Ký ức một dòng sông

Thứ hai, ngày 18-12-2023, 08:48| 592 lượt xem

Bút ký của Hồng Giang

Minh họa của Tân Hà

 

Trong ký ức nhiều người còn nhớ bóng dáng đôi tàu Tự Lực hơn hai mươi năm trước ở khúc sông này. Đó là loại tàu vỏ thép được cải tạo từ chiếc tàu chiến nhỏ từ thời Pháp để lại để chở khách xuôi ngược trên dòng sông Gâm.

Cũng có người bảo đó là sản phẩm của ngành đóng tàu còn non trẻ trong nước. Nó chưa được hoàn mỹ, sang trọng, tiện nghi mà đáng ra loại tàu chở hành khách phải có sau này.

Dù sao, đôi tàu cũng làm trọn vai trò lịch sử của mình. Hàng chục năm dòng chở khách xuôi ngược, nối từ trung tâm tỉnh tới vùng sâu vùng xa của huyện Yên Sơn trong lúc giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Hồi đó chưa có các con đập thủy điện trữ nước.

Sông rất đầy, nước xanh trong vắt một màu. Có thể nhìn rõ từng viên sỏi trắng muốt dưới đáy sông sâu. Cây cối hai bên bờ còn khá rậm rạp. Thỉnh thoảng người ta còn bắt gặp những thác nước nhỏ chảy tràn qua vách đá đôi bờ.

Tàu Tự Lực đơn độc một mình đi từ thị xã Tuyên Quang, vượt không biết bao nhiêu ghềnh thác từ sáng sớm tinh mơ, xâm xẩm tối mới lên tới thị trấn Vĩnh Lộc của huyện Chiêm Hóa.

Đấy là những ngày nước nổi, sông đầy.

Mùa nước cạn tàu chỉ lên đến bến Xuân Vân thì dừng lại. Con đường thủy cũng là đường giao thông duy nhất qua địa phận sáu xã thượng huyện Yên Sơn.

Vì tàu chạy ngược dòng nên cũng chẳng nhanh hơn người đi bộ bao nhiêu. Nó chỉ phát huy tốc độ lúc xuôi dòng.

Người đi bộ hay xe đạp không có hành lý vẫn chọn cách men theo con đường mòn dọc theo triền sông hai bên bờ. Đó là con đường đất nhỏ len qua lau lách, qua những cây cầu ghép bằng những đoạn tre để qua nhiều con suối nhỏ dọc đường đi.

Ngay cả đi xe đạp cũng chỉ đi được từng quãng, chả nhanh hơn người đi bộ. Có quãng còn phải vác xe lên vai vượt dốc hay những chỗ đường chằm, lầy lội.

Đoạn đường chỉ hơn hai chục cây số, qua rồi y như một kỳ tích của khách bộ hành. Nhà cửa hai bên đường thưa thớt, đi cả hàng cây số mới gặp một hai nóc nhà. Những xóm người Kinh, động người Dao thường ở xa bờ sông vì sợ mùa nước lũ. Không san sát kề nhau hai bên đường như bây giờ.

Người chạy tàu bấy giờ với người dân hai bên bờ sông thân thuộc, quý hóa lắm.

Tàu nhỏ, cả lái chính lẫn lái phụ chỉ có hai người, chủ yếu ăn nghỉ ngay trên tàu ở dọc đường. Cách một ngày mới về đến thị xã. Có hôm lũ to không xuôi ngược được, tàu nằm lại bến Xuân Vân mấy ngày đợi nước rút.

Những ngày đó thật là ngao ngán. Nhìn dòng sông nước chảy xiết, réo ầm ào mà không có cách nào về xuôi. Ngay cả từ bên này sang bên kia của cùng một xã cũng đành bất lực, chả có cách nào.

