Ngược nguồn Na Hang

Thứ hai, ngày 27-06-2022, 08:44| 1.127 lượt xem

Đang ngồi ở phòng, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo, vừa nhấc máy lên tôi đã nghe thấy giọng hối thúc: “Na Hang chuẩn bị diễn ra Tuần văn hóa - du lịch năm 2022 đấy, em thấy có nhiều sản phẩm du lịch mới lắm, anh có đi trải nghiệm không?” Thì ra là nhà thơ Tạ Bá Hương bên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Hơn hai năm nay dịch dã, nên cũng chưa được đi đâu ra khỏi thành phố, đang cuồng cẳng, nghe thấy vậy là tôi gật đầu tắp lự. Lại được bay nhảy rồi, lâu lắm rồi chưa lên thưởng ngoạn nơi này. Vậy là sau ly cà phê sáng trước Quảng trường trung tâm, mấy anh em chúng tôi xuất phát

Minh họa Lê Cù Thuần

 

.Đường từ thành phố Tuyên Quang qua Chiêm Hóa rồi đến Na Hang khá nhẵn nhụi, đi chừng hai giờ là đến trung tâm huyện lỵ. Một cảm giác khá ngỡ ngàng ập đến khi xe bắt đầu vào thị trấn, hiện ra trước mặt là con đường một chiều gọn gàng, phẳng phiu như bộ đồng phục hoàn chỉnh, tuyến đường rộng chạy dài theo dãy phố mới, hai bên đường cờ, hoa tung bay theo gió như hàng ngàn cánh tay đang giơ ra vẫy gọi. Đúng lúc đó anh Đặng Quốc Tuấn đi cùng đoàn mở bản nhạc “...Ai lên Tuyên Quang vượt vòng cung Lô, Gâm tới Na Hang quê em/Ai bay trên không tới miền Thượng Lâm thấy chín mươi chín ngọn núi, đó chính là Na Hang quê em...”, giai điệu của lời hát càng trở nên quyến rũ khi ta đã đặt chân đến mảnh đất này.

Đứng bên cây cầu treo nhìn về phía thượng lưu, con đập giống như chàng Atlas khổng lồ, hai chân ngập dưới lòng sông rộng, chàng khom lưng, gồng vai, dang rộng đôi cánh tay vạm vỡ cắm vào thân núi, ngăn lại dòng nước dữ của con sông Năng và sông Gâm, mặc cho hồ nước đầy lên đè nặng trên lưng mình. Hai con sông vốn xưa kia hung hãn, nay đã ngoan ngoãn dâng cao, trong xanh và phẳng lặng. Nhìn hồ nước mênh mông, xanh thẳm tôi bỗng nhớ tới nỗi khát khao của chàng Tài Ngào khổng lồ “Năm ấy, trời làm hạn hán kéo dài. Cả vùng núi cao vốn đã khó nước nay lại càng khô khát. Chỉ có con sông Gâm là còn dòng nước trong mát cứ chảy mãi về xuôi một cách phung phí. Ngẫm nghĩ nhiều ngày nhiều đêm, Tài Ngào tính phải đắp một con đập ngăn dòng cho nước dâng lên, cứu giúp người dân vùng cao đang bị hạn. Thế rồi ngày ngày chàng ra sức dồn đá từ chân núi Pác Tạ, ngược lên vùng Đức Xuân, Thúy Loa, chuẩn bị lấp sông ở chỗ Núi Đổ”.

Ngắm nhìn khối đá sừng sững chắn ngang dòng sông sâu, tôi thấy hiện lên trước mắt mình biết bao nhiêu những chàng Tài Ngào nhỏ bé, những người con trai, con gái từ mọi miền quê hương đã ngày đêm xẻ núi, đào sông, đổ đá, đắp bờ, họ đã dệt xong mơ ước của chàng Tài Ngào khổng lồ năm xưa còn dang dở. Và đó cũng là ước mơ của biết bao thế hệ người, đã sinh ra và lớn lên bên hai dòng sông thơ mộng này.

Trên đường lên thác Pác Ban, cả chiếc xe lẫn con đường nhỏ nằm lọt thỏm giữa khe núi đá bị chẻ làm đôi, vách núi xám nhẵn từ dưới chân lên đến tận đỉnh núi, mặt đá rộng lớn như chiếc gương to được Voi Thần khổng lồ Pác Tạ gắn vào vách núi, để những đêm trăng sáng chị Hằng Nga ghé thăm trang điểm.

