Ký ức miền văn hóa

Thứ sáu, ngày 10-02-2023, 09:42| 1.176 lượt xem

Bút ký của Xuân Đặng

 

Minh họa của Lương Hiện

 

 

Sau khi tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu kịch, khoa kịch trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam năm 1981 (Nay là trường Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) tôi cầm giấy giới thiệu của trường về địa phương tỉnh Hà Tuyên công tác. Lúc đầu ban tổ chức ty Văn hóa Hà Tuyên định bố trí tôi về tổ kịch đoàn Ca múa kịch tỉnh Hà Tuyên. Nhưng vì đoàn đã có anh Mạnh Hùng là đoàn trưởng kiêm đạo diễn, anh đi học trước tôi một khóa nên tổ chức bố trí cho tôi về phòng văn hóa huyện Yên Sơn  làm công tác phong trào để cho gần nhà vì hoàn cảnh nhà tôi lúc ấy rất neo đơn, gặp nhiều khó khăn, nhà chỉ có một mẹ một con. Về phòng Văn hóa huyện tôi làm đủ các thứ việc, từ viết khẩu hiệu, phóng tranh cổ động, cắt dán băng rôn khẩu hiệu, trang trí các hội nghị lớn nhỏ của huyện và đi xây dựng phong trào văn nghệ cơ sở. Kiêm luôn cả việc sáng tác các tiểu phẩm cho đội thông tin lưu động huyện, cung cấp cho các đội văn nghệ các xã. “Tác phẩm” đầu tiên tôi viết và dàn dựng cho đội thông tin huyện đi thi hội thi thông tin tỉnh Hà Tuyên là tiểu phẩm “Hạt thóc”. Vì hồi ấy đất nước ta vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược thống nhất đất nước và bị Mỹ cấm vận rất nghặt nghèo nên dân ta rất đói khổ, phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn liên miên. Cán bộ nhà nước thì ăn gạo tem phiếu, mỗi khẩu trên dưới mười cân một tháng tùy theo độ tuổi, nhưng phải đi xếp hàng trước các cửa hàng lương thực từ hai, ba giờ sáng bằng phương pháp ngồi chờ hoặc xếp gạch. Mua được ít gạo về thì toàn gạo cháy ố vàng hoặc đen lại ăn chả có chất gì. Tôi viết và dàn dựng tiểu phẩm “Hạt thóc” đem đi hội thi thông tin toàn tỉnh là để động viên, khuyến khích bà con nông dân các HTX nông nghiệp thấy giá trị của hạt thóc, giá trị của sản xuất nông nghiệp trong việc đánh giặc đói, giặc dốt xây dựng đất nước, xây dựng CNXH bằng cách khắc phụ khó khăn làm ra thật nhiều lương thực, thực phẩm cung cấp cho xã hội. Tiểu phẩm đã gây tiếng vang lớn trong hội thi và giành giải nhất trong số hơn mười đội thông tin huyện về tham dự.

