Cội nguồn cái đẹp

Thứ tư, ngày 15-02-2023, 14:55| 1.864 lượt xem

Một lần xem Nghệ sỹ ba lê ALôngxô múa, tôi thực sự kinh ngạc,và ấn tượng đến bây giờ. Bà là người Cu Ba, quốc gia được ví như hòn đảo ngọc xinh đẹp bên vịnh biển Ca Ri Bê bốn mùa lộng gió. Xem Alôngxô múa, tôi cứ nghĩ mãi về bà, và không thể lý giải nổi, tại sao sức sống, thanh xuân của một con người lại được kéo dài đến thế. Alôngxô có thể ứng với câu thơ cổ: “Xưa nay người đẹp như tướng tài. Chẳng hứa nhân gian thấy đầu bạc...”.

 

 

Thiếu nữ Dao. Ảnh của Việt Trường

 

Người đẹp Xứ Tuyên. Ảnh của Quang Minh

 

THƯƠNG HIỆU MIỀN GÁI ĐẸP

 Họa Sỹ Mai Hùng với tôi có nhiều kỷ niệm, khi anh làm Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quản Bạ tỉnh Hà Tuyên (tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang) khi nói về cái đẹp của gái xứ Tuyên, anh hào hứng: Từ một góc thành nhà Mạc đi về phía Ỷ La, Trung Môn, chưa đầy 7 cây số mà đã có vô số người đẹp. Đúng là Con đường hoa hậu chẳng có gì là quá lời, nào là: Chị em người mẫu: Thủy Hương - Mỹ Hạnh; Diễn viên điện ảnh: Thu Hà, Vũ Mai Huê; Á hậu báo Tiền Phong năm 1992 Nguyễn Minh Phương, Á hậu năm 1994 Tô Hương Lan, đến người mẫu Châu Á - Thái Bình Dương: Thanh Chấn; phát thanh viên truyền hình: Thu Hiền, Tùng Lâm. Rồi anh bùi ngùi: Có một thực tế, tất cả những người đẹp xứ Tuyên hiện giờ đều định cư và lập nghiệp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của đất nước. Nơi mà yếu tố cạnh tranh trở nên khốc liệt nhất. Tất cả không có sự nhạt nhoà, chỉ có tài năng đích thực. Với nhan sắc, tài năng thiên bẩm, bản lĩnh văn hoá, họ đã thực sự toả sáng trên lĩnh vực nghệ thuật. Ở một số địa phương gần đây có hiện tượng “chảy máu chất xám”. Những người đẹp Tuyên Quang ra đi như vậy, không rõ có phải là điều đáng tiếc hay không? Mai Hùng bảo: Tất nhiên, song nghĩ lại, họ ra đi như vậy cũng hay. Bởi vì họ đã mang vẻ đẹp Tuyên Quang đến với mọi miền Tổ Quốc, làm cho thương hiệu Người đẹp xứ Tuyên càng trở nên có ý nghĩa…

Ngược dòng thời gian sống lại với mảnh đất Tuyên Quang xa xưa. Nơi điệp trùng rừng núi, nhiều sông, suối lớn nhỏ. Tính từ năm 1831, vua Minh Mệnh tiến hành cải cách bộ máy hành chính toàn quốc, chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh. Thời điểm này được ghi chép trong: Đại nam thực lục chính biên:

“Tân Mão, năm Minh Mệnh thứ 12, mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1 làm lễ đông hưởng”. Đối chiếu lịch Dương và Âm lịch, thì tháng Mười Âm lịch năm Tân Mão, đổi ra dương lịch, bắt đầu ngày 04 tháng 11 năm 1831, đến ngày 3/2/1831. Tỉnh Tuyên Quang lúc đó gồm 1 Phủ, 1 huyện và 5 Châu, gồm Phủ Yên Bình, huyện Hàm Yên; Châu Vị Xuyên (Gồm toàn bộ tỉnh Hà Giang hiện nay), Châu Thu Vật (Huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái hiện nay), Châu Đại Man (Huyện Chiêm Hoá và Na Hang tỉnh Tuyên Quang hiện nay) Châu Bảo Lạc (Huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng hiện nay). Về địa giới hành chính, tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), phía đông giáp Cao Bằng và Thái Nguyên, phía nam giáp Sơn Tây và Hưng Hóa, phía tây giáp Lào Cai. Như vậy Tuyên Quang xa xưa là vùng đất rộng lớn, hiểm yếu, phên dậu che chở phía Bắc của Tổ quốc. Minh chứng là trên núi Thổ Sơn ở trung tâm thành phố, bên cạnh dòng sông Lô thơ mộng, còn lưu lại tấm văn bia từ thế kỷ XV, ghi rõ: Tuyên Thành vạn cổ án Thăng Long (Thành Tuyên Quang muôn đời là nơi che chở cho kinh thành Thăng Long).

