Hai Nghĩa chống càn!
- Tư Hiền đang nghỉ phép mà! - Thành gọi theo.
Hiền khuất vào trong rừng. Má Nhơn làm cơm trình gia tiên, nhận Hai Thành làm con. Vừa lúc, ngoài ngõ rậm rịch tiếng chân người. Má chạy lên, kịp đẩy Thành vào hầm bí mật, phủ nắm rơm. Tiếng giầy lộp cộp vào sân, nghe Út Hoà gọi:
- Má à! ... Út Hoà zề nè!
Má Nhơn hớt hải chạy ra. Hai chân chực vấp vào nhau. Út Hoà nhìn má, hỏi:
- Má sao zậy? Thằng Hoà zề nè!
- Má biết ... má biết, má mừng quá đó con!
- Má mừng, tay chân má run lên, lạ chưa!?
- Má mừng thiệt mà. Út đâu cho má sờ thử coi. Sao lâu con hổng zề zới má?
- Má sợ như có cộng sản trong nhà đó má?
- Đâu có! Con nói sao? ... Nhà mình sao có cộng sản?
Mắt Út Hoà lơ láo, chạy ra sau vườn ngó nghiêng, lại hùng hổ vào nhà, mắt ngầu đỏ, kéo má ra đứng giữa nhà hỏi:
- Má ở một mình, nấu nồi cơm to dữ, ha! Còn gì đây. Má bị thương sao má? Có cả nước rửa, băng gạc, hả má?
Mắt Út Hoà long lên, hùng hổ bổ ra vườn sục tìm, lại vào hất tung đống chăn lộn xộn bên cạnh giạ thóc, đâm thẳng cây lao vào cửa hầm bí mật. Không thấy động tĩnh. Thành kịp nép mình vào góc hàm ếch. Út Hoà lăm lăm khẩu súng ra tay, nhìn má xừng xổ, lồng lên như con hổ bị thương:
- Má không nói, tui bắn bể sọ nè. Má giấu cộng sản ở mô? Má định hại tui, hại cả nhà này sao? Má biết tội bao che cộng sản là thế nào không? Cộng sản đâu? Giỏi ra ta coi! - Mặt Út Hoà phừng phừng đỏ.
- Má biết, má sai rồi! Con nói nhỏ đi! Má nhặt được một đứa bị thương ngoài vườn, về chữa cho nó làm phúc thôi con. Sao má biết nó là cộng sản?
Má Nhơn hết run, đến trước bàn thờ thắp nhang, chắp tay vái:
- Tui cầu ông Tư, cầu Hai Toàn zề nè! Hai cha con sống khôn chết thiêng zề coi Út Hoà nạt má nó nè! Cầu ông zề phù hộ cho Hai Thành, con nuôi tui đó. Tui nhặt zề lúc nó bị thương...!
- Má biết. Má biết. Sao má nói biết hoài! - Út Hoà nổi cơn điên, nhại lời má - Má kêu cha tui, kêu anh Hai zề. Nhưng má có biết, cha tui là cộng sản bị Tây bắn bể sọ ở đầu làng. Anh Hai theo cha, xỏ giầy cộng sản, bị thả trôi sông. Còn chị Tư, má hổng gọi zề, chết mất xác cho coi. Má phải nghe tui làm lại từ đầu mới đúng chớ!
- Má nói rồi con! Má không giấu cộng sản đâu con. Má nhặt Hai Thành bị người ta bắn về chữa làm phúc. Má nhận nó làm con nuôi rồi. Hai Thành cùng tuổi anh hai đó. Con đi hoài, Hai Thành ở nhà coi má, cho má zui thôi con. - Má Nhơn tạm lui, đấu dịu với thằng út.
- Tui không cho phép cộng sản ở nhà tui. Giờ má giấu nó ở đâu. Tui đếm tới ba, nó không ra, tui cho má đi theo cha tui luôn nè!
Út Hoà lên đạn loạch xoạch, gí súng vào đầu má Nhơn. Coi chừng Út Hoà dám liều. Thành bình tĩnh đẩy nắp hầm chui ra, tập tễnh vừa đi vừa nói:
- Chú khỏi phải đếm. Anh Hai ra đây!
