Truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền
Minh họa của Quảng Tâm
Nắng lặng trên triền đá xám ngắt, nơi chẳng có nổi một cái cây nào mọc lên, đôi chỗ hắt ánh sáng bạc như vôi xuống thung lũng Lủng Cài. Ông Luyện ngồi ngoài hiên, đánh trần đan gùi mà mồ hôi túa ra nhẫy mái tóc bạc. Bốn đứa cháu lem nhem tranh nhau ca nước đường, chí chóe dưới gốc cây đào. Lâu rồi, mưa đi trốn biệt tăm, có lẽ từ Tết tận giờ, ông không nhớ nữa. Mọi năm, mưa thuận, cây đào xanh lá thì quả sai trĩu cành nhưng giờ cành lá cứ đứng tênh hênh, gió chẳng buồn đưa. Nương ngô còi cọc, cây lùn hơn bờ rào đá. Bé Sự không tranh được với anh chị, mếu máo chạy về mách ông, lấy khăn mặt dấp nước lau sạch mũi dãi cho nó, ông Luyện vào nhà tìm được gói mì tôm Hảo Hảo. Bé Sự nhoẻn miệng cười đón lấy, mi hãy còn ướt nhẹp. Thằng bố nó - thằng Sâm, mới hai mươi tuổi đầu, đem vợ theo chân nhà môi giới việc làm xuống Quảng Ninh đào than. Nó được xuống lò còn vợ thì theo cánh đàn bà tứ xứ đi mót xỉ, vài tháng mới bắt chuyến xe khách vượt hơn bốn trăm cây số về, giúi ông ít tiền, lon bia Hạ Long, vài con cá khô, ôm đứa con một tối rồi lại dắt díu nhau đi. Anh nó - thằng Cát, vợ bỏ theo ông chủ buôn gỗ lậu, bỏ lại ba đứa con nheo nhóc. Cay cú cùng cuộc sống thiếu thốn nên nó sang Lũng Kim làm vàng. Lần nào về, nó cũng bảo:
- Chúng ta như loài ong, rút vòi đứt ruột đời này. Bố cuốc nông chỉ được củ mài, củ sắn. Con cuốc sâu mới có nhiều tiền. Ai nói tiền không quan trọng nhưng thử hỏi, thiếu tiền tiêu có khổ không?
- Ừ. Khổ, đời ông đã nghèo còn khổ. Cả vùng này, đồi núi bị đào đất lên đỏ ối, những lỗ may rủi giống tổ ong dày đặc ngày càng nhiều. Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện đã nhiều lần ra quân truy quét, đốt phá lều lán, thu giữ máy móc… tuy nhiên, đâu đó xung quanh những khu vực được cấp phép cho các doanh nghiệp tư nhân khai thác quặng vàng vẫn xuất hiện tình trạng người dân quanh bản tận thu vàng sa khoáng. Từ gốc cây đào đằng kia đến đầu hồi nhà ông trước đây đều là ruộng hết, giờ bùn thải lấp trọn rồi, không có việc gì làm thì mót vàng. Lúa không sống được, thằng Cát đi lăn lóc ở suối, ngày vài trăm, ngày về không, ông cản thế nào cũng không được. Mà nhắc đến làm vàng, ông Luyện chưa bao giờ quên những ngày mùa hè cách đây hai mươi ba năm ở Khuổi Rỳ.
* * *
- Đào thêm nữa, một viên đá có kẹp quặng vàng lấp lánh thế này đâu thể lười mà có được. Mang tiếng sống trên mỏ vàng mà chết đói thì chỉ ăn sái thiên hạ mà thôi.
Lão Tám gầy ngẳng ngồi vắt chân trên cây cầu tre tạm bắc ngang con suối bảo cánh phu vàng như thế. Lão là tay chân của bưởng Long “vện”. Nghe những người đi trước truyền tai nhau, trừ cô gái hay mặc váy đỏ đi kè kè bên bưởng Long ra, lão Tám đều được hưởng mọi thứ ăn chơi hưởng lạc đến lợi lộc đào được ở chốn rừng thiêng nước độc này.