Vào đến chân thác là nghe thấy tiếng nước đổ, từ dưới nhìn lên, những mảng màu trắng xóa lúc ẩn, lúc hiện rồi chìm dần về đỉnh núi, lẫn vào nền xanh của núi rừng đại ngàn. Xuống dưới bến thủy, đứng cạnh tầng thác cuối vừa được nghe tiếng nước chảy lặn vào bụng hồ, vừa được phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng cả mặt hồ rộng lớn. “Tuyệt quá! - chú Ma Văn Đức thốt lên phấn khích - Trên là bến dưới là thuyền, thác nước bạc cứ ngày đêm rì rầm hát, thật sơn thủy hữu tình”. Trong căn nhà nhỏ bên bờ suối, dù trời đang vào hạ nhưng chúng tôi không nhận thấy cái oi nóng của mùa hè. Xung quanh nhà là những cây rừng, tán lá rộng xòe ra xanh mát. Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi xuống bến tàu để đi tham quan đền Pác Tạ. Từ mũi tàu nhìn về ngọn núi Pác Tạ đang uy nghiêm soi mình xuống lòng hồ rộng lớn, chú Đức bảo: “Ngọn núi này là biểu tượng của Na Hang mình đấy, rất linh thiêng và hùng vỹ”.

Nhà thơ Tạ Bá Hương hỏi cô gái người Tày Ma Thị Diệu: “Pác Tạ nghĩa là gì hả em?”. Diệu nhẹ nhàng đáp: “Pác Tạ tiếng Tày là Vú của Trời, hay còn gọi là Núi Voi, ngọn núi này cao hơn tám trăm mét anh ạ”, rồi cô chỉ tay và nói: “Anh nhìn xem, núi có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu đấy. Ngọn núi này cũng có nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh, họa sỹ, các nhà thơ, nhà văn và cả du khách đã sáng tác những tác phẩm hay và đẹp nữa”. Diệu mỉm cười duyên dáng. Anh Tuấn đùa: “Em cũng là bông hoa đẹp nhất miền sơn cước đấy”. Diệu bẽn lẽn cười rồi nói: “Truyền thuyết kể lại rằng, để thuần dưỡng chú voi hung dữ đi đánh giặc, người ta đã dùng rượu để dụ và quản voi. Tan giặc, Voi Rượu uống 5 nậm rượu thì tắt thở, rồi voi và nậm rượu đã hóa thành đá. Đến nay hình tượng đó vẫn còn và dân bản đặt tên là Pác Tạ”. Chúng tôi cùng nhìn lên, trước mắt mình là chú voi thần đang trầm ngâm đứng bên nậm rượu.

Thuyền cặp vào bờ, từng bước một chúng tôi đi lên đền Pác Tạ. Ngôi đền được dựng lên bên dòng sông Gâm dưới ngọn Tạ Sơn để thờ phụng và ngưỡng vọng vị hôn thê của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Đền Pác Tạ có kiến trúc hình chữ Nhất, cửa đền quay hướng Nam trông ra phía dòng sông Gâm. Thắp nén nhang trên lư hương nghi ngút. Lặng đứng trước ban thờ và tượng “Đức Thánh Mẫu”, bên trên là bức đại tự: “Bắc Tạ linh từ” (Đền thiêng Bắc Tạ) và “Đức Thánh Mẫu niên hương” (Ân đức của Thánh Mẫu lưu tiếng thơm muôn đời). Diệu lại nhẹ nhàng kể về truyền thuyết của ngôi đền: “Trong thời gian trấn thủ vùng Tuyên Quang, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã đem lòng ái mộ con gái một viên tù trưởng địa phương. Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình hiếu học... Trên đường đón vị hôn thê của Tướng quân họ Trần về kinh đô, qua đây gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật... Để tưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn Vương - Trần Nhật Duật, những người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác. Dòng họ Ma được quyền chăm lo hương khói cửa đền từ đó”.

Từ cửa đền nhìn xuống, hai dòng sông Gâm và sông Năng xưa, nay đã trở thành biển hồ mênh mang. Tiếng cô gái Tày hòa trong tiếng gió “Vào những ngày đầu xuân những đám mây trắng xà xuống dưới cửa đền, bên dưới là mặt hồ trong xanh phẳng lặng, chui qua lớp mây là lên đền, khói hương nghi ngút bay ra cuộn với mây trời, đứng đây như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh”. Đang mê mải với cảnh sắc sông nước, mây trời, tôi bừng tỉnh khi nghe thấy tiếng gọi của Diệu để tiếp tục lên đường.

