Đỉnh dốc Chu sa laos

Thứ hai, ngày 20-02-2023, 09:37| 1.136 lượt xem

*** Truyện ngắn của Dương Đình Lộc

 

 

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

Sùng trở dậy lúc trời vừa tang tảng sáng, khi mùi xôi nếp nương mế thổi đã ngào ngạt khắp gian nhà sàn, sương rơi long tong từ trên mái ngói đã xanh rêu ngang qua cái cửa sổ gian buồng của Sùng. Ấy là khi Sùng vừa mở nó ra, dụi mắt nhìn sang phía đỉnh dốc xa xa. Chả nhìn thấy gì, sương mờ mịt như một nồi nước lá tắm bốc hơi nghi nghút. Nơi đó là trường học của Sùng, có cô giáo Sa người miền xuôi xinh và trắng như đọn măng rừng giữa mùa mưa ẩm ướt.

- Sùng à, hôm nay mày phải đưa trâu lên núi đấy, chọn ngọn nào cao cao vào, ở đó cỏ mới tốt.

Tiếng bố Sùng đột ngột vang lên cùng tiếng rít thuốc lào sòng sọc.

- Dậy ăn xôi đi thôi, chín rồi đấy.

Mế Sùng đế thêm vào làm Sùng lần chần rồi cũng tung chăn vùng dậy. Giờ này không biết cô giáo Sa đã dậy chưa? Sùng vừa gấp chăn màn vừa lẩm bẩm.

18 tuổi, Sùng khỏe như tráng sĩ trong truyện cổ của người Mông, lồng ngực vâm vao chắc nịch, mắt đen, mày rậm, môi dầy, răng trắng. Tiếng sáo Sùng khỏe lắm, vang lắm, nếu Sùng thổi có khi Giàng ở trên trời còn nghe thấy. Bọn con gái thì chết mê chết mệt Sùng, tranh nhau muốn về làm dâu cái nhà ông bà Say này. Nhưng Sùng chỉ thích hay cũng như còn mải đi thả trâu và đi học. Nói đến trâu, nhà Sùng có 15 con tất cả, chăn thả đến vụ thì bán cho thương lái dưới xuôi lên mua ở các phiên chợ, cũng thu được một món khá. Bố Sùng lấy tiền ấy mua thêm rẫy không phải để trồng ngô mà để trồng thảo quả, cái thứ cây thuốc đang được dân bản ưa chuộng, xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của xã. Còn nói về cái sự học, thuở bé nhà nghèo, Sùng không được bố mế cho đi học, giờ cũng là chủ trương của xã, khuyến khích tất cả mọi người ở các thôn bản đủ mọi lứa tuổi đều nên đi học để biết tới cái chữ. Nên cô giáo Sa, cô giáo của Sùng thật là vất vả bởi lớp tiểu học tuy đa số là trẻ em, xong cũng có một vài người lớn tuổi, trong đó có Sùng và mấy cô mấy chị đã quá 30. Bởi thế cô giáo Sa lúc nào cũng phải có thái độ hiền dịu, cần mẫn và nói năng nhỏ nhẹ chỉ bảo từng li từng tí một với những học sinh lớn tuổi đó.

Trường nằm trên một đỉnh dốc tên là Chu Sa Laos quanh năm mịt mù mây phủ, giữa bạt ngàn các cây hoa lê mùa xuân nở hoa trắng muốt. Cô giáo Sa lên đây dạy học đã gần 5 năm, cô chừng 26, 27 tuổi, xinh lắm. Con gái người Kinh trong mắt Sùng có một vẻ đẹp rất khác lạ, nhất là đôi mắt, thường không một mí và lá răm như mắt đa phần phụ nữ ở trên này, dáng dấp cô giáo thật thanh thoát và sang trọng, không cục mịch chân to bụng đầy đẫy thịt như bọn con gái Mông một tí nào. Lúc nào tới lớp học, Sùng vẫn thường ngắm trộm cô giáo từ đằng sau khi cô viết bài lên bảng và thấy có một khoảng cách gì đó không hiểu nổi, dù cô giáo Sa vô cùng dễ mến và gần gũi. Cô yêu lũ trẻ vùng cao nơi đây, chúng thường đi chân đất đến trường, mặc phong thanh không đủ ấm trong mùa rét. Cô thương chúng và gắng sức dạy bảo chúng biết đọc biết viết. Điểm trường trước cũng có mấy chị giáo viên cùng lên dạy, xong vì quá nhớ nhà, hay cũng bởi điều kiện vật chất ở Chu Sa Laos còn vô cùng thiếu thốn, nên lần lượt họ đã xin chuyển về dưới xuôi, chỉ còn một mình cô giáo Sa vì yêu nghề cũng như quý cái tình người nơi xa xôi này nên cố gắng ở lại. Và nghe đâu cô đã có chồng sắp cưới, công tác ở một thành phố sầm uất, làm việc bên ngành công an hẳn hoi, đầu xuân năm nay là cưới. Sùng nghe trưởng bản Dính nói thế.

