Giấc mơ mùa xuân

Thứ sáu, ngày 10-02-2023, 09:51| 1.131 lượt xem

Truyện ngắn của Lê Ngọc

 

Minh họa của Nông Ngọc Quý

 

Những chiều nắng rơi vàng óng khắp mảnh sân trước nhà, gió mải miết luồn lách dưới hiên ép bãi cỏ voi đổ rạp, dính sát mép tường. Hoàng cặm cụi làm bài tập bên cửa sổ. Chiếc điện thoại chớp nháy báo sáng, từng tiếng gừ gừ run rẩy đổ bộ trên mặt bàn ngổn ngang sách vở. Ấy thế mà, Hoàng chẳng thèm ngó ngàng đến nó, cậu cứ ngồi yên ngẩn người như pho tượng.

Ngoài vườn, lũ gà đuổi nhau oang oác chí chóe. Luống cải xanh um vồng ngọn nở hoa. Bất giác, Hoàng nhớ những ngày bà ngoại còn khỏe. Ắt hẳn đám gà không thể thả rông chạy tứa lưa phưa ỉa bẩn bừa bãi mà nằm ngoan trong chuồng, và vườn rau nào ngồng hoa cải. Chúng sẽ được bà bó đẹp đẽ bằng lát lá chuối thẫm màu ngọc bích buộc bởi sợi rơm nếp dẻo dai để mẹ bán mỗi phiên họp chợ. Dẫu thỉnh thoảng bà mới sang chơi, nhưng kiểu gì bà cũng dọn dẹp tươm tất mọi thứ, giống hệt nàng tiên ốc náu mình chum nước. Chỉ cần người có mặt thì nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, cơm lành canh ngọt.  

Rồi trưa về ngang thềm hiên nhỏ, Hoàng ngả đầu vào lòng bà mơ giấc nồng say, tận hưởng ngọn gió từ quạt nan phe phẩy. Nhiều hôm trời hầm hập bỏng rang, bà cầm quạt mồ hôi thấm đẫm áo. Mẹ trông thấy bèn thắc mắc:

- Sao U không bật quạt?

Bà móm mém cười hiền, tay vẫn cần mẫn tiếp tục công việc, đáp khe khẽ:

- Quạt máy ồn ào, tao sợ thằng Tý giật mình.

- Kệ nó! U cứ chiều là hư cháu đấy.

- Bậy mày, nó còn bé biết cái gì…

Bà luôn thương yêu Hoàng hết mực. Người thường dành cho cậu những món quà mộc mạc, giấu sau vành nón lá. Khi quả na, quả ổi hay hộp cói tự đan... Mùa nào thức ấy, bàn tay bà khéo léo biến hóa như một ảo thuật gia tài danh khiến Hoàng luôn háo hức ngóng đợi. Nhưng, lâu lắm rồi cậu chưa thăm bà. Bài vở học hành cùng những cuộc vui bạn bè cuốn dần khoảng thời gian rảnh rỗi, xô bà chìm đáy góc khuất khó tìm.

 Hoàng vẫn đinh ninh bà luôn khỏe mạnh. Người hay ngồi trên đôi dép tổ ong lót bậc cửa xi măng kèm cây gậy gỗ. Mỗi dạo gặp cháu ghé chơi lại phấn khởi, ướm hỏi dồn dập “Mẹ mày đâu, có sang không?” Nghe bảo mẹ cháu bận chạy chợ thì giọng bà buồn hẳn.