Rất ít tỉnh miền núi nào lại có phong cảnh hữu tình như Tuyên Quang. Thời kỳ ấy mặc dù đường đất xa xôi, cách trở, đầy những điều bất trắc, nhưng vẫn cuốn hút văn sĩ, “Tao nhân mặc khách” để lên với Tuyên Quang. Lịch sử Tuyên Quang luôn đồng hành với lịch sử sông Lô. Từ xa xưa Bài ca đò dọc, đã được người dân vùng sông nước lưu truyền thay cho tấm bản đồ du lịch, với trên 30 địa danh nổi tiếng của Tuyên Quang. Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Mạnh Tiến (Đại học sư phạm Hà Nội). Hành trình trên sông Lô, mở đầu từ bến Tam Cờ với “Miếu Vua Bà anh linh” và kết thúc cuộc ngược dòng ở Thác Cái, với đền thờ Long Mẫu để vượt đến Hòn Ruồi. Theo tài liệu “Tuyên Quang tỉnh phú” (1861) bằng chữ Hán của Tiến sỹ Đặng Xuân Bảng, Bài ca đò dọc (Chữ Nôm) của cụ Trần Khắc, cùng ba bản ghi bằng Quốc ngữ khác,  cho rằng: Bài ca trên ra đời khoảng đầu thế kỷ  XIX. Bài ca đò dọc còn lại 4 bản: 1 bản chữ Nôm của cụ Trần Khắc, 3 bản ghi bằng quốc ngữ của các ông: Lâm Tuyền Khách, Trần Vinh Phúc, Bùi Xuân Trung, giữa các bản đều có chỗ khác nhau. Theo bản của Lâm Tuyền Khách in trong phóng sự tiểu thuyết: Lên thác xuống ghềnh, Ngọ Báo 1933, có lẽ là bản tiêu biểu nhất, thể hiện bức tranh tương đối toàn cảnh, tươi đẹp, kỳ vĩ của non nước xứ Tuyên: Hùng Lương, Soi Sính chạy dài/ Ngọn sào sáng tỏ dáng trai anh hùng/ Đẩy lên nghỉ mát bóng sung/ Trèo qua Vực Nỏ, tới cùng Hòn Vang Sông Gâm nửa đục, nửa trong/ Sông Cả mái hữu, có gành Ba Vua…

