Hoa từ vùng cam

Thứ sáu, ngày 10-02-2023, 10:23| 1.227 lượt xem

*** Ghi chép của Vũ Công Định

Sau rất nhiều phấn đấu không ngừng nghỉ, được sự hỗ trợ, giúp đỡ tân tình của lãnh đạo các cấp. Cuối cùng thì giấc mơ doanh nghiệp của Nguyễn Thị Tĩnh – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Yên Lâm cũng thành hiện thực.

Mùa cam chín. Ảnh của Xuân Quỳnh

 

Quyết định thành lập danh nghiệp Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Yên Lâm do Nguyễn Thị Tĩnh là Giám đốc đã được huyện Hàm Yên cấp ngày 13/10/2021. Mục đích kinh doanh của Hợp tác xã là chế biến, buôn bán các sản phẩm nông nghiệp từ địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu là quản lý, thu mua các sản phẩm cam, quýt được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Từ đó quảng bá và tiêu thụ sản phẩm “Cam Sành Hàm Yên” trên thị trường cả nước. Đây là một công việc không những phù hợp với niềm đam mê của Giám đốc Nguyễn Thị Tĩnh, mà còn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân.

Thật ra, với sự năng động của mình, đã từ lâu Tĩnh đã thường xuyên thu mua, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên nhiều thị trường, kể cả từ siêu thị nhưng chỉ trên danh nghĩ cá nhân. Từ khi HTX nông nghiệp Yên Lâm được thành lập, Tĩnh như con chim được nối dài thêm cánh. Hình ảnh cô giám đốc trẻ xinh đẹp trên chiếc xe ô tô bốn chỗ luôn dong duổi khắp nơi. Từ Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn… Nơi nào có hội chợ là em đều đem sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu. Nơi nào có siêu thị là cô đem đến chào hàng. Đó là còn chưa kể các thương lái bên ngoài đã có mối quan hệ làm ăn với Tĩnh từ trước.

Ai cũng biết giá trị của một thương hiệu (cụ thể là Cam Sành Hàm Yên) khi chỉ phụ thuộc vào chất lượng mà còn phải được rất nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Vì vậy, công việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đi khắp nơi là cực kỳ quan trọng. Giám đốc Tĩnh đã và đang làm điều đó một cách nhiệt huyết. Nhờ vậy mà em đã tiêu thụ được rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp của địa phương ra thị trường, giúp cho HTX nông nghiệp thu nhiều lợi nhuận. Còn bà con nông dân sẽ dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nhờ thành tích đó, trong Hội nghị doanh nghiệp HTX Nông nghiệp toàn tỉnh, vừa qua Tĩnh đã vinh dự được nhận giải nhất.

Vẫn là chuyện về cam. Xin tự, giới thiệu tôi- tác giả bài viết này, cũng chính là một nông dân trồng cam một văn sĩ của tỉnh Tuyên Quang. Một đời truân chuyên, lận đận cùng cây cam sành, một đời sống, chết cùng cam. Tôi đã từng rút ruột gan mình để viết nên bài ký về cam. Đó là bài “Những chàng trai Mai An Tiêm vùng đồi”. bài bút ký đã từng được đăng trên một tờ báo lớn, đã được bạn bè gần xa hết lời khen ngợi. niềm vui đó đã 22 năm mà giờ vẫn còn rạo rực trong tôi.