Ngay cả mớ cá diếc kho nghệ đốt khô, thơm vàng nức mũi bà vẫn thích cũng bị bỏ quên trong chạn bát. Hoàng nói chi bà cũng gật gật ừ ừ. Mãi tới lúc gửi lời chào tạm biệt, bà chống gậy loạng choạng mở cổng, xong ngồi xuống chỗ cũ. Lặng yên giống cây bàng đầu ngõ, hứng gió sương xơ xác gầy hao…

***

Ở tuổi của Hoàng, chúng bạn có thể dễ dàng yêu thích và tìm hiểu thông tin lý lịch anh chàng thần tượng quốc tế điển trai. Thậm chí, bỏ dở tiết học, lũ lượt kéo  nhau ra quán nét cập nhật tin tức sacandal của ngôi sao hoặc thần tượng đang nổi. Nhất là khi, bố mẹ sắm cho những con di động nhiều trò hấp dẫn. Việc lãng quên vài thứ quanh mình lại càng hiển nhiên.

Ví như lớp cậu, hầu như đứa nào cũng sở hữu điện thoại màu. Nghe nhạc. Chơi game. Đủ hết cả. Hoàng phải nài nỉ mãi, giao kèo thi cuối kỳ đạt loại giỏi, mẹ mới đồng ý thưởng cho chú dế tàu xanh rêu bóng loáng. Tối đến, thời khắc chiếc sim viettel vừa kích hoạt, Hoàng vội cầm cuốn sổ giấu kỹ trong giá sách mổ cò nhập danh bạ.

Số con Oanh, con Nhài lưu gì đây nhỉ? Cậu vò đầu, bứt tai cố nghĩ mấy cái tên thật ngầu. Những biệt hiệu định danh “Em gái, con gái” nối gót chào đời bổ sung vào danh sách gia đình hờ. Đến thằng Tuyển với cặp kính cận dày cộm,  Hoàng chần chừ giây lát. Liệu nên gọi nó là “Cẩu pakjinku” không ta? Lưu thế, nếu nó biết, chắc cậu sẽ bị làm thịt mất. Thằng này điên lên, dữ dằn ghê.

Khổ nỗi, điện thoại thời bấy giờ gõ dấu thì lâu. Hoàng quen học bạn bè ấn thô dọc bàn phím. Thành thử, những cái tên ngầu bá cháy bớt đầu bỏ đuôi, ngắc ngứ ngang phè như “em gai, con gai, cong chua…” Trông ngộ nghĩnh, đáng yêu vô cùng. Dễ gần mười phút trôi qua, Hoàng chăm chú tập tành soạn tin nhắn thiệt chỉn chu gửi hội bạn thân. Tiếng tinh tinh réo rắt không ngớt.

- Tao nè.

- Mày là đứa nào?

- Hoàng đại ca đây.

- Móa, được dùng điện thoại à.

Nghe đứa bạn ngạc nhiên tò mò khiến Hoàng khoái chí khoe khoang:

- Ừ. Mẹ mới mua lúc chiều. Tao tải đầy thẻ nhớ toàn nhạc hay, mai đi học cho mày “test” thử.

- Ok.

- Mà đang làm gì đó?

- Soạn văn, bà Vân nhắc tiết sau kiểm tra vở.

- Ui, bà ý…

Câu chuyện rẽ sóng chuyển hướng theo những bỉ bôi, bất mãn học trò. Thích môn này. Ghét môn kia. Thầy A dạy tốt, cô B giảng chán. Thoáng chốc, trăm tin nhắn của chương trình khuyến mãi sim học sinh “Vt100” đã nhanh chóng hết veo nhưng Hoàng vẫn thòm thèm, bèn tiện tay đăng ký lượt hai. Máy tiếp tục chập chờn, chớp sáng leo lét giữa màn đêm mịt mờ, u tối…

***

Mùa đông quê nhà, đất trời lạnh khô. Cánh đồng nằm trơ gốc rạ, lác đác vài cọng cỏ úa tàn xanh ngái, xơ xác đến độ chú trâu nhà bác Tám hàng xóm cũng chê không buồn gặm. Những cánh cò chao nghiêng lượn lờ tìm ăn khắp các miệt kênh mương sình lầy, nứt nẻ phơi đáy mùn đen thùi lùi. Cây bàng đầu ngõ trở mình rụng lá, còn độc mấy tán cành ẩm mốc rêu phai khúc khuỷu cong queo nhìn rất não nề.

