Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Minh họa của Quảng Tâm
Vậy là sau biết bao gian nan trắc trở con đường xuyên rừng, qua suối, bám núi cao vực sâu đã tới được Sín Chải.
Sín Chải có nghĩa là bản mới, cách đây hơn trăm năm, gần một trăm con người Hà Nhì, dắt díu nhau đi tìm đất ở và những con người khốn khổ ấy đã quyết định lấy thung lũng này làm cội rễ, sinh sôi. Lâu nay, người Sín Chải tự vây hãm trong sự đủ đầy khép kín, hồn nhiên chấp nhận, hồn nhiên bằng lòng với những gì mình có. Nhưng đó là ngày xưa, ngày mà tự làm, tự ăn, tự sống, tự chết trùm lên, chi phối khắp vùng rừng thì con người tự chấp nhận, tự thỏa mãn. Song đến lúc bước chân, tầm mắt của người Sín Chải vượt khỏi vòng vây núi non, đến với những người bên kia sườn núi thì tự nhiên con người thấy bức bối, khó chịu. Họ đã vỡ ra những điều mà trước đây cố để cho công việc, thời gian làm cho khuất lấp. Trước họ, trong vòng vây của núi non, hạt gạo, hạt ngô, nấm hương, mộc nhĩ, của nhà của rừng, từ Sín Chải muốn trèo qua đỉnh đèo ra đường lớn đã tự đổ mồ hôi hột. Trước họ, dài rộng bên kia dãy núi muốn leo theo sợi dây thừng vào Sín Chải cũng tự chùn chân. Rất may ở cái nơi núi đá đuổi nhau này, dường như ông Giời cố tình đày ải, thử thách con người, cây cỏ con người đã gắng làm những gì có thể để Sín Chải gần cộng đồng bên kia dãy núi, với huyện, với tỉnh. Gần hai chục năm trước, huyện đã quyết tâm mở con đường đi qua Bản Láu - Bản San - Nậm Mả, cái đích cuối cùng là Sín Chải. Lúc ấy cả huyện thành một công trường sôi sục. Người từ vùng cao đổ xuống, người từ vùng thấp ngược lên, nhưng máy móc không có, toàn làm đường bằng tay. Núi thì cao, vực thì sâu, sức lực của con người có hạn, sau hai vụ ra quân, con đường mới chạm đến chân rừng già Nậm Mả phải khựng lại trước sự khát khao, nuối tiếc của cả vùng. Lần này khác, quyết tâm cao hơn, tiền bạc được cấp rủng rỉnh hơn, máy móc thay sức người nhiều hơn nên con đường đã bò được đến đỉnh đèo Gió, nhìn được xuống Sín Chải. Để đánh dấu sự kiện trọng đại này xã nhận được thông báo đích thân một lãnh đạo tỉnh đi xe ô tô con lên thăm Sín Chải. Bởi vậy, xã mới dành thời gian chuẩn bị đón tiếp. Hầu hết dân bản mới háo hức, khao khát, phần mong chờ được nhìn thấy dung nhan lãnh đạo tỉnh, phần được nhìn thấy chiếc ô tô con đầu tiên đậu trên đầu bản.
*
* *
Trên đỉnh đèo Gió, nơi đông nghịt những người dân Hà Nhì chờ đón ô tô của Chủ tịch huyện. Cuộc hội tụ tự phát này vui đáo để. Phụ nữ, gương mặt sương nâu, đầu vấn, tóc tết, áo đen, quần chẹt, cổ sáng hạt cườm; đàn ông quần áo vải nhuộm chàm đen; trẻ em quần áo chàm mới cứng, tất cả cùng ngời ngời sắc mặt.
Thấy mặt trời đã đứng bóng, đám phụ nữ, trẻ con háo hức giở gói lá, trong đó có cơm nắm, thức ăn. Họ bẻ cơm, lấy thức ăn ăn ngon lành. Đám đàn ông gộp nhau lại, trải lá, bày ra cơm, thịt, lấy ống vầu rượu ra cùng uống, trò chuyện nở như pháo rang.
Chợt một người chỉ xuống con đường mòn cheo leo, khúc khuỷu bò từ dưới bản lên, dưới đó năm sáu thanh niên thay nhau khiêng một cái cáng ngược dốc, ai đó ồ lên ngạc nhiên, thích thú:
- Đúng là cụ Tả rồi! Cụ Tả bắt con cháu khiêng cáng lên đường xem ô tô rồi!...
Mọi người phấn khởi vỗ tay, như cả bản đón trận mưa đầu mùa sau những ngày khô khát vậy.
