Người trở về đổi đời cho đất

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 09:02| 202 lượt xem

Bút ký của Lê Na

Anh Nguyễn Việt Lâm với vườn dưa lưới của mình.

 

Tôi gặp Nguyễn Việt Lâm, bán dưa lưới tại gian hàng sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, tại Lễ hội Thành Tuyên, 2023. Một chàng trai, nước da đen giòn, vóc dáng vạm vỡ mà vẻ mặt hiền khô. Giữa thu, nắng thành phố còn khá gay gắt. Gương mặt anh luôn thường trực nụ cười, mời chào. Mùa lễ hội năm nay cũng đúng vào vụ thu hoạch dưa. Người đi du lịch, kẻ đến ngắm, người mua bán tấp nập. Những trái dưa lưới, căng tròn, núc ních. Màu vàng, màu xanh, và màu trắng sữa xếp ngay ngắn trên kệ hàng, thật bắt mắt. Ai đến cũng được chủ hàng xởi lởi, cắt dưa, mời thưởng thức. Bốn sản phẩm của Lâm là dưa sữa vỏ trắng, dưa vỏ xanh ruột cam, dưa Hà Lan vàng và dưa Ichiba của Nhật. Tôi nếm thử miếng dưa sữa, một vị ngọt thanh, thơm mát thật ấn tượng. Nó còn dư đọng vị thơm ngon, như có gì lưu luyến, như thoang thoảng một cơn gió thu vừa lướt qua.

Đợi đến cuối giờ buổi sáng, vãn khách, tôi quay lại gặp chàng trai sinh năm 1992 ấy. Lâm lại tươi cười mời dưa. Lần này tôi nếm thử loại dưa vỏ xanh ruột cam. Cái màu sắc vàng cam đầy hấp dẫn. Thịt dưa óng, mịn. Cắn thử, giòn và ngọt. Nước tứa ra, thấm mát, ngọt đến từng chân răng. Lại có khách mua. Tôi đành phải nhường câu chuyện cho vị khách nữ, chừng ngoại bốn mươi tuổi. Cô ta đã mua dưa của Lâm hôm trước. Cả nhà nức nở khen ngon, nên quyết định mua thêm cả yến dưa, làm quà cho người nhà, ở xa Tuyên Quang. Cô khách hàng tấm tắc khen dưa ngọt, dưa thơm. Rồi lại khen chàng trai bán dưa đẹp trai, biết chọn cây dưa để phát triển kinh tế. Lâm nhìn khách hàng chỉ tủm tỉm cười và cảm ơn chị đã tin dùng sản phẩm. Sau vài câu chuyện hỏi thăm xã giao, tôi xin số điện thoại của Lâm, hẹn sẽ về với vùng quê ấy.

 Bốn chục năm trước, ngày ấy Lâm còn chưa ra đời, tôi đã đến công tác tại Mỏ Thiếc Sơn Dương, đóng trên địa bàn xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương. Khi đó, an ninh trật tự tại đây rất phức tạp. Biết bao người trẻ, già, gái, trai tứ xứ cùng dân địa phương đào bới, xới lộn, khoét đồng, nạo suối tìm quặng thiếc. Những lán, trại mọc lên như nấm sau mưa. Các thôn: Lẹm, Khuôn Phầy, Bãi Cát, Ba Khe, có lúc cả ngàn người tấp đến. Tệ nạn xã hội theo về. Cờ bạc, mại dâm, ma túy xuất hiện. Tai nạn lao động, thậm chí máu đã đổ trên những bãi khai thác quặng tự do. Giống như những bãi khai thác vàng ngày đó, khai thác quặng thiếc, quặng vonfram chưa được quản lý chặt chẽ. Kháng Nhật, như bãi chiến trường, ở đó có “lục lâm thảo khấu” và cả giang hồ, hảo hán.

Khai thác quặng của Xí nghiệp Mỏ Thiếc Sơn Dương và Mỏ Thiếc Bắc Lũng trên địa bàn Sơn Dương nở rộ và sôi động. Nguyên liệu quặng thô được bán cho nước ngoài, tiền tươi, thóc thật. Những bãi tuyển, lòng moong, ầm ào suốt ngày đêm. Khai thác bằng máy móc, thiết bị công nghiệp chạy đua với đào bới, mót quặng thủ công. Mỏ ăn nên, làm ra, công nhân cũng có thu nhập khá. Dân mót quặng, buôn quặng kiếm tiền dễ ợt. Chính quyền xã Kháng Nhật, có lúc người ta ví như Nhà nước Palestine. Có đất, nhưng nơi nào chứa quặng thiếc lại thuộc Mỏ quản lý. Có dân, nhưng người nơi khác đến nhiều hơn người địa phương. Hơn mười năm đất mỏ sôi sục, thậm chí còn khốc liệt. Thế rồi khai thác mãi, nguồn quặng cũng cạn kiệt. Phía nước đối tác ngừng mua quặng thô. Kháng Nhật lại im lìm, như cô công chúa ngủ trong rừng.

