Sự đa dạng trong kho tàng truyện cổ tích Tuyên Quang

Thứ ba, ngày 24-05-2022, 15:25| 2.308 lượt xem

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, có 22 dân tộc anh em cùng chung sống; phía Bắc giáp Cao Bằng, Hà Giang, phía Đông giáp Bắc Kạn, Thái Nguyên, phía Đông Nam giáp Vĩnh Phúc, Phú Thọ, phía Tây giáp Yên Bái. Địa thế của Tuyên Quang đã sản sinh ra rất nhiều câu chuyện cổ tích cũng như các thể loại truyện dân gian khác. Có tới trên 100 câu chuyện cổ tích được ghi chép, lưu giữ lại (chưa kể các loại truyện dân gian khác), phản ánh trí tuệ người xưa, cách nghĩ, cách nhìn nhận và thể hiện quan niệm của người dân vùng đất Tuyên Quang giàu truyền thống văn hóa. Xin có đôi điều trao đổi về một số đặc điểm của truyện cổ tích Tuyên Quang  (công trình nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu Bùi Thị Mai Anh, Trần Thị Lâm Huyền, Đặng Trần Quân, Bùi Ánh Tuyết, Trường Đại học Tân Trào) trong bài viết nhỏ này.

Cũng như truyện cổ dân gian các vùng miền khác, truyện cổ dân gian Tuyên Quang cũng có hiện tượng khó phân định thể loại trong khá nhiều câu chuyện cổ tích đã được sưu tầm (mặc dù số lượng truyện được sưu tầm khá lớn và nhóm nghiên cứu khẳng định là chưa thể sưu tầm được hết lượng truyện cổ tích nói riêng, các loại truyện dân gian khác trên địa bàn và trong tất cả các dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh).

Theo khái niệm Truyện cổ tích trong giáo trình Văn học, tập I, (Giáo trình chính thức đào tạo giáo viên Tiểu học hệ CĐSP và Sư phạm 12 + 2, Nhà Xuất bản Giáo dục, năm 1996) định nghĩa, thì: “Truyện cổ tích là loại truyện dân gian kế thừa nhiều đặc điểm của thần thoại, phát triển song song với truyền thuyết và có quan hệ với nhiều loại truyện dân gian khác (truyện cười, truyện ngụ ngôn...) nhưng chủ yếu hướng về cuộc sống đời thường nhằm phản ánh và lý giải những xung đột, những mối quan hệ giữa người với người trong đời sống gia đình và xã hội (như các quan hệ anh em, vợ - chồng, thày - trò, bè bạn, chúa nhà - con ở, dì ghẻ - con chồng...). Hư cấu và tưởng tượng là đặc trưng nổi bật của truyện cổ tích”. Cũng theo tài liệu đã dẫn, truyện cổ tích gồm ba bộ phận chính là truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích thế sự và truyện cổ tích loài  vật. Nhưng khi soi các đặc điểm và tiêu chí này để xem xét truyện cổ tích ở Tuyên Quang, khi sắp xếp các câu chuyện đã sưu tầm được vào thể loại truyện cổ tích, có một số vấn đề như sau:

Trước hết, rất nhiều câu chuyện mặc dù được bắt đầu bằng từ “Sự tích...” nhưng trong nội dung lại có lẫn những yếu tố của thần thoại, truyền thuyết như một số truyện có nội dung giải thích các hiện tượng tự nhiên, hình sông dáng núi, địa hình, địa danh trên mảnh đất Tuyên Quang như “Sự tích Ao Trời”, “Sự tích thác Mưa Rơi”, “Sự tích đầm Mây” ... Người dân Tuyên Quang xưa đã rất cố gắng để lý giải các hiện tượng tự nhiên: Vì sao mai rùa lại bị rạn, vì sao trâu húc chuối, vì sao người dân Na Hang lấy hoa chuối đỏ cắm răng bừa cùn ném xuống vực để cầu mưa, vì sao kiêng đi qua đèo Nàng khi đưa dâu... nhưng cũng chính vì sự không phân biệt rõ ràng về thể loại của người xưa nên việc xem xét và đặt chúng vào đúng thể loại là điều khó khăn.