Một thời gian sau theo yêu cầu của anh Lê Tự là phó trưởng phòng văn hóa huyện lúc bấy giờ, tôi viết tiểu phẩm “Rừng là vàng” đi biểu diễn tuyên truyền tới các đội lâm nghiệp vùng thượng huyện Yên Sơn gồm các xã Xuân Vân, Trung Trực, Kiến Thiết. Trang thiết bị cho biểu diễn hồi ấy nghèo nàn lắm, một cái tăng âm Nhật  to bằng cái túi xách tay nho nhỏ chạy bằng hai quả pin cối và chỉ cắm được một micro. Ánh sáng thì dùng đèn măng xông đốt bằng dầu hỏa, phải chọn mãi trong đống đèn cũ nát trong kho mới được hai cái tạm dùng được. Biết đường đi vùng sâu vùng xa cực kỳ khó khăn nên chúng tôi dự trù mang theo năm cái mạng đèn dự phòng. Chương trình văn nghệ gồm hai phần, phần đầu là ca nhạc gồm những bài hát ca ngợi rừng, ca ngợi những người công nhân ngày đêm gắn bó với rừng. Phần hai là tiểu phẩm cũng chủ đề về rừng nhưng là phòng chống tệ nạn chặt phá rừng. Phần nhạc đệm đã có anh Đỗ Gấm phụ trách cây đàn Ác coóc và cây gui ta, anh Lê Tự đảm nhiệm cây đàn bầu và đàn thập lục dùng cho tiết mục thơ và tấu nhạc. Sau nửa tháng tập luyện khá căng thẳng, chuẩn bị xong chúng tôi gói ghém đồ đạc chất lên xe đạp thẳng tiến đến đội  lâm trường Xuân Vân. Từ đây chúng tôi được lâm trường bố trí cho đi xe tải chở gỗ đưa lên đội lâm nghiệp Ba Xứ thuộc xã Kiến Thiết, một đội xa nhất của lâm trường Yên Sơn. Khỏi phải nói khi ngồi trên xe tải chở gỗ đi trên con đường lâm nghiệp hàng chục năm không được sửa chữa nó cùng cực đến mức nào. Xe không có thùng, chỉ là những cọc gỗ đóng hai bên thành xe lắc lư như răng ông lão, xe đi như rùa bò, hết vặn bên nọ lại vẹo bên kia cứ kêu răng rắc. Đến nơi người nào người nấy phờ phạc, hốc hác như vừa trảỉ qua một cuộc binh đao khốc liệt từ cõi chết trở về. Do có sự thông báo trước của ban lãnh đạo lâm trường và sự chuẩn bị của đội lâm nghiệp Ba Xứ nên khi chúng tôi đến được sự đón tiếp rất nồng hậu, tay bắt mặt mừng như người thân vừa đi xa lâu ngày giờ gặp lại. Sân khấu đã được đắp trước, chúng tôi chỉ việc căng phông hậu lên là xong. Việc hậu cần thì khỏi bàn, đội huy động mỗi hộ công nhân cử một người đến lo việc đón tiếp và bữa ăn đón “Đoàn”. Người ta thịt hẳn một con lợn 50 cân và hàng chục con gà làm bữa. Ăn xong bữa trưa chúng tôi nghỉ trưa ngay tại văn phòng đội trên những chiếc ghế băng được ghép lại thành giường. Đến bốn giờ chiều chúng tôi lục tục dậy để chuẩn bị cho buổi biểu diễn tối. Đàn vẫn kêu, đèn vẫn tốt, tăng âm vẫn chạy, giọng vẫn trong, chúng tôi yên trí đi tắm giặt rồi chuẩn bị vào bữa tiệc tối. Khoảng sáu giờ chiều đã thấy bà con các dân tộc ở các bản làng xung quanh lác đác kéo đến quanh khu vực sân khấu, trên tay mỗi người đều có một cây đuốc bằng nứa khô đập dập bó lại to bằng cây tre gộc, dài chừng hai mét. Các hộ công nhân trong đội chiều nay cũng được nghỉ việc ở nhà ăn cơm sớm để tối đi xem văn nghệ. Xẩm tối chúng tôi lên đèn, hóa trang, chuẩn bị đạo cụ cho buổi biểu diễn. Càng về đêm khán giả kéo đến càng đông, chật hết cả sân bãi, bà con nghe hát, xem diễn kịch cứ há hốc mồm như nuốt lấy từng lời. Buổi diễn diễn ra rất xuôi xẻ, có thể gọi là thành công mỹ mãn. Buổi diễn đã kết thúc từ lâu mà nhiều bà con, nhất là trẻ em và một số thanh niên cứ nán lại xem chúng tôi tẩy trang, thay trang phục. Mấy diễn viên nữ trẻ không tìm được chỗ thay quần áo, đi một bước người ta theo một bước cứ làm như các cô diễn viên là người mới từ hành tinh khác đến. Chúng tôi phải lấy phông hậu quây lại làm buồng kín cho các cô thay quần áo. Sáng hôm sau lại một bữa chia tay thân mật gồm có ban lãnh đạo đội, các trưởng ban, đoàn thể trong đội đều có mặt. Đội trưởng đứng lên nói:

- Tôi thay mặt toàn thể công nhân và bà con các dân tộc vùng Ba Xứ cám ơn đội văn nghệ huyện đã đem đến cho chúng tôi một đêm văn nghệ thật tuyệt vời. Phải nói là từ ngày thành lập lâm trường đến nay bà con chúng tôi mới được xem văn nghệ hay đến thế. Tiểu phẩm đã nói hộ chúng tôi những điều muốn nói.

Tạm biệt Ba Xứ chúng tôi về đội trung tâm xã Kiến Thiết. Mọi việc vẫn diễn ra như ở trên Ba Xứ, có điều chúng tôi không tìm đâu ta một bãi bằng khả quan để tác nghiệp, bàn đi tính lại mãi chúng tôi quyết định làm sân khấu ngay trên mặt đường liên xã bên cạnh một triền đồi thoai thoải làm phòng khán giả. Buổi biểu diễn bắt đầu gặp trục trặc, một cái đèn măng xông bị hỏng không thể khắc phục được, chỉ còn một cái không đủ ánh sáng cho đêm diễn. Một sáng kiến được đưa ra “Dùng đuốc”. Thế là những bó đuốc được huy động. Một bên là đèn măng xông, một bên là hai, ba thanh niên thay nhau đốt đuốc chĩa vào lấy ánh sáng cho đêm diễn. Cuối cùng buổi diễn cũng kết thúc xuôi xẻ, bà con cũng rất phấn khởi, cuộc chia tay cũng rất bịn rịn đầy cảm xúc khó nói thành lời.

Đêm thứ ba tại trung tâm xã Trung Trực quê hương của vợ anh Lê Tự phó phòng văn hoá huyện cũng là “Đoàn trưởng” và là một cây vẽ, cây đàn bầu, đàn thập lục, đàn Ác coóc và đôi khi là cả “Ca sĩ” nữa. Không hiểu “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” thế nào mà mới nhập nhọang tối bà con đã kéo đến rất đông, chật cả sân bãi dưới gốc đa chổ thụ giữa trung tâm xã. Trong lúc chúng tôi hóa trang một số thanh niên xúm lại và cứ chỉ trỏ vào tôi và mấy diễn viên đóng trong tiểu phẩm rồi cười khúc khích. Tôi hỏi:

- Các bạn cười gì, chúng tôi hóa trang dở lắm à?

- Không! Anh đóng kịch giỏi lắm, tán gái giỏi lắm.

- Sao các bạn biết?

- Tối qua chúng em đi xem anh diễn ở xã Kiến Thiết mà.

- Tối qua các bạn đi xem rồi sao tối nay còn đi xem nữa.

- Thấy hay thì đi xem thôi.

- Các bạn đã được xem chương trình văn nghệ như thế này bao giờ chưa?

- Chưa đâu, chỉ được xem đoàn văn công diễn ca hát ở dưới xã Xuân Vân thôi, không có kịch đâu.

- Thế các bạn xem diễn kịch các bạn có hiểu kịch nói gì không?

- Hiểu chứ. Kịch nói về bọn lâm tặc phá hoại rừng mà, bọn nó xấu xấu là.

- Thế các bạn có làm cái việc xấu như bọn lâm tặc không?

- Không đâu. Làm thế bị kiểm lâm và công an bắt phạt nhiều nhiều tiền đấy, có khi phải đi tù khổ lắm.

Qua câu chuyện nhỏ của tốp thanh niên người thiểu số vùng sâu vùng xa này tôi mới thấy người dân nơi đây còn thiếu thốn văn hóa tinh thần nhiều lắm. Tôi cũng ngộ ra rằng chủ trương của Đảng và chính phủ thành lập các đội thông tin huyện, tỉnh để mang văn hóa chủ trương đường lối, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân các dân tộc vùng sâu vùng xa là rất đúng đắn và có hiệu quả.