Anh Minh đen người thấp, mắt hơi lố, môi cá trê, tướng không đẹp nhưng tốt tính. Anh là lái phụ của tàu Tự Lực. Có lần anh bảo: “Con tàu này chẳng qua phục vụ bà con xuôi ngược là chính. Tính ra hàng tháng nhà nước lỗ hàng chục triệu đồng. Chắc khi nào đó, có đường, hoặc phương tiện khác, nhà nước cũng dẹp bỏ. Kinh doanh mà không có lời thì không duy trì mãi được”.

Tôi nói: “Khi ấy anh không sợ thất nghiệp à?” Anh cười: “Đây không ngại, thiếu gì việc để làm?” Mà anh biết nhiều việc thật. Những ngày tàu nằm chờ lũ ở bến anh thường lên nhà tôi mượn dao. Anh đi một loáng đã vác cả bó nứa bánh tẻ mang về. Số thì anh chẻ ra rút thành rế mang về chợ thị xã, số bảo mang về làm nan cót cho vợ đan ở phố Xuân Hòa.

Phải công nhận hồi đó rừng chưa như bây giờ. Vạt rừng gần nhà tôi nứa còn sẵn lắm. Nứa dại to như bắp đùi cũng còn nhiều. Khi chưa có tàu Tự Lực dân tôi vùng này thường kết mảng nứa về xuôi. Vừa đỡ đi bộ, vừa bán được thêm đồng ra đồng vào. Kiểm lâm làm cũng gắt, nhưng cái mảng vài chục cây nứa họ vẫn cho đi.

Đúng như lời anh Minh đen nói, sự đời thay đổi. Chỉ sau đó ít lâu thuyền Cole từ các tỉnh phía Nam mang ra nhan nhản các bến sông. Tuyến đường thủy Tuyên Quang - Chiêm Hóa cũng không ngoại lệ. Chỉ riêng bến Xuân Vân đã có hàng chục chiếc thuyền gắn máy. Lúc đầu còn là thuyền gỗ, sau là thuyền sắt trọng tải không kém tàu Tự Lực bao nhiêu. Phương tiện loại này tính cơ động cao, khách muốn ghé bến nào cũng được, không trở ngại gì.

Suốt ngày ngoài mặt sông vang động tiếng máy thuyền. Những nhà gần bờ sông mất đi vẻ yên tĩnh hàng ngày.

Nhiều người chạy thuyền ăn nên, làm ra trông thấy. Sản vật của cả vùng cũng vì thế mà được tiêu thụ dễ dàng. Từ con lợn con gà, đến buồng chuối quả cau không còn ế ẩm như trước.

Thói quen tự sản tự tiêu một thời dần thay đổi. Người ta dần nghĩ đến vùng kinh tế hàng hóa chuyên sâu. Ngoài cây mía ra, đã xuất hiện những vùng trồng cam, trồng bưởi, những sản phẩm có thương hiệu sau này.

Nhưng thuyền Cole cũng như tàu Tự Lực có hoàn cảnh, số phận riêng của nó. Khi đường Tỉnh lộ 185 ra đời, cách thức giao thông cũng nhờ thế mà đổi thay. Xe ô tô các loại xuất hiện ngày một đông, vừa chở khách vừa chở hàng. Người ta chả việc gì phải vất vả chuyên chở lên xuống bến sông để đi thuyền cho cực.

Đợi tại nhà, có xe đến tận cửa bốc hàng, chở khách. 

Người có tiền mua xe bốn chỗ, bảy chỗ chạy tắc xi. Muốn đi đâu chỉ cần bấm máy a lô, muốn đi đâu cũng được.

Từ Kiến Thiết, qua Trung Trực, Xuân Vân ngày có mấy chuyến xe chạy về Hà Nội. Xe buýt từ thành phố Tuyên Quang dù có khách hay không có khách, cứ cách một giờ đồng hồ là chạy một chuyến.

Sông Gâm vẫn vậy, chỉ có điều mặt sông bây giờ yên ả hơn. Các đập thủy điện trên thượng nguồn tích nước nên ngày thường sông không đầy nước như xưa. Chỉ khi có nhu cầu ngả mạ người ta mới thả nước vài ngày.

