Hai người bạn gái của tôi

Thứ ba, ngày 20-06-2023, 14:37| 1.053 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

Minh họa của An Bình

 

Hai cô này đều rất thích cười, lúc nào cũng cười, cười nhiều. Trước khi nói về các nàng, thiết tưởng cũng nên luận về cái sự cười một chút. Nói đến cái sự cười của người đời tưởng giản dị, nhưng xét kỹ lại thấy rất phức tạp. Khái niệm cười thật khó cho cả những người làm tự điển. Theo tự điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, tái bản đến lần thứ năm. Tự điển này cho rằng: “Cười là cử động nơi miệng phát thành tiếng tỏ vẻ vui hay chê bai”. Tôi không thỏa mãn với khái niệm này. Hay trong tự điển Việt Nam của Nhà Xuất bản Khai Trí thấy ghi, cười là: “Nhếch môi hoặc há miệng, lộ vẻ vui hay có một ý tứ gì khác”. Khái niệm này, tôi cũng không thỏa mãn. Có người bảo, cười hở mười cái răng. Tôi nghĩ, cũng không phải. Bởi tôi đã thấy, có người cười chỉ hở có hai cái răng cửa hàm trên thôi, hàm dưới không nhìn thấy cái nào. Có người cười lại hở cả hàm. Có người cười chẳng thấy hở cái răng nào sất, gọi là cười ngậm miệng. Lại có người hay cười thầm. Cười thầm ở trong bụng, thì chẳng ai nhìn thấy gì, mà cũng chẳng ai nghe thấy gì sất. Với tôi, có lẽ, cười chỉ nên gọi là… cười, thế thôi.

*

Nhưng cái sự cười muôn vẻ của loài người, mà chỉ khái niệm giản dị thế, xem chừng... lại chẳng nghĩa gì. Xét cho đến nơi, đến chốn về nguồn gốc để có cái sự cười là gì? Có lẽ nên khái niệm thế này: “Cười là biểu hiện một trạng thái tình cảm”. Thế là đủ. Bởi vì, tình cảm của con người thì muôn hình vạn trạng: Vui này, buồn này, khen này, chê này, mỉa mai này, khinh bỉ này... kể sao hết được trạng thái tình cảm của giống người? Mà trong mỗi trạng thái to ấy, lại chứa nhiều nhánh trạng thái nhỏ. Ví dụ, cái sự vui cũng có nhiều cung bậc: Vui vẻ, vui nhộn, vui thầm, vui tung trời, vui như điên, vui phát khóc, vui chết được... Mỗi kiểu vui ấy, được biểu hiện bằng một điệu cười tương ứng. Dĩ  nhiên, có người vui cũng không cười. Vui mấy cũng không cười, chả hiểu ra làm sao?

Vui, mà cười là chuyện bình thường, vui cười mà. Nhưng buồn, cũng có người cười. Gọi là cười buồn. Mà buồn, thì cũng nhiều cảnh huống dẫn tới nhiều kiểu buồn: buồn thiu, buồn tanh buồn hôi, buồn như chấu cắn, buồn như kiến dứt, buồn rười rượi, buồn bã bời, buồn nẫu ruột... Mỗi kiểu buồn ấy, tự nhiên người ta bộc lộ một vẻ cười khác nhau. Đấy là nói chuyện người buồn cũng cười, hạng này ít. Còn đa phần, đã buồn thì không bao giờ cười, chỉ hay khóc, hoặc ngồi im... lặng lẽ buồn.

Có lẽ vì thế mà cụ Nguyễn Tuân mới ngồi tỉ mẩn kê ra được hơn một trăm từ mô tả tiếng cười. Gọi là hơn một trăm, nhưng thấy cụ chỉ kê một ít, ví dụ: cười bỏng tai, cười bù khú, cười dê, cười trâu, cười động cỡn, cười mỉm, cười ruồi, cười nửa miệng, cười e hèm, cười nhếch mép, cười nhạt, cười giẫy đành đạch... Rồi cụ vân vân luôn. Tôi thầm nghĩ, nếu chịu khó kê, thì nhiều chứ không phải chỉ có hơn một trăm kiểu cười đâu. Ví dụ: chỉ riêng cười ve, có người cười ve bằng môi. Có người cười ve bằng mép. Có người cười ve bằng mắt. Có người cười ve bằng cổ. Có người lại cười ve bằng... vẫy tai. Có người cười ve bằng má, ở chỗ cái núm đồng tiền. Có người cười bằng một bên, cũng có người cười bằng cả hai bên... xoáy tít.