Đã nghe thấy tiếng ô tô rì rì rất xa. Mọi người dừng ăn uống, trò chuyện để nghe ngóng. Cuối cùng thì chiếc xe u oát lấm lem bùn đất lúc ẩn, lúc hiện trên những khúc cua ngoằn nghoèo.
Xe đã lên tới đỉnh dốc, mọi người ùa ra chắn hết cả khúc đường. Anh tài xế cùng một chàng trai, một cô gái xuống xe, hồ hởi chào mọi người, ai nấy ớ ra, rồi nhao nhao lên:
- Thằng Tự, có phải thằng Tráng Gia Tự, con ông Tráng A Khờ không đấy?
- Lại cả thằng Tráng Khờ Xá nữa.
- Có phải thằng Xá đi đưa con Sé về không?
Một người tỏ vẻ phân vân:
- Nhưng hôm nay xe chở cán bộ huyện lên cơ mà?
Nghe vậy anh tài tên Tự trèo lên đống đá bên đường, cười vui vẻ:
- Thưa các cụ, các ông, các bà, đúng xe chở Chủ tịch huyện hôm nay sẽ lên, nhưng thấy con đường thông đến xã mình cháu đi trộm trước đấy ạ.
Mọi người lại ồ lên:
- Thế thì cháu đi học lái cái ô tô cũng được việc đấy nhỉ?...
- Cho chúng tao xem lâu lâu một tí nhé.
Đám khiêng cáng cụ Tả đã lên tới mặt đường, họ đi như chạy tới chỗ đám đông, mọi người giãn ra cho họ vào.
Cáng hạ, một cụ già chui ra khỏi cái chăn che cáng, lẩy bẩy bám vào thằng cháu đứng dậy, chào mọi người, rồi chống gậy đến bên cái xe sờ sờ, nắn nắn, nét mặt mãn nguyện.
Mọi người hoan hô vang rồi ùa lại quây quanh cái xe, kẻ vuốt ve, người bóp còi inh ỏi. Lúc sau, chừng như thỏa mãn một người nói to:
- Thế là cầu được ước thấy rồi, về mổ gà ăn mừng đi các ông các bà ơi!
Anh tài tên Tự vội xua xua tay, kêu lên:
- Không được, không được đâu các cụ ơi, lúc nữa xe huyện lên…
Một người cười lớn:
- Thấy cái xe của cháu mày là thấy voi ra khỏi rừng rồi, không cần xe huyện nữa đâu.
- Nhưng…
- Không nhưng gì cả, cháu mày về nhà uống rượu đi, vui thế này còn chờ gì nữa.
Nói rồi mọi người hồ hởi tản ra, xuống dốc, lúc sau chỉ thấy họ từng tốp, từng tốp trên sườn núi, để lại trên mặt đường chiếc xe đầy bóng bay, cùng anh tài xế đứng giơ hai tay kêu trời.
*
* *
Hồ hởi theo mọi người xuống dốc được một đoạn thì Sé kéo Xá dừng lại, cô muốn tận hưởng cảm giác của đứa con xa lâu lắm mới trở về nơi chôn nhau cắt rốn.
Sé là con gái người Hà Nhì Sín Chải, năm cô lên mười tuổi một trận nổi giận của giời, đất, thần rừng, thần núi đã đưa hai mươi mốt người trong bản trong đó có cha mẹ cô ra sông Cái. Sau khi nén đau thương làm xong thủ tục với người chết, thấy khó nuôi nổi đứa bé không còn nhà cửa, mẹ cha, họ hàng thân thích, ông Trưởng bản dắt Sé ra nhờ Chủ tịch huyện nuôi hộ. Thương đứa bé, mềm lòng trước cảnh quỳ lạy và những giọt nước mắt của ông Trưởng bản, ông Chủ tịch huyện mời ông Trưởng phòng Giáo dục đến bàn giao, bảo đưa về học ở Trường Nội trú huyện. Cuộc đời của Sé thay đổi từ đó. Mô hình học Nội trú là ưu đãi tuyệt vời của Nhà nước với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là những đứa trẻ có hoàn cảnh khốn cùng như Sé. Trong suốt những năm học ở Trường Nội trú huyện, tiếp theo là Trường Thanh niên dân tộc huyện Sé cùng các bạn được Nhà nước nuôi ăn, ở, học hành, tham gia các hoạt động của trường. Không chỉ có thế Sé còn được cùng học, cùng lớn lên một trường với hai người bạn lớn tuổi cùng bản là Giờ và Xá, nhất là Xá, người mà cô phải chịu ơn khi bố mẹ cô gặp hoạn nạn. Giờ, Xá học hơn Sé hai lớp, giờ học hết lớp mười hai phải nghỉ học về chăm sóc mẹ ốm, còn Xá cũng xong lớp mười hai thì bị bố mẹ bắt nghỉ học về chăm sóc nương thảo quả lớn nhất vùng.