Trưởng bản Dính đợi Sùng dắt đàn trâu ra ngõ rồi mới thong thả bước lên cầu thang nhà sàn. Sùng ngoái lại lừng khừng nghĩ: Không biết lão Dính lắm mưu nhiều kế, tham lam xấu tính bị cả bản ghét sáng nay đến nhà mình làm gì sớm thế? Sùng đánh trâu đi khi nắng bình minh đã tràn ngập khắp thôn bản, ông trời tuôn xuống non cao những dải lụa vàng mà không một đứa con gái Mông nào dù khéo tay đến mấy có thể dệt nổi. Sùng huýt sáo cho con trâu đầu đàn đứng lại, ấy là khi tới chân dốc, đồng loạt các con khác cùng dừng lại theo, thong thả tản ra nhai cỏ, nhai cả những hạt sương trong vắt như kim cương đọng lại ở trên đó. Sùng thở hổn hển leo lên dốc, tiến về phía trường học. Thấy cô giáo Sa đang quét sân, hôm nay là chủ nhật, đám học sinh được nghỉ nên cô tranh thủ dọn dẹp tổng vệ sinh trường lớp. Nói là trường lớp cho oai, nhưng đó chỉ là vài ba căn nhà gỗ lợp gianh trống hơ trống hoác, xã cũng xây cho giáo viên mấy cái phòng bằng gạch kiên cố, nước sinh hoạt được dẫn về từ trên núi, điện thì cũng đã có vài ba năm nay.

- Mời cô giáo… ăn xôi.

Sùng tiến tới hồi hộp bỏ gói xôi ra. Sáng nay Sùng đã lén mế dóc một tầu lá chuối non bỏ đám xôi vào gói lại giấu trong áo tả phủ, giờ mới lôi ra vẫn còn nóng hôi hổi, nóng khắp cả người Sùng nữa, mắt Sùng lấp lánh, môi run run.

- Cảm ơn em.

Cô giáo Sa xúc động đón lấy với cái nhìn trìu mến. Chả đợi cô giáo nói thêm câu gì, Sùng đỏ mặt quay đi như chạy về phía chân dốc tới chỗ đám trâu đang thở khụt khịt của mình. Cô giáo Sa khẽ lắc cái đầu mỉm cười nhìn theo. Học sinh trên này là thế, chúng thường xuyên cho cô quà, khi thì một tảng thịt treo, một túi gạo nếp, khi thì một con gà be bé, hay một rổ quả mận..

Ông Say nheo mắt đón trưởng bản Dính, bà Say cũng lập cập đứng lên đập váy bồm bộp cho khói bung ra khỏi người.

- À lui, trưởng bản Dính tới chơi đấy à? Cái bụng đã ăn sáng chưa? Bà vồn vã hỏi.

- Cái bụng đã ăn uống gì đâu. Sang chơi thôi, hôm nay chủ nhật mà, chốc qua điểm trường gặp cô giáo Sa có chút việc.

Lão Dính chả đợi mời, đặt thân hình cục mịch chắc nịch ngồi lên luôn một trong mấy khúc gỗ nhẵn thín để cạnh bếp, trông dáng lão ngồi chẳng khác một con gấu cũng bởi bộ quần áo nhuộm màu chàm đen với cái mũ nồi trên đầu, tay với lấy cái điếu cày, làm vài thao tác rồi rít một hơi rõ mạnh, tiếng nổ vang như nứa khô bén lửa. Tâm trí lão giờ này để hết vào dáng người thanh mảnh xinh đẹp của cô giáo Sa bằng ánh mắt lim dim đầy mưu tính.

- Thì ăn bát xôi này đã rồi đi, mới có hơn 6 giờ mà.

Bà Say nhanh nhảu đưa bát xôi mới đơm hình quả đồi cho khách. Ông Say từ tốn lấy cái ống tre trên gác bếp, đổ chè Shan tuyết ra pha, chả mấy chốc rót ra chén một thứ nước uống sóng sánh như mật ong.