Một điều rắc rối xẩy ra, đến giờ biểu diễn thì chiếc đèn măng xông duy nhất còn lai bị hỏng, khắc phục thế nào cũng không được, có bao nhiêu mạng đèn đem theo đều bị cháy bùng lên như bó đuốc rồi thủng tan vụn ra như cái xác rắn lột phơi khô rồi đốt lên. Nhiều phương án được đưa ra. Phương án đầu tiên là hoãn buổi biểu diễn để sáng hôm sau cử người về thị xã thuê người sửa chữa đèn và báo cáo chủ tịch huyện, xin giấy giới thiệu của trưởng phòng thương nghiệp ra cửa hàng bách hóa mua hàng chục cái mạng cùng can dầu hỏa mang lên. Thông thường mỗi lần mua chỉ được năm cái mạng nhưng đây là nhiệm vụ chính trị, có sự chỉ đạo của chủ tịch huyện lại có cả chữ ký của trưởng phòng thương nghiệp  thì đố ông cửa hàng trưởng nào dám cãi. Kế hoạch là vậy nhưng tìm đâu ra người thợ sửa chữa đèn măng xông. Liệu có sửa được không? Có khi phải đợi mấy ngày mới xong thì sao. Vậy là phương án ấy bị gạt bỏ, chỉ còn hai phương án, một là hoãn đêm biểu diễn để đợt khác, hai là phương án dùng đuốc. Khi ông chủ tịch xã lên tuyên bố hoãn buổi biểu diễn do sự cố ánh sáng thì bị bà con la ó ầm ầm, bà con nhất định không chịu về. Thế là phương án thứ ba được đưa ra, phương án này có tính khả thi nhất: dùng đuốc. Ông chủ tịch xã vừa tuyên bố trưng tập đuốc của bà con thì bà con đồng ý ngay, rất nhiều người tự nguyện mang bó đuốc của mình lên chất thành đống hai bên sân khấu để ban tổ chức sử dụng làm ánh sáng phục vụ buổi biểu diễn có một không hai này. Nhưng lại gặp khó khăn khác cản trở. Đó là khói. Khói làm sặc sụa các giọng ca, làm cay sè và dàn dụa nước mắt các nhạc công và diễn viên kịch. Nhưng vì sự nhiệt tình của khán giả, sự khao khát được xem văn nghệ của nhân dân các dân tộc vùng sâu vùng xa nơi đây nên chúng tôi gạt tất cả khó khăn biểu diễn thật tốt phục vụ bà con. Tuy buổi diễn bị gián đoạn mấy lần nhưng chẳng ai kêu ca phàn nàn gì.