Theo nhánh hồ sông Năng, càng đi, càng thấy lạ, bụng hồ hẹp hơn nhưng hai bên bờ rất nhiều cây cổ thụ mọc sát mặt nước, cứ thế đuổi nhau lên đến tận đỉnh núi, vươn lên đến trời xanh. Những cây gỗ đinh, lim, nghiến… rộng cả mấy người ôm, tán lá xum xuê vươn ra soi xuống mặt hồ, làm mặt nước càng trở nên xanh thẫm. Vào bờ, chúng tôi cùng nhau lên thăm chợ Đà Vị, khu chợ rộng rãi, nằm ngay gần đường giao thông. Trong chợ trưng bày nhiều loại hàng hóa, dạo một vòng quanh chợ, thấy cuộc sống của đồng bào mình đang dần sung túc. Rẽ vào khu bán hàng nông, thuỷ sản, nhìn những con cá lăng râu dài đang quẫy trong chậu của em gái Tày, hay những bó rau non xanh trong địu của bác người Nùng và những mớ rau làm thuốc chị người Dao, ai cũng mua cho mình một vài món quà của núi rừng để mang về. Đang tần ngần đứng bên ngoài cửa hàng nông sản, bên trong là dãy sào phơi xếp thành từng hàng, từ cao xuống thấp những cuộn nhỏ nhiều màu xanh, đỏ như những cuộn chỉ màu để dệt vải thổ cẩm. Cậu bán hàng chạy ra mời  “chú mua chút quà của quê hương Đà Vị cho cháu đi”, đang ngần ngừ, cậu kéo tay tôi vào tận nơi xem. Tôi chỉ vào những cuộn sợi nhiều màu phía trên và hỏi: “Sợi chỉ gì mà to vậy cháu?”. Cậu ta nhanh nhảu: “Đây là bún khô ngũ sắc chú ạ”. Thấy tôi tỏ ý nghi ngờ, cậu cười: “Đây là bún của nhà cháu sản xuất ra đấy”. Tôi sờ tay vào bó chỉ màu thấy mát tay lạ lùng. Mấy anh em cùng đoàn cũng vào thăm cửa hàng, ai nhìn cũng thấy lạ mắt, đúng là bún nhưng trông rất đẹp vì chúng có các màu: Xanh, đỏ, tím, vàng và trắng. Anh Tuấn chỉ vào cuộn màu đỏ và hỏi: “Cháu nhuộm bằng phẩm màu hả?”. Cậu ta cười và giơ cuộn bún ra giải thích: “Người Tày quan niệm năm màu của món ăn là biểu tượng của ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Bún khô ngũ sắc của bà con xã Đà Vị có nhiều màu, nhưng nguyên liệu màu đều lấy từ tự nhiên là cây, cỏ trồng hoặc hái trong rừng. Màu xanh làm từ lá chùm ngây. Màu đỏ và màu tím được làm từ lá cây cơm đỏ, cơm tím. Màu vàng được làm từ bột nghệ nếp và màu trắng là gạo bao thai. Tất cả những nguyên liệu đó bà con còn sử dụng để tạo màu cho xôi ngũ sắc. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được hương, vị từ lá cây rừng, hòa quyện cùng với độ dẻo, dai của gạo vùng cao, làm cho bún của Đà Vị không thể lẫn với nơi khác được”. “Thật tuyệt vời”, tôi thốt lên. Rồi không ai bảo ai, chúng tôi đều mua cho mình những cuộn bún sợi nhiều màu.

Ra khỏi chợ, chúng tôi lại lên thuyền để đi sang thăm con thác Đầu Đẳng, nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Trên thuyền ngược dòng sông, ven bờ là vách đá xám trắng, những viên sỏi cuội màu trắng bạc xếp thành từng lớp gắn vào vách đá. Nhìn những vách đá bạc bên bờ nước tôi thầm nghĩ: “Người xưa đã trao gửi tấm lòng chân thật của mình vào núi, vào sông, dù ngàn năm mưa nắng, dù vật đổi sao dời, nhưng họ vẫn giữ tâm hồn trong trắng của mình như núi đá bạc này”.