Tầm 7 giờ sáng thì sương đã tan hẳn, nhường chỗ cho nắng ấm và gió thổi. Rời nhà ông bà Say, cái nhà mà lão Dính thân thiết hơn cả ở bản mà mỗi dịp rảnh rỗi là tới uống nước chè, lão thở hổn hển leo lên dốc tiến về phía điểm trường.

Cô giáo Sa đang giặt quần áo ở chỗ cầu nước, nước quanh năm chảy từ trên núi về nên tha hồ tắm giặt và cũng rất sạch sẽ.

- Trồng cải rồi cơ à cô giáo Sa?

Lão Dính tiến đến với nụ cười nhăn nhở để gây thiện cảm.

- Chào bác ạ.

Cô giáo Sa đứng luôn dậy, lẽn bẽn với đôi tay đầy xà phòng.

- Ầy, cứ làm việc đi, tôi chỉ đi ngang qua tiện thể rẽ lên chơi thôi mà.

Lão Dính vội vàng nói, nhìn bao quát xung quanh rồi tiếp tục mau mắn:

- Nuôi được cả gà nữa cơ à? Tốt quá, tốt quá, cô giáo Sa tha hồ mà ăn trứng.

- Của học trò Vừ A Sùng mang lên cho đấy bác ạ, cả giống rau cải nữa.

Cô giáo Sa tiếp tục làm việc và vui vẻ nói như vậy. Mí mắt lão Dính sa sầm xuống vẻ không vui: Cái thằng A Sùng chết ma nhà nó, mới lớn vâm vao mà đã phải lòng cô giáo rồi. Lão tức tối thầm nghĩ rồi cũng ngọt ngào như mật ong:

- Ầy, chả riêng gì Vừ A Sùng, mà tất cả dân bản đều yêu quý cô giáo mà. Như tôi chẳng hạn. Lão ỡm ờ rồi nhấm nhẳng cười khoe hai cái răng vàng chóe trên khuôn mặt phì nộn thịt.

- Vâng, cháu cảm ơn bác và dân bản.

Cô giáo Sa chừng như đã giũ quần áo xong.

- Ầy, đừng gọi tôi là bác, tôi vẫn còn trẻ mà, mới có 55 cái mùa ngô thôi.

Lão Dính tiếp tục tán tỉnh, không quên bê giúp luôn chậu quần áo ra chỗ mấy cây lê già để phơi: Mà cô giáo ở trên này một mình có buồn không?

- Cũng rất buồn bác ạ, nhưng cháu yêu cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp, cùng không khí trong lành ở nơi đây, cả bọn trẻ thơ ngây nữa.

Cô giáo Sa hào hứng nói, rồi để mặc cho lão Dính phơi hộ cái chăn thổ cẩm còn ướt sũng và rất nặng.

- A phải rồi, trên này ít xe cộ, cây cối còn nhiều nên rất dễ thở mà.

Lão Dính vặn cái chăn thổ cẩm bằng hai cánh tay chắc khỏe, nước tong tỏng bị vắt ra nhẹ như vắt giẻ. Không hiểu sao lúc nào lão cũng khỏe và… tưng tửng thế, chắc là do cái rượu ngâm thú rừng lão vẫn uống hàng ngày cũng nên.

- Thế có tối nào trăng đẹp, tôi lên đây chơi cho cô giáo đỡ buồn có được không?

Lão Dính vừa phơi cái chăn lên cành lê vừa hồi hộp gạ gẫm.

Cô giáo Sa khẽ nhăn mặt, bê luôn chậu quần áo đã nhẹ bớt giấu ra đằng sau vẻ không hài lòng: Cháu không dám làm phiền bác nữa đâu, còn buổi tối như quy tắc khi cháu đặt chân lên điểm trường này, đó là không tiếp khách dù bất kể là ai bác Dính ạ.

- À à tôi nhớ rồi. Lão Dính ngượng ngùng giả lả, chùi chùi hai cái tay ướt vào vạt áo rồi tần ngần đi xuống.

Mùa xuân năm nào điểm trường cũng tràn ngập sắc trắng của hoa lê, giờ đang là mùa đông, chỉ còn non chục phiên chợ nữa là Tết, đám con gái tha hồ tới đó khoe váy áo và nghe khèn môi bọn con trai thổi. Gần Tết, tầm giữa tháng chạp thì bán trâu, bố mế bảo thế. Sùng vui vẻ nghĩ rồi để mặc đám trâu thong thả ăn cỏ khắp các triền núi. Lúc ấy, nắng đã lên cao bằng mấy quả núi cộng lại, Sùng lấy quyển sách giáo khoa tập làm văn lớp 5 trong cạp quần ra, và bắt đầu lẩm nhẩm đọc những bài mà mình chưa thuộc. Nhớ cô giáo quá, tiếng sáo của Sùng bất chợt vút lên trên đỉnh núi, vang vọng cả một khoảng trời, làm hai con chim gầm ghì trong chiếc lồng mà Sùng mỗi khi đi thả trâu đều mang theo, chúng nhao lên tranh nhau hót với tiếng sáo của Sùng. Dịp 20.11 sắp tới, Sùng sẽ tặng cô giáo Sa đôi chim này, chắc chắn là như thế rồi, để nó hót cho cô đỡ buồn hay cũng như đỡ nhớ người yêu. Chắc chắn là như thế.