Hoàng từng so sánh vu vơ bà với cây bàng cổ lão, dù nhiều tuổi nhưng sức vóc dẻo dai. Dẫu bao năm mưa bão quăng quật, hất tung mái bếp, cây bàng oằn thân kiên cường chống chọi vươn những mầm non, kết trái ngọt lành. Bà gần tám mươi, lưng còng vững trãi như bến cảng neo đậu chú bác cùng gia đình sum họp mỗi độ mùng Hai Tết bên nhà ngoại.

Cậu chưa bao giờ mường tượng cảnh bà ngã bệnh. Ai ngờ, cái tin bà ốm đến thật đột ngột giữa buổi tan lớp. Hoàng vừa đạp xe về tới cổng bỗng bắt gặp mẹ hớt hải lao ngược chiều, giọng hổn hển dặn dò:

- Con trông nhà nhé! Cơm canh nấu sẵn rồi, cứ dọn mâm ăn trước. Mẹ sang xem bà ngã ra sao.

- Bà bị gì ạ? Nặng không mẹ?

- Bác Mùi điện bảo con Lu quẩn xích vướng víu làm bà vấp ngã gãy chân.

Nghe vậy, Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Ơn giời bà chỉ gãy chân, bệnh nhẹ thôi. Như con Lan bận này năm ngoái bị y chang thế, bó bột chừng hơn tháng là chạy chơi ngon nghẻ. Hoàng bấm bụng thầm nhủ bà ngoại cũng vậy. Bình thường, người còn cuốc đất trồng rau, đâu đã quá già để cam chịu số phận.

- Chiều con được nghỉ hay đi học? - mẹ hơi ngập ngừng  – Không thì sang thăm bà với mẹ.

- Dạ con bận học thêm Toán.

- Nhớ khóa cửa cẩn thận.

- Vâng.

Hoàng chột dạ cúi đầu đáp lý nhí, lòng tràn ngập những cơn sóng tội lỗi. Cậu nhớ bà, thương bà nhưng cuộc hẹn chiều nay càng không nỡ từ chối. Bọn bạn thân rủ Hoàng lên phố chụp hình. Điện thoại xịn phải năng check-in mới thể hiện đẳng cấp, nhìn những ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè xung quanh. Hoàng thỏa mãn lắm.

Mẹ vùn vụt chạy đua trên đường, hòa lẫn trong dòng người đông đúc. Nắng ngả nghiêng hắt bóng dài thượt, xóa nhòa những hình dung u ám. Hoàng thầm mong bà sẽ sớm khỏi bệnh… sớm khỏi bệnh… 

***

Chạp lù dù bước vào chặng cuối. Hoàng hí hoáy nhắn tin chốt địa điểm cho đám bạn xong rồi nhẩn nha ngắm những hàng quán thay màu rực rỡ. Tết xốn xang phơi phới ngoài ngõ. Mùa Xuân e ấp nhón gót rập rình khiến muôn hoa khoe sắc nở rộ. Nào đào phai chúm chím hồng xinh. Nào cúc mai đoàn viên ấm áp. Hoàng dạo hết chợ hoa, nghỉ tạm sạp nước gọi cốc chè thập cẩm. Tay nháy máy nhấn chụp liên hồi, hình ảnh mờ tý nhưng so kèo máy thằng Tuyển vẫn nét căng.

Thoạt nhiên, giọng cái Oanh lanh lảnh phía sau:

- Mày nghịch gì đấy?

- Nghỉ tạm chút thôi. - Hoàng đảo mắt ráo rác, mặt nhăn nhó - Thằng Tuyển đâu, sao mày đi một mình?

Oanh kéo chiếc ghế nhựa, đặt bà chủ thêm ly nước sấu nhẩn nha đáp lời.

- Nó lên quê rồi.

- Phú Thọ á?