Ôi cam sành Hàm Yên, thứ quả vàng thơm, ngon ngọt, thứ quả đó đã gắn bó cả đời tôi. Thứ quả đã cho tôi nhà cao, cửa rộng, con tôi được học hành. Thứ quả đã cho tôi cả những áng văn chương bay bổng nữa. Cam sành Hàm Yên, thứ quả đã bao lần khiến vợ chồng tôi khóc hết nước mắt vì dịch bệnh, thiên tai, vì sản phẩm làm ra mà không bán được. nhiều khi cả vườn cam sai trĩu bỗng tan tành chỉ sau một trận mưa đá, mưa a-xít. Nhiều khi vườn cam sai trĩu rụng đầy xuống gốc chỉ vì đã quá kỳ thu hoạch mà không có thương lái đến mua. Vậy là công sức, tiền của đầu tư cả năm trời bỗng thành tay trắng. khóc vì cam là thế, đau xót vì cam cũng là thế. Đã nhiều lần tôi cầm bút muốn viết một bài thơ thật hay, thật tâm huyết về cam, như một lời tri ân, một lời cảm ơn với thứ quả ngọt ngon đã đồng hành cùng tôi suốt cả cuộc đời. nước mắt cứ giàn giụa không sao viết nổi. Chẳng biết tôi vui vì những già cam mang lại, hay vì xót đau bởi những vụ mùa thất bát nữa. Vậy là tôi vẫn còn nợ cam. Không chỉ một bài thơ, mà tất cả những vui buồn, ngọt, đắng cam cam đã dành cả cho tôi, và cả những người dân vùng cam quê tôi nữa.

Trong những vụ thất bát, có những nguyên nhân từ khách quan mang lại, nhưng cũng có nguyên nhân từ chính người trồng cam đem lại. Tôi đang nói đến khâu thu hoạch và vận chuyển cam. Rất nhiều người bạn của tôi ở Hà Nội và nhiều địa phương cứ than thở rằng:

- Cam của các ông ngâm ủ thuốc gì mà đặt trên bàn thờ vài ngày đã thối nhũn?

- Dạ thưa, oan cho cam quê tôi lắm ạ. Tôi thề người dân quê tôi không ủ thuốc gì đâu ạ. Bởi nếu ủ thuốc bảo quản thì cam còn lâu mới thối. Tác dụng của thuốc bảo quản là giữ cho cam không bị thối, chẳng ai dại gì mà mua thuốc về ủ cho cam nhanh thối cả. Các bạn cứ nhìn cam, quýt của Trung Quốc thì biết, để cả nửa năm trời mà lá với cuống còn tươi như ở trên cây.

Vậy thì tại sao cam lại mau thối quá vậy? xin thưa, nhiều người đã vô tình mua phải cam đã trải qua quá trình thu hoạch và vận chuyển cực kỳ ẩu đả. Cam Hàm Yên quê tôi phần nhiều được trồng trên nương rẫy, cách xa đường quốc lộ có khi đến cả mấy chục cây số. Đường vào vườn cam là những con đường lâm nghiệp thì các bạn biết rồi đấy, còn gồ ghề, khúc khuỷu hơn con đường Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng rất nhiều. Và đây là quy trình thu hoạch cam mà nhiều người vẫn đang áp dụng. Mỗi khi có thương lái mua cam, người ta phải thuê cả chục người để cắt cả mấy tấn cam cho đủ một chuyến ô tô. Quả nào thấp thì dễ thôi, còn những quả trên cao thì một người leo lên cây hoặc dùng kéo cán dài để cắt, một người ở dưới dùng tay bắt. Bắt mười quả kiểu gì cũng trượt một quả, những quả cam bắt trượt rơi xuống đất dĩ nhiên là bị thương tích. Nhưng người ta vẫn vô tư ném vào sọt, trừ những quả bị dập nát. Cắt xong người ta ào ạt đổ cam lên thùng xe hoa mai như một đống đá cuội. Khi xe chạy là lúc đống cam cả mấy tấn bắt đầu vật vã, lộn nhào trên thùng xe theo nhịp điệu của trận động đất khoảng ba mươi độ Ríc-te. Và nhịp điệu ấy kéo dài cả chục cây số. Ra đến đường quốc lộ thì gần như toàn bộ những quả cam đã bị thương tích đầy mình. Do vỏ cam khá dày và dai nên người ta không thể nhìn thấy những vết thương đó. Chưa hết, người lại tiếp tục chuyển cam lên xe tải đường dài, vẫn với phương thức vận chuyển đá cuội, khi vượt cả trăm cây số đến tay người tiêu dùng thì những vết thương của những quả cam sẽ trầm trọng hơn nhiều. Các bạn gần xa biết đấy chính là nguyên nhân cam mau thối đó ạ. Ai bảo cam thối do ủ thuốc là oan uổng lắm. Chúng tôi ngửa mặt kêu trời làm sao cho thấu.