- Sùng à. Lên mế bảo đây.

Chiều tối, Sùng vừa đánh trâu về đến sân chưa kịp dắt vào chuồng thì đã nghe thấy tiếng mế gọi vẻ nóng giận. Sùng treo cái lồng chim vào gốc cây đào, rồi kệ chân vẫn còn lấm đất, bước nhanh lên cầu thang nhà sàn những bước chắc nịch, người đẫm mồ hồi, phả ra một thứ mùi trai tráng khỏe mạnh đến cả con lợn lòi trong rừng cũng phải ghen tị.

- Gì đấy mế…?

- Ầy… Bố Sùng không để cho vợ nói mà lấp luôn vào: Mày đang thầm yêu cô giáo Sa có phải không, đừng có mà lẩn thẩn như ăn phải quả vải dại trong rừng.

- Cô giáo có chồng sắp cưới rồi đấy, mà lại lớn tuổi hơn mày…

Mẹ Sùng nói thêm vào rồi cáu kỉnh bỏ vào bếp cho lửa ăn hẳn mấy khúc củi to, lửa ăn nhiều củi thì nồi cám mới chóng sôi, nồi khoai mới nhanh chín.

- Giàng ôi, ai nói với bố mế vậy?

Sùng thốt lên mặt đỏ tía tai như vừa đốt nương.

- Cái đứa trai Mông khỏe mạnh ở bản ta đến tuổi bắt vợ, từ bao đời phải chọn đứa con gái chân to mông nở, cái đứa con gái ấy phải biết xe lanh, gùi củi, nấu mèn mén, lên nương, hái chè. Còn cô giáo Sa là người nhà nước, thuộc tầng lớp trí thức, không vớ vẩn được đâu…

Mẹ Sùng vừa dọn mâm bát vừa mau mồm mau miệng. Sùng xấu hổ không ngồi ăn cơm cùng, đi vào buồng giật luôn tấm vải che xuống rồi mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Trên đỉnh dốc phía điểm trường, ngọn đèn cao áp ở giữa sân đã vừa bật sáng, sương ở những dãy núi đá bắt đầu tràn xuống phủ lên làm nó le lói như một vì sao lớn. Sùng chẳng biết mình đã thầm yêu cô giáo từ lúc nào, có lẽ từ lúc cô cầm tay Sùng tập viết những nét chữ đầu tiên trong đời, hay những lần cô ngồi trước mặt giảng giải những bài tập làm văn về tình yêu quê hương đất nước.. Gạt đám con gái ở bản cũng như các thôn xóm lân cận sang một bên, Sùng chỉ ngày đêm nhớ đến cô giáo. Chắc lão Dính lại mách gì rồi? Bởi Sùng biết lão dê già ấy đã nhòm ngó đến cô giáo từ lâu, cái linh cảm của thằng trai cường tráng khỏe mạnh mới biết yêu lần đầu mách bảo cho Sùng biết thế.

- Con yêu cô giáo nhưng sẽ không lấy cô giáo mế à…

Sùng nói vọng ra khi cả hai ông bà Say đều buông đũa không ăn cơm, dù đã ngồi bên mâm gỗ có đĩa rau bí xào cùng bát thịt gà rang gừng thơm phức.

- À lui… Bà Say thốt lên: Không yêu không lấy là thế nào? Chúng tao chả hiểu gì cả. Mày phải lấy vợ gấp đi thôi, Chợ phiên dịp Tết, mang sáo, khèn tới mà kiếm cho tao đứa con gái nào khỏe mạnh về làm dâu cái nhà này…

Lão Dính nốc liền một lúc 3, 4 cốc rượu, người hắn nóng như hòn than, liếc mắt về phía mụ vợ già đang hỉ hả đếm tiền vừa bán con lợn nái chiều nay. Cần phải có tuyết rơi ngay lúc này để dập tắt cái nóng trong người lão. Lão như đang nhảy lửa trên đống than của người Pà Thẻn, đầu lắc lư, dập dềnh và rồi hai con mắt đỏ ngầu của lão hiện lên một bông hoa lê thanh cao trắng muốt, đó chính là khuôn mặt của cô giáo Sa.