Cả một cơ ngơi đất đai, đồng ruộng, đồi núi hoang tàn để lại. Chính quyền và người dân nơi đây bắt đầu làm mới cuộc sống của mình. Bà con lại san lấp, cải tạo đất đai, đồng ruộng, phát triển kinh tế từ vườn rừng, chú trọng canh tác cây lúa, ngô, màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ khi hưởng ứng công cuộc xây dựng nông thôn mới, đồng ruộng, đồi cây, làng bản đã tươi xanh lại. Những thế hệ 8X, 9X sinh ra trên đất này, bằng những nghị lực sáng tạo, bằng sự tiếp thu tiến bộ khoa học trong thời đại công nghệ số đang làm đẹp giàu cho đất quê.

Nguyễn Việt Lâm là một điển hình trong lớp người đó. Không hẹn trước, tôi phóng xe máy từ Tuyên Quang, theo Quốc lộ 37, qua thị trấn Sơn Dương chừng sáu kilomet rồi rẽ phải, ngược dốc đèo về xã Kháng Nhật. Con đường tỉnh, được trải nhựa mấy chục năm trước, đã vỡ lở nhiều chỗ. Hai bên đường, rừng keo xanh rợp bóng. Rồi những đồi chuối tiêu, lá xanh che kín đất, đang trổ buồng khoe trái. Con đường vắng vẻ như đang dẫn vào rừng sâu, núi thẳm. Hơn năm cây số, mãi đến gần trung tâm xã, tôi mới gặp xe máy, ô tô và bóng người.

Bên cạnh khu hoang phế với những dãy nhà làm việc của Xí nghiệp Mỏ thiếc cũ, một khu mới khang trang dành cho trường học, trạm y tế và trụ sở Ủy ban nhân dân xã đã mọc lên. Có người quen, tôi tìm vào phòng làm việc của Công an xã. Trưởng Công an xã, Trung tá Nguyễn Thành Chung đang họp. Tiếp tôi là Thiếu tá Lương Đình Dự, Phó trưởng Công an xã, ba mươi chín tuổi. Anh Dự cho biết, kể từ khi lực lượng công an chính quy về xã, tình hình an ninh, trật tự được nắm bắt và xử lý nhanh chóng. An ninh, trật tự được giữ vững, giúp cho bà con yên tâm sản xuất. Kháng Nhật hiện có 962 hộ, hơn 3.300 khẩu, cư trú tại 11 thôn, gồm 15 dân tộc. Chủ yếu là dân tộc Dao Quần Chẹt, Kinh, Tày, Nùng và Sán Dìu. Hiện, xã còn hai thôn đặc biệt khó khăn.

Thiếu tá Dự dẫn tôi theo con đường bê tông, xuống dốc rồi lại ngược đồi lên trang trại của Lâm. Khu trang trại nằm xa dân vài cây số, trên một vạt đồi dốc. Từ xa đã thấy những khu nhà ni lông trắng, liền kề nhau, lọt giữa màu xanh của rừng keo. Dưới chân đồi, một ao nước rộng, là nguồn nước tưới cho vườn. Tôi phải cài số một, mà con WaveS vẫn phải gằn máy mới vượt được dốc. Ngôi nhà mới dựng của vợ chồng Lâm Hằng, nhìn xuống khu sản xuất. Chàng trai 9X bất ngờ khi tôi có mặt ở đây. Lâm đang tiếp Tiktoker Trần Minh Hùng, từ Quảng Trị ra thăm vườn và quảng bá cho sản phẩm của mình.

Tôi tranh thủ gặp chủ trang trại. Lâm cho biết, anh bắt đầu khởi nghiệp từ 2017. Vốn là một kỹ sư cơ, điện tử, đại học Công Nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp loại khá, năm 2014 ra trường. Lâm đã từng đi sửa máy phát điện, đi bán dầu cơ khí cho máy CNC. Gần bốn năm lang thang ở Hà Nội và một vài nơi khác, thu nhập cũng tạm ổn. Có khi, một mình một ô tô vi vu đây đó. Vui buồn cũng có, cả thành công và thất bại, nhưng trong tâm trí, anh vẫn luôn nhớ về mảnh đất tuổi ấu thơ. Ước mơ trở về đổi đời cho đất, luôn khát khao, bỏng cháy.