Có nhiều câu chuyện vừa có yếu tố cổ tích vừa có yếu tố truyện cười như các truyện: “Hột Nhồi”, “Người chăn ngựa nhà Quằng”,... cũng bị lẫn các yếu tố truyện cười với câu chuyện về sự đấu trí, sự thông minh của người dân xưa với tầng lớp thống trị tại mảnh đất Tuyên Quang xưa (khá rộng lớn).

Hoặc có truyện, cũng khó phân định giữa mô típ người mồ côi có tài lạ trong một số truyện cổ tích lại có sự gặp gỡ với nhóm truyện Trạng của người Kinh như trong các truyện: “Hột Nhồi”, “Người chăn ngựa nhà Quằng”, “Chuyện nàng Mây”, “Sự tích Thác Tin Tốc”...

Hơn nữa, một bộ phận truyện cổ tích ở Tuyên Quang mang những đặc điểm khó có thể đặt chúng vào một trong ba bộ phận của truyện cổ tích được. Sau rất nhiều trao đổi và nghiên cứu tài liệu, một số truyện cổ tích có yếu tố giải thích các hiện tượng tự nhiên, hình sông, dáng núi, địa hình, địa danh vào một biến thể của truyện cổ tích, đó là truyện cổ tích địa danh với những lý do khá thuyết phục, bởi các truyện này dù có các yếu tố lẫn với thần thoại, truyền thuyết nhưng chúng được cổ tích hóa và thiên về cổ tích nhiều hơn.

Sự giao thoa với truyện dân gian của các dân tộc khác, vùng lân cận là yếu tố không thể tránh khỏi đối với đa số truyện cổ tích đã sưu tầm được ở Tuyên Quang. Sau khi so sánh, nghiên cứu, có thể thấy một số câu chuyện vùng Na Hang có mô típ truyện và kết cấu khá giống với một số truyện cổ tích của người Tày, Dao ở vùng Ba Bể (Bắc Kạn), thậm chí có nhiều chuyện gần như nguyên vẹn: “Sự tích con rồng cụt đuôi”, “Lấy vợ Tiên”, “Tài Ngào”...

Lại có những câu chuyện cả người Tày lẫn người Dao cùng kể, như truyện “Lấy vợ Tiên”, chỉ thay thế bằng một số chi tiết. Chẳng hạn, chi tiết khi đi gặt hộ chàng mồ côi, các cô tiên trong truyện của người Tày đã lấy nước quết trầu nhổ vào ống trong thân cây lúa nên ngày nay lúa không thể cắt ở đầu ruộng nọ lại có thể gặt tiếp ở đầu ruộng kia được nữa, và màu hồng hồng trong thân cây lúa chính là màu nước quết trầu các cô tiên để lại. Nhưng chi tiết này lại được người Dao cho rằng các cô tiên đã lấy giấy dó nhét vào thân cây lúa (phản ánh sản phẩm giấy dó của người Dao). Điều này cho thấy, do tiếp giáp với 7 tỉnh quanh mình, người dân Tuyên Quang xưa đã có một điều kiện để được giao lưu văn hóa dân gian với các dân tộc khác cùng quần cư với mình hoặc gần gũi nhau, nên việc ảnh hưởng và lẫn các yếu tố trong truyện cũng là điều dễ hiểu.

 Nhưng cũng vì điều này mà đôi khi chúng ta có cảm giác các câu chuyện chồng lên nhau, tạo ra nhiều câu chuyện trong một chuyện, khiến cho cốt truyện lỏng lẻo, không thống nhất như các truyện: “Người săn nai”, “Con cầy hương”, “Nàng Kháy”... Do tính chất quần cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, và do đặc điểm truyền miệng của thể loại truyện dân gian nói chung nên việc có hiện tượng giao thoa văn hóa giữa dân tộc này với dân tộc khác là điều khó tránh và dẫn đến hiện tượng chồng lấn các chi tiết lên nhau trong các câu chuyện, dẫn đến hiện tượng khảo dị trong truyện cổ tích.

