Trong vườn quê

Thứ hai, ngày 13-11-2023, 09:38| 742 lượt xem

Chiều thu. Nắng rải nhẹ trên những tán cây xanh mướt trong vườn, trượt qua cái vỏ bóng mượt của trái bưởi đang độ căng đẫy, lọt xuống đáy vườn và đậu trên đám cỏ đã bắt đầu ngả vàng. Ngọn gió mang hơi may chớm lạnh. Ngọn gió lang thang vô định. Chỉ có gió và nắng. Gió hút qua những tán cây mênh mang. Nắng rọi qua những kẽ lá nhấp nhoáng như nhảy múa. Chiều thật buồn, như chính nỗi lòng của tôi. Trống trải quá. Tĩnh lặng quá. Bao giờ cũng thế. Cứ mỗi khi trở về quê nội, đứng dưới tán cây trong vườn như thế này, cái cảm giác trống trải ấy lại ùa về. Cảnh vật vẫn thế. Những tán cây vẫn thế. Tiếng con chim khách hót trên bụi tre đầu ngõ vẫn như thế. Nhưng cái bóng lom khom của ông tôi đã không còn. Bao nhiêu năm qua rồi, tôi không làm sao quên được dáng hình thân thuộc ấy. Bao nhiêu năm đã qua rồi...

Ảnh minh họa

Tôi còn nhớ vào một buổi chiều thu, cậu sang thay mẹ lo cơm nước cho chị em tôi. Tôi hỏi mẹ đi đâu. Cậu nói mẹ đi làm về muộn. Mãi tận tối, lúc gần đi ngủ, cậu mới bảo : “ Mẹ về quê, không kịp đón đứa nào về, các cháu còn nhỏ quá...ông nội mất rồi ”. Tôi trách: “ Sao lại không cho chúng cháu về? Cháu đã tám tuổi, cháu không phải là quá bé”. Và tôi khóc, khóc cho đến lúc ngủ thiếp đi. Tôi mơ thấy mình đứng dưới tán cây trong vườn, vui sướng hứng từng chùm khế ông tôi lèo cho. Tôi đưa lên miệng cắn. Chua, chua quá, tôi nhăn mặt trong khi ông tôi cười, nụ cười hiền từ như của một ông tiên. Đấy là lần cuối cùng tôi được gặp ông tôi, dù chỉ là trong giấc mơ. Còn thực tế, thật đáng tiếc là chúng tôi đã không được nhìn thấy ông nội lần cuối cùng, trước khi ông vĩnh viễn ra đi.

Trong trí nhớ của tôi, ông nội là một người hiền từ và thương yêu chúng tôi nhất. Ông đã ở nhà tôi để chăm sóc ba chị em tôi từ khi chúng tôi còn nhỏ xíu, cho đến trước khi bố tôi đi nước ngoài, ông ốm nên mới về quê. Tôi lớn nhất nên được ở cùng ông nhiều nhất. Bố mẹ đi làm, vì có ông, tôi có hẳn một thời gian dài không bị nhốt trong nhà như nhiều đứa khác. Tôi tha hồ chạy chơi khắp mọi nơi. Có một lần, tôi mải theo bạn đi chơi xa. Ông lo lắng đi gọi khắp nơi. Lúc tìm thấy tôi, bực quá ông mới bẻ một cành dâm bụt làm roi, vừa nhằm vụt vào mông tôi vừa chửi:

- Cha tông môn mày, ông thì ông quất cho nát mông.

Tôi sợ hú hồn kêu ầm lên :

- Á, đau quá! Ông ơi đau quá…

Tôi vừa la vừa nhảy lên chồm chồm, làm cho ông tôi ngẩn ra nhìn cái roi như tự hỏi: hình như nó to quá. Và ông vứt nó đi, dắt tôi về. Kì thực thì tôi chẳng thấy đau tẹo nào, cái roi dâm bụt bé như đầu đũa con, lại mềm oặt, mà đã chạm vào người tôi đâu. Thấy ông giơ cái roi cao quá, tôi sợ đau la lên trước. Ấy thế mà không thêm một lần nào ông đánh tôi nữa.