- Ừ, ông nó tai biến đột qụy, bác sĩ trả về thở oxy, chẳng rõ tình hình sao. Nó lo lắng đứng ngồi không yên, bố mẹ thì gói gém đồ đạc đặt xe rồi.

- Tao thấy… nó… bình thường mà.

- Nghe bảo mới bị đêm qua, - Con Oanh vân vê cằm phỏng đoán - liệu bố mẹ nó giấu chăng.

- Khéo thế thật. - Hoàng gật đầu.

- Haiz… Người già ai biết được…

Oanh thở dài bỏ lửng câu nói như hòn đá ném vỡ mặt hồ phẳng lặng Hoàng luôn ngụy tạo. Cái chân bà đau, sưng phồng, đỏ tấy. Thế còn bàn tay nhăn nheo quạt mát ru cậu nằm mơ giấc ngủ trưa, mái đầu bạc trắng giống bà tiên cổ tích. Bỗng dưng, Hoàng nhớ bà da diết. Cậu chỉ muốn gặp bà ngay lập tức. Hỏi rằng, bà có đau không? Ai xoa dầu, ai bóp chân?

Phố cách nhà chừng vài ba cây số. Mà sao hôm nay, Hoàng đạp miết vẫn chưa tới nhà, chưa thấy mẹ cũng nào đâu thấy bà. Gió cuốn bụi nhuốm chiều bay mù mịt, sàn sạn khóe mắt nhức nhối hoen đỏ nhỏ lệ ướt át. Mùi khói xe ngột ngạt, nồng nặc vị mồ hôi xua tan cơn rét lạnh. Nhưng Hoàng đâu để ý, trong đầu cậu hiện tại vững vàng dòng suy nghĩ duy nhất. Phải nhanh… Nhanh hơn nữa… Nhanh về thăm bà trước khi quá muộn.

***

Hoàng thập thò đứng nép ngoài hiên, len lén nhìn bà. Người gác chân thành giường, miệng khẽ rên hừ hừ. Hình như con sâu gãy xương lại cắn rưng rức, sần sật hành khổ bà rồi. Chắc đau lắm đây. Hoàng cố mím chặt môi giấu những tiếng nức nở bộc phát nghẹ ngào. Song, người nghe được hết. Bà vẫy vẫy gọi cậu tới gần, đưa tay lau khô khuôn mặt non nớt, nhẹ giọng dỗ dành:

- Nín đi con. Bà không sao. Bó bột mấy hôm là khỏi thôi.

- Cháu… xin… lỗi ạ...

- Lỗi lầm gì. Bà tha thứ tất, - khẽ vỗ lưng an ủi cậu, bà thủ thỉ - tha thứ cho thằng cu Tý của bà.

Mất một lúc lâu, những hối lỗi dằn vặt lùi sâu xuống ấm áp cõi lòng, Hoàng dần dần bình tĩnh. Cậu dụi dụi đầu, hít hà hương trầu cay xen lẫn bồ kết quen thuộc vấn vương vạt áo, sụt sùi rụt rè.

- Cháu ở đây với bà nhé.

- Ừ, lát mẹ con mang cơm sang thì cùng ăn với bà cho vui.

- Dạ, con bảo mẹ kho cá. Bà ăn nhiều chóng khỏe nha.

- Khỏe chứ… - bà cười hiền xoa xoa đầu Hoàng khẳng định - khỏe còn dắt thằng Tý ra đình xem hội làng, cho lì xì mừng tuổi…

Nhiều thật nhiều, cậu không thể nhớ nổi. Nhưng bấy nhiêu lâu có bà, ấy là có tất cả. Hoàng nguyện cầu người chóng khỏi bệnh. Đôi chân lần nữa chống gậy vững chãi, bà sẽ dắt cậu rong ruổi muôn nẻo xóm giềng, chúc nhau năm mới, rộn ràng du Xuân.

L.N

 

Tin tức khác