Có thể nói: Truyện cổ tích Tuyên Quang khá phong phú về nguồn truyện và nội dung truyện. Trong hơn 100 truyện cổ tích sưu tầm được đã phản ánh một đời sống tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Ngay từ thuở xa xưa, cũng như các tộc người ở các địa phương khác trên cả nước, họ thể hiện một khả năng khám phá, làm chủ thiên nhiên hoang dã, thể hiện khát vọng sống, khát vọng đấu tranh cho lẽ phải, cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi, thể hiện trí tuệ siêu việt của người dân vùng cao luôn đối mặt với bao hiểm nguy cả về tự nhiên lẫn xã hội. Địa thế núi cao, sông sâu, giáp ranh nhiều địa phương khác của Tuyên Quang xưa đã góp phần hình thành nên một hệ thống truyện cổ tích phong phú, đặc sắc, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có thể có được.

Truyện cổ tích Tuyên Quang rất chú ý phản ánh tình yêu đôi lứa thủy chung của những đôi trai gái gặp nhiều trắc trở do những rào cản từ phía gia đình, tập tục, xã hội, gia cảnh... Nhưng người dân Tuyên Quang xưa đã trân trọng tình yêu đôi lứa trong sáng và đẹp đẽ nên đã để cho họ được bên nhau mãi mãi dù phải tìm đến cái chết, không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Sự đấu tranh không khoan nhượng của các nhân vật trong truyện cổ tích Tuyên Quang để dành được tình yêu một cách quyết liệt đã khiến người đời sau khâm phục, trân trọng. Chính điều này đã để lại những cái tên mà các thế lực hắc ám muốn ngăn cản họ đời đời đều không thể làm được: đèo Pù Loòng Nào, đèo Ái Au, thác Tin Tốc... Trong truyện cổ tích Tuyên Quang, không chỉ có con cái nhà nghèo mới giữ lòng thủy chung son sắt, mà ngay cả các con cái nhà Lang, nhà Thổ ty, nhà Quằng nếu đã yêu thì dù người yêu mình sinh ra trong gia đình giàu hay nghèo, họ cũng rất chung thủy, sẵn sàng chết cùng nhau để bảo vệ tình yêu của chính mình, không chấp nhận sự sắp đặt của mẹ cha, tập tục. Và cũng chính vì vậy, các nhân vật hy sinh vì tình yêu chân chính được nhân dân xưa ngợi ca không phân biệt. Qua đó, có thể thấy: Người dân Tuyên Quang xưa vô cùng trân trọng, yêu thương những con người dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu đích thực, một quan điểm không bao giờ được cổ súy trong thời kỳ phong kiến, đặc biệt trong tập tục của các dân tộc thiểu số xưa kia.

Nhiều truyện cổ tích Tuyên Quang phản ánh cách nghĩ, cách giải thích của người Tuyên Quang xưa về tên địa danh, địa hình, hình sông dáng núi của nhiều vùng đất Tuyên Quang, đặc biệt là vùng đất Na Hang, núi non hùng vĩ, phản ánh sự gắn bó sâu sắc của người dân xưa với vùng đất này. Người kể chuyện cố gắng giải thích cho người đời sau các hiện tượng tự nhiên như: Hình dáng của núi Pắc Tạ trông như hình một chiếc nậm rượu lớn vua ban cho con voi chiến dũng mãnh một thời, núi Nàng Tiên chú Khách với những hình người còn in trên đá với lời chê bai còn mãi, chiếc ao Trời dở dang còn lại trên đất Na Hang vì lỗi tò mò của bà Then, tên các con đèo ghi lại những câu chuyện tình đau thương, nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng vùng đất Thượng Lâm... Nhiều câu chuyện buồn thương nhưng cũng không ít các câu chuyện hào sảng, thâm thúy mang đậm chất núi rừng, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, tinh tế của người dân Tuyên Quang xưa.

