Tháng ba ở Thung Luông

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 10:17| 126 lượt xem

Bút ký của Nguyễn Quốc Tấn

 

 

Minh họa của Tân Hà

 

 

 

Cây gạo ở đầu bản Thung Luông chuẩn bị khoe sắc đỏ, những người có tuổi của bản lại nhói lên một thời lam lũ, cái đói cứ nhằng nhẵng bám theo dân bản đến tận bìa rừng. Hoa gạo gặp cái nắng cuối xuân như có thêm sức mạnh, từng cánh hoa đỏ sẫm, mịn như nhung xòe cong lên như có bàn tay ai uốn theo ý thích.

Dân bản những tháng ngày này, bên bếp lửa ấm áp giữa nhà sàn kèm theo tiếng nổ tí tách của củi rừng càng gợi nhớ một thời lam lũ

Ngồi cùng ông Bàn Văn Lường bên bếp lửa, rót từng chập nước chè mà chính bàn tay ông đã dành thời gian xao từ đầu đến khi ưng ý mới thôi, màu nước chè vàng như mật ong mùa hoa nhãn, một mùi hương thơm từ chè xao suốt tỏa ra quyến rũ. Cũng lâu lắm rồi tôi mới được ngồi nhâm nhi hương vị chè xao suốt, vị chát nhè nhẹ trong chè như cố bám vào họng, hương thơm dịu đặc trưng của chè được nén lại đẩy ra phía mũi càng làm cho tôi cảm nhận được chất tinh túy của đất trời đọng lại vị ngọt đặc trưng khó tả của chè xao suốt qua bàn tay điêu luyện của ông, người thợ rừng ngày xưa đẵn gỗ rừng làm cối luống, làm nên những chiếc lườn lướt trên dòng sông Lô, sông Gâm đánh cá.

Dùng chiếc cặp bếp gắp từng đoạn củi đẩy nhẹ vào bếp, trên bếp vẫn là chiếc ấm nhôm to đang sôi sục nước, ông Lường kể: Ngày trước vào những năm 1964 - 1968, rừng già như còn nguyên vẹn, mọi người chỉ làm nương ở những quả đồi gần cho tiện gánh lúa về nhà, khi thu hoạch xong lúa thì còn thu hoạch các sản phẩm khác theo nương như bí đao, vừng, bí đỏ… được gieo trồng xung quanh nương. Làm nương chủ yếu là trồng lúa nương râu, thân lúa cao bằng đầu người, hạt dài có râu, khi thu hoạch dùng “nhắt “ để hái từng bông lúa, gom lại thành “cum” để gánh về phơi trên “thảng” đan bằng nứa. Khi thu hoạch xong thì nương lại bỏ hoang, chuyển sang làm nương ở đồi khác, nơi ấy nứa dại, nứa năm, tre gầy rất nhiều, đất mới và tơi xốp, khi đốt nương xong lớp tro dày hàng gang tay hỗ trợ thay phân, lúa được gieo xuống theo cây “mói” chọc xuống đất nương.

Cuộc sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên. Nhưng trời như hiểu được người Dao, người Tày của bản nên hầu hết các vụ nương nào cũng được mùa. Mỗi nương rộng theo từng vạt đồi, ước tính khoảng 2-3 ha, mỗi nương làm một cái chòi để trông nom và giữ lúa, mỗi chòi có mõ tre hoặc mõ gỗ giống mõ trâu, khi gặp những đàn khỉ khoảng vài chục con hoặc lợn rừng vào phá nương thì gõ mõ hoặc gõ thẳng xuống sàn lát bằng tre gầy để đuổi thú.

Làm nương thì chỉ làm một vụ. Ruộng lúa nước thì rất ít, chỉ có ít nhà làm ruộng lúa nước thôi nên trông vào hạt thóc giáp hạt này bồ thóc nhà ai cũng nằm nghiêng hết rồi, ông Lường kể: Bếp lửa giữa nhà thì đỏ rực nhưng bụng thì lạnh vì đói ăn. Cái đói ấy kéo theo trâu, bò, lợn, gà cũng đói. Nhìn những con trâu mới hai răng nhưng gầy do thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, lông dựng lên để chống lại cái rét tháng ba, miệng nhai theo bản năng chậm chạp, xương sống lưng nhô lên như có nửa cây nứa nhỏ úp vào.

Ông Lường kể tiếp, những năm đó trên sàn bếp thì chỉ có sàn bếp của số ít trong phường săn là còn chút thịt nai hoặc lợn rừng treo khô quắt trên sàn, còn đa số là đều hết thức ăn “dự trữ” sau những cuộc săn từ hồi hè năm trước. Bản thân ông Lường cũng là một thợ săn cự phách của bản, khi ông đã mang khẩu súng kíp tự chế đi vào rừng thì lúc về ít cũng là con gà rừng hay con cầy đất.