Đến tận bữa cơm chiều hôm đó, nghe ông nói chuyện với bố mẹ, tôi mới biết vì sao ông giận mà bẻ roi vụt tôi. Lý do là sáng hôm ấy đã xảy ra một trận động đất nhẹ. Cơn rung chấn nhanh chóng qua đi, mọi người lập tức nháo nhác chạy ra ngoài ngõ, bàn tán xôn xao. Ông tìm gọi cháu không thấy đâu. Rồi ông sực nhớ đến một việc. Ấy là trong khoảnh khắc xảy ra cơn rung lắc bất ngờ ban nãy, có cái gì đó đã rơi ùm một tiếng xuống giếng nước sau nhà. Ông hốt hoảng chạy đến bên cái giếng. Mặt giếng tĩnh lặng như gương. Ông mải mốt đi tìm được cây sào. Rồi ông thọc cái đầu sào xuống tận đáy giếng mà khua khoắng. Cuối cùng, ông lôi lên được cái gàu múc nước. Dưới giếng không còn gì ngoài thứ nước vừa bị khuấy đục ngàu. Đến giờ, trong tâm trí tôi vẫn còn in đậm hình ảnh của cái gàu đáng nhớ ấy. Nó được làm bằng cao su màu đen, có cái khóa hỏng buộc một bên tai để khi thả xuống nước, nó nhanh chóng chìm xuống, nước ào đầy vào và người múc chỉ việc kéo lên là xong. Cái gàu hay được để trên thành giếng, chắc là khi động đất, nó bị rung và rơi nhào xuống rồi chìm nghỉm. Đến giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu được tâm trạng và cảm xúc của ông hồi ấy. Chả trách khi tìm thấy tôi, ông muốn vụt cho tôi vài cái. Mà giả dụ ông có đánh tôi một trận tơi bời thì cũng khônng thể bù lại những phút giây lo lắng, hốt hoảng đến tột cùng mà ông đã phải trải qua.

Mỗi lần ông về quê ra, là một lần tôi có vô khối quà để chia cho bọn bạn  hàng xóm. Hình như ông muốn mang tất cả những thứ có ở quê ra cho chúng tôi: bưởi, cam, mía, khế, me, cả gạo nữa. Có lần về quê lúc chưa gặt, ông cắt lúa nếp non mang ra. Rồi ông hì hụi làm cốm cho chúng tôi ăn. Chẳng may lúc luộc, ông mải việc quên khuấy đi mất khiến cho hạt nếp non bị chín quá. Khi giã cứ nát ra, dính bết vào vỏ trấu. Ông lại cần mẫn ngồi nhặt. Đến lúc ăn, ông hỏi tôi: “Có ngon không?”. Giá như là bây giờ tôi sẽ nói là ngon, ngon lắm. Nhưng ngày ấy, tôi chỉ biết nói lên những gì mà cái lưỡi cảm nhận được, chứ không phải những gì mà tôi cảm nhận được từ trái tim. Vậy mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không sao quên được cái hương vị dẻo thơm, ngọt ngào của bữa cốm hôm ấy.

Hồi ông ốm, mẹ cho tôi về thăm. Ông bị cảm nằm liệt giường, mồm méo xệch đi, co cứng và không nói được. Tôi bước vào lúc bà tôi đang đút cơm cho ông ăn. Tôi còn nhớ như in đấy là một bát cơm trộn đường vàng, thứ mà ông tôi thích. Nhìn thấy chị em tôi, nước mắt ông chảy tràn xuống má. Đến tận bây giờ tôi cũng không thể hiểu hết những nguyên do làm cho ông khóc khi ấy: vì vui, vì buồn lo hay vì thương chị em tôi không có ông chăm sóc? Có lẽ là tất cả những điều ấy gộp lại. Tôi thơ thẩn chơi trong vườn trong khi ông ngủ. Con bé tám tuổi là tôi lúc ấy, chỉ thấy buồn vì không được ông dẫn đi thăm lúa, làm cỏ ngoài ruộng như mọi khi. Buồn vì không được ông làm diều cho chơi, không được ông cõng trên cái lưng cong cong và chỉ cho xem cái bóng tròn của hai ông cháu in trên bờ ruộng. Tôi chưa thể tưởng tượng rằng khi ấy, tôi đã sắp mất đi một người thân yêu nhất, mất đi một trong những tình cảm thiêng liêng và ấm áp nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

Hôm nay tôi vẫn đứng đây, đã đủ cao lớn để với được những tán cây này. Nhưng tôi vĩnh viễn không còn có ông trên đời nữa. Cái lạnh của cơn heo may đầu mùa làm tim tôi lạnh buốt. Gió lao xao. Nắng lao xao. Tôi như thấy bóng ông tôi còn thấp thoáng đâu đó. Tiếng chổi tre vẫn xạc xào khua. Nụ cười hiền từ như ông bụt trong truyện cổ. Đâu đây, gió thoang thoảng đưa mùi hương cốm ngọt ngào.

Thủy Nguyên, ngày giỗ ông nội.

Đ.T.T

Tin tức khác