Những cảnh hỗn loạn làm vàng, cát tặc tự lâu đã chấm dứt. Dòng sông năm xưa giờ thật yên bình

Khi đường 185 nâng cấp thành Quốc lộ 2 thì việc đi lại bằng đường thủy dọc sông hầu như chấm dứt. Chỉ còn đò ngang qua lại hai bờ.

Những bến đò không biết có từ bao giờ, đến lượt nó cũng dần thay đổi.

Những người già trong vùng nhiều người còn nhớ anh Bường lái đò ngang ở bến Xuân Vân. Nhờ nghề lái đò mà lấy được vợ đẹp quê đâu mãi dưới Hà Nội.

Sau này  anh Minh đen có kể tôi nghe câu chuyện này. Ông Bường với anh là chỗ họ hàng cùng quê Thái Bình. Năm đói 1945 các cụ đưa vợ con lên vùng này. Thạo sông nước, nhiều người quê Thái Bình làm nghề này.

Lúc đầu phương tiện của các cụ ấy chỉ là cái mảng ngóc, bơi bằng “khoát” đưa khách sang sông. Mỗi chuyến chỉ được đôi ba người. Dần dần thay thế bằng thuyền nan, rồi sang thuyền gỗ.

Mãi sau các con phà hết vai trò của nó dưới trung tâm tỉnh, mới dần thay thế những chuyến thuyền gỗ nhỏ.

Đò ngang bắt đầu có quy mô công nghiệp hẳn hoi. Bến phà đổ bê tông rộng rãi, có nhà chờ ở hai bên bờ cho khách tránh nắng mưa.

Lại thêm vài tỷ phú xuất hiện nhờ việc đưa khách và xe cộ sang sông. Đêm đêm đèn điện thắp sáng cả vùng bến sông cứ y như một khu phố nhỏ. Suốt chiều dài dọc đường từ thành phố Tuyên Quang lên vùng thượng huyện Yên Sơn cũng vậy. Đèn thắp sáng hai bên đường như ngoài thành phố. Cửa hàng cửa hiệu các loại mở ra san sát dọc đường. Câu thơ năm nào của nhà thơ Tố Hữu quả là có tính dự báo về “Núi rừng có điện thay sao...”.

Đi đêm bây giờ chả còn ai đốt đuốc mà vẫn rõ đường chả kém gì ban ngày. Những làng người Kinh, động người Dao thưa thớt dọc đường năm nào giờ san sát nhà cao tầng. Bói không ra một nếp nhà lợp tranh vách đất, sơ sài, tường xiêu vách bục năm xưa.

Những người xa quê lâu ngày có khi còn phải hỏi thăm mới biết đường về nhà mình là chuyện có thật, không phải chuyện khôi hài.

Rồi cũng như nhiều phương tiện khác cũng đến thời thay đổi của mình. Trước đó là các bến đò ngang từ thành phố sang Tân Hà, hai bên bờ sông của xã Phúc Ninh.

Không lâu nữa là các bến đò ở Xuân Vân.

Có người cả lo liệu những người làm nghề lái đò ngang này rồi sẽ ra sao?

Nhưng đừng lo bò trắng răng.

Không làm việc này thì làm việc khác. Dân tôi chăm chỉ, cần cù sẽ nghĩ ra việc mà làm. Ngay như cái nghề nung vôi, đốt gạch ngày nào, hay nghề đóng cối xay, cối giã có ai chết vì mất việc đâu?

Một buổi sáng có chiếc xe bán tải chở đồ đạc lỉnh kỉnh đỗ trước nhà. Tôi nhận ra một chàng trai trẻ giống anh Minh đen tàu Tự Lực như đúc. Chỉ khác anh chàng này cao lớn hơn ông bố. Còn đôi mắt và cái miệng thì y hệt một khuôn.  Anh chàng tự giới thiệu là đoàn khảo sát cầu Xuân Vân. Tôi nghe mà không tin ở tai mình.