Út Hoà quá bất ngờ, nhìn Hai Thành từ đầu đến chân, nghĩ cha này giọng Bắc đặc sệt, nhất định là cộng sản nòi. Lúc nãy hung hăng thế, giờ lưỡi ngắn lại, không biết nói gì? Hai Thành bước ra, gạt nòng súng của Út Hoà, đứng vào giữa má và họng súng. Má Nhơn nhào zô, đẩy Hai Thành ra sau, chen vào trước họng súng của con trai. Ba lần má chen vào, ba lần Thành đẩy má ra, hứng họng súng vào mình. Cuối cùng, má ôm chân Út Hoà, la thầm:
- Út à! Má xin con một lần thôi!
Mặt Út Hoà tái dần; mắt đỏ ngầu. Khẩu súng trên tay run lên cùng tấm thân thô kệch. Út Hoà không sao hiểu nổi, má mình lại đi che chở cho một tên cộng sản, mà không bảo vệ nó!
- Má yên tâm! Út Hoà không bắn đâu! - Thành bình tĩnh - Chú Năm nổ súng, chả hoá chú gọi lính quốc gia đến để báo, má mình chứa cộng sản trong nhà sao? - Thành tìm cách khống chế - Chú cất súng vào bao đi. Anh em ta nói chuyện!
Út Hoà bị bất ngờ, mất cái mẽ hùng hổ, miễn cưỡng đút súng vào bao. Má Nhơn mừng, kéo vạt áo chùi hai hố mắt.
- Nhà tui ba cộng sản đã quá đủ rồi! Tui mời anh ra khỏi nhà, để khỏi liên luỵ má con tui!
- Má đón anh về. Chính phủ Cách mạng đã làm giấy cho anh về làm con má rồi. Giờ, chỉ có má bảo ở, thì anh ở. Má đuổi anh đi, anh mới đi! - Thành dịu giọng, nhưng cứng rắn.
- Anh không đi, tui kêu lính tới nè!
- Nếu bọn lính tới mà tốt cho má, cho chú Năm, anh kêu từ lâu rồi. Chú yên tâm đi. Anh đi đánh Mỹ, cứu nước, đem hạnh phúc về cho dân. Nếu thêm mình anh hi sinh, để mọi người được sống yên ổn, hạnh phúc, anh làm liền. Nhưng...!
- Đừng lắm lời! Cút...! - Út Hoà giận dữ chỉ tay ra cửa.
Má Nhơn lại quỳ gối, ôm chân con. Thành đỡ má đứng lên, bình tĩnh hơn:
- Tôi nói bài ngửa với chú này. Chú nhận tiền của người Mỹ, đi diệt cộng sản, bảo vệ quốc gia. Đó là thứ quốc gia gì? Còn cộng sản đánh giặc ngoại xâm, giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Dù anh có hi sinh, mà gia đình mình, đồng bào mình, đất nước mình độc lập, tự do, hạnh phúc, cái giá ấy cũng xứng đáng. Còn chú hi sinh cho ai? Mai kia Mỹ cút, quân Giải phóng trước sau cũng sẽ kéo cờ trên Dinh Độc lập. Khi tốt nhập cung, tướng khốn cùng. Ông Thiệu lấy đâu ra tiền để nuôi một đám Nguỵ quân, Nguỵ quyền bán nước nữa? Còn cái này, chú Năm muốn giữ chữ hiếu, lại cầm súng bảo vệ ông Thiệu rước ngoại bang về xéo mồ cha. Người Mỹ cút, ông Thiệu có đưa mồ cha sang nước Mỹ để giữ chữ hiếu được không?
- Đủ rồi!... Tui không thèm nghe!
- Anh cũng nói hết rồi! Giờ chú muốn bắn thì bắn, muốn la thì la!
Vừa lúc, đám lính lao xao trước ngõ, có đứa ngó đầu vào nhà. Út Hoà la lớn:
- Bớ tụi bay! Vô bắt cộng sản nè!
Những tiếng giày đinh lộp cộp xông vào. Má Nhơn ngửa mặt lên trời, đứng như trời trồng. Bọn lính vào trói Thành dẫn đi. Má ôm cây nạng, xụp đổ giữa nhà. Làng xóm kéo đến. Út Hoà không nhìn lại, bước ngang qua cổng.
Ra đến cuối làng, Út Hoà bước lên, nói nhỏ vu vơ:
- Nghe tui nói. Thấy súng tui nổ thì nhào xuống sông, rồi biến đi đâu tuỳ anh!
Bọn lính dẫn Thành ra bờ sông. Út Hòa hùng hổ quát:
- Tau cho mày theo cộng sản đi bắt cá này! - Pòm!