Cười trừ, cười trừ gần giống cười xí xóa. Rồi cười nịnh, cười hôi. Trong cười hôi, người tinh sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng của cười nịnh. Trong cười nịnh lại có mấy chi: cười nịnh bợ, cười nịnh hót, cười nịnh đầm v…v. Thử hỏi, thế thì hơi sức đâu mà ngồi kể cho hết, cho đầy đủ các dáng vẻ cười trong cái sự tình của nhân loại? Có người cho rằng, nụ cười cũng như tình yêu, là cái không thể vay mượn, hay đánh cắp từ người khác. Bởi vì, nếu thế nó chỉ là cái gì khiên cưỡng và vô nghĩa. Quả có vậy, cái sự cười nó rất tình. Nó tình ở chỗ, nó rất tự nhiên. Chả thế mà người ta hay dùng từ bật cười, phì cười, tức cười. Nói đến cái sự cười, nhà tâm lý học A.Ristote nhận xét: “Giữa các sinh vật, chỉ có con người biết cười”. Mà cái cười của mỗi người lại rất riêng. Cười thầm ở trong bụng thì chẳng ai biết đằng nào mà lần. Cười thành tiếng thì có người cười nghe rất vượng. Có người cười nghe rất bần khí, hãm tài. Tôi nhớ láng máng, hình như nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy có nói đại ý thế này: anh hãy cười cho tôi nghe, tôi sẽ nói anh là ai. Có lẽ khi cười, cái vô thức không bị canh giữ, con người dễ lộ tướng tinh. Chả vậy mà người ta dùng tiếng cười như một tiêu chí nhận chân tính cách. Tôi nghĩ, cái sự cười không thể bắt chước. Bắt chước kiểu cười của người khác dở lắm.

Có một chuyện thế này, ở thế kỷ thứ bảy trước công nguyên, thời Việt Vương Câu Tiễn có cô gái đẹp lắm. Nàng đẹp đến nỗi, chim đang bay trên giời nhìn thấy nàng, quên vỗ cánh rơi xuống đất cái “bộp”. Ra suối tắm, cá nhìn thấy nàng, cá quên bơi, đành chịu chết chìm. Vì thế, thiên hạ mới có câu, đẹp đến chim sa, cá lặn. Nàng là con gái lão tiều phu họ Thi. Tên nàng bố mẹ đặt cho là Thi Di Quang. Bởi nhà nàng ở chân quả núi phía Tây thôn Trữ La, nên người ta thường gọi nàng là Tây Thi. Một lần bị đau bụng, nàng nhăn mặt. Ôi chao, bình thường Tây Thi đã cực đẹp gái, nhưng khi nhăn mặt, nàng càng đẹp bội phần, mọi người tưởng nàng cười. Thế là có cô gái trong làng mỗi khi cười, cũng cố nhăn mặt bắt chước Tây Thi! Lạy chúa, cô gái này vốn xấu đến ma chê quỷ hờn. Nhưng nếu không bắt chước Tây Thi, khi cười, nàng cứ cười cái cười của riêng nàng thì còn đỡ! Cố bắt chước Tây Thi chun mũi, mím môi, nhướn mày nhìn rất tởm. Thứ ấy, bây giờ trên ti vi đầy, dở ẹc, nhìn chán ốm. Tính riêng có của cái sự cười ở mỗi người, có thể gọi ra vài điển hình, thí dụ: Cười Tú Xương - Một giọng cười khoái trá trong chua chát! Tiếng cười Hồ Xuân Hương lại khác, tiếng cười khúc khích. Có thể nói khẽ với nhau rằng, tiếng cười của nữ sỹ đa tình này là tiếng cười... đa dâm, nhưng mà lại là tiếng cười đa dâm rất vui đời, tiếng cười  làm cho đời thêm đẹp, thêm phì nhiêu... Tào Tháo cười rất tự phụ. Bá Kiến cười rất sang, cười dọa đời. Nhà văn Nam Cao mô tả: “Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm. Cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười”.