Từ ngày ra huyện học Sé ít có dịp trở lại quê nhà, phần vì ở đó không còn ai thân thiết, phần vì ngoài thời gian học hành cô phải tham gia giúp việc cho một nhà hàng để kiếm sống, dù xa xôi cách trở song với cô Sín Chải vẫn luôn luôn nguyên sơ, khởi thủy. Nguyên sơ từ ông mặt trời, lúc chổng cái lược vàng lên trời, đến lúc ông nặng nhọc lăn xuống núi, đều tãi xuống mặt đất thứ nắng vàng hoe như mật rót. Khởi thủy từ những cơn gió trườn qua được hõm núi là ào ạt rót xuống lòng thung, như đổ thóc vào bồ. Những đám mây đã thoát khỏi sự ràng buộc của bầu trời là thi nhau ném ràn rạt xuống mặt đất như vãi sỏi. Đất đai toàn một loại đỏ như son, nắng thì khô rang, mưa thì như trộn mỡ, cỏ cây bám được vào là xanh tươi mỡ màng. Giời đất nguyên sơ, dung dưỡng khiến cho vạn vật cũng nguyên sơ như giời đất, chó không biết cắn người, trâu ngựa lông da láng bóng, mặt mũi phởn phơ bốn mùa đực cái, người bên trong sự thô ráp là hân hoan, thỏa mãn.
Và lần này…
Sé biết ơn Xá, cách đây mấy tháng, vào trước mùa thi Xá dẫn bố vào trường Phổ thông dân tộc huyện gặp Sé. Trong lúc Xá còn đang lúng túng như gà chân quấn sợi lanh thì bố Xá thẳng thắn bảo:
- Con về làm dâu nhà ta đi. Nhà ta có ba nương thảo quả, đủ nuôi sống cả chục người đấy.
Sé ớ người chưa kịp nói gì, thì ông đã nói như đóng đinh vào cột:
- Nghe ta đi, con gái Hà Nhì phải lo nhà cửa nương ruộng thôi, chữ nghĩa khó nuôi được mồm lắm.
Lời nói uy quyền, áp đặt đã làm cho cục ức trong Sé dâng lên tận cổ, song nghĩ đến chuyện từng phải chịu ơn gia đình Xá, chuyện Xá giúp đỡ, san sẻ với mình suốt những năm dài đằng đẵng, cố gắng kiềm chế bản thân, cất giọng:
- Cháu cảm ơn bác đã thương, song cháu chưa nghĩ tới việc lấy chồng ạ.
Bố Xá thở dài:
- Tùy cháu thôi, bác và thằng Xá thật lòng đấy!
Sé vẫn nhỏ nhẹ:
- Dạ, từ lâu cháu đã coi hai bác như bố mẹ cháu, song cháu đang học dở dang nên không dám phiền đến hai bác, đến anh Xá.
Bố Xá lại thở dài, bảo:
- Vậy thì tùy cháu thôi, nhưng cháu hãy nhớ, cửa nhà bác luôn mở chờ cháu.
Khi tiễn Xá và bố ra về, lòng Sé bâng khuâng, xáo trộn. Sé nhớ bố mẹ, ngày ông Trưởng bản dắt ra huyện học, Sé được ông đưa đi thăm mộ bố mẹ, ông Trưởng bản bảo Sé quỳ trước hai ngôi mộ đá rồi thắp hương khấn vái, những lời cầu khấn, ước mong Sé được phù hộ độ trì, muốn no được no, muốn ấm được ấm, muốn học chữ được học chữ của ông đã đóng đinh vào đầu cô.
Sé nhớ lại, cảnh bác trước cháu sau lùi lũi trên con đường mòn leo lên đỉnh dốc, sau hai người là núi rừng, thung lũng, bản làng chìm trong sương sớm.
Sé nhớ ngày bỡ ngỡ bước vào cổng trường nội trú huyện, cô giáo cùng các bạn ùa ra đón Sé, đưa Sé về phòng.
Sé nhớ chiều hôm nhập trường, cô đang buồn tủi, lạc lõng, e ngại thì Xá và Giờ tới trò chuyện, hai người không mang được không khí, nương ruộng, rừng núi, con người Sín Chải đến cho Sé nhưng những lời hỏi han, những câu chuyện về Sín Chải, từ Sín Chải, giống như cầu nối, như ngọn lửa ấm lòng cho cô bớt bơ vơ, lạc lõng, làm vơi đi nỗi nhớ bố mẹ, nhớ Sín Chải.