Truyện cổ Tuyên Quang tập trung phản ánh cuộc đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng của những người dân miền núi đứng lên chống giặc ngoại xâm (Khan Mạ, Cây vàng Tâm), chống cường hào, ác bá chốn núi rừng như Quằng, Thổ ty, nhà Lang (Loóng, Hột Nhồi, Người chăn ngựa nhà Quằng, nàng Mây, nàng Kháy...) Họ chính là những đại diện của người dân xưa thể hiện khát vọng tự do, đấu tranh cho lẽ phải, cho làng bản, cho đất nước mà không nghĩ đến bản thân. Những phần thưởng cuối cùng dành cho họ thật nhỏ nhoi: Khan Mạ nai nịt gọn gàng bái biệt chúng dân, một mình lội ngược dòng thác, từ chối không nhận sắc phong của nhà vua; đó chính là sự bình yên cho bản thân, một hạnh phúc bình thường mà họ xứng đáng được hưởng chỉ là một mảnh đất nhỏ hẹp để họ dựng nhà sinh sống... Nhưng để đổi lấy hạnh phúc nhỏ bé đó, họ đã phải đấu tranh bền bỉ, phát huy hết trí lực và nhận được sự đoàn kết nhất trí của người yêu, dân bản, bạn bè... trong cuộc đấu tranh một mất một còn ấy.

Truyện cổ tích loài vật ở Tuyên Quang không nhiều, tập trung vào việc mô tả những con vật có tình có nghĩa như con cầy hương, con hổ, con rồng, con voi chiến trong một số truyện như: Con cầy hương, Làm anh em với hổ, Sự tích núi Pắc Tạ, Hai chị em... Ngoài việc phản ánh sự gắn bó, hiểu biết về các loài thú ở núi rừng Tuyên Quang, truyện cổ về loài vật còn cho chúng ta thấy những quan niệm hết sức tốt đẹp của người dân miền núi thật thà, chất phác: Khi con người ta thật lòng đối xử với nhau, thì các con vật (dù là ác thú) cũng có thể trở thành bạn bè thân thiết, sống tình nghĩa bên nhau. Còn ngược lại, mọi hậu quả, người làm ác phải chấp nhận tất cả, kể cả cái chết.

Đa số truyện cổ tích Tuyên Quang có kết cấu đơn giản, gọn gàng, ngắn, nhưng cũng có một số truyện có kết cấu tầng bậc như một số câu chuyện của người Dao (Người săn nai, Nàng Kháy, Con cầy hương, Sự tích Ao Trời...) Như trên đã phân tích, điều này phản ánh rõ sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất Tuyên Quang với văn hóa của người Kinh ở châu thổ sông Hồng. Chính điều này đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn bởi những tình tiết ly kỳ, mới mẻ, tạo nên sự thú vị cho người đọc.

Mô típ đôi (kép) được sử dụng khá nhiều trong kiểu nhân vật của truyện cổ tích Tuyên Quang. Dạng thứ nhất: Nhân vật chính là các chàng trai mồ côi có tài, thông minh, trọng tình nghĩa (Hột Nhồi, Loóng, Nậm, Chàng chăn ngựa nhà Quằng...). Dạng thứ hai: Nhân vật chính là những cô gái xinh đẹp có tài năng, trọng nghĩa tình, dũng cảm (nàng Mây, nàng Ái Cao, nàng Kháy...) Những mô típ nhân vật này được sử dụng khá nhiều tạo nên mạng lưới những công tích của nhân vật, càng góp phần tạo nên những dấu ấn tốt đẹp cho nhân vật.