Cùng mạch nguồn cảm xúc ấy Học giả Nguyễn Văn Bân thế kỷ 19, trong Bài ký phong thổ Tuyên Quang viết: “Tỉnh đóng ở đất xã Ỷ La là sở tại huyện Yên Sơn, quanh có núi đất lần quách xây ngoài, trước mặt có sông Lô như cái hào bọc lại. Tỉnh đóng ngoảnh mặt xuống sông Lô, tàu thuỷ đi lại luôn, thuyền bè đông như kiến, vận tải, buôn bán sầm uất…” Để biết, Tuyên Quang không chỉ có phong cảnh hữu tình, còn là đầu mối giao thông, trọng điểm kinh tế, vị trí quốc phòng hiểm yếu vùng cửa ngõ phía Bắc. Nên các triều đại phong kiến, xem Tuyên Quang là vùng đất phên dậu  hiểm yếu ở phía Bắc. Nên những vị tù trưởng, tộc trưởng ở đây có nhiều thanh thế với cư dân bản địa. Và để giữ vững phên dậu nơi biên ải, nhà nước phong kiến thường kết giao mật thiết với các vị tù trưởng, tộc trưởng. Họ dùng nhiều kế sách để trị nước như: Khoan sức dân, phân chia ruộng đất, giãn sưu thuế, kể cả việc gả công chúa, quận chúa cho họ, biểu thị lòng tin. Minh chứng là bài văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi. (Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc) thuộc xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá) khắc bằng chữ Hán từ thế kỷ 13, cách nay 900 năm, có ghi tên công chúa Khâm Thánh, con vua nhà Trần. Nàng được vua cha gả cho tù trưởng Hưng Tông, một người có công bảo vệ giang sơn, trấn giữ biên ải chống giặc ngoại xâm. Thế kỷ XV (khoảng năm 1552), nhà Mạc xây thành đắp luỹ ở một số nơi, và Tuyên Quang là nơi vương triều nhà Mạc chọn làm chốn định đô khi thất thế, bởi cuộc trung hưng của Nhà Lê, có sự phò giúp của Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn. Vương triều nào cũng vậy, dù định đô ở đâu, ngoài vua chúa, quan lại, hoàng thân quốc thích, còn cả một bầu đàn thê tử, cung tần, mỹ nữ, tì thiếp, cùng với đội quân binh khoẻ mạnh, theo hầu và bảo vệ. Riêng những người con gái Sắc nước hương trời, ngoài vẻ đẹp, họ còn được dạy bảo tỷ mỉ về gia phong, lễ nghĩa phép tắc, do vậy cái đẹp trở nên hiền thục.

Nằm trong vùng khí hậu rừng nhiệt đới, Tuyên Quang có lượng mưa hằng năm khá lớn (1.500mm - 1.800mm) và không khí thường có độ ẩm cao (85%) khí hậu tương đối ổn định. Nhiệt độ trung bình hằng năm từ 22oC - 23oC, được coi là mát mẻ, không khí trong lành. Địa hình có nhiều núi cao, rừng rậm, hệ thống sông suối dày đặc, khoảng 500 con sông suối lớn nhỏ bao quanh. Sông Lô, sông Gâm, Phó Đáy là những con sông lớn đem lại cho người dân nhiều sản vật cá tôm, trong đó có các loài cá quý như: Cá chiên, cá bỗng, cá chình, đặc biệt là dầm xanh, anh vũ một loại cá tiến vua nổi tiếng. Phù sa màu mỡ bồi đắp bao đời làm cho đất đai Tuyên Quang trở nên phì nhiêu, với nhiều chủng loại lúa gạo, cây trái quý hiếm. Rừng Tuyên Quang hiện giờ là trên nửa triệu ha, gồm rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng kinh tế, khu bảo tồn thiên nhiên, kéo dài từ Nà Hang đến cuối phía nam huyện Sơn Dương, nối liền với Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) độ che phủ đạt trên 64%. Phải là thổ nhưỡng, ứng xử của con người thế nào đó, nên mới có những vùng rừng tươi tốt như thế. Và hệ giá trị của rừng nối dài không thể đong đếm hết được. Còn là những rừng thuốc quý bạt ngàn, chữa được nhiều căn bệnh hiểm nghèo, điển hình là Thuốc Thượng, Thuốc Hạ dưới chân núi Tram Chu, cao hơn 1.600 mét so với mặt nước biển. Trong đó có những cây thuốc bí truyền sắc uống, hoặc ngâm tắm mà có được hương thơm quyến rũ của da thịt, nét thanh xuân vượt thời gian.