Lâm là con một trong một gia đình nông dân. Bố anh một cựu chiến binh cũng lấy ruộng, đồi kiếm kế sinh nhai. Năm 2018, chàng trai 26 tuổi ấy, xây dựng gia đình. Vợ anh, Nguyễn Thúy Hằng, 22 tuổi, cùng quê. Từ đôi bàn tay trắng, mặt bằng trắng, thậm chí đồng vốn cũng gần như trắng, hai vợ chồng quyết định đầu tư làm trang trại rau sạch. Có người bảo là điên rồ, viển vông, xa rời thực tế. Anh em, bạn bè nghe tin, chàng kỹ sư bỏ phố về làng chơi với vườn, kẻ bảo gàn dở, người chê kém cỏi. Mặc họ. Chỉ có người cha Cựu chiến binh vĩ đại, ông Nguyễn Văn Sáu, đồng ý và hỗ trợ đắc lực. Lâm nói vui, phía sau sự thành công hay thất bại của Lâm, vẫn luôn có người cha đồng hành. Ông Sáu thương con, tôn trọng ước mơ chính đáng của con, dốc vốn liếng, sức lực để hỗ trợ.

Vạn sự khởi đầu nan. Khó khăn, chồng chất khó khăn. Mặt bằng sản xuất không có, phải tìm mua đất đồi núi, xa khu dân cư. Có đất núi đồi chênh vênh, lại phải san ủi mặt bằng, mở đường lên. Kỹ thuật và kinh nghiệm trồng các loại dưa nhập nội không có. Lâm phải tự nghiên cứu, tìm hiểu qua các trang mạng xã hội. Được chính quyền địa phương ủng hộ, khuyến khích đó là chỗ dựa tinh thần cho chàng trai 9X lập nghiệp. Công nghệ 4.0 đã mở hướng cho lớp trẻ tiếp cận nhanh với khoa học, kỹ thuật. Lâm trực tiếp đến các trang trại dưa lưới để liên kết trao đổi, học tập kinh nghiệm, tìm mua giống, vật tư, phân bón, trang thiết bị chăm sóc và tìm nơi bao tiêu sản phẩm. Gieo hạt dưa vụ đầu, cả vợ lẫn chồng thao thức ngóng hạt mầm lên. Ông Sáu cũng phấp phỏng như con trai. Gần bảy mươi tuổi, ông vẫn lọ mọ vào trang trại, lắng nghe từng hơi thở của cây dưa. Làng bản, vẫn có người dị nghị, dèm pha. Có người nói bóng gió, trồng cây bằng nước lã và xơ dừa, chỉ có là ước mơ hão huyền.

Lứa dưa đầu cho trái, cũng là khi vợ chồng Lâm Hằng đón tin vui có thai đứa con đầu lòng. Bấy giờ, chăm vợ và chăm dưa là việc hệ trọng trên vai chàng trai tuổi Nhâm Thân. Nhờ có bên nội, bên ngoại hậu thuẫn, anh thuê thêm 8 nông dân quanh vùng giúp việc. Kỹ thuật chăm sóc được Lâm giao cho chị Đào Thị Thủy, 41 tuổi đảm nhiệm. Mức lương chị được hưởng là bảy triệu đồng một tháng. Những người khác hưởng lương, tiền thưởng theo thời vụ. Vừa có thêm thu nhập, lại vẫn có thời gian làm công việc nhà, những nông dân này luôn chăm chỉ với việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch dưa.

Qua bảy năm khởi nghiệp, từ diện tích 900 mét vuông, nay vườn dưa của Lâm đã có 8.000 mét vuông, với 9 khu nhà vườn. Hệ thống tưới cây nhỏ giọt đều được tự động hóa. Vụ vừa qua, Lâm trồng hai vạn gốc. Chi phí vật liệu, gồm vỏ bao, xơ dừa cho mỗi gốc là 9.000 đồng. Ước tính mỗi vụ, Lâm cung cấp ra thị trường khoảng ba mươi tấn quả, thu hơn một tỷ đồng. Một năm quay vòng ba vụ dưa lưới và một vụ dưa chuột bao tử hoặc ớt chuông.