- Tao nói mày đó Luyện. Đừng có nhìn chằm chằm vào bộ váy đỏ đằng xa kia nữa. Tao không mách ông chủ đâu nhưng là thằng đàn ông, ăn ở sao cho biết điều. Cuối tháng đi bán vàng, tao cho mày theo cháy phố.
Cả bọn cười hô hố làm Luyện mặt đỏ gay. Khuổi Rỳ có nước suối mà nóng hơn Lủng Cài. Từ ngày vào đây kiếm vận may, chưa đêm nào Luyện ngủ ngon giấc. Trăng rơi dưới suối bầm như máu, chạm vào ớn lạnh hơn những miệng hang sâu hoắm hay dòng thủy ngân không màu còn trộn trong bùn sái kia đang ăn mòn vào làn da thớ thịt mà anh cảm thấy mình cạn kiệt sức lực sau một ngày đục quặng, xay đá. Nhà bảy miệng ăn, quanh năm chẳng có nổi hột thóc bỏ gùi, Luyện chỉ mong đi một vài lần, giắt lưng một chút vốn, rời Lủng Cài mua mảnh đất thấp hơn để dựng nhà, tậu thêm đám ruộng cày cấy, lấy vợ thế là êm.
Tiếng ngáy của ông Kỳ già làm Luyện tỉnh giấc. Đi ra đầu suối vệ sinh, anh nghe tiếng khóc tỉ ti thoảng đến theo tán lá xạc xào. Ma quỷ dẫn lối, sau gốc cây mục, có người đàn bà gục lên gò đất cũ. Giữa rừng sâu, thỉnh thoảng người đi rừng hoặc phu vàng ngang qua ghé lại thắp cây hương ở những gò như thế. Đó là cách vọng người đã được mồ yên mả đẹp. Nhưng, những cái chết của kẻ phu vàng, không phải ai cũng may mắn được người thân tìm thấy. Cô ta kể với nấm đất:
- Em chẳng còn gì để mất cả. Anh đã đem theo tình yêu và con của chúng ta sang thế giới bên kia. Giấy mua bán chúng mình, lão Long đã đốt khi em quay trở lại nơi này. Nhưng em hận con Quỳnh, có lần vào bãi vàng, nó mang theo khoảng mười quân giao cho lão Long, lấy hai mươi triệu ngon ơ. Rồi, đời nó cũng sẽ chẳng kịp dùng đến tiền đâu anh.
Luyện mải lắng nghe đến khi bất giác đưa tay đánh con muỗi no mòng trên gò má. Người đàn bà lập tức quay lại, nhanh như cắt, gí con dao vào cổ làm anh mềm nhũn chân tay, khuỵu xuống đất:
- Mày là ai? Đã nghe được những gì?
Luyện lắp bắp:
- Em… van chị. Chị… tha mạng. Em không ngủ được, nghe tiếng khóc tưởng ai… đi lạc. Em… không biết gì cả, không biết chị.
Con dao vẫn chực xoáy sâu vào yết hầu:
- Nhà mày ở đâu? Làm sao tao tin nổi mày?
Luyện mếu máo:
- Em ở Lủng Cài, làm thuê cho anh Tám. Em chỉ biết ông Kỳ già… và anh Tám thôi, chị tha mạng cho em.
Người đàn bà cười nhạt:
- À, quân của lão Tám, kẻ liếm chân chủ như một con chó, nhưng bụng thì cáo lắm. Mày hút chưa?
- Hút… hút gì ạ?
- Mày ngu thật hay đần bẩm sinh thế?
- Em… ngu đần.
- Vậy, lão Tám cho mày đi phố chưa?
- Anh ấy hứa cuối tháng cho theo, nhưng không được nhìn cô váy đỏ của ông chủ.