Trong mỗi câu chuyện, người dân xưa rất chú ý đến việc mô tả lời ăn tiếng nói của các dân tộc, nên khi kể chuyện, đặc điểm ngôn ngữ nói của từng dân tộc được thể hiện khá rõ nét mà vẫn hết sức giản dị, sinh động và cụ thể. Điều này làm nên những tên đèo, tên núi, tên địa danh, phong tục của truyện cổ tích Tuyên Quang một diện mạo không giống với truyện cổ tích của các vùng miền khác. Có thể người đọc nhận thấy bóng dáng của một cốt truyện quen thuộc nào đó trong hệ thống truyện cổ tích Việt Nam nhưng những tên địa danh, tên núi, thì chỉ có thể là của mảnh đất Tuyên Quang chứ không thể là nơi nào khác. Thậm chí, những câu nói vần trong mỗi câu chuyện cũng được ghi lại bằng chính lời ăn tiếng nói của người dân nơi đây rất dễ nhớ, dễ thuộc cũng phần nào nói lên chất địa phương của từng dân tộc.

Qua ngôn ngữ kể chuyện của người xưa, chúng ta có thể nhận thấy khả năng tưởng tượng hết sức phong phú của nhân dân Tuyên Quang. Những sự tích về 99 ngọn núi ở Thượng Lâm, núi Pắc Tạ, Thác Mưa Rơi, đèo Nàng, cánh đồng bông Lăng Can... đã cho chúng ta thấy một tình yêu quê hương đất nước sâu đậm trong những con người bình dị, chất phác, đậm sâu tình người nơi đây. Từ nơi xa nhất của tỉnh Tuyên Quang (xã Côn Lôn) đến nơi gần nhất (huyện Yên Sơn), đâu đâu cũng thấm đẫm tình người trong mỗi thớ đá, dáng núi, hình sông.

Kết thúc có hậu là một yếu tố không thể thiếu đối với thể loại truyện cổ tích nhưng trong truyện cổ tích Tuyên Quang không phải câu chuyện nào cũng có kết thúc có hậu. Nhiều truyện có kết thúc bi thảm (Sự tích đèo Ái Au, Sự tích đèo Nàng, Sự tích Pù Loòng Nào...) mà phần bi kịch lại thuộc về nhân vật chính. Nhưng cũng qua đó, người đọc càng thấy được quan điểm đề cao yêu đương tự do, tôn trọng tình yêu cá nhân của người dân vùng cao Tuyên Quang. Bên cạnh đó, cái ác cũng vẫn bị trừng trị thật xứng đáng nhưng phần lớn là do chúng tự chuốc lấy cái chết, đại diện của cái thiện không phải ra tay trừng trị như trong nhiều truyện của người Kinh. Thậm chí người dân nơi đây còn mở cho chúng những con đường sống để chúng hối cải hay ít ra thì cũng biết kiềng mặt đám “dân đen” luôn mang sẵn ngòi nổ đấu tranh này.

Mặc dù còn có những nội dung chưa được nghiên cứu một cách toàn diện song tập truyện cổ tích Tuyên Quang ra đời thật sự có ích cho các tiết dạy Chương trình địa phương môn Ngữ văn của các bậc học phổ thông và chuyên nghiệp trong tỉnh khi mà các cuốn giáo trình, sách giáo khoa Ngữ văn địa phương chưa được triển khai biên soạn trong toàn tỉnh. Qua đây, các em học sinh - sinh viên sẽ biết liên hệ chặt chẽ những kiến thức đã học về văn học dân gian với những hiểu biết về quê hương Tuyên Quang, biết khai thác, bổ sung và phát huy vốn hiểu biết về văn hóa địa phương, làm phong phú hơn, sáng tỏ hơn cho chương trình học tập chính khóa. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguồn tài liệu tham khảo giá trị cho những ai yêu thích, tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về thể loại truyện cổ tích ở Tuyên Quang.

Bùi Thị Mai Anh

Tin tức khác