Ở Tuyên Quang ngoài người Kinh, còn có hơn 20 dân tộc anh em (trong đó nhóm người Thuỷ bí ẩn, dân số ít nhất Việt Nam). Có tài liệu cho rằng khi nhà Mạc sụp đổ, triều đình đã thả hơn 250 mỹ nữ, cung tần, chu cấp cho họ một số vàng, bạc nhất định để tự sinh sống lập nghiệp. Rồi thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Tuyên Quang, Việt kiều Tân Đảo, Tân thế giới, Thái Lan lần lượt hồi hương về Tổ quốc, Tuyên Quang là một trong những địa phương có nhiều Việt Kiều làm ăn sinh sống. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, Thủ đô khu giải phóng, tập hợp đầy đủ những nhà tư tưởng, trí thức lớn của đất nước để lãnh đạo toàn dân tộc, tiến hành cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Có thể xem đó là tinh hoa rực rỡ nhất, thấm sâu vào đất trời Tuyên Quang. Câu Thành ngữ “chè Thái - gái Tuyên” đã có từ lâu và không ít người đã tốn nhiều công sức viết về nó. Tất cả những dữ liệu trên khẳng định một điều, gái Tuyên Quang đẹp còn bởi Tuyên Quang là vùng đất MẪU (Mẫu Thoải ). Diện tích thành phố Tuyên Quang không rộng mà có đến hơn 30 ngôi đền, chùa miếu mạo, được các nhà khoa học khẳng định là vùng đất “linh” chỉ sau kinh thành Thăng Long. Đặc điểm sinh sống của các dân tộc, thường phân tán đan xen nhau. Do đó khi các vương triều sụp đổ, và hoà bình trở lại. Sự giao thoa lối sống, văn hoá và hôn nhân đa tộc của hậu thế đã sinh ra nhiều người đẹp cho xứ Tuyên, vẻ đẹp còn là sự vận động tiến hoá của nhân loại, cái đẹp luôn được bồi đắp về tri thức, văn hoá, lòng hướng thiện, cái đẹp trở nên hoàn mỹ. Gái xứ Tuyên đẹp là có căn nguyên không hề tô vẽ.

Cũng là người đẹp, mỗi người lại có những cảm nhận khác nhau. Trong mắt Đại thi hào Nguyễn Du, người sửng sốt: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên. Với Trịnh Công Sơn thì mềm mại, yểu điệu: Mình hạc, xương mai.  Còn Lò Ngân Sủn lại cảm nhận từ da thịt: Người đẹp trông như tuyết/ Sờ vào lại thấy nóng. Nguyễn Trọng Tạo, nồng nàn: Người đẹp Tuyên Quang cổ mang vòng bạc/ Môi đỏ như ớt vừa ngọt vừa cay/ Da trắng chân dài đèo cao áo bay/ Người đẹp vít cần nồng hơn rượu mạnh/ Đàn hát chao ôi nghe chạnh lòng nhau/ Xe rời Thành Tuyên xa miền gái đẹp/ Còn vọng lời chào dính hơn xôi nếp/ Còn xanh lá tếch ai cầm trên tay Thế kỷ thứ 18, trong Thần tích ngôi đền Ông có viết: Đất sơn kỳ thuỷ tú, người tài tử giai nhân. Nhà văn hóa Lý Khắc Cung cho rằng, gái đẹp có 7 loại. Gái đẹp Tuyên Quang thuộc loại Tố nữ - Đẹp khoẻ mạnh, thuần khiết. Nhà thơ, nhà văn hoá Hoàng Phủ Ngọc Tường khẳng định: Ở đâu có sông nước đẹp, thì ở đấy tất có mỹ nhân, sắc đẹp tố nữ, tiềm chứa siêu sinh học của một dân tộc, và vì thế không việc gì phải che đậy…

LỜI KẾT

Hình như mỹ nhân có sức mạnh phi phàm không cắt nghĩa được. Người đẹp có thể gọi được hoa nở (Tu hoa), gặp người đẹp trăng cũng phải mờ (Bế nguyệt), rồi cá lặn (Trầm ngư) khi gặp người đẹp, và trước người đẹp, nhạn bay cũng phải lạc đàn (Lạc nhạn). Đến thời hiện đại,  những cuộc thi hoa hậu Hoàn vũ hằng năm tốn kém luôn được tổ chức. Những người đẹp tiếp tục được tôn vinh. Tổ chức Liên Hợp Quốc không ngần ngại trao cho họ sứ mệnh cao cả: Đại sứ thiện chí, Đại sứ hoà bình. Từ vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cùng với trí tuệ. Những người đẹp có thể góp một phần làm bình ổn thế giới, bởi cái đẹp đã từng làm Khuynh đảo bao số phận, khuynh đảo bao vương triều, cái đẹp đưa ta lên chót vót đỉnh vinh quang…

2018 - 2022

C.X.T

…………………………………….

(*). Tài liệu tham khảo: Các bài viết của PGS-TS Trần Mạnh Tiến, Nhà báo Thu Hương, Tập sách: Đất Tuyên núi sông diễm lệ.

 

Bút ký của Cao Xuân Thái

Tin tức khác