Sé nhớ đến mấy hôm đầu nhập trường, thấy ai cũng guốc, cũng dép, Sé nhìn xuống đôi chân lem luốc của mình mà ngại ngùng, xấu hổ. Tối đến, trước khi ngủ Sé ra vòi nước rửa chân qua loa, rồi rón rén đi bằng gót chân về, vùi mình ngay vào trong chăn. Cô giáo đi kiểm tra học sinh bằng đếm dép, rồi đếm người, thấy thiếu một đôi dép, cô hỏi: “Em nào chưa có dép đấy?”, cô vội vùng dậy, tụt vội xuống, thưa: “Dạ thưa cô, em ạ!”, cô giáo xoa đầu cô: “Là học sinh ở tập thể, nằm chung cả dãy phản thế này, không thể không có dép đâu em ạ”, Sé lí nhí vâng dạ. Chuyện không có dép của Sé thế nào mà Xá cũng biết, trưa hôm sau, chờ cho các bạn ngủ say, Xá cầm dao ra rừng, ngả một cây non xuống hì hụi đẽo gọt, sau bao công sức, tỉ mỉ hai cái guốc cũng thành hình. Xá cắt dây đeo bao dao làm quai, lấy đinh con đóng vào, rồi mang tặng Sé, cô cảm động, cảm ơn, vui sướng khi đôi guốc thô kệch của mình được đặt bên giày dép của các bạn. Hương thảo quả Sín Chải từ bàn tay của Xá ăn vào đôi guốc phảng phất, níu bám Sé cả vào bữa ăn lẫn đêm ngủ sau đó.
Sé nhớ!...
Sé nhớ!...
Biết bao những kỷ niệm, những cái nhớ nằm lòng, hơn mười năm học chung trường, ăn chung nhà bếp, chung khát vọng vươn lên, chung nỗi nhớ Sín Chải. Biết bao những khó khăn thử thách, những thuận lợi mở đường, dẫu chưa từng ngỏ lời ngỏ ý với nhau song Sé luôn cảm thấy cần Xá, muốn nương tựa vào Xá. Sé đưa tay ôm lấy khuôn mặt còn nguyên sự vô tư trong trắng của mình, nhắm mắt lại, những lời nói thẳng thắn, uy quyền, nửa bắt phải phục tùng, nửa cho cô cơ hội từ chối của bố Xá đã dẫn cô đến ngã ba đường, cô phân vân, do dự, không biết nên đi đường nào nữa.
Thế rồi kỳ thi Đại học, Sé làm bài quá kém, khả năng đỗ đạt dưới mười phần trăm.
Thế rồi Xá ra huyện thăm Sé, rủ cô về quê dự Lễ hội Khu chà gà, một lễ hội cầu mùa quan trọng nhất trong năm của người Hà Nhì bản Sín Chải.
Đang trong lúc bơ vơ, thất vọng, chưa biết sẽ làm gì nuôi sống mình để tiếp tục theo học để sang năm thi lại, nên Sé nhận lời theo Xá về bản. Hơn thế nữa, nước suối chảy mãi cũng mệt mỏi, muốn đọng lại, muốn nhập dòng rồi; mây bay mãi cũng chán, muốn dừng lại, muốn quấn quanh ngọn núi, ngọn cây rồi. Và bây giờ, trước cô là trời xanh mênh mông, là núi rừng hùng vĩ, là bản Sín Chải đang ngủ yên lành trong nắng.
Ôi Sín Chải, vết thương đau đớn nhói buốt suốt cả cuộc đời ta.
Ôi Sín Chải trong ta nguyên sơ, ngọt lành, như trời, như đất, nghĩ về Người là nghĩ đến mỗi ngày sau ta thương nhau hơn ngày trước.
Ôi bản của tôi lớn dần từ sinh sôi, từ trừ đi cộng lại, chia nhau cánh rừng, uống chung nguồn nước, dựng nhà - tay nâng tay đỡ, giữ bản - chung nhau vót tên, nhà nhà nương vào lý lối, bao năm giời sinh rừng dưỡng, một người ốm mười người đưa thuốc, một người theo tổ tiên đỏ mắt cả vùng…
Yêu đến thế núi muôn đời kiêu hãnh, suối muôn đời mơ mộng sóng biển dâng, đầu hồi nhà những cuốc cày vẹt lưỡi, đêm ngày mơ lật đất cấy trồng.
Yêu đến thế hỡi ngọn bền gốc vững, rừng, suối, ruộng, nương cho đời tiếp đời, người giữ rừng hát bài ca nuôi nước, người giữ nhà nuôi bài ca bình yên…
Ôi bản của tôi!..., Sín Chải của tôi…, có ai yêu Người như tôi không?...
Đ.H.N
15-05-2024
15-05-2024
15-05-2024
15-05-2024