Rút kinh nghiệm ở xã Trung Trực, về đến xã Xuân Vân thì hai bên nhất trí phương án diễn ban ngày, thời gian thống nhất là vào buổi trưa, địa điểm ngay sân trước nhà văn phòng đội trên sườn đồi thoai thoải, phía ngoài sân cách khoảng hơn chục mét là cái giao thông hào từ hồi chiến tranh chống bắn phá miền Bắc của giặc Mỹ xâm lược để lại. Thời tiết vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè nên lác đác có trận mưa rào nhẹ, ngay đêm trước có trận mưa, dưới lòng hào còn nhiều vũng nước xăm xắp đọng lại. Sáng hôm ấy đội cử một số thanh niên làm sân khấu và thu dọn sân bãi để làm phòng khán giả. Sân khấu được làm bằng những chiếc ghế băng của văn phòng đội ghép lại và những tấm gỗ ván mượn của những nhà dân cạnh đó xếp lên thành mặt bằng sàn diễn. Buổi sáng hôm ấy tất cả công nhân trong đội đều được nghỉ ở nhà ăn cơm sớm để trưa đi xem văn nghệ. Khi “Phòng khán” đã đông người, trẻ con tíu tít nô đùa chạy quanh sân bãi, người lớn lục tục kéo đến đem theo đủ các loại ghế to, nhỏ, cao thấp khác nhau. Người không có ghế thì chọn cho mình chỗ cao hơn để ngồi xem cho dễ. Mấy bà mấy cô thì kiếm mấy tàu lá chuối, lá dong kê lên miệng hào ngồi cho thoáng mát. Ăn trưa xong chúng tôi bắt tay ngay vào hóa trang, thay trang phục chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Trong lúc hóa trang vai diễn tự dưng tôi lại nghĩ đến các vai hề chèo do nghệ nhân mà trong giới nghệ sĩ sân khấu vẫn thường gọi là “Cụ Cả Tam”, hồi tôi học ở trường cụ đã gần 80 tuổi, là nghệ nhân hề chèo số một Việt Nam. Tôi thường được xem cụ diễn các mảng trò về các loại hề từ hề áo ngắn đến hề áo dài, từ hề mồi đến hề gậy đều rất độc đáo và thu hút người xem đến nao lòng. Cụ thường được mời diễn cho các đoàn nghiên cứu nghệ thuật truyền thống quốc tế đến Việt Nam nghiên cứu. Mỗi lần cụ diễn là hội trường của trường Nghệ thuật sân khấu chật ních người xem, tất cả học sinh các khoa tuồng, chèo, cải lương, kịch nói hay khoa âm nhạc “Lý, Sáng, Chỉ” (Khoa lý luận, sáng tác và chỉ huy dàn nhạc) nếu không bận lên lớp học thì đều kéo đến hội trường xem cụ diễn hề chèo. Chỉ một mình cụ diễn cùng với dàn nhạc đế mà sân khấu rộn rã từng bừng, tiếng cười cứ vang lên từng đợt như vỡ toang hội trường. Tôi nhớ nhất một vai hề áo ngắn mà cụ hóa trang hai má có hai vòng đỏ chót, mũi xanh lè và đặc biệt là hai cục dử mắt to đùng, trắng lốp nằm hai đầu con mắt kết hợp với những động tác được cách điệu hài hước tột độ khiến khán gỉa cười nghiêng cười ngả. Tự nhiên tôi ngẫu hứng bắt chước cụ liền lấy ngón tay chọc vào hộp sáp trắng chấm vào hai đầu mắt như hai hạt ngô rồi vào chỗ kín thay trang phục và ngồi im tại đó không cho ai nhìn thấy mặt. Chương trình ca nhạc diễn ra xuôi sẻ, khán giả nghe cứ há hốc mồm như nuốt lấy từng lời ca điệu nhạc. Đến tiết mục tiểu phẩm tôi dùng hai tay che mặt bước ra sân khấu nằm lên chiếc giường là hai cái ghế băng ghép lại, mặt quay vào phía phông hậu cất tiếng ngáy khò khò như trâu rống. Cô vợ cầm dao phát đi làm, đi ngang qua chỗ chồng nằm thấy anh chồng đang ngáy khò khò liền đánh thức giục chồng dậy đi làm kẻo muộn, anh chồng bực tức càu nhàu mấy câu quát vợ. Chị