Một dân tộc đau thương và kiên cường

Thứ ba, ngày 18-04-2023, 10:13| 1.466 lượt xem

Mỗi độ tháng Tư về, trong lòng mỗi người con đất Việt đều bùi ngùi nhớ lại một thời hoa lửa. Sau bao năm đất nước bị chia cắt, đúng 11h 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc lịch sử khi đất nước này, giang sơn này thu về một mối. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lòng dân cả nước bừng bừng khí thế mới, khí thế của những con người được sống dưới nền độc lập và tự do.

Lễ hội Khinh khí cầu tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Tuyên Quang. Ảnh: Việt Trường

Lịch sử đã chứng minh, dân tộc Việt là một trong những dân tộc kiên cường nhất. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã có quá nhiều cuộc xâm lăng từ bên ngoài vào lãnh thổ. Từ chống giặc phương Bắc qua các triều đại phong kiến trước đây, một dân tộc nhỏ bé luôn sẵn sàng có đối sách để ứng phó với kẻ mạnh.

Trong dân gian có câu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, “Còn cái lai quần cũng đánh”, đủ thấy sức mạnh kiên cường của dân tộc luôn biết đoàn kết “trăm người như một”, tạo thành khối vững chắc để đẩy lùi các cuộc xâm lăng khi vó ngựa ngoài biên ải đã kéo đến giày xéo non sông. Các triều đại như: Đinh, Lý, Trần, Lê… và sau này là thời đại Hồ Chí Minh đã chứng minh rõ ràng về điều đó.

Chiến thắng của dân tộc trước kẻ thù mạnh là chiến thắng vĩ đại. Vậy, làm sao mà Việt Nam thắng các cường quốc trên thế giới, khi vũ khí của họ hiện đại? Trong khi Việt Nam là dân tộc nhỏ bé, yêu chuộng hòa bình và có vũ khí thô sơ? Có rất nhiều cách để lí giải mang tính thuyết phục. Nhưng có một điều quan trọng, đó là chúng ta chiến thắng nhờ lẽ phải và công lí.

Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn từ bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776) và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (1791), với những lời lẽ bất hủ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…” Chính cái quyền tự do, mỗi dân tộc tự quyết định cho dân tộc mình đã giúp Việt Nam và các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới có thể chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần.

Nhưng để có một nền độc lập, thống nhất non sông thì dân tộc Việt cũng trải qua quá nhiều mất mát, hi sinh. Qua hàng nghìn năm chống giặc phương Bắc, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, hàng vạn thanh niên ưu tú đã sẵn sàng gác lại việc học hành, tạm xa quê hương để hành quân vào những mặt trận nóng bỏng nhất của cuộc chiến. Trong số đó, không ít chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ngã xuống và máu xương của họ đã mọc xanh cùng cây cỏ quê hương, xứ sở trên suốt một rẻo đất đau thương này.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân tộc Việt Nam mới chính thức được tự do, độc lập hoàn toàn. Như vậy, từ các triều đại phong kiến, đến thời đại Hồ Chí Minh, cha ông ta đã trải qua cả nghìn năm chống giặc. Một nền độc lập và tự do đã khiến người Việt phải đánh đổi qua nhiều khó khăn, gian khổ và cả sự hi sinh, mất mát. Dưới ngọn cờ của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước đi qua đau thương để xây dựng, kiến thiết lại từ đầu. Đúng như câu thơ của Bác: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc, cả dân tộc vẫn đoàn kết, chung sức, đồng lòng để xây dựng quê hương, đất nước theo đúng như nguyện vọng của Bác. Chúng ta thêm phần tự hào khi quê hương, xứ sở đang từng ngày thay da, đổi thịt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Nhưng có lẽ, mỗi người con đất Việt cũng không bao giờ quên quá khứ, quên đi nguồn cội của mình. Nhìn lại quá khứ, người Việt có thêm khát vọng để vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tân Trào

Tin tức khác