Người đàn bà cười sảng khoái và thổi vào lưỡi dao rồi căng mắt nhìn khắp mặt Luyện một lượt, ghé tai thầm thì:
- Thật thế, dễ chết đấy. Nhưng chị bảo này, cưng, về đi nếu không muốn mất xác trong hầm sâu. Tấm chiếu mới quá, tội nghiệp! Lão Tám sẽ cho chú em “vào đời” nếu ra phố, đường đó càng chết. Chết từ từ, chết như chị đây. Mày có tin chị không? Đấy, gật đầu thế mới ngoan. Mạng của mày tối nay là chị cứu nhé! Đây là mộ của chồng chị, trước khi mất cách đây ba năm, anh ấy làm ăn rất được. Thế mà khi chết lại không có tiền chôn, còn để lại một đống nợ. Lúc anh ấy còn sống, có hôm ghi nợ đủ trăm triệu đồng thì trả một lần. Sẵn tiền, sẵn vàng trong tay, chưa kịp bài bạc, hút xách, gái gú… thì đã qua đời. Tất cả chỉ vì cái giấy bán thân cho bọn cò mồi. Lão Tám chứ ai? Lão chưa xơi sống được tao thì dâng cho lão Long. Khốn kiếp! Sau này, mày nhớ ơn chị, thì ghé đây thắp cho anh nén hương, là được rồi.
Luyện lẩy bẩy mò về đến lán thì đụng phải ông Kỳ già. Ông bảo cái lưng của mình nhức thế thể nào mai cũng mưa to. Ông hỏi anh sao đêm hôm còn lần mò gì mà mặt mày tái mét như gặp ma. Luyện nói bị đau bụng. Ông bảo, phu vàng chết chôn dọc thung lũng này nhiều vô kể. Người chết vì chém giết nhau khi thấy mạch vàng, người bị đá tảng rơi trúng đầu; bị sạt lở vùi lấp; sốc ma túy. Khi có người chết, để bịt thông tin, các chủ bãi đều nhanh chóng di chuyển bằng xe bán tải. Họ đem về quê rồi thương lượng với người nhà, có người không ai hương khói, bia mộ gì hết. Ngoài trung tâm xã, gọi là phố cho oách thôi, phía sau chợ có dãy lán tạm là nơi các cô gái bán thân nằm chờ. Họ ít nhiều đều mang bệnh. Ở xứ sở nhỏ bé, chỉ cần một cỗ quan tài mua chuyển vào rừng là nhiều người đoán biết cánh phu vàng vừa xảy ra chuyện. Người ta tặc lưỡi thương phận bạc bẽo rồi mọi chuyện cũng chóng qua, vì đã trở nên quen thuộc.
Hôm sau, trời nắng gay gắt. Luyện vừa buồn ngủ vừa gặp tảng đá lớn phải phá nhọc công từ sáng tới trưa mới vỡ non nửa. Cả đội ngồi giải lao chưa ấm chỗ đã thấy lão Tám đi theo cô váy đỏ đến đầu lán. Lão hất hàm nói:
- Lười quá, trời có sập xuống đâu mà các anh làm tí đã nghỉ. Tôi có lòng thương người thì các anh nhờn. Ít nữa, ông chủ về, ai còn ngồi sẽ bị bán sang bưởng bên, quân sai nó đánh cho tuốt xác.
Người đàn bà mặc váy đỏ xinh xắn lườm lão Tám rồi dừng lại ở Luyện, tủm tỉm hồi lâu trước khi cả hai lên ô tô tải rời đi. Ông Kỳ lầm bầm:
- Làm để sống hay làm để chết? Lũ chó má. Tao mà cai được thuốc, chúng mày ăn đủ.