vợ bực bội bỏ đi, lúc sau ả lái gỗ ăn mặc sang chảnh, son phấn lòe loẹt bước vào thấy anh chồng vẫn nằm ngáy khò khò ả lay người đánh thức anh ta dậy để trao đổi việc mua bán gỗ nhưng anh ta lại tưởng chị vợ lên cơn khát tình bỏ buổi trồng rừng về bắt chồng làm chuyện ấy ấy. Anh ta càng to tiếng quát vợ. Khi ả lái gỗ lên tiếng anh mới nhận ra là có gái lạ đến nhà liền chồm dậy ngượng ngùng, bẽn lẽn có những động tác, lời nói chữa ngượng vô cùng lố bịch. Rồi cuộc ngã giá mua bán gỗ lậu vô cùng ngoạn mục bắt đầu,  anh ta đòi giá rất cao nhưng đều bị cô ả dìm giá. Ả dùng đủ mọi chiêu trò dụ dỗ, nịnh nọt để hòng anh chàng xuống giá nhưng không được. Cuối cùng ả dùng chiêu lừa tình. Bằng những ngôn tình lả lướt, cợt nhả và những hành vi kệch cỡm gợi tình hớ hênh, chèo kéo, uốn éo lả lơi, lúc sau chàng đã có vẻ xiêu lòng. Qua những cái động chạm vuốt má sờ đùi của chàng, những câu ngôn tình sát sàn sạt và lộ lễu của nàng, chàng bỗng nhiên đổ hẳn. Giá gỗ lậu đang từ trên trời bỗng tụt xuống mặt đất. Cuộc tình vụng trộm tưởng như sắp xẩy ra thì nghe tiếng chị vợ đi làm về í ới ngoài cổng. Anh chàng vội vã bắt cô ả tìm chỗ trốn nhưng núp vào xó nào cũng không ổn. Cuối cùng cô ả phải chui vào gầm giường, nhưng vì gầm giường thấp, mông ả lại to chui mãi không lọt, anh chàng dùng hai tay ủi mông cô ả vào nhưng vẫn không xong, phài dùng chân đạp một cái thật mạnh mông cô ả mới chui tọt vào được gầm giường. Sau đó anh chàng đon đả chạy ra cổng đón vợ. Bằng những cử chỉ và lời lẽ nịnh bợ và tông bốc vô cùng kệch cỡm chị vợ tỏ ý nghi ngờ chồng ở nhà ngoại tình. Khi chị vợ vào trong nhà ngửi thấy mùi nước hoa và son phấn nồng nặc liền tra hỏi chồng, anh chồng ra sức biện minh tìm cớ lảng tránh. Khi chị vợ phát hiện và lôi ả lái gỗ ra thì anh chồng mới cứng họng. Chị vợ vơ lấy cán chổi đánh ả lái gỗ nhưng anh chồng ra sức can ngăn, che chắn cho ả. Chị vợ nhân cơ hội vụt túi bụi vào cả hai người dạy cho hai người một bài học nhớ đời. Tiểu phẩm bị gián đoạn khá nhiều lần vì khán giả cười quá nhiều, bò lăn bò toài ra sân bãi. Có mấy bà mấy cô ngồi trên dải đất cao trên miệng giao thông hào cười quá đến nỗi ngã ngửa xuống lòng hào bùn đất bám đầy người, cố gắng mãi mới ngoi ngóp bò lên được, miệng vẫn cười vô tư như không có chuyện gì xảy ra. Nhìn mấy người quần áo, mặt mũi lấm lem bùn đất mà không một chút ngượng ngùng hay xấu hổ gì, ba diễn viên trên sân khấu cũng không nhịn được cười. Chúng tôi càng nhịn cười thì tiếng cười khùng khục cứ bật ra át hết cả lời thoại. Thế rồi buổi diễn cũng kết thúc, mọi người ra về tràn đầy hân hoan phấn khởi.

Sáng hôm sau trước khi tạm biệt đội lâm trường Xuân Vân chúng tôi tranh thủ ra chợ Xuân Vân xem có mua được một vài thứ gì đó đem về nhà không. Vừa vào đến chợ mấy cô gái trẻ trông thấy chúng tôi liền lấy tay bịt miệng quay đi cười khúc khích. Tôi vờ hỏi:

-Các em cười gì thế. Tiếng cười lại phá lên rồi như hiệu ứng Đô mi nô lan truyền đến các cô tuổi dòng dòng, các bà lớn tuổi làm cho cả góc chợ vang lên rộn rã.

Chuyến đi của chúng tôi tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui và ý nghĩa.

X.Đ

 

Xuân Đặng

Tin tức khác