Hết 2 tuần chè xao suốt, tôi xin phép ông Lường sang bên bản của ông Nông Đình Thảng, một khu quần thể của người Tày đã ở đây qua năm thế hệ. Trước kia chỉ có vài nóc nhà người Tày từ Bảo Lâm, Bảo Lạc đến ở, người Tày ở bản

Luông này cũng chưa đông, sau này có thêm người Kinh ở miền xuôi lên khai hoang đến ở. Từ đó quần thể dân cư đông vui hẳn lên, sau nhiều năm sống bên nhau, giúp nhau hỗ trợ canh tác ruộng lúa nước, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng. Trai người Kinh lấy gái người Tày, người Dao, thế hệ sinh ra  mang họ Nguyễn, họ Trần... trên đầu trẻ nhỏ đội mũ thổ cẩm dệt bằng tay sáu múi sáu màu hoa văn, trên chóp mũ có lục lạc tròn bằng bạc trông rất đẹp. Trẻ được nằm trên lưng bằng chiếc địu chàm dệt cầu kỳ, chắc chắn của các cô gái Tày, gái Dao dệt bằng tay trước khi về nhà chồng. Các bé được cha mẹ địu cho theo lên nương từ khi còn bú sữa, người Kinh dần cũng nói được tiếng Tày, tiếng Dao Tiền, Dao Quần trắng…phong cách sinh hoạt  của người Kinh và các dân tộc thiểu số hòa quyện vào nhau như cây rừng trồng hòa vào với cây tự nhiên của núi đồi.

Ông Nông Đình Thảng với tuổi gần 80, người tầm thước, mái tóc phong sương nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, thấy khách đến ông đứng lên bên bếp lửa giữa nhà sàn cũ to, rộng, bề thế. Tôi cúi người:

- Cháu chào ông ạ.

Ông nở nụ cười hiền lành:

- Cháu ngồi đi.

- Dạ.

Ông Thảng rót nước chè cho tôi, ông nói: Đây là chè nhà ông Lường bên đồi, vừa nói ông chỉ tay sang phía đó.

- Chè của ông Lường ngon lắm, ông vẫn gọi là chè Thái Nguyên đấy.

- Vâng ạ, cháu cũng vừa ở bên đó sang đây.

- Thế à, hôm nay cũng rét đấy nên ông Lường không sang đây thôi, mọi hôm vẫn sang đây chơi mà.

- Dạ vâng, các cụ có tuổi mà được ngồi với nhau hàn huyên thì vui lắm.

- Các cháu qua Tết đi về trường, bố mẹ các cháu về công ty làm rồi, ở nhà còn mỗi hai ông bà thôi.

- Thế bà đi đâu ạ.

- Đi thả con trâu nhe.

- Ông bà vẫn nuôi trâu ạ.

- Tuổi cao rồi không muốn nuôi, nhưng khi về thằng con trai  gặp họ bán con trâu đẹp quá, nó bảo con trâu này lớn lên cho làm trâu chọi, nó đã mua về rồi thì ông bà cứ phải chăn cho nó thôi.

Ông Thảng đứng dậy với tay lên gác bếp lấy một miếng thịt sấy đã khô, màu đỏ sẫm của thịt qua lớp bồ hóng phủ nhẹ nhìn rất hấp dẫn.

- Ông để cháu làm cho.

- Cháu cứ ngồi uống nước, cái này chỉ ông mới làm quen.

Tôi đành ngồi im xem ông làm thịt sấy như thế nào, quả thực tôi cũng chưa làm bao giờ. Phía cầu thang có tiếng nói vọng lên.

- Ông chuẩn bị cơm thế nào rồi?

- Tôi chờ bà về nấu, trưa nay nhà mình có khách, tôi đang làm món này để uống rượu. Bà vào nhà nở nụ cười đôn hậu:

- Cháu đến chơi à?

- Dạ, cháu chào bà.

- Ngồi uống nước với ông nhé, bà đi nấu cơm.

- Vâng ạ.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi được biết cách làm thịt sấy gác bếp lâu ngày qua những  khâu đoạn và thao tác của ông. Khổ thịt lợn rừng này ông mua hồi năm ngoái ở tận bản Hon trong trang trại sinh thái của ông bạn cùng phường săn ngày trước. Thấy ngon, ông treo miếng to nhất lên bếp để khi nào nhà có khách cùng với mấy xâu thịt lợn nhà nuôi không tăng trọng. Cách làm thịt sấy khô không như tôi tưởng, nếu ông để tôi làm thì tôi sẽ mang ra ngay cầu thích nước để cạo rửa rồi.