Luyện bây giờ mới biết vì sao ông đã già mà khỏe thế, hóa ra là ông nghiện thuốc, nghiện nặng là đằng khác. Kim tiêm cắm chi chít trên thân cây chuối rừng. Ông nhiều lần xách gói quần áo đến lưng chừng đèo, tính về quê nhưng cơn đói ghê gớm đó lại lôi ông về lán, làm thục mạng đổi vàng lấy sấp tiền, chưa cho vào túi đã xỉa ra đổi với bưởng Long “vện” ít thuốc rồi cun cun vác búa đinh vào hầm. Nhiều lần, tiền của Luyện tự nhiên biến mất cũng chẳng biết kêu ai, dù anh đã vo tròn, cắt vải, nhét vào cạp quần. Ông Kỳ bảo con ả mặc váy đỏ thể nào tối nay cũng ngủ với lão Tám. Nhìn mặt nó hơn hớn thì biết, xong lão Tám thì sẽ đến lượt Luyện. Nó cho anh biết mùi đàn bà ở chốn mật đắng này. Đôi mắt của ả, lão thừa biết, nhất là khi nãy ả nhìn anh.
Nhừ cả tấm thân, vừa tắm xong, tóc hãy còn ướt, Luyện đã chui vào lán nằm. Lão Kỳ uống rượu say về gây sự với mấy anh em trong đội. Kẻ chửi, người can, náo loạn cả vùng cho đến khi nhận được cuộc gọi của lão Tám mới ngừng bặt. Có ai đó độc miệng nói lão Kỳ giở chứng chết chứ bấy lâu nay luôn đứng ra phân xử chuyện vặt cho anh em. Kẻ bảo, lão mà không nghiện thì xứng hơn lão Tám. Luyện thấy bức bối vì bị phá giấc lại thêm nằm dưới bạt oi bức, mùi mồ hôi ngột ngạt bèn khoác áo, xách đèn lần theo con dốc lên sườn đồi.
Vạt cỏ lặng gió, lờ nhờ bóng trăng lẩn hiện trong mây. Đằng xa, dãy núi đâm lên trời nhọn hoắt, buồn thiu như lòng người xa xứ nhưng đẹp một cách lạ kỳ. Mới có vài tháng mà quanh Luyện xảy ra biết bao nhiêu chuyện. Có lần, sau khi cả nhóm phu vàng làm kíp thì đến bữa cơm trưa. Mọi người vác cuốc ra về thì một hòn đá rơi xuống mớ kíp, kích nổ gói thuốc nổ nặng gần chục cân rền vang cả góc rừng. Hầm vàng cạnh đó tan hoang, nhưng may mắn không có người chết. Nghĩ lại thôi, anh đã rợn cả tóc gáy. Luyện chìm vào giấc ngủ không biết muỗi đốt, kiến bò cho đến khi gió lạnh nổi lên mỗi lúc một mạnh, bốn phía chớp giật sấm rền, anh mới vội vã chồm dậy để chạy xuống thung lũng nhưng không kịp nữa. Mưa trút xuống trắng trời, lối đi chìm trong mù mịt. Tiếng sét nổ inh tai ở rất gần làm Luyện giật nảy người, đánh rơi chiếc đèn pin vào bụi rậm. Anh ngồi thụp xuống trong mưa quờ quạng tìm mãi không thấy. Dưới ánh chớp, một ngôi mộ cổ có vòm hiện ra, anh liền lần tới đó, chắp tay vái lấy vái để mong cố nhân mở lòng thương rồi cuộn mình nằm nép tránh mưa.
Khi con chim bìm bịp kêu bên triền đồi, Luyện mới sực tỉnh. Mưa đã tạnh từ bao giờ. Mây đen dồn đầy hướng núi. Anh vội vàng chạy xuống thung lũng. Cây cối gãy rạp dọc lối mòn. Lão Tám mà bẩm với bưởng Long “vện” mình đi chơi qua đêm thì mình nhừ đòn. Nhưng Luyện khựng lại, không tin vào mắt mình. Cảnh tượng thật kinh hoàng! Chỗ lán trại, một mảng đất khổng lồ từ trên sườn dốc lở xuống lấp hết tất cả mọi thứ. Con suối biến thành dòng nước đỏ lòm ồng ộc đổ về xuôi. Ngay cả chiếc máy xúc vàng cũ nát hàng ngày cũng biến mất không còn dấu vết.