Bây giờ mới nói về cô bạn của tôi. Cô này, tôi gọi là bạn gái Một. Nàng đang du học ở mãi tận Ca-na-đa. Phải nói rằng nàng rất đẹp. Vẻ đẹp của nàng có sức tàn phá rất mạnh những tâm hồn ốm yếu. Trên hành tinh này, không có bất cứ một cô gái nào dám bạo gan, liều lĩnh mang cái sự đẹp gái của mình ra sánh với nàng. Ở nhà nhớ quá, tôi gọi cho nàng, hy vọng nghe tiếng em may ra đỡ nhớ phần nào. Vừa nhận ra số máy của tôi, nàng cười luôn. Nàng cười ngặt, cười nghẽo. Nàng cười không  kịp thở. Đầu máy bên này, tôi nghe từ đầu máy bên kia, nàng khó nhọc hít gió vào phổi để mà cười. Phải đến gần một phút rưỡi, nàng cười như thế. Và, cứ cười như thế. Nàng cười khẽ đi một tí, đặng vừa cười, vừa hỏi. Tiếng hỏi lẫn trong tiếng cười: Anh… Xá… à? Tôi chưa kịp ừ, thì nàng lại cười thêm gần nửa phút nữa.  Nghe giọng cười của nàng, tôi giật mình, tưởng nàng làm sao! Tiếng cười của nàng sao mà nhạt thếch, nhạt thác vô duyên kiểu gì! Trong khi đợi nàng cười, tôi nghĩ, hay nàng ăn phải nấm cười? Trong y học thấy nói có một thứ bệnh, gọi là bệnh cười. Tiếng Anh gọi là bệnh Kuru. Nếu nàng ốm mà cười, thì đi bác sỹ khám, có thể chữa được. Hoặc giả, nếu nàng mắc nghiện cười, cũng có thể gửi vào trại để cai. Nhưng nếu không làm sao cả, không có gì đáng cười cả, mà nàng cười thế thì… Tôi vừa lo lắng nghĩ miên man như thế, vừa nghe nàng cười và tìm cách kết thúc cuộc thoại kẻo tôi ốm mất. Tạng tôi vốn không được khỏe. Lòng chán ngán, tự nhủ thầm: tai họa, tai họa… Có thể sẽ: Thôi... Chịu khó... Tìm cô khác vậy!

Thế rồi, trong một dịp đi chơi xa, tôi gặp một cô gái khác thật. Cô này, tôi gọi là bạn gái Hai. Thì ra, ở con gái, cái sự đẹp của họ, mỗi cô mỗi vẻ. Cô này so với cô đang ở Ca-na-đa,  ngắm thật kỹ, thì không thể nói ai “gái” hơn ai. Lang thang với nhau cả buổi, nàng thủ thỉ thẽ thọt tâm sự. Nàng khẽ khàng khiêm tốn nhận xét vài nét về thắng cảnh này, thắng cảnh nọ. Nàng nói về phong tục tập quán ở một xứ kia... Thỉnh thoảng, nàng nhoẻn miệng cười. Ngắm nàng cười, gợi trong tôi một cái gì như là ướt át và trữ tình, hay đáo để. Tôi mừng. Và... hai đứa hẹn hò.

Lần thứ hai gặp nhau, mối quan hệ của chúng tôi đã có thể gọi là đến cung bậc… nồng nàn. Hai đứa ngồi thủ thỉ. Vui lắm, nàng cũng chỉ cười chúm chím. Tôi yên tâm cho rằng mình có thể sống với nàng lâu dài được. Nhưng đến lần thứ ba gặp nhau, thì tôi hoàn toàn thất vọng. Mật độ cười của nàng còn dầy hơn, dài hơi hơn và bền vững hơn cô đang ở Ca-na-đa! Nhìn cây chuối ở bờ sông, nàng cũng cười ngặt nghẽo một hồi, vừa cười vừa nói ngắt quãng:  Hớ hớ hớ… Cây… chuối mọc… ở bờ… sông tốt quá, anh… nhỉ hớ hớ…? Rồi hai đứa đi dạo, nàng nhận xét, ở thành phố đông người hơn ở nông thôn… Cứ mỗi câu, nàng lại cười một chuỗi dài! Có khi, tự nhiên chả có gì xảy ra, nàng cũng cười. Nàng cười còn nhạt hơn cô đang ở bên

Ca-na-đa, nhạt như nước ốc! Ngồi ghế đá nghe nàng chuyện, kiểu như chuyện cây chuối ở bờ sông, rồi nghe nàng cười. Thấy tôi ôm trán, nàng hỏi:

- Anh mệt à?

- Ừ.

Nàng lại cười, cười lâu. Nhè lúc nàng tạm nghỉ cười giữa hai đợt, tôi cố gắng lịch sự cáo từ. Rằng, tôi cần về ngay để đi khám bác sỹ!

