Họa sĩ Công Mỹ

Thứ sáu, ngày 28-10-2022, 15:38| 1.086 lượt xem

 

Họa sĩ Công mỹ

Nhớ để viết về ông tôi buộc phải lấy lại tít bài báo của mình viết từ dịp ông làm triển lãm tranh mi-ni do Hội tổ chức những năm chín mươi. Là người con sinh ra bên sông Hồng cuồn cuộn phù sa đỏ (làng: Ngọc Thụy - Long Biên - Hà Nội) nhưng tâm hồn Công Mỹ lại theo gió mưa ngược về núi. Có lẽ tại ngày sinh tháng đẻ. Ông tuổi Dê (1943). Tốt nghiệp Trung học Mỹ thuật, như bao thanh niên thời đất nước có giặc, Công Mỹ nhập ngũ và được biên chế vào binh chủng pháo binh thuộc Trung đoàn 246 đóng ở Bình Ca. Khi hoàn thành nhiệm vụ ông lại tiếp tục bút mực theo nghiệp học hành. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh lại miệt mài đèn sách ông đã thi đậu vào trường Mỹ Thuật Việt Nam. Sau bốn, năm năm miệt mài đèn sách, ra trường lúc bấy giờ những người như ông cũng không thiếu chỗ để Hà Nội mời đón nhưng chắc vẫn vì ngày sinh tháng đẻ Công Mỹ lại khăn gói trở lại Tuyên Quang và sinh cơ lập nghiệp tại đây. Ông được biên chế vào làm cán bộ của ngành Văn hóa thông tin, bấy giờ ông cũng là nhân vật được quan tâm và đồng nghiệp rất tín nhiệm. Ông đã có danh sách trong quy hoạch làm cán bộ chủ chốt của ngành Văn hóa và được giới thiệu vào Hội đồng nhân dân tỉnh những năm tám mươi. Việc đến thì ông làm, làm hết trách nhiệm không hề tính toán được thua. Ông trung thực với công việc được giao như trung thực với tranh của mình vẽ. Có lẽ lý do này trời đất lại đưa ông về với nghiệp vẽ. Về với nghiệp vẽ thôi thì trăm thứ bà rằn nào là kẻ pa nô áp phích, giăng khẩu hiệu khi những dịp lễ Tết đến, những sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn tỉnh. Một thời người Tuyên thường gặp ông ở trần giữa trưa nắng bên những cụm pa-nô, áp phích dọc các trục đường phố Tuyên Quang, rồi phục vụ hội chợ, triển lãm của tỉnh. Ông tận tụy với công việc tất cả từ niềm đam mê vẽ.

Tôi biết ông từ lâu nhưng mãi đến những năm tám mươi thì mới thành tri ân, tri kỷ. Cái duyên như giời đặt, ngày ấy tôi còn làm ở phòng Thư viện Trường Đảng tỉnh. Cuối năm tám sáu trường có tổ chức hội nghị về công tác đào tạo cấp khu vực gồm các tỉnh Việt Bắc - Tây Bắc. Ông Hiệu trưởng giao cho tôi phải xây dựng gian phòng để giới thiệu một số hình ảnh của nhà trường trong quá trình trưởng thành và phát triển. Việc gấp lại khó. Thế là tôi phải bù đầu cùng với anh em trong phòng bới lục tìm tư liệu, hoàn tất công việc này đến công đoạn ma-két để trưng bày ai cũng bí. Tôi đành ra Sở Văn hóa nhờ vả, đang tần ngần ở chỗ Văn phòng công sở thì gặp ông. Nói đầu đuôi công việc, ông nhận lời và ngay hôm sau ông đã đồ nghề có mặt ở chỗ tôi. Tranh ảnh bày ra, chọn lọc rồi ông phác thảo cái ma-két cho Ban Giám đốc duyệt. Việc xong ông xắn tay áo nào đục, nào cưa, nào chỉnh sửa khung hình, phục chế lại các bức ảnh bị nhòa, bị ố rồi treo lên. Vài ngày gian phòng triển lãm hoàn tất, Ban Giám đốc duyệt rồi cho niêm phong để chờ ngày cắt băng. Tài vụ tính công theo chế độ như thuê giáo viên giảng theo giờ. Chả biết được bao nhiêu nhưng ông vù xe ra chợ Cây Đa mua ngay chú gà và một lô những rau quả rồi lại xắn tay áo cùng tôi và mấy anh em lì lụt làm bữa chén. Còn thừa mấy đồng ông đút cho tôi và bảo: Để mấy anh em dùng, cái quan trọng là đã hoàn tất được phòng triển lãm cho nhà trường. Mình vui với nhau là chính. Nói đoạn ông leo lên xe đạp vù đi. Nhìn theo ông mấy người bạn cùng phòng tôi bảo: Ông này vừa nghệ, vừa lính. Công việc thì tận tụy nhưng vui cũng hết mình. Tôi cười theo: Lão ấy đi ra từ anh lính cao xạ mà.

Sau đận ấy đôi khi tôi qua lại chỗ ông, phần thăm hỏi, phần xem ông vẽ tranh. Rồi chả biết trời xui khiến thế nào, năm 1988 tôi và ông lại cùng được "mời đón" về Sở theo cái nghĩa của ông Phí Văn Tường, Tân Giám đốc Sở Văn hóa thời bấy giờ "Đốt đuốc đi tìm hạt nhân cho ngành Văn hóa". Mọi cân nhắc tính đếm ấy của ông Giám đốc mới bày ra hình thù nhưng rồi thực tiễn trải ra còn đầy thứ bất cập thế là tự nó tan. May cái tố chất hạt nhân ấy không bị vỡ bởi mỗi người chúng tôi đều có nghề. Công Mỹ lại đi vẽ, tôi thì kỳ cạch viết văn. Thời gian này Hội cũng vừa tổ chức thành công Đại hội - Hội Văn nghệ Tuyên Quang lần thứ nhất. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội và được đảm nhiệm chức vụ Phân hội trưởng - Phân hội Mỹ thuật.

Nghiệp chướng mỗi ngày lôi kéo tôi và ông gần gũi và gắn bó với nhau hơn. Thời gian này tôi viết truyện cũng nhiều, tuy chưa hay nhưng lúc ấy Báo Tân Trào còn thưa tác giả, nhất là tác giả văn xuôi nên thi thoảng có cái truyện được đăng. Cũng chả hiểu sao thời gian này những truyện của tôi khi đăng Ban Biên tập thường giao cho ông minh họa. Có lẽ là hợp cái tạng nhau nên văn với vẽ cứ vào nhịp cùng hiện lên hình bóng của câu chuyện. Tuy vậy nhưng bao giờ vẽ xong trước khi đưa cho báo ông cũng đến chỗ tôi cười nói hờ hờ: - Tao vẽ thế đúng ý mày chưa? Hỏi rồi ông lại tự trả lời: Đúng quá, đúng cái bụng mày quá còn gì... rồi lại cười hờ hờ chả cần để ý đến động thái của tôi. Có lẽ vì thế tôi càng quý ông. Đến cái đận tôi được Hội chọn vài cái truyện ngắn in thành tập: “Bãi Cuối Sông” chung với ông Nguyễn Trọng Hùng. Hội lại giao cho ông làm bìa. Ông hỳ hục hàng tháng giời, vẽ rồi cắt dán có tới năm, bẩy cái. Làm xong ông mang đến chỗ tôi trước. Bày ra bàn ông bảo:

- Mày thích cái nào, tao trình cái ấy. Tôi cười:

- Anh quên mất uy quyền của Ban Biên tập rồi à? Nói vậy nhưng tôi vẫn chỉ ngón tay vào cái bìa ông cắt dán. Ông lại cười hờ hờ:

- Mày đúng ý tao, cái này là tao tâm đắc nhất, nó được cả ý hai thằng chúng mày: Cái tít Bãi Cuối Sông là tên một truyện của Nguyễn Trọng Hùng. Tên thế nhưng nó chỉ là cái tên còn hình thù Bãi Cuối Sông nó lại được hiện lên từ cốt cách truyện của mày cơ. Chính vì thế tao mới làm nên hình thù vậy. Nói rồi ông lại cười hờ hờ và gấp đám bìa bỏ vào túi lùi lũi đi đến Hội. Mấy bữa sau quyển sách in ra, cái bìa cắt dán ấy được dùng và không thấy ai chê bai gì kể cả người khó tính như Nguyễn Trọng Hùng. Thế mới biết Công Mỹ cũng rất dày công trong việc vẽ và ông cũng hiểu văn xuôi hơn ai hết. Lại đến cái đận tôi làm Tổng Biên tập Báo Tân Trào, ông Phù Ninh có ý kiến phải thay măng sét báo. Việc được giao cho tôi. Loay hoay mãi tôi đành kiệu họa sĩ Trần Thái cùng đi thủ đô một chuyến. Hai anh em lần mò đến chỗ các ông họa sĩ có danh trong đó có Công Mỹ (thời gian này ông đã nghỉ hưu tại quê). Mọi người đều vô tư giúp. Khoảng tháng sau tôi nhận được trên trăm cái mẫu của các ông cùng gửi đến. Ông Phù Ninh cùng mấy anh em ngắm nghía, phân tích hàng buổi sáng, cuối cùng thống nhất lấy cái măng sét do ông Công Mỹ vẽ. Việc xong trả tiền, Công Mỹ cười hờ hờ: - Có chế độ thì ra chợ Long Biên mua cái gì về đây nhắm. Trả tiền, tao đòi chỉ vàng lấy đâu ra, vả làm vậy để cắt cầu Công Mỹ với Hội à. Ông lại cười hờ hờ. Công Mỹ là thế, việc gì ra việc ấy. Nhiều người bảo ông chắt chiu như phụ nữ. Điều này có gì sai bởi những ngày sinh sống ở Tuyên Quang ông chỉ có một thân một mình, anh em ở xa, vợ lại làm hành chính ở cơ quan Ngân hàng rất chặt chẽ về thời gian. Điều kiện ấy ông tự phải làm người nội chợ, tự phải chắt chiu để làm nhà, làm cửa tự sinh sống, tự tạo chỗ mà vẽ.

Công Mỹ sống như vậy, thời gian trôi ông đã hoàn thành bổn phận nhiệm vụ một công chức nhà nước của ngành Văn hóa thông tin Tuyên Quang, hoàn thành nhiệm vụ của mình khi được đồng nghệp tín nhiệm ở cái chức vụ: Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật của Hội Văn nghệ Tuyên Quang và luôn say sưa, máu thịt với nghề vẽ. Nhờ sự say sưa ấy mà tranh ông còn sống mãi với anh em, bạn bè ở Tuyên Quang. Mở lại tập hợp tranh ông vẽ là tình cảm nơi sâu kín tự đáy lòng ông cứ hiện ra tươi sáng, đằm thắm với con người, cảnh vật nơi ông gắn bó. Ấy là một “Mùa hè”, “Một chớm Thu”, “Một cô gái Tày với cây đàn Tính” cứ tươi sáng âm vang cùng ta mãi. Và náo nức, bồi hồi giờ đi “Đón Mẹ”, rộn ràng “Ngày đi hội”, hả hê khi thời vụ “Được mùa”... rồi đến những ký ức hào hùng về quá khứ của cha anh: Pháo Binh sông Lô, Chiến thắng Bình Ca, cùng nỗi lòng vời vợi ngóng nom của người mẹ chờ con khi đất nước, quê hương còn trận mạc. Mẹ Vẫn Đợi!”... Bởi là người ngoại đạo, tôi không hề dám bàn đến cái tecnichs trong nghề vẽ. Ở đây chỉ là những cảm nhận của mình mỗi khi bắt gặp tranh ông. Nhìn ngắm tranh của ông tự thấy lòng mình tươi sáng, nhẹ nhàng bởi sắc màu và ý nghĩa từ mỗi bức tranh ông phát sáng. Anh em, bè bạn cùng mừng cho ông từ những năm tháng sống, cần mẫn làm việc, cần mẫn vẽ, không chỉ riêng việc ông để lại nhiều tranh qua mỗi dấu ấn cuộc đời, qua nhiều triển lãm mà ông đã tham gia. Cái mừng lớn nhất là nghề nghiệp đã chọn tranh ông để lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, Viện Bảo tàng Quân sự Việt Nam, Viện Bảo tàng Cách mạng, các tranh trong sưu tập nghệ thuật cá nhân trong và ngoài nước. Và cũng nhờ đó ông đã vinh dự được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp Mỹ Thuật Việt Nam, Huy chương Chiến sĩ  Văn hóa và Huy chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Phần thưởng ấy cũng là sự ghi nhận công lao đóng góp của ông trong quá trình công tác và sáng tạo nghệ thuật ông đã chắt chiu gắn bó cả đời mình.

Đôi dòng tri kỷ vừa để ôn lại những kỷ niệm mà tôi cùng ông đã gắn bó một thời và cũng để bạn bầu nhớ mãi một con người giản đơn là họa sĩ Công Mỹ - anh bộ đội Công Mỹ đã một thời gắn bó tuổi trẻ với đất và người xứ Tuyên.

Trịnh Thanh Phong

Tin tức khác