* * *
Tất cả hơn chục phu vàng đều bị vùi chết trong một đêm không ai tìm thấy xác. Riêng Luyện tay trắng về Lủng Cài lấy vợ, nuôi con. Nhưng mỗi lần vợ ông gùi rau xuống chợ, ông lại nổi cơn ghen. Người đàn bà mặc váy đỏ khóc thương chồng như thế mà còn ngủ với lão Long “vện”, lão Tám,… nghĩ nhiều nên ông mắc bệnh nghi ngờ tất thảy. Những trận đòn vô cớ lúc thằng Cát, thằng Sâm đã ngủ say dồn bà ra bờ vực, ăn lá ngón rồi nhảy xuống. Người ở bản nghĩ bà sống cảnh nghèo quá hóa quẩn. Còn ông nghĩ, bà chống đối lại chồng. Đến một ngày, bưởng Long “vện” thò một chân xuống Lủng Cài, nói nơi đây là thiên đường mới thì ông Luyện trở thành người chạy trốn. Ông vẫn nghe ngóng về lão Tám và người đàn bà mặc váy đỏ kia. Cho đến một ngày, ông được tin lão Tám giải nghệ về quê, mắc bệnh thế kỷ, lấy vợ nhưng nuôi con của người, phát điên rồi chết. Người ta đồn, là cô ả váy đỏ kia đã lây bệnh cho lão, lão Kỳ già, cả đội làm vàng lậu ở Khuổi Rỳ. Người có tiền lấy vàng từ Lủng Cài về quê làm giàu, bỏ lại người Lủng Cài ngồi trên miệng hố vàng nghèo đói. Sau này, bưởng Long “vện” mà chết sẽ có bưởng mới đến thay. Chẳng phải thằng Cát, mấy công ty khai thác khoáng sản không nhận người ở bản, thằng nào đó làm bưởng đãi vàng lậu nhận nó ngay lập tức còn gì.
- Bố ơi, anh Sâm bị thương khi đào lò. Một người chết, anh ấy vào viện cấp cứu rồi.
Cuộc điện thoại của con dâu giáng vào đầu ông Luyện khiến ông choáng váng mặt mày. Lập tức, ông nhớ đến thằng Cát bèn gửi bốn đứa cháu sang nhà hàng xóm cách hai quả đồi để đi gọi nó về, nếu nó không chịu sẽ báo công an xã giải tán chỗ đãi sái vàng. Cuộc đời ông không thể quay vòng trong sợ hãi mãi được.
Điều trị tích cực hơn sáu tháng, thằng Sâm được về nhà. Cái chân tập tễnh của nó không thể làm công nhân than được nữa. Nó rủ thằng Cát mua năm mươi thùng ong mật về nuôi. Vợ nó cũng ở nhà chăn lợn, quây vườn thả gà. Ông Luyện vừa chăn bò vừa phụ trông mấy đứa cháu những lúc chúng không phải đi học. Sau cơn lũ quét, sân nhà ông lở một tảng lớn. Xã đã có chủ trương hỗ trợ bố con ông dọn nhà đến bản mới định cư. Nơi ấy bằng phẳng, xa chỗ làm vàng và tiện đi lại. Ông Luyện ngắm nơi không đường, không điện và không có nước sạch Lủng Cài, nghĩ khi nào chuyển đi sẽ về đánh những gốc đào về nơi ở mới trồng, thấy mình cần theo cánh ong bay đến nơi đọng đầy mật ngọt.
H.T.H
15-05-2024
15-05-2024
15-05-2024
15-05-2024