Nghĩ là đi sang tỉnh Bắc Kạn là xa xôi lắm, hóa ra cũng chỉ mất chừng nửa giờ thuyền chạy. Lên bờ, chúng tôi cuốc bộ theo con đường mòn, luồn lách qua những khe đá và cũng chỉ nửa giờ nữa là đã nghe thấy tiếng ầm ào của thác, càng gần tiếng gầm gào của thác càng dữ dội. Dòng nước đổ từ trên cao xuống, bụi nước bắn tung lên cao hắt vào núi rừng, hơi lạnh phả vào người, vào mặt mát rượi. Tôi bỗng thấy cái khẩu trang trở nên vô duyên giữa bốn bề chỉ rừng với rừng, chỉ nước với nước. Trong những con thác mà tôi đã từng gặp, đây là thác nước có độ chênh cao khoảng năm mươi mét, nhưng độ hiểm trở thì rất lớn. Trên đầu thác, dòng năng lượng được tích tụ từ trên cao đổ xuống đoạn dốc chừng năm trăm mét, trên đường xuống dốc, nước bị những tảng đá lớn, nhỏ chặn lại, dòng nước bỗng trở nên hung dữ, lúc thì vòng vèo qua những tảng đá cao, khi lại nhảy chồm qua những hòn đá lớn, nước réo sôi sùng sục tung ra những đám bọt trắng xoá. Tiếng nước dội vào đá, tiếng bọt nước bị vỡ tan tạo thành thứ âm thanh như muốn xé toang mọi thứ trên các tầng thác.  

Sau bữa tối, chúng tôi nghỉ lại căn nhà nhỏ ngay sát bên dòng suối. Mấy căn phòng có tên là suối Mơ, thác Mơ, Pác Ban... anh cười bảo “nằm ở đây mà mơ ước những gì, khi về nhà mơ ước đó sẽ trở thành sự thật”. Dù còn bán tín, bán nghi nhưng tôi cũng lên giường, trước khi ngủ tôi cố nhớ cái danh sách dài những mơ ước của mình, hình như đến số mười mấy thì tôi không nhớ nữa. Sáng hôm sau, tỉnh dậy trong tiếng ào ào của thác nước, một cảm giác lạ lẫm ập đến trong tôi, ở đây chỉ có tiếng chim rừng và thác nước chảy, thấy mình như bị lạc về chốn xa xăm nào đó.

Hai anh kiểm lâm đã chờ sẵn, để đưa chúng tôi đi khảo sát tuyến tuần tra rừng Bản Chủ, thôn Phe Trang, xã Sơn Phú. Sau khi ăn sáng và chuẩn bị đủ vật dụng để đi tham quan rừng. Xuất phát từ Bản Chủ, chúng tôi đi bộ theo tuyến tuần rừng của các anh kiểm lâm, tuyến đường đất lẫn đá xen kẹp theo địa hình tự nhiên rất dốc. Dẫn đầu đoàn là anh Quang, chốc chốc anh lại dừng lại để giúp chúng tôi qua những đoạn khó, đến quần thể nghiến Phia Phung, cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi. Chúng tôi đều ngạc nhiên vì rừng ở đây rậm rạp, có rất nhiều cây gỗ nghiến, anh Quang khoát tay một vòng và nói “khu rừng nguyên sinh này có thảm thực vật rất dày, với nhiều tầng tán, đây là khu rừng có nhiều loài động, thực vật phong phú, có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, trong đó có loài Voọc mũi hếch. Ở đây còn có cây nghiến trên nghìn năm tuổi mấy chục người ôm mới hết”. Nghe vậy, tất cả chúng tôi đều tròn mắt vì ngạc nhiên. Một cảm giác lâng lâng ập đến “nếu mình là cây nghiến này, đứng đây để mọi người ngắm nghía thì thích lắm nhỉ”. Anh Hoàng Minh Đằng giọng trầm ngâm: “Diện tích tự nhiên của Na Hang là 863,54 km2, với 10.580 hộ, 43.900 khẩu, có 11 xã, 01 thị trấn, 114 thôn, bản, với 22 dân tộc sinh sống, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Nguồn tài nguyên nông, lâm, thuỷ sản rất phong phú, đất đai, mặt nước của hồ thủy điện rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, văn hóa truyền thống đa dạng. Di tích quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình với diện tích hơn 22 ngàn bốn trăm ha nằm trên địa bàn các xã Khâu Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương, có 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới còn nguyên sinh. Những danh lam thắng cảnh như: Núi Pác Tạ, thác Pác Ban, hang Phia Muồn, động Nà Chao, hang Thẳm Pioóng... hệ thống hang động Nặm Chang, Nặm Pàn và khu rừng nghiến. Với diện tích mặt hồ rộng lớn trên 8 ngàn ha của Na Hang và Lâm Bình đã tạo ra các tuyến đường thủy từ Na Hang đến các xã của huyện và nối liền với Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, rồi đến Di tích Quốc gia đặc biệt khu Di tích lịch sử Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), hay từ huyện Bắc Mê lên Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.