Ngồi tâm sự với một ông bạn, ông ta đang làm sếp ở một cơ quan. Bạn tôi bảo, ông thường xuyên nhắc nhở nhân viên dưới quyền là trong giao tiếp, lúc nào nụ cười cũng phải thường trực trên môi. Tôi không cãi ông. Nhưng tôi nghĩ, như thế là rất vô duyên, nhất là con gái. Với con người, chứ có phải cái máy đâu? Cảnh huống tự gợi cười. Cố gắn nụ cười cho nó thường trực trên môi làm gì? Nhìn dở lắm. Nó vừa vô duyên vừa giả dối kiểu gì? Tôi nghĩ, sự cười cũng giống như mắm tôm. Mắm tôm mang chấm thịt chó luộc thì rất chi là ngon, rất chi là thơm. Ở tận xa, đã thấy thơm mùi mắm tôm, chỉ muốn mút. Nhưng thử bôi một tẹo mắm tôm vào tóc, hay vào cổ áo rồi rủ bạn tình đi chơi xem sao? Rất hôi, hôi không thể chịu được. Bởi nó không đúng vị, không đúng lúc, và không đúng chỗ. Cười cũng thế, lúc nào cũng thường trực trên môi cái sự giả vờ cười, nhìn khó chịu lắm, chẳng hay ho gì đâu. Nói đến cái sự cười, tôi nhớ, có lần nhà thơ Phạm Tiến Duật bảo: “Tôi kinh sợ những người cười hơ hớ suốt ngày, rất sợ”. Quanh vấn đề này, nhà văn Lê Lựu cũng nói: “Nhìn các cô gái, có cô rất đẹp nhưng là cái đẹp hết ngay. Có cô ngồi im thì đẹp, nhưng nói ra mấy câu ngu là người ta thấy vẻ đẹp ấy trở nên tầm thường”. Cái sự nói thế, cái sự cười cũng thế. Ông Lê Lựu nói thêm: “Vẻ đẹp bề ngoài của cô gái lại cộng thêm sự thông minh và lòng trắc ẩn làm vẻ đẹp ngân nga mãi”.

Cái sự cười tự nhiên, là một cái gì rất hay. Nhưng cười làm dáng, cười giả vờ, cười bắt chước, cười bừa bãi thì rất vô duyên. Mà ngắm cô gái vô duyên thì rất chán đời, rất hại sức khỏe, nhất là sức khỏe người già, thần kinh yếu.

*

Tại sao từ đầu bài viết đến giờ, tôi không gọi cười là nụ? Hay tiếng cười? Bởi tôi nghĩ, gọi như thế là hơi bừa bãi, hơi ẩu. Vì có phải cái cười nào nhìn cũng chúm chím như nụ hoa đâu? Ví dụ như cười vui, cười ve thì khả dĩ đậu thành nụ. Chứ cười nhếch mép, cười khẩy, cười xỏ xiên, cười đểu, cười cà khịa, cười kháy… Cười dọa đời như bá Kiến, cười tự phụ như Tào Tháo… thì làm sao thành nụ được? Mấy lị, có phải cái cười nào cũng buột ra thành tiếng đâu mà gọi là tiếng cười? Người ta cười thầm nhiều chứ. Chỉ khẽ cười thầm trong bụng, thì làm gì có tiếng? Vì thế cho nên, nói đến cười, tôi bèn chỉ gọi là… cái sự cười thôi.

Cái sự cười nó bộc lộ một trạng thái tình cảm của con người ở một cung bậc nào đó, hàm chứa một màu sắc nào đó. Mà cách biểu lộ tình cảm bằng cái sự cười thì… Ôi chao, hơi đâu mà luận bàn cho thỏa? dù là nhàn đàm? Hai người bạn gái của tôi cười nhiều quá. Nếu cứ chơi với các nàng dài lâu, tôi sẽ ốm mất. Tôi định bụng, sẽ cố gắng chia tay hai nàng này, rồi chịu khó đi tìm một cô mới. Cô mới này, tôi sẽ gọi là bạn gái Ba.

Xét thấy, có thể kết thúc luận về “cái sự cười” ở đây. Vào một ngày đẹp trời khác, nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ hầu quý vị vài dòng, luận về “cái sự khóc” của người đời. Khóc, mà có lúc nghe buồn cười đáo để.

N.Đ.L

Tin tức khác