Nói đến đây chắc có người sẽ bảo: - “Ối giời, ông bênh cam của ông quá đấy!”

- Vâng. Thì tôi bênh cam. Vì cam là mồ hôi, nước mắt, là máu thịt của tôi, của người dân quê tôi mà. Nhưng sự thật và là sự thật, nếu không tin vào mùa thu hoạch cam mời bạn hữu gần xa hãy đến Hàm Yên mà xem, coi như là mọt chuyến du lịch, khám phá. Các bạn sẽ tân mắt chứng kiến lời tôi nói, và các bạn sẽ phải thốt lên “cái tay văn sĩ nông dân này còn thật thà hơn cả nông dân”.

Nhiều khi suy nghĩ mông lung, tôi vẫn thầm cảm ơn mảnh đất Hàm Yên đã cho dân tôi những mùa cam ngọt lịm. Tôi vẫn thầm hỏi rằng: - Có phải con gái Tuyên Quang vì được ăn nhiều cam ngọt mà trở nên xinh đẹp lạ thường. Và vẻ xinh đẹp của con gái Tuyên Quang đã đi vào câu thành ngữ “Chè Thái, gái Tuyên”, xinh đẹp đến nỗi cả nước phải trầm trồ ngưỡng mộ. Xinh đến nỗi một nhà văn lớn từ xứ  Huế mộng mơ phải thốt lên một câu nói, giờ đã thàn thương hiệu “Miền gái đẹp” - Đó chính là quê hương tôi đấy ạ! Gái Tuyên Quang đẹp là do được ăn nhiều cam sành Hàm Yên.

Mở rộng mãi cũng phải quay về hiện thực. Vâng, cái kiểu thu hái, vận chuyển cam cực kỳ cẩu thả của nhiều người dân quê tôi rõ ràng là phải thay đổi nếu muốn thương hiệu “Cam Sành Hàm Yên” được cả nước tin dùng.

Rất may là Giám đốc Nguyễn Thị Tĩnh và một số người đã áp dụng một phương thức thu hoạch, vận chuyển cam hoàn toàn mới về quê hương. Theo phương thức mới này quả cam sẽ được cắt hái cẩn thận rồi cho vào hộp xốp hoặc giành nhựa rồi mới đưa lên thùng xe. Tất nhiên quả cam sẽ được bảo vệ tốt, sẽ không còn phải mang trên mình mười chín vết thương, không còn thối, hỏng khi vừa đến tay người tiêu dùng. Cam Sành Hàm Yên sẽ chinh phục người tiêu dùng cả nước và cả nước ngoài.

Khi chia tay tôi, lại vẫn dáng vẻ ngường ngùng e ấp, Tĩnh nói:

- Em chỉ mong HTX nông nghiệp của mình là một địa điểm chính thức để vừa làm trụ sở, vừa làm nơi kinh doanh, giao dịch anh ạ!

- Đúng rồi em, HTX doanh nghiệp thì phải có trụ sở, có nơi giao dịch. Rất mong lãnh đạo các cấp tạo điều kiện để mong ước của cô Giám đốc trẻ thành hiện thực, người dân vùng cam quê tôi biết ơn nhiều lắm!

Còn em, Giám đốc Nguyễn Thị Tĩnh. Anh và những người dân vùng cam quê ta rất tin tưởng vào em. Hy vọng vùng cam Hàm Yên sẽ ngày càng giàu có, ấm no.

 

Vũ Công Định

Tin tức khác