Những ngôi đền linh thiêng như Pác Tạ, Pác Vãng và Gốc Sấu.. đã có từ lâu đời. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như các phong tục, tập quán truyền thống được khôi phục như, nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Những làn điệu Then, Lượn, Páo dung, cùng với tiếng Tính, tiếng Khèn làm say đắm lòng người. Cùng với ngôi làng cổ người Tày có nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại thôn Đông Đa 1, xã Thượng Nông gắn với di tích hang Nặm Bó là nét đặc trưng, độc đáo của văn hóa các dân tộc ở nơi đây”. Rồi anh trở nên hào hứng: “Việc gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ đã trở thành nét đặc sắc của huyện vùng cao Na Hang mình, huyện đang hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại thị trấn Na Hang. Lấy du lịch sinh thái là trung tâm để phát triển các sản phẩm du lịch vệ tinh, các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm khám phá thác nước, hang động, rừng nguyên sinh, du lịch tâm linh, cộng đồng... mở rộng các điểm dừng nghỉ, mua sắm, ngắm cảnh... cho khách du lịch khi đến với Na Hang. Đã có lần tôi được xem bay dù lượn, khinh khí cầu, mô tô nước, ô tô địa hình... ở trên lòng hồ rồi đấy”.

Anh chỉ cho chúng tôi xem bản đồ quy hoạch chung khu du lịch sinh thái Na Hang và nói “tỉnh đã quy hoạch Khu Lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả với quy mô xây dựng 461,34 ha, với đầy đủ các phân khu chức năng hiện đại, một hệ thống du lịch hoàn chỉnh, bền vững, liên hoàn, có liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung của huyện và của tỉnh” rồi lại nói “còn đây là Khu thủy trại Đà Vị, thuộc xã Đà Vị, diện tích xây dựng 500 ha, gồm nhà bè nuôi cá lồng; khu nhà hàng giới thiệu các món ăn chế biến từ cá; chợ đầu mối khu C và khu biểu diễn nghệ thuật trên nước, tỉnh cũng có các chính sách ưu đãi đầu tư như: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch, ưu đãi tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hay hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động du lịch và các thủ tục hành chính...”

Diệu nói giọng phấn khởi: “Bây giờ đường giao thông đã đến các thôn, bản rồi, ô tô đi nhanh lắm, điện thoại thì chỗ nào cũng có mạng. Nhiều nhà của bà con đã làm dịch vụ du lịch cộng đồng (homestay) như thôn Khau Tràng (xã Hồng Thái), thôn Nà Khá (xã Năng Khả), thôn Nà Né (xã Thanh Tương) và ngay ở thị trấn Na Hang nữa. Vào dịp mùa hoa lê nở khách du lịch đến rất đông, có lúc nhiều xe quá chật cả đường đi đấy anh các anh ạ”. Anh Đằng nói giọng đầy hy vọng: “Trong thời gian tới Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới, chắc chắn nơi này sẽ là khu du lịch rất hấp dẫn trong nước và quốc tế”. Cả đoàn đi ai cũng tỏ ý mong chờ.

Chúng tôi tiếp tục đến điểm Kéo Sáng, Mỏ Nước rồi Nặm Trang. Được sống trong không gian chỉ có vài người chúng tôi với thiên nhiên thật thích thú, quanh đây chỉ có tiếng vo ve của lũ côn trùng và tiếng kêu của lũ chim gọi bạn. Qua vài điểm dừng tuần rừng nữa rồi cũng về đến Pác Ban. Mỏi nhừ chân, nhưng bù lại là  cái cảm giác thư giãn và đầy sảng khoái. Ngồi trên mỏm đá và thả hai chân xuống dòng suối, Tạ Bá Hương quay sang nói với tôi “bên em có quyển sách Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật đấy, mai anh lấy về đọc nhé”.

Trên đường xuống thị trấn để xem Tuần văn hóa - du lịch năm 2022. Từ trên con đập nhìn về, cả thị trấn hiện lên thật lung linh, huyền ảo. Hai bên đường ánh đèn điện sáng choang, chiếu sáng khắp con phố. Bên kia là Chợ đêm Na Hang đông đúc, nhộn nhịp những bà, những chị với đủ sắc màu của những bộ trang phục của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông... một cảm giác hân hoan ập về trong tôi. Mãi nhớ nơi này, Na Hang ơi!

Lê Quốc Thu

Tin tức khác