Ba lần đến Na Hang

Thứ sáu, ngày 16-06-2023, 08:59| 1.361 lượt xem

Bút ký của Trần Anh Thái

Bên vườn lê. Ảnh của Đinh Công Thủy

 

Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp một vùng đất có thể do thiên nhiên ban tặng, cũng có thể do con người kỳ công sáng tạo ra, nó đến nhanh và ra đi cũng nhanh trong bước chân vội vã của người lữ khách. Nhưng để nhớ về một vùng đất, chắc chắn phải là tình người hay một ám ảnh không thể quên. Với tôi, Na Hang là vùng đất như thế...

Tôi đến Na Hang lần đầu cách đây 22 năm. Khi ấy, Na Hang còn rất nghèo, nghèo đến xác xơ. Trong mắt tôi, Na Hang hẻo lánh, cách biệt, với những con người ít học, ăn mặc lôi thôi, sống lầm lũi trong những ngôi nhà sàn hoặc trình tường lụp xụp, suốt ngày chung đụng, đủ mọi thiếu thốn, cùng đàn gia súc trâu, bò, lợn, gà thả rong ngay trước sân nhà... Tôi nhớ, lần ấy cùng anh cán bộ địa phương ghé thăm gia đình người H,Mông ở bản nhỏ, nằm chênh vênh bên sườn núi. Cạnh đấy một khu đất trống trơ trụi, xen kẽ vài vạt xanh lốm đốm, đây đó những thân cây bị đốn ngã, nằm nghiêng ngả khắp mặt đất, dấu tích của tàn phá rừng bị đốt cháy nham nhở. Mấy đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