Sùng cũng uống rượu, đó là khi bố mế đã ăn cơm xong, phần hẳn cho Sùng cả bát gà rang. Sùng ăn liền một mạch 4 bát cơm. Tối nay phải lên báo cho cô giáo Sa biết từ mai Sùng không đi học nữa, biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia là được rồi, phải ở nhà kiếm vợ cho bố mế vui lòng, cũng như đêm ngủ cho nó ấm. Sùng lừng khừng đứng dậy, giắt con dao rừng sáng loáng vào lưng, đúng lúc sương đã mù mịt tràn xuống khắp bản.

Lão Dính mò mẫm đi lên đỉnh dốc, cả người rừng rực nóng, như có con ma dẫn lối cho lão đi không đừng lại được. Cô giáo Sa đã vừa ăn cơm xong được một lúc, cô đi ra xem xét chuồng gà lần nữa rồi quay về phòng vừa bước vào thì đã thấy lão Dính ở đâu hiện ra sùng sục đi vào theo. Lão điềm tĩnh khép luôn cửa lại, mắt đỏ như hai hòn than, lão giật tung hàng khuy áo tả phủ của mình để lộ cái bộ ngực đầy lông lá, yết hầu nhấp nhô như cổ một con gà trống sắp sửa động đực. Sa kinh hoàng hét lên lùi vào góc phòng:

- Ông Dính, ông định làm gì tôi. Ra ngay, ra khỏi phòng tôi ngay, không mai tôi sẽ xuống huyện báo việc làm bỉ ổi của ông.

- Báo đi, báo ngay đi…

Lão Dính cười khẩy rồi định chồm tới thì đột nhiên cửa phòng bị ai đó rất khỏe đạp tung hai cánh. Cả hai sửng sốt nhìn ra, sương ùa vào phòng nhưng cũng thấy rất rõ Sùng đứng sừng sững cao lớn như một cây bách, tay cầm con dao đi rừng sáng loáng…

- Thằng Sùng… Lão Dính lắp bắp, mắt trợn ngược hoảng hốt.

- Đừng Sùng ơi, đừng em… Lão chưa làm gì cô đâu.

Sa vội vàng lao tới định giật lấy con dao, nhưng Sùng chỉ gạt nhẹ một cái là cô giáo yêu thương của nó đã ngã dụi ra đất, cơn giận ở đâu ùa về mạnh hơn cả một cơn lũ quét.

- Mày, mày dám... Lão Dính sợ hãi lùi từng bước một miệng lắp ba lắp bắp: Mày... mày làm gì tao thì sẽ phải đi tù...

- Tù này... Sùng gầm lên rồi quăng con dao tới...

Khi xe ô tô của công an huyện vào nhà ông bà Say bắt Sùng lúc ấy trời đã tang tảng sáng. Lão Dính không chết nhưng bị thương rất nặng phải chuyển xuống bệnh viện tỉnh cấp cứu, còn cô giáo Sa được mấy cô trong bản đưa về nhà ủ ấm bên bếp lửa và pha nước gừng cho uống. Sùng chỉ xin phép cán bộ cho Sùng thả đôi chim gầm ghì ra trước khi cho tay vào còng số tám, đôi chim ngơ ngác đậu lên cây đào rồi vội vã vỗ cánh bay về phía những dãy núi mờ mịt xa tít.

- Sao lại ra nông nỗi này hả Sùng ơi... Bà Say vừa khóc vừa chạy theo chiếc xe bít bùng đem Sùng ra khỏi bản. Sùng nhìn mế qua mấy chấn song sắt, nước mắt đã trào ra từ lúc nào không biết. Chiếc xe vượt qua các triền núi bên dưới là dòng sông ngoằn nghèo như sợi chỉ. Chả mấy chốc Sùng đã không còn nhìn thấy bản mình nữa, chỉ còn thấy duy nhất cái đỉnh dốc Chu Sa Laos cao vời vợi. Có thể 10 năm, 15 năm tới Sùng không còn được trông thấy nó nữa, nhưng sẽ chẳng bao giờ Sùng có thể quên được cái đỉnh dốc ấy, cái đỉnh dốc có điểm trường mỗi độ xuân về ngập tràn hoa lê trắng muốt, nơi đã cho Sùng biết đọc những trang sách đầu tiên trong đời, cũng như biết viết một chữ: YÊU...

Lâm Bình, lập đông 2022

D.Đ.L

Tin tức khác