Vòng đời của cây dưa lưới chỉ từ tám mươi đến chín mươi ngày, tùy theo thời tiết, khí hậu và chăm sóc. Sau 25 ngày ươm hạt, cây dưa bắt đầu ra hoa. Thứ hoa vàng rực rỡ, xếp hàng trên thân dưa mập mạp. Người ta thả dây, níu ngọn cho dưa bám vào leo lên. Không có ong, bướm, nông dân phải trực tiếp thụ phấn cho hoa. Để có sự lựa chọn, thường thụ phấn từ ba đến bốn hoa trên một dây. Hai ngày sau, hoa kết trái. Ba bốn trái non tí xíu. Những farmers chọn lựa, chỉ để lại một quả duy nhất cho mỗi dây. Nếu nhiều hơn, cây không đủ sức nuôi trái. Công việc tiếp theo, cắt tỉa bớt những lá già, lá thừa để cây dồn sức nuôi quả. Sau 20 ngày, quả dưa bắt đầu tạo lưới. Người ta gọi dưa lưới chính vì đặc điểm này. Trên vỏ quả, xuất hiện những đường gân màu trắng như lớp lưới, bao bọc trái dưa. Chỉ hai ngày sau đó, hình ảnh lưới đã bao trùm kín quả. Từ khi lưới xuất hiện, cũng là lúc dưa tạo độ ngọt. Lưới dưa càng nhiều, càng hiện rõ đậm nét, trái dưa càng có độ ngọt cao. Khi lưới trùm lên núm quả, đó là lúc dưa đã chín, cần thu hoạch.

Ngồi nói chuyện mà liên tục chuông điện thoại. Biết chàng trai đang sốt ruột vì có xe tải đến chở dưa. Tôi bảo, cho tôi cùng xuống vườn. Ở nơi tập kết, một xe tải đang bốc hàng. Dưa đã được bọc riêng từng quả, đóng hộp. Mỗi hộp chừng hơn ba chục ký. Mọi người đang giúp nhau, khiêng lên cân rồi chuyển vào thùng xe. Đào Thị Thủy ghi từng mã cân. Mấy chục hộp dưa đã lên xe. Thị trường tiêu thụ là Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ và Tuyên Quang.

Tôi xách máy ảnh xuống vườn dưa. Một tốp khách du lịch đang check-in tại vườn. Nghe nói chuyện, biết họ đã mua dưa từ hội chợ, nay muốn đến trực tiếp thăm vườn. Mấy cô gái tạo dáng hết luống dưa vàng sang luống dưa xanh, dưa sữa. Trái lúc lỉu, đu trĩu dây. Chúng xếp hàng tăm tắp ở một độ cao, gần như mặc định. Mỗi trái dưa, được mặc thêm áo mới bằng lưới xốp trắng, trông như những em bé xinh xắn, dễ thương.

Nguyễn Thúy Hằng, bà chủ dưa, bộ đồ bảo hộ trùm kín người, đang cắt dưa. Nhìn đống dưa xếp bên lối đi và những quả trên dây, xúm xít bên nhau như đàn con của người mẹ chịu thương, chịu khó. Hằng bảo, những ngày hái dưa, tuy vất vả chút nhưng mà vui. Nhìn ánh mắt cười được mùa của người mẹ trẻ hai con mà thấy niềm vui mùa quả ngọt dâng đầy.

Chín khu nhà ni lông sáng lên trong nắng thu. Chỉ vài ngày nữa, khi thu hoạch hết dưa, khu vườn lại trống trơn. Hằng bảo, khi đó những trang trại viên lại vệ sinh vườn, nhặt bỏ thân cây, lá rụng, rác thải rồi khử trùng, thay toàn bộ các túi chứa xơ dừa. Một vụ dưa mới lại bắt đầu.

Chiếc xe tải chở dưa đã lăn bánh. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt chàng chủ vườn. Nhóm nông dân nghỉ tay, áo họ cũng ướt đẫm mồ hôi. Những trái dưa ngon nhất được bổ ra mời mọi người. Tôi gặp những nụ cười sau vành nón, sau các thứ đồ bảo hộ lao động, thấy vui lây. Vừa ăn Lâm vừa nói chuyện việc anh chuyển giao kỹ thuật, nhân thêm những trang trại “phiên bản” ở Kim Bình, Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; Ở quê cha đất Tổ của họ Nguyễn tại xã Tống Trân, Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên và thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu tính tổng cộng cả ba nơi đã có trên 3 ha đất dưa.

Từ cằn cỗi, hoang xơ, từ chênh vênh, gian khó đã cho mùa quả ngọt. Ai đó vừa đọc một câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả” Và, ai đó cũng mượn ý thơ này để “chế”: “Có sức người, sỏi đá cũng thành... dưa”. Dưa lưới, mở ra nhiều mô hình, trang trại khác cho nông dân ở đây. Góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đưa xã Kháng Nhật trở thành một trong sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Trong một tương lai gần, Sơn Dương sẽ về đích huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tôi nâng máy ảnh hướng về niềm vui ấy. Niềm vui mang tên dưa lưới. Đó là những nụ cười của những nông dân bên niềm vui của chàng kỹ sư bỏ phố về vườn, đem sức trẻ làm ngọt đất quê hương.                                                                                                 

L.N

Tin tức khác