Súng Út Hoà nổ. Loạt đạn AR15 nổ theo. Út Hoà la lối:
- Thằng này là cộng sản. Ai dám vớt xác, tui cho đi theo nó luôn!
Tết Nguyên đán năm ấy, Má Nhơn nhắc Út Hòa rủ bạn về. Thành đón đồng đội trên núi xuống. Tết nhà má chật hai gian nhà. Má tíu tít sai người bóc bánh. Tư Hiền kiếm được mấy bi đông rượu. Ba ngày ngừng bắn, ai cũng mong tận hưởng không khí hòa bình. Rượu rót ra, chén chú chén anh, không phân biệt lính quốc gia, hay bộ đội giải phóng. Út Hòa kéo Hai Thành ra sau vườn, thì thầm:
- Anh Hai bỏ qua chuyện bữa hổm, nghen!
- Anh biết. Hôm đó chú không làm thế, bọn lính sẽ đốt nhà, giải má lên ấp. May mà, hồi bé anh vẫn thường ra sông lặn bắt cá...!
- Không ngờ, bà con nghĩ Út Hoà khùng thiệt, không ai dám ra nhặt xác, ha.
- Ai cũng tin anh đi bắt cá biển thật rồi. Không ngờ má mình điều khiển nội gián giỏi đó, ha? - Thành nheo mắt nhìn Út Hòa, cười.
- Út Hoà biết, đằng sau má là anh Hai đó!
- Nhờ tin chú báo ra, tụi anh đánh bót nào, xoá sổ bót đó. Hai Nghĩa thích những tin chú báo về các cuộc đi càn lắm đó!
- Anh Hai thấy Hai Nghĩa thế nào?
- Hai Nghĩa má má, con con với má ta suốt đó. Liệu gì đi thôi!
- Nói chuyện khác đi - Mặt Út Hoà chín dần - Tẹo nữa, anh Hai nói với mấy đứa em tui chút xíu, nghen!
- Làm thế chả hoá, chú định "lạy ông tôi ở bụi này” sao?
- Chịu anh Hai luôn. Bọn lính có khi thích tánh tui khùng, nó theo. Chớ biết tui tiếp tay cho cộng sản, chắc nó trừ tui rồi, ha. - Út Hoà cười - Rượu rồi, tụi tui đấu banh với người bên các anh đó!
- Làm vậy đi. Anh cho sửa sân bóng, căng lưới từ chiều ba mươi tết rồi đó.
Út Hòa đi lên, đi xuống hò hét: - ... Bay đâu! Cạn ly! Trăm phần trăm!
Tiếng chạm ly mỗi lúc một mau. Rượu vào, bót nào có bao nhiêu lính, bao nhiêu súng, thừa đạn, thiếu đạn, những cái miệng không còn biết giữ. Chỉ những đôi tai bộ đội giải phóng cứ mở tròn ra.
Hai đội ra sân, giàn đội hình. Thành tranh thủ rỉ tai Út Hoà:
- Giờ GMT đêm mai, hết giờ ngừng bắn, chú cho kéo cờ phản chiến...!
- Chiêu này anh để tui. Cứ để bộ đội đánh tới. Tui sẽ tử thủ tới thằng ác ôn cuối cùng. Mất bót này, tui chạy sang bót khác!
- Chiêu này được đó. Anh lại chịu chú rồi!
- Anh Hai à! Chừ tui mới nói. Mấy công ruộng, mấy công rừng, đất hồi môn của cố nội, tui để chị Tư, anh Hai cai quản đó!
- Chú nói gì lạ chưa. Anh không hiểu?
- Chị Tư à! Chị Tư! - Út Hoà gọi Tư Hiền tới, cầm tay đặt vào tay Hai Thành, cười sặc mùi rượu. Má Hiền đỏ lựng. Hiền rút tay chạy xuống bếp vấp ngã hoài. Mắt má Năm lờ mờ bắt gặp ba đứa, má chửi:
- Tổ cha tụi bay! - Mắt má cười, khoé mắt nhăn tít.
- Thống nhất rồi, chú phải về coi má mới đúng! - Thành nhớ về quê Bắc.
- Không đâu! Ngày đó tui đi học đã! - Hai anh em nhìn nhau gật đầu.
Thành giục hai đội ra sân. Hai anh em, hai cây công của mỗi đội.
Công Thành kể
Đỗ Anh Mỹ ghi
15-05-2024
15-05-2024
15-05-2024
15-05-2024