Mênh mông giữa huyền thoại

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 10:19| 1.117 lượt xem

Vào những năm thập niên 1980 của thế kỉ trước khi tôi mới về nhận công tác tại Phòng Văn hóa huyện Yên Sơn, tôi chỉ biết Na Hang qua lời bài hát “Tâm tình cô gái Na Hang” của nhạc sĩ Lê Việt Hòa: “Ai lên Tuyên Quang vượt qua sông Lô Gâm tới Na Hang quê em, ai bay trên không tới miền Thượng Lâm với chín mươi chín ngọn núi đấy chính là Na Hang quê em. Na Hang quê em... Na Hang quê em... Rừng cây xanh xanh, cảnh đẹp thần tiên Phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi... Thương anh như chín mươi chín ngọn núi… Nhớ em như núi Pắc Tạ em ơi…”.

Minh họa của Quảng Tâm

 

Tôi cứ nghĩ Na Hang là một nơi heo hút lắm, nơi “Sơn cùng thủy tận” của tỉnh miền núi Tuyên Quang. Nơi ấy chắc hẳn xa xôi, hẻo lánh, rừng thiêng nước độc và đầy rẫy những nguy hiểm chết người như núi cao, vực thẳm, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn phải trèo đèo lội suối nửa ngày mới tới nhà nhau. Rồi chim kêu vượn hú, thú dữ nhan nhản, sơ sẩy một tí là mất mạng như chơi. Cho mãi những năm cuối thập niên chín mươi tôi mới có dịp đến Na Hang đôi lần. Gọi là đến Na Hang nhưng chỉ đi qua thị trấn đến xã Năng Khả ở một đêm rồi hôm sau về ngay. Ấy là thời điểm anh Hoàng Quang Thế được Sở Văn hóa - Thông tin cử về làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Yên Sơn, mỗi khi gia đình anh có việc lớn như bố mẹ anh đau ốm hay có việc cưới xin của các em anh thì cơ quan đều cử người đến thăm hỏi. Hồi ấy đường đến Na Hang còn khó khăn lắm, đường rải đá cấp phối quanh co uốn lượn qua những triền núi cao chất ngất, đèo cao dốc đứng cứ nối tiếp nhau thách thức mọi tay lái của các loại xe tham gia giao thông. Nếu non tay lái hoặc lơ đễnh một tí xíu là xe có thể lao vào ta luy hoặc lao xuống vực sâu và đi chầu Diêm vương ngay. Chỉ với đoạn đường hơn trăm cây số mà phải qua hai bến phà là phà Bợ và phà Chiêm Hóa. Ngồi trên chiếc xe Uát hết đát của UBND huyện thải cho Trung tâm Văn hóa. Phải mất gần ngày đường mới tới nơi, bụi bám đầy người, cả xe và người như nhuộm một màu nâu đỏ. Quần áo, đầu tóc, mặt mũi đều một màu đất núi như người vừa chui từ dưới đất lên chẳng ai nhận ra ai. Thị trấn Na Hang hồi ấy còn nghèo nàn, đơn sơ lắm, chỉ có cơ quan Huyện ủy, UBND huyện, hội trường và một vài cơ quan quan trọng như Tài chính, Ngân hàng, cửa hàng bách hóa huyện và nhà khách của huyện là có nhà xây cấp bốn, còn toàn nhà tranh vách nứa, sang hơn một tí thì nhà toocxi mái lợp giấy dầu, tường đất quét vôi trắng đã lên màu loang lổ.

Đến năm 2000 tôi chuyển công tác lên Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Triển lãm tỉnh. Từ đó tôi có dịp đến với Na Hang nhiều hơn. Tôi còn nhớ lần đầu tôi được cử lên công tác tại Na Hang là vào mùa hè năm 2001, tôi lên giúp Huyện đoàn Na Hang mở lớp ngắn hạn tìm hiểu nghệ thuật sân khấu và dàn dựng hai tiểu phẩm về hoạt động của đoàn thanh niên miền núi trong chương trình của Trung ương đoàn. Học viên, diễn viên là các đoàn viên khu vực thị trấn Na Hang và xã Trùng Khánh. Sau mỗi buổi chiều lên lớp thầy trò chúng tôi lại cùng nhau phóng xe đạp vào thác Mơ, còn gọi là thác Pắc Pan cách thị trấn Na Hang khoảng 5 km. Hồi ấy từ đường cái vào thác Mơ còn là đường mòn rất nhỏ, men theo sườn núi, lách qua những bụi cây rừng rậm rạp chừng khoảng hơn 1km mới đến nơi. Thác có ba tầng, tầng thấp, tầng trung gọi là ghềnh, tầng ba cao chừng gần hai chục mét và là tầng đẹp nhất, mạnh nhất. Nước từ đỉnh núi Pắc Pan đổ về xối xả đến đây gặp bậc đá đột ngột với độ dốc gần như thẳng đứng tạo thành thác nước tung bọt trắng xóa đổ xuống ục nước sâu và rộng phát ra âm thanh ào ào vang vọng cả cánh rừng. Thầy trò chúng tôi cùng nhảy xuống ục bơi lội, lặn ngụp trong dòng nước mát lạnh, trong vắt nhìn thấy từng tảng đá, hòn sỏi dưới đáy nước. Bao nhiêu cái nóng nực của mùa hè, sự mệt nhọc sau một ngày quần nhau trên sân khấu tự nhiên biến mất nhường chỗ cho sự thoải mái, thanh thản và vui sướng đến tột độ. Tối ấy tôi la cà đến các nhà dân trong thị trấn và được nghe câu chuyện huyền thoại về thác Mơ. Chuyện rằng: Trước kia có cặp vợ chồng nàng Mơ sinh sống rất hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Pắc Pan. Hàng ngày người chồng lên núi hái thuốc cây rừng, vợ ở nhà bào chế thuốc trị bệnh cứu người. Nàng Mơ nhan sắc nhất vùng, da nàng trắng như hoa lê, mắt nàng trong như hồ nước, môi nàng đỏ tươi như bông hoa gạo. Một hôm người chồng lên núi hái thuốc và không trở về, nàng đợi mãi, đợi mãi, một ngày, hai ngày rồi ba ngày vẫn không thấy chàng trở về. Nàng nhớ chồng da diết, nàng liền quyết chí lên núi tìm chồng. Nhưng kì lạ thay, mỗi khi nàng trèo đến lưng chừng núi thì tự nhiên trời tối sầm lại, nàng phải nghỉ chân và thiếp đi, khi tỉnh dậy nàng lại đi tiếp, đi tiếp. Khi lên gần đến đỉnh núi thì cũng là lúc trời tối hẳn. Màn đêm đã làm nàng vấp ngã và nàng đã mãi mãi ra đi bên dòng suối mát. Mái tóc mềm mại óng mượt của nàng xõa xuống dòng suối và biến thành dòng thác trắng xóa như ngày nay.

Sau đó ít lâu rộ lên câu chuyện Nhà nước sắp xây dựng hồ thủy điện Na Hang. Vị trí xây đập là phía dưới khu vực thác Mơ, phía trên thị trấn Na Hang không xa nơi có hai mỏm núi hai bên bờ sông Gâm nhô ra. Nếu xây đập giữ nước nơi đây sẽ rút ngắn độ dài của con đập, tiết kiệm rất nhiều kinh phí xây dựng lại đảm bảo an toàn cho con đập giữ nước vì tính chất địa tầng, địa chất đều đạt tiêu chuẩn khoa học theo yêu cầu. Nơi đây còn là hợp lưu của hai con sông là sông Gâm và sông Năng sẽ cung cấp nhiều nguồn nước cho nhà máy thủy điện, đảm bảo nguồn năng lượng điện hòa cùng mạng lưới điện quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh và nhân dân cả nước. Thế rồi toàn ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh được lệnh tổ chức các hoạt động văn nghệ, thông tin tuyên truyền và chiếu Video phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Na Hang mở chiến dịch đi phục vụ tại các xã trong vùng phải di dời nhường đất cho lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Tôi với tư cách là đội trưởng Đội thông tin tỉnh được cử lên Na Hang phối hợp với đội chiếu Video của Trung tâm Văn hóa Na Hang đi phục vụ nhân dân các xã khu B. Đội có ba người do tôi phụ trách và đảm nhiệm khâu tuyên truyền, hai cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Na Hang đảm nhiệm khâu chiếu Video. Nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ các xã khu B từ xã Năng Khả đến xã Thúy Loa. Đây là khu vực có nhiều làng bản phải di dời nhất và là nơi sẽ là lòng hồ rộng lớn trong tương lai. Ba người cùng các phương tiện chất lên hai chiếc xe máy vượt đèo cao suối sâu đến các xã. Tôi nhớ nhất là buổi chiếu ở xã Khuôn Hà. Vượt qua mấy cái đèo khá dài và dốc đến gần trưa thì chúng tôi đến UBND xã. Sau khi trao đổi với các đồng chí lãnh đạo địa phương, hai bên thống nhất tối tổ chức chiếu phim ngay tại sân trụ sở UBND. Bật loa quảng cáo xong chúng tôi xếp máy vào một chỗ rồi đến thăm nhà một người bà con của anh cán bộ trong tổ công tác ở bản gần đó. Phải đi bộ chừng hai mươi phút, lội qua một con suối nước nông gần đến đầu gối chảy giữa cánh đồng bậc thang lúa xanh rì đang thì con gái vươn lên mơn mởn đón ánh nắng hào phóng của mặt trời, tích tụ năng lượng để làm nên một vụ mùa bội thu sắp tới. Bên bờ suối có đến hơn chục cái cọn nước sắp hàng, to cao bằng nhau chằn chặn quay đều đều múc nước từ mặt suối đổ vào các máng hứng trên cao tỏa đi các ngả ruộng. Một quang cảnh đẹp tuyệt vời mà tôi chưa từng thấy. Rất tiếc tôi quên không mang máy ảnh để chụp mấy kiểu. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh mà gặp cảnh này chắc chắn sẽ cho ra đời nhiều bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp có thể đi dự thi ảnh toàn quốc hoặc quốc tế hẳn sẽ giành giải cao. “Buồn ngủ gặp chiếu manh”, khi chúng tôi đến đúng lúc nhà có việc lớn, ấy là lễ “Pây au mỉnh”, lễ dạm hỏi của nhà trai sang nhà gái ngỏ lời xin cho đôi nam nữ được tự do tìm hiểu để tiến tới hôn nhân nên vợ nên chồng. Thật là “Nhất cử lưỡng tiện” bữa ấy chúng tôi vừa được dự tiệc vừa tránh được sự phiền phức cho xã phải tổ chức bữa cơm khách đột xuất. Chủ nhà rất phấn khích dõng dạc tuyên bố trước đại diện hai họ:

- Chúng tôi vô cùng phấn khởi nhân ngày lễ “Pây au mỉnh” của con gái chúng tôi có đông đủ đại diện nhà trai, nhà gái và khách quý của tỉnh, của huyện đến dự, tối nay bà con trong xã lại được xem phim nữa, thật là vui lắm, vui lắm, vinh dự cho hai gia đình chúng tôi lắm.

Buổi chiếu phim Video tối hôm ấy khá thành công, bà con đến xem rất đông. Sau buổi chiếu tôi lại theo hai anh đến chơi một nhà dân ở cuối bản sở tại. Đến chân cầu thang một ngôi nhà sàn khá rộng, trên nhà vẫn sáng đèn và có tiếng nhiều người đang chuyện trò rôm rả. Một anh trong số chúng tôi cất giọng nói câu gì đó bằng tiếng Tày vọng lên, ở trên sàn đáp lại cũng bằng tiếng Tày, có lẽ là tiếng của chủ nhà. Rồi hai bên tay bắt mặt mừng với những tràng câu nói bằng tiếng Tày tôi nghe không hiểu. Bên ấm chè đặc quánh, nóng hổi câu chuyện cứ nổ rôm rốp, thỉnh thoảng lại rộ lên những tràng cười giòn giã phá tan vẻ tĩnh mịch của màn đêm miền sơn cước. Một lúc sau thấy cậu con trai của chủ nhà cầm đèn pin xuống vườn hái lưng rổ mướp đắng về, bà chủ nhà và cô con gái xúm vào nhóm lửa làm món ăn. Một loáng sau mâm cỗ đạm bạc được dọn ra với món chủ đạo là mướp đắng xào trứng gà nóng hổi và món thịt trâu khô nướng thơm nức mũi cùng hai chai rượu hoãng, loại rượu nếp ủ men lá không qua chưng cất mà người Kinh gọi là rượu nếp đục. Chủ nhà mời mọi người ngồi vào mâm, ba chúng tôi, ông chủ và cậu con trai ông chủ gồm năm người. Rượu ngon nhắm với món đặc sản lạ miệng chả mấy chốc mà hai chai rượu hoãng đã hết bay, anh con trai chủ nhà vào gian trong bê ra cả một hũ rượu hoãng chắt ra bát to đặt giữa mâm rồi múc ra các chén mời mọi người uống tiếp. Bữa ấy ai cũng say, ba chúng tôi lăn ra ngủ ngay tại sàn gỗ cạnh cửa sổ nhà sàn. Tôi ngủ thiếp đi được một lúc, nửa đêm thức dậy nhìn ra vườn thấy trăng sáng vằng vặc soi rõ từng lùm cây ngọn cỏ. Tiếng nai giác xa xa vọng lại, tiếng côn trùng rả rích xen lẫn tiếng con chim “Khó khăn khắc phục” kêu lúc xa lúc gần, có lúc tưởng như nó đậu ngay bên cửa sổ thò tay ra là bắt được. Từ đó tôi không sao ngủ được nữa, cứ nằm suy nghĩ miên man đủ thứ chuyện. Không biết rồi đây những nếp nhà sàn xinh xắn, những bản làng người Tày, người Dao, người Nùng, người Mông cùng bao cảnh sắc và cuộc sống êm đềm và thơ mộng này nay mai sẽ chìm trong biển nước nhường chỗ cho hồ thủy điện. Bà con phải di dời đến nơi ở mới, lập bản làng mới cuộc sống sẽ ra sao? Có tốt đẹp hơn không, có no ấm yên vui hơn không? Trạng thái trong tôi cứ lâng lâng vui buồn lẫn lộn. Vui vì rồi đây Tuyên Quang có sự thay đổi lớn, hồ thủy điện và nhà máy điện lớn mang tầm cỡ quốc gia sẽ xuất hiện đem lại nhiều nguồn lợi to lớn cho tỉnh nhà và cả nước, dân ta sẽ giàu lên, nước ta sẽ mạnh lên, bà con nơi đâu cũng có điện thắp sáng và sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất phục vụ đời sống xã hội. Tôi lại nghĩ: trong cuộc sống không có cái gì tự nhiên mà có, muốn phát triển, muốn tốt đẹp hơn thì phải thay đổi. Cuộc di dời của hàng ngàn hộ dân nơi đây là một cuộc cách mạng lớn, một cuộc thay đổi lớn. Đúng hơn là một cuộc thiên di thế kỉ để đất nước phát triển hơn, cuộc sống nhân dân hạnh phúc hơn. Tự nhiên cảm xúc ập đến, nàng thơ lại lảng vảng đến bên tôi, nàng âu yếm vuốt ve tôi, mơn trớn tôi, thúc giục tâm hồn tôi làm tôi nổi hứng sáng tác bài thơ lục bát “Đêm trăng Na Hang”. Bài thơ ấy sau được đăng trên Báo Văn nghệ Tân Trào, phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc thành bài hát cùng tên tham gia và đạt giải trong đợt phát động sáng tác ca khúc về Tuyên Quang.

Sau rất nhiều nỗ lực với sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của các cấp chính quyền từ tỉnh đến thôn bản, sự tham gia vào cuộc của các ngành, các đoàn thể trong hệ thống chính trị vừa tuyên truyền vận động vừa cưỡng chế phải di dời hơn bốn ngàn hộ dân, trên hai vạn nhân khẩu tại mười hai xã, thị trấn trên địa bàn huyện Na Hang nhường chỗ cho diện tích mặt hồ lên tới hơn tám ngàn héc-ta với dung tích hai tỉ mét khối nước cung cấp cho Nhà máy Thủy điện có ba tổ máy hoạt động với công suất hơn ba trăm mê ga oát và đạt sản lượng điện trung bình hàng năm là hơn một tỉ ki lô oát hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy điện có công suất lớn thứ năm ở miền Bắc. Cũng nhờ có nhà máy thủy điện này mà hiện nay ở Tuyên Quang gần như khắp mọi nhà đều có điện cả ngày thắp sáng và sản xuất ngoại trừ những bản làng nhỏ lẻ hoặc những hộ ở vùng quá sâu xa hẻo lánh mà đường dây tải điện không thể kéo tới được.

Năm 2019, lúc này tôi đã nghỉ hưu theo chế độ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhờ tôi tổ chức một nhóm tác giả sân khấu thuộc hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam gồm năm người trong đó có tôi đi thực tế tại địa bàn Tuyên Quang lấy cảm hứng viết tác phẩm kịch ngắn về đề tài “Xây dựng nông thôn mới”. Sau lễ phát động chúng tôi được sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa đi tham quan xã Mỹ Bằng một xã điển hình trong xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Sau đó chúng tôi lại được đi tham quan xã Năng Khả huyện Na Hang, xã Thượng Lâm huyện Lâm Bình và các mô hình Homestay tại nhà của các hộ dân là các dân tộc thiểu số nơi đây. Chúng tôi được đến tham quan nhà Homestay thanh niên Tài Ngào do anh Chẩu Thanh Ngà khởi xướng và đoàn viên thanh niên xã Thượng Lâm chung tay xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp và được tài trợ kinh phí ba trăm triệu của Trung ương Đoàn. Ngôi nhà sàn năm gian cột gỗ lợp mái đỏ tươi tọa lạc trên mảnh đất khá rộng rãi thoáng mát ngay bên đường ra Bến thủy Thượng Lâm. Trong nhà chia làm nhiều phòng ngủ dành cho khách du lịch, có cả phòng cá nhân, phòng đôi và phòng tập thể được trang bị đầy đủ đồ dùng phục vụ khách du lịch với tiêu chuẩn ba, bốn sao giá cả phải chăng làm cho khách du lịch rất hài lòng. Càng ngày càng đông khách thập phương trong nước và nước ngoài đến với nhà Homestay thanh niên Tài Ngào. Trung bình mỗi tháng đón từ hai trăm rưỡi đến ba trăm khách du lịch. Ngoài ra nhà thanh niên Tài Ngào còn mở các dịch vụ ăn uống tại chỗ với các món ăn đặc sản địa phương, bán các đồ lưu niệm, du thuyền hồ thủy điện Na Hang. Tổ chức các buổi diễn văn nghệ hát Then, hát Cọi, hát Páo dung và các tiết mục văn nghệ đặc sắc khác phục vụ khách du lịch ngay tại sân nhà Homestay. Sau đó chúng tôi đi thăm quan một số xã khác rồi về thăm UBND huyện Lâm Bình. Tại đây chúng tôi được nghe Phó Chủ tịch huyện Lâm Bình báo cáo tình hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là dịch vụ du lịch của huyện kể từ khi tách từ hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa thành huyện Lâm Bình đến nay. Sau đó chúng tôi được đi tham quan bằng du thuyền trên hồ thủy diện Tuyên Quang.

Lâm Bình là huyện vùng cao ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, có địa hình nhiều núi đá vôi thấp dần từ phía Bắc xuống phía Nam, có khí hậu mát mẻ dễ chịu tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều vẻ đẹp mơ màng đến mức có người đã ví cảnh quan thiên nhiên Lâm Bình như vịnh Hạ Long trên núi, khí hậu thì như Đà Lạt thứ hai ở Lâm Đồng. Một vùng đất được gắn liền với nhiều huyền thoại từ bao đời nay. Đến Lâm Bình ấn tượng đầu tiên đối với tôi là vùng nước non sơn thủy hữu tình với những ngọn núi nhấp nhô tạo thành một quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm trù phú. Nơi đây mỗi ngọn núi con sông đều gắn với truyền thuyết và con người Thượng Lâm. Chẳng hạn như chuyện về chàng thanh niên Tài Ngào đã in sâu vào tâm trí mỗi người dân bao đời nay. Chuyện kể rằng: Tài Ngào là một chàng trai khổng lồ người Tày Thượng Lâm, chàng rất chăm chỉ, chịu khó, đức độ và có lòng thương người. Năm đó hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát, dân bản sa vào cảnh đói khổ lầm than phải lên rừng đào củ mài sống qua ngày đoạn tháng. Tài Ngào liền quyết chí đào đá đắp đập lấy nước về cho dân bản cày cấy. Việc tốt của chàng động đến trời cao, Ngọc Hoàng cảm động liền sai người đem trâu trời xuống kéo đá giúp chàng sớm hoàn thành công việc. Khi con đập sắp xong thì có kẻ nham hiểm rắp tâm tìm cách phá hoại. Hắn nói với Tài Ngào rằng mẹ chàng ở nhà ốm nặng và đã qua đời. Chàng liền bỏ dở công việc vội vã làm ngay chiếc quan tài bằng đá vác về nhà. Về đến nhà thấy mẹ đang ngủ say, tưởng mẹ đã chết liền lấy tay vuốt mắt mẹ. Nào ngờ bàn tay khổng lồ của chàng đã làm móp thái dương mẹ khiến mẹ tắt thở. Thương tiếc mẹ vô cùng chàng gào khóc thảm thiết. Nước mắt của chàng chảy thành sông cuốn trôi chiếc quan tài đá và thi hài người mẹ. Thi hài người mẹ trôi mất không tìm thấy, chiếc quan tài đá mắc lại chỗ đập đá chàng đang đắp dở tạo thành ục nước. Cọc buộc trâu trời của Tài Ngào thành cột đá có tên “Cọc vài phạ” cao chừng năm chục mét.

Giữa vùng núi non trùng điệp từ Bến thủy Thượng Lâm xuôi thuyền về hướng Tây Nam ta choáng ngợp giữa một hồ nước bao la, trong xanh, tĩnh lặng đẹp đến mơ màng,  những lớp mây bồng bềnh huyền ảo ôm lấy những ngọn núi bao quanh thung lũng Thượng Lâm làm cho khung cảnh trở nên huyền diệu giữa miền cổ tích xưa. Xa xa sừng sững một cọc đá nhô lên trên mặt nước biếc xanh, đó chính là cọc buộc trâu trời, một hình tượng gắn với sự tích chàng Tài Ngào huyền thoại sẽ mãi mãi tồn tại với đất trời nơi đây. Cột đá cao vút, tròn trĩnh nằm một mình tách biệt hẳn với những ngọn núi xếp hàng hàng lớp lớp xung quanh. Thượng Lâm có nhiều dòng suối và thác nước đẹp tạo nên một chốn bồng lai tiên cảnh cho khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Trong số những thác đẹp tuyệt trần ấy ta không thể không nhắc tới thác Khuổi Nhi kỳ vĩ. Giữa những dãy núi sừng sững của đại ngàn một dòng nước tuôn chảy thoắt ẩn thoắt hiện trong những tầng rừng xanh mát. Ngược dòng thác lên tới đỉnh cao nhất ta không khỏi ngỡ ngàng trước dòng thác cao vút tung bọt trắng xóa dồn nước xuống hồ nước trong xanh kỳ ảo. Mùa hè nơi đây không những là nơi để ta du ngoạn mà còn là nơi để ta đắm mình trong làn nước trong mát cho đàn cá nhỏ đến mát sa thân thể, ta cảm thấy tê tê, buồn buồn, nhồn nhột lan tỏa toàn thân trong tâm trạng vô cùng thư thái, thanh thản. Tự nhiên bao nỗi lo toan, bộn bề công việc và cả nỗi u buồn, uất ức của đời thường biến đi đâu hết, chỉ còn lại ta giữa thiên nhiên bao la, hùng vĩ và tinh khiết đến vô cùng, cho ta cảm thấy yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đời và thêm yêu cuộc sống này hơn. Một vị khách du lịch từ tỉnh miền xuôi lên thăm quan thác Khuổi Nhi nói:

- Tìm hiểu qua rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng và bạn bè tôi được biết Tuyên Quang có điểm du lịch tuyệt vời là hồ thủy điện Na Hang. Nay tôi đến tận nơi được “Đích mục sở thị” mới thấy đây đúng là một kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam.

Một bạn trẻ khác cho biết:

- Về đây cảm thấy như được hòa mình vào thiên nhiên kỳ thú và quên đi hết những cái bộn bề, mệt nhọc của cuộc sống, những áp lực công việc thường ngày.

Thượng Lâm không chỉ đẹp bởi cảnh sắc núi non, sông hồ hùng vĩ mà còn vương vấn du khách bởi những nếp nhà sàn thanh bình ven triền núi, dưới ngôi nhà sàn ẩn hiện trong làn mây nhẹ, hình ảnh người phụ nữ Tày dịu dàng, khéo léo bên khung cửi dưới ráng chiều dệt nên những ước mơ trong từng đường thêu mũi chỉ tạo nên những hoa văn tinh tế trên những tấm thổ cẩm đủ sắc màu. Lắng nghe những âm thanh réo rắt, thiết tha qua điệu hát Then hòa cùng âm điệu đàn Tính vang vọng khắp núi rừng. Những cô gái Tày duyên dáng trong bộ trang phục màu chàm hay màu xanh nước biển, có đôi má ửng hồng, nước da trắng mịn và đôi mắt sáng long lanh huyền diệu làm say đắm lòng người. Câu truyền ngôn từ ngàn xưa để lại “Mận Hồng Thái gái Thượng Lâm” hay là “Chè Thái gái Tuyên” luôn đúng với thực tế nơi đây. Lại nhớ truyền thuyết nàng Hoa Trang sắc nước hương trời nhờ có bài thuốc làm đẹp lưu truyền từ cây thuốc rừng chỉ có ở đây, nàng đã dạy lại cho các cô gái Thượng Lâm phương thuốc làm đẹp. Nhờ thế ở thung lũng này có rất nhiều cô gái xinh đẹp nổi tiếng không chỉ về hương sắc mà còn đẹp cả về tâm hồn. Những sự tích về đèo Ái Au, sự tích hoa Phặc Phiền, sự tích đèo Nàng, sự tích thác Mơ đều là những huyền thoại khắc ghi sâu đậm bản chất quý giá, thủy chung của những cô gái Thượng Lâm.

Mỗi lần đến Na Hang, Lâm Bình là một lần đem đến cho tôi một cảm xúc mới mẻ, khác lạ, một tình cảm sâu sắc đối với con người, phong cảnh nơi đây làm cho tôi càng thêm yêu cuộc sống này hơn.

6/2023

Xuân Đặng

Tin tức khác