Ga cuối

Thứ sáu, ngày 28-10-2022, 15:31| 1.123 lượt xem

Minh họa của Tân Hà

Lão Chò cũng là bạn tôi. Ngày còn bé, một thời hai đứa tôi theo bố làm nghề đốt than trên rừng. Sau nhớn, chúng tôi rủ nhau đi làm cán bộ. Đi làm cán bộ ngày xưa dễ chứ không khó như bây giờ. Làm cán bộ đến lúc sáu mươi tuổi thì được nghỉ hưu. Bằng tuổi nhau, ngồi nhâm nhi với nhau chén rượu, tự biết rằng chúng tôi đang lang thang trên ga cuối.

*

Chuyện hồi bé theo bố vào rừng đốt than không nói nữa. Chuyện đi làm cán bộ trên dưới ba mươi năm cũng không nói nữa. Bây giờ chỉ nói chuyện bây giờ.

Chúng tôi có nhà ở thành phố, nhưng mỗi người cũng có mảnh nương trên rừng. Trong nương có chòi. Hôm nào đẹp giời, chúng tôi lại rủ nhau ra chòi coi nương. Ở ngoài nương thoáng đãng, mát mẻ và rất yên tĩnh. Ngồi nhà, các cháu nó líu ríu nhiều, không thích. Chuyện của chúng tôi toàn chuyện người già, chuyện chẳng đâu vào đâu, chẳng chuyện gì ra chuyện gì. Lão Chò thủ thỉ với tôi rằng: Hồi đẻ lão, bố mẹ đặt tên là Chò. Chò là thứ cây gỗ quý trong rừng. Bố lão rất thích thứ cây này nên ông đặt tên con giai thế. Tôi thì chia sẻ với lão rằng: Đẻ tôi ra, nhìn cái mặt đã rõ là sau này nhớn lên sẽ đần, bố tôi đặt tên Hiền. Hồi độ chín, mười tuổi, đang học lớp ba, lớp bốn gì đó. Nhìn tôi, mẹ tôi hay nói vui: Mẹ chỉ sợ sau này nhớn lên mày ngu. Hồi đẻ ra, nhìn cái mặt mày ngố lắm.

Một hôm, nướng măng rừng nhắm rượu, lão Chò bóc măng lóng ngóng kiểu gì. Xem chừng đôi tay lão rất vụng. Vừa lúi húi bóc măng, lão vừa thủ thỉ:

- Ông Hiền có biết ông Ka gần nhà tôi không nhỉ?

- Biết, nhưng không thân.

- Tôi kể ông nghe, trước lão ấy cũng rất khỏe, vui tính, uống rượu như điên, nói năng hoạt. Nhưng không hiểu sao, cách đây dăm năm, lão có dấu hiệu lẩm cẩm.

- Lão Ka thì cũng trạc tuổi anh em mình chứ mấy?

- Kém anh em mình gần một tuổi.

- Hừ, mới ngót tám mươi mà đã lẩm cẩm. Hình như, trước lão cũng là cán bộ hay sao?

- Có. Về hưu cũng sếp siếc gì đấy chứ không phải lính trơn đâu. Nhà lão thì có thiếu gì? Không giàu nhưng thuộc hạng phong lưu. Con cái vài đứa thành đạt cả. Mà đứa nào cũng ngoan. Chúng chăm sóc bố mẹ tốt lắm. Thế mà thỉnh thoảng, lão lại vào rừng chơi lang thang, rồi ra chân đồi tìm hang chuột hun, kiếm được con nào, vơ cỏ khô, nướng nhắm rượu. Có lần, lão lội xuống suối mò cua, rồi mang lên bờ, ngồi xé cua khề khà. Đi đâu lão cũng thủ bình rượu con con trong túi áo mà.

- Lão nhắm rượu với cua sống?

- Ừ.

- Con cua người ta cũng ăn gỏi được mà?

- Biết rồi, nhưng ăn đàng hoàng cơ. Tôi cũng đã từng chén món này. Chọn cua cái, béo, lột bỏ yếm, bóc mai, khều gạch vào cái lá mơ tam thể rồi gói cả con cua vào đấy, chấm mắm chén, ngon phết.

Lão Chò lúng búng, nhai miếng măng nướng. Nhưng răng lão hỏng nhiều rồi không nhai được, lão lè ra. Ho một chặp rồi lão thủng thẳng:

- Tôi kể ông nghe. Lão Ka đã mấy lần đi chơi bị lạc, không biết đường về rồi đấy. Lão lạc ngay trong thành phố. Nhưng loanh quanh, mò mẫm mãi rồi cuối cùng lão ấy cũng mò được đến nhà. Thấy thế, con cháu nhắc nhở. Nhưng thỉnh thoảng, lão vẫn đi chơi. Một lần cụ đi chơi, lang thang thế nào mà tự nhiên không biết tại sao quên tịt đường về. Cụ buộc phải hỏi thăm một cô gái. Nghe cụ hỏi, cô gái biết ngay, cụ già này lạc đường. Trước người già lẩm cẩm, cô gái sinh lòng trắc ẩn. Rất may, cụ quên đường về nhưng vẫn nhớ số nhà, tên đường. Cô gái kia bèn gọi Ta-xi đưa cụ về. Cách nhà cụ độ mươi số, cảnh vật khiến cụ nhận ra khu nhà mình. Cụ vội vàng đòi xuống. Cô gái có ý đưa cụ về tận nhà, nhưng cụ không nghe. Nhất định cụ không nghe. Đòi xuống.

- Chắc sợ con cháu biết, nó mắng?

- Phải.

- Thế cô kia có cho cụ xuống để cụ tự về không?

- Cô ta nghĩ ngợi một lát rồi hỏi thăm người hàng xóm. Họ bảo đúng nhà cụ đấy. Bấy giờ cô gái mới bảo lái xe mở cửa cho cụ xuống. Trước khi cho cụ xuống, cô gái kia còn dặn cụ, từ nay muốn đi chơi đâu thì bảo con cháu nó dẫn đi, kẻo chơi xa, lạc, lại quên cả số nhà mình thì khổ.

Lão Ka lọ mọ xuống xe, lụi cụi, thất thểu theo vỉa hè về, chả cảm ơn ai.

- Thế thì lúc bấy giờ lão Ka lẩm cẩm rồi.

- Lẩm cẩm rõ còn gì nữa.

- Lão ấy bao nhiêu tuổi?

- Nãy nói rồi thôi. Gần bằng nhau, lão kém bọn mình vài tháng.

- Ờ, ờ ờ… Nói rồi… Cái lão Ka này, chưa đến tám mươi mà đã lẩm cẩm, thật chẳng ra làm sao!

Lão Chò cầm chén rượu đòi “cạch” với tôi. Lão cười móm mém, phều phào:

- Tôi á, còn lâu nhá. Thích đi chơi lúc nào thì đi, lang thang khắp phố, vào cả siêu thị. Chỉ mỗi thang cuốn là tôi không dám lên, run chân, ghê bỏ mẹ. Tôi vào cả trong làng đổi gió, đến bữa thì về. Còn lâu tôi mới lạc. Già quá thì chết chứ lẩn thẩn đến nỗi đi chơi quên cả đường về nhà thì… Không bao giờ nhá. Và cũng còn lâu mới chết hí hí… nào xin mời!

Lão Chò tỏ ra vui vẻ và mạnh mẽ. Nhưng nghe giọng lão nói và nhìn cái kiểu cầm chén rượu của lão. Nhất là nom cái lúc lão lè miếng măng nướng ra khỏi miệng thì tôi tin tưởng rằng gân cốt lão cũng suy rồi. Tính lão Chò cẩn thận lắm, lão cẩn thận gần bằng tôi. Tôi biết, trong túi lão lúc nào cũng có vài trăm nghìn, rồi điện thoại di động, chắc chắn còn số dư tài khoản, còn điện, rồi căn cước công dân, rồi thẻ nọ, thẻ kia. Lão tham gia nhiều hội lắm. Thông tin nhân thân của lão ở cả trong đấy, lo gì.

Chuyện lan man một chập, lão Chò ngáp, tôi cũng thấy muốn nằm. Chúng tôi nằm đắp chăn. Nằm chòi coi nương đắp chăn dễ ngủ lắm. Và chúng tôi ngủ. Làm một giấc, còn đang mơ mơ màng màng thì điện thoại trong túi lão réo. Thì ra, cháu lão hỏi lão đang ở đâu? Lão bảo lão đang chơi với tôi trên chòi coi nương. Cháu lão chỉ hỏi thế thôi chứ không có việc gì. Tôi thấy lão Chò móc ra hai chiếc điện thoại. Một cái nhỏ nhưng dày, hiệu Nokia giống cái của tôi và một cái mỏng nhưng to, hiệu Samsung, thứ điện thoại người ta gọi là thông minh. Tôi hỏi lão, sao dùng lắm điện thoại thế? Lão bảo con cháu lão thải ra đầy, bỏ túi hai cái cho oai. Lão Chò dậy lọ mọ đi đun nước pha chè đắng. Lão bảo, uống thứ này bổ thận. Như bỗng nhớ ra chuyện gì, lão thủ thỉ:

- Ông Hiền này.

- Gì?

- Cái lão Ka ấy mà, buồn cười lắm. Vợ lão kể, một lần bà ấy thấy, lão mặc cái áo cũ đã bạc phếch, vạt rách, bà ấy đã bỏ đi lâu rồi. Không hiểu sao, hôm nay lại thấy lão mặc. Hỏi mới biết, thì ra, cái áo đã quá cũ lại rách, bà lão đã quẳng vào sọt rác. Ông lão đi đổ rác, thấy tiếc lại cầm về cất đi. Bà lão thấy vạt áo vá một miếng to tướng bằng vải mới tinh mà lại khác màu. Bà ấy hỏi lão, lão bảo lão cắt ở cái áo kia vá vào cái áo này. Bà ấy tìm xem, thì ra cái áo bà ấy mới mua cho lão tuần trước bị lão xén đi một vạt!

- Xén áo mới, vá áo cũ?

- Ừ.

Nghe lão Chò kể chuyện lão Ka, tôi không sao nhịn được cười. Lão Chò cũng cười khùng khục. Mặt trời đổ lưng nương, còn sớm. Lão Chò kể tiếp:

- Một lần, hôm ấy cả nhà lão Ka đi vắng. Ở nhà chỉ mình lão. Không hiểu bằng cách nào, mà lão leo được lên cây ổi. Cây ổi nhà lão to, cao. Lão leo lên thì leo được. Nhưng khi hái được quả ổi chín bỏ túi thì không làm sao xuống được. Lão đành ôm cành ổi ngồi trên ấy. Gần mười hai giờ trưa, cháu lão đi học về. Ngó nghiêng không thấy ông, nó gọi: Ông ơi. Ông nó thưa: Ơi. Nghe ông thưa nhưng thằng cháu ngó khắp, chẳng thấy ông đâu, nó lại hỏi: Ông ở đâu đấy? Ông nó lại thưa: Ở đây. Nghe tiếng ông sau vườn, thằng cháu vòng ra, vẫn chưa nhìn thấy ông, nó lại hỏi: Ông ở đâu? Ông nó nhìn xuống, bảo: Đây cơ mà. Thằng cháu ngó lên. Thì ra, ông nó đang ôm cành ổi ngồi trên trạc ba. Nó vội đi lấy cái thang, đứng giữ chân thang hướng dẫn ông nó xuống. Xuống đến đất an toàn, thằng cháu hỏi: Ông trèo lên cây ổi làm gì? Ông nó phều phào: Có một quả chín. Thằng cháu sửng sốt: Giời ạ. Thế cháu chưa về thì ông ngồi trên ấy đến bao giờ? Lão Ka lặng ngắt, móc túi lấy quả ổi chín đưa cho cháu, miệng lẩm bẩm: Ổi trâu, ngon lắm.

Kể xong chuyện lão Ka trèo cây ổi, lão Chò bình một câu: Hôm ấy mà bỗng trời đổ mưa to, gió lớn, hoặc lão lên cơn ù tai, nhức đầu chóng mặt gì đấy thì lão toi là cái chắc.

Hai anh em đang say sưa thì điện thoại của tôi dạo khúc sáo Mèo. Thì ra cháu tôi gọi, nó cũng hỏi tôi đang ở đâu, về ăn cơm. Chúng tôi đành khóa chòi rủ nhau về. Hẹn mai, nếu giời không mưa thì lại lên đây chơi. Ở thành phố ồn ã. Không thích. Nhưng phải một tuần sau mới có ngày đẹp giời. Chúng tôi lại rủ nhau lên nương, vào chòi đun nước pha trà uống. Lão Chò lại khề khà:

- Ông Hiền ạ, tôi lại kể ông nghe một chuyện nữa về lão Ka nhé?

- Vâng, chuyện cho vui.

Lão Chò phều phào như người hụt hơi:

- Lão ấy mất cách đây gần một năm rồi. Lão mất ít lâu thì một hôm, thằng con lão cuốc vườn hay làm gì ấy, nó phát hiện cứ chỗ này một bọc, chỗ kia một bọc bằng túi ni lông chôn sâu chừng gang tay. Cởi ra xem, thì là toàn đường với sữa, bánh kẹo. Nó cuốc hết vườn, thu được không dưới mươi bọc như thế. Hôm ấy, tôi đứng bên này bờ rào. Thằng con lão ngẩng lên, thấy tôi, nó bảo: Toàn đường với sữa với bánh kẹo ông ạ. Thế này là thế nào hở ông? Bọn cháu đi làm suốt ngày. Tôi khẽ bảo nó: Bố mày chôn đấy. Nó hỏi sao ông biết? Tôi kể cho nó nghe rằng: Ở bên này bờ rào, thỉnh thoảng tao thấy bố mày đào đào bới bới. Tao cũng chẳng biết ông ấy đào bới cái gì. Rồi một lần làm xong việc, trên đường vào nhà, nghe bố mày lẩm bẩm: “Không giấu, lũ cháu nó ăn hết”. Hôm nay thế này, tao mới nghĩ là bố mày chôn. Nghe tôi nói, thằng con lão òa khóc. Nó vừa cầm hộp sữa ông Thọ ngắm nghía vừa mếu máo với tôi: Ông ơi, nhà con nào có thiếu gì đâu? Các cháu nhà con nịnh mãi chúng nó còn không ăn cho mà. Con đi làm cả ngày, cứ ngó thấy trên kệ trong phòng bố con sắp hết là con mua

bổ sung. Chắc các thứ thuốc bố con cũng vất hết đi thôi, chứ không phải bố con uống. Con cứ ngỡ bố con dùng… hu…hu…

Ông Hiền ạ, nhìn thằng đàn ông đã ở tuổi ngót sáu mươi khóc, tôi cũng không sao cầm được nước mắt. Nghe lão Chò kể chuyện lão Ka khiến tôi cúi đầu nhìn xuống vạt nương, thả hồn luận về cuộc đời.

*

Nhưng mà trăng lên.

Trăng rừng nhuộm vàng mảnh nương bát ngát ngô khoai. Hai chúng tôi mải chuyện quên về. Chúng tôi bèn gọi điện về nhà rằng: Đêm nay chúng tôi ngủ lại chòi coi nương. Một lúc, thấy hai thằng cu, một thằng cháu tôi, một thằng cháu lão Chò mang cơm ra và ở lại ngủ cùng hai ông. Chúng mang theo cả vở. Để hai đứa ngồi học bài, chúng tôi rủ nhau ra gốc cây tếch lưng đồi, nướng măng nhắm rượu. Vài chén liêng biêng, lão Chò thủ thỉ:

- Ông Hiền ạ, ở tuổi này, nghĩ hoàn cảnh anh em mình cũng không đến nỗi nào. “Tỉ thượng bất túc, tỉ hạ hữu dư”. (Nhìn lên thì thấy mình còn thiếu. Nhìn xuống thì thế là thừa rồi).

Lão Chò ngót tám mươi, nhưng còn rượu tốt và thỉnh thoảng lão cũng làm thơ. Làm một chén nữa, khà một tiếng, lão thả hồn ngắm núi, ngắm trăng, giọng chếnh choáng:

- Trăng đẹp lắm và núi đồi đẹp lắm. Ông có thích nghe thơ không?

- Thích.

- Một lần xem báo, thấy một người không quen xướng một bài thơ rồi mời thiên hạ họa. Đọc bài xướng, thấy ngứa ngáy, tức khí tôi họa chơi. Lâu rồi, bài họ xướng, tôi không nhớ. Chỉ nhớ mỗi bài họa của mình thôi.

- Nhưng ít nhất cũng phải nhớ tên bài xướng chứ?

- Có. Bài “Ừ Thôi”.

Và lão đọc: “Trăm năm ừ có là bao/Mải chơi thoáng cái đã vào già nua/Râu thì rậm, tóc thì thưa/Người kia nhớ mãi cũng vừa mới quên/Ừ thôi, thầm gọi tên em/Ừ thôi, quên béng chỗ thềm ngày xưa/Ừ thôi, quên mấy câu thơ/Ừ thôi, lấp lửng ẫm ờ thời son/Đừng quên rồi lại nhớ hơn/Đừng thăm những lúc chồng con vắng nhà/Đừng cùng công tác đường xa/Đừng làm thơ cũng đừng ra chỗ thềm”.

Lão Chò nói chuyện thì phều phào, nhưng đọc thơ thì đâu ra đấy, nghe có sắc thái và truyền cảm. Mỗi tội lão đeo khẩu trang, nên khi đọc thơ cái khẩu trang cứ bập bùng, bập bùng. Đọc xong bài thơ họa, lão tháo khẩu trang, làm tợp rượu rồi ngồi thở. Thở xong, lão hạ một câu xanh rờn: Ga cuối thì ga cuối. Ga cuối rộng thênh thang. Loanh quanh trên đó, khối thứ hay phết. Ngồi lâu đau lưng, chúng tôi rủ nhau về chòi. Nghe lão Chò kể chuyện về lão Ka, rồi lại nghe lão họa thơ của một người không quen, một bài thơ tình, tôi cứ miên man nghĩ về tuổi già, cái tuổi đang lang thang trên ga cuối. Cái tuổi mà bọn trẻ không thể hiểu nổi, muốn hiểu thì phải đợi cho già đã.

Nguyễn Đình Lãm

Tin tức khác