Thực ra dự án cầu Xuân Vân phong thanh nghe nói từ hai chục năm trước. Rồi thì tin sau khi hoàn công cầu Nông Tiến người ta sẽ chuyển cầu phao Nông Tiến lên Xuân Vân. Đợi mãi, đợi mãi cho đến giờ.

Ai từng sống ở vùng đất có dòng sông chia cắt mới hiểu rõ lòng mong mỏi về những cây cầu nó thúc bách, cấp thiết như thế nào.

Bận làm bận ăn, bao nhiêu lo khác người ta nghe rồi cũng quên dần.

Đến khi công trình tiến hành thì lại có nhiều bức xúc xảy ra. Không chỉ là cây cầu giữa sông, mà còn là việc di dời giải phóng mặt bằng, làm đường dẫn cây cầu với đôi bờ, hòa vào mạng giao thông đã có.

May mà Xuân Vân có truyền thống cách mạng từ lâu, qua mấy đời người nên trở ngại ấy không thành vấn đề. Cũng phàn nàn, thắc mắc chút đỉnh, những hộ gia đình trong diện này cuối cùng cũng vui vẻ chấp thuận đền bù để giải phóng mặt bằng.

Con cháu ông Bường năm xưa giờ bằng lòng chịu thiệt chút đỉnh vì lợi ích chung của toàn vùng. Không ai khiếu kiện hoặc chây ỳ gây trở ngại.

Con trai ông Minh đen ngày nào giờ là cán bộ giám sát thi công công trình. Anh ta bảo:

- Tập đoàn Đạt Phương là tập đoàn chuyên xây dựng thi công cầu đường và các hạng mục thủy điện ở nhiều tỉnh trong cả nước. Cầu Bình Ca tỉnh mình cũng do tập đoàn này thi công.

Lại kể: “Cầu Xuân Vân được nhà nước đầu tư 280 tỷ VNĐ. Lý trình của nó là 300m vượt sông với đường dẫn hai đầu cầu mỗi bên 1.900m. Kể ra không lớn lắm nhưng cũng không nhỏ...”.

Bây giờ cơ bản cầu đã gần hoàn thành, chỉ còn hoàn tất một số đoạn lan can. Trông xa như chiếc cầu vồng, như dải lụa vắt ngang sông.

Cuối năm 2022 đoàn cán bộ tỉnh do Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn lên thăm dự lễ hợp long nối nhịp hai bên sông. Buổi lễ long trọng mà giản dị nhiều xúc động.

Đêm đêm lửa hàn sáng chói, đèn điện rực một khúc sông.

Khi cầu hoàn thành cũng là khi chấm dứt tình trạng chia cắt về địa lý của vùng này. Cây cầu sẽ nối liền đường Quốc lộ 2C  với Quốc lộ 2 và đường cao tốc Hà Giang - Hà Nội.

Không cần giàu sức tưởng tượng người ta cũng hình dung ra sự phát triển kinh tế văn hóa của cả vùng.

Từ đây vùng  chuyên canh bưởi, hồng không hạt, sản phẩm chế biến từ gỗ và các nông sản khác sẽ thuận lợi hơn, tiến ra và hòa nhập thị trường cả nước thuận tiện rất nhiều.

Chưa kể đến cảnh quan du lịch một vùng vừa được nhà nước công nhận là “Khu ATK” có nhiều đóng góp thời kỳ Thủ đô Cách mạng.

Không ít người ngỡ ngàng, Xuân Vân được quy hoạch lên đô thị loại năm. Một điều mà năm xưa các cán bộ hoạt động vùng này dù lãng mạn thế nào cũng không nghĩ tới.

Một vùng quê, một dòng sông, một ký ức... Chỉ nghĩ đến bấy nhiêu thôi đã thấy rưng rưng, dào dạt trong lòng!

Cuối năm 2023

H.G

Tin tức khác