Ông Thảng với bàn tay nhẹ nhàng khéo léo, ông cời than và tro nóng trong bếp ra, vùi miếng thịt xuống, lấp tro nóng lên, ủ một lúc, ông lôi ra, dùng chiếc cặp bếp đập lên miếng thịt, bồ hóng rơi hết để lộ miếng thịt màu đỏ sẫm. Xong khâu đoạn đó ông bỏ vào chiếc nồi nhôm, dội nước đang sôi sục vào, nhấc miếng thịt lên, lấy dao nhỏ cạo qua thế là sạch bóng. Lúc này ông để cho bà tự chế biến.

Rót tiếp cho khách và chủ tuần nước chè, ông kể: Ngày xưa cứ vào dịp tháng ba này, mọi người, mọi nhà đều rủ nhau lên rừng tìm đào củ mài về ăn thay cơm, lúa hết, khoai trồng thì thú về phá hết, sắn trồng lấy về cho gà lợn ăn cũng hết, những củ sắn còn lại trên nương trên đồi thì lợn rừng về đào tung lên ăn hết. Đi tìm mài thì dễ nhưng đào mài là việc rất vất vả. Củ mài ăn sâu thẳng xuống đất, cán thuổng phải dài, cao hơn đầu người lớn. Nhưng nếu gặp được khóm dây nào chưa ai đào thì đấy là thắng lợi lớn, vừa dễ đào mà đào không sâu. Nhưng có những dây mài to bằng ngón tay út thì củ sẽ to bằng bắp tay người lớn, tuy thế nhưng gặp phải dây mài đã đào rồi thì cán thuổng phải dài gấp đôi mới đào tới củ. Trong một buổi sáng mà đào được 3 - 4 kg mài cũng là vui lắm rồi, cả nhà qua được vài ngày không đói. Cuộc sống khi xưa là thế. Nói ra ở thời điểm bây giờ thật khó tin.

Bây giờ Đảng bộ và chính quyền cho người xuống tận thôn bản để họp cùng dân bản, nghe ý kiến của dân, nghe nguyện vọng của dân bản để Đảng ủy, ủy ban tìm hướng đi thích hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao đời sống cho dân bản.

Đêm về, ánh điện sáng khắp nhà, khắp bản, có đường điện kéo về những nơi xa xôi như bản Thung Luông, ông Thảng nhớ lại, ngày cán bộ quản lý điện xuống đo, vẽ để chuẩn bị kéo điện, mới thế thôi mà cả bản thao thức không sao ngủ được, các ông có tuổi cứ quây quần bên bếp lửa ở nhà ông trưởng thôn Khay để bàn tán đủ thứ chuyện nhưng quy lại là chỉ mong có điện thắp sáng, khi nói đến điện, câu chuyện lại được rôm rả hẳn lên, tiếng cười vui như  vừa bắn được con nai mùa mọc nhung.

Điện đã bao năm thành mơ ước của dân bản. Mấy năm trước được cán bộ UBND huyện xuống tận nơi để cùng họp với dân, thông báo cho đồng bào sẽ làm hoàn chỉnh đường bê tông liên thôn liên xã mà cả bản nghĩ đây là thực hay mơ? Cán bộ huyện cùng cán bộ xã và trưởng thôn ngồi bàn thống nhất mở đường sao cho thuận lợi nhất, tránh đi vào những công trình người dân đang sử dụng, trên tinh thần làm đường không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân, không để dân phải thiệt thòi, nhiều gia đình đã hiến đất để nắn đường cho thẳng, từ việc làm của một số đảng viên hiến đất đã lan tỏa ra khắp bản và những bản bên cạnh, nhiều gia đình quần chúng cũng noi gương, đồng ý đồng lòng mong sớm có con đường khang trang sạch sẽ.

Bây giờ chuẩn bị kéo điện lưới về, không riêng gì Thung Luông mà các bản Thung Luốc, Thung Khon… cũng háo hức đợi chờ kéo điện. Có đường bê tông rồi, xe chở cột điện về bản dễ dàng hơn, mỗi lần xe chở cột điện về mọi người lại vây quanh xem mãi không biết chán. Cột điện chở về cùng dây điện bọc nhựa đen nhánh được để ở sân nhà ông Mại gần đường, sân rộng, dễ vận chuyển, dây điện to bằng ngón tay người lớn có ghi chữ và số hiệu từng đoạn trên dây. Xe chở cột và dây đều có sẵn cả cần cẩu để tự cẩu cột điện xuống xếp cạnh đường, không ai bảo ai, gia đình nào cũng muốn các anh thợ điện về nhà mình ăn cơm, nhiều buổi các anh cố gắng dựng cột, đổ bê tông chân cột rất khẩn trương để đưa điện nhanh về bản, viêc làm đầy trách nhiệm của các anh đã chiếm trọn niềm tin yêu của dân bản. Trong cái se lạnh của rét nàng Bân, mồ hôi các anh vẫn lấm tấm trên khuôn mặt đã từng sạm nắng của cái hè năm trước. Trên băng zôn căng ngay lối vào bản mang dòng chữ “Tất cả vì cuộc sống của đồng bào thân yêu”. Các cháu nhỏ nhìn vào chiếc mũ bảo hiểm lao động màu vàng mà mắt không chớp, tình cảm của các anh thợ điện hòa vào bản làng tự lúc nào không biết nữa, các anh đi đến đâu là trẻ em chạy lốc nhốc theo sau tay chỉ vào dây bảo hiểm rồi cùng reo lên cười khoái trá.

Tổ kéo đường dây, tổ lắp công tơ, cầu dao, ổ cắm trong nhà cho dân bản sao cho tiện lợi nhất, dễ sử dụng nhất, bảo đảm an toàn nhất để khi đóng điện bàn giao phải hoàn tất trọn vẹn. Già bản Bàn Văn Chiềng đã gần 90 tuổi, lần đầu tiên trong đời cảm động lau nước mắt: Đảng và cán bộ thương dân bản mình quá… Lời nói mộc mạc của già bản làm cho trưởng thôn Khay cũng quay mặt lau nhanh khóe mắt. Khi trước, lác đác vài nhà trong bản bán vài con lợn hoặc con trâu để mua chiếc tivi 21 inch chạy bằng máy phát điện đặt ở lòng suối, tivi không đủ điện màn hình cứ nhập nhằng, những lúc mưa lũ trôi cả máy phát, bóng điện sáng không bằng bếp lửa giữa nhà. Dân bản còn nhiều nhu cầu sinh hoạt về tinh thần không thể thiếu được. Nắm bắt được nhu cầu tất yếu đó, Đảng ủy, ủy ban nhân dân cùng Mặt trận Tổ quốc huyện đề xuất với các đại lý bán hàng điện tử bán tivi cho đồng bào trả góp, những gia đình nào có khả năng mua được thì động viên mua thẳng, còn lại ban Mặt trận huyện cùng trưởng thôn lên danh sách những gia đình nào vào diện mua trả góp thì đề xuất với đại lý tạo điều kiện giúp đỡ. Gia đình nào thuộc diện có công, có thành tích trong xây dựng làng bản thì UBND huyện mua tặng để đánh giá, ghi nhận công lao, động viên kịp thời.

Từ khi có điện, những cột ăngten phát sóng đến tận chân núi Thuốc, mạng internet được phủ khắp núi rừng, thông tin của Đảng và Nhà nước được cập nhật kịp thời, đầy đủ. Những vạt rừng ngày trước làm nương bây giờ được phủ kín màu xanh của rừng trồng, những vạt rừng trồng bên cạnh những cánh rừng nguyên sinh như hai thế hệ cùng sánh vai nhau trong cuộc sống mới. Những ngôi trường khang trang màu tôn thay ngói đỏ, sân trường nhộn nhịp, ríu rít tiếng nô đùa của trẻ trong giờ ra chơi.

Trạm y tế cũng bề thế không kém, tuy chỉ một tầng nhưng cũng có phòng khám thai, có tủ thuốc đầy đủ như phòng khám  ngoài y tế huyện. Trạm trưởng là bác sĩ chính quy cùng đội ngũ y sĩ đa khoa, chuyên khoa ngày đêm trực và thăm khám định kỳ cho người cao tuổi và các cháu dưới 6 tuổi.

Đến bản Thung Luông không ai còn nghĩ đây là bản vùng sâu vùng xa, những nếp nhà sàn ngày trước được thay bằng nhà xây hai tầng khang trang, nhìn bản Thung Luông như một phố thu nhỏ của huyện lỵ. Riêng chỉ có tâm tính con người không thay đổi, vẫn mộc mạc như cây tre, cây nứa của rừng ngày trước, vẫn cách sống chan hòa thân thiện. Hình ảnh của bản vùng sâu vùng xa luôn đi theo tôi và những người đã đến lúc nào cũng in hằn trong ký ức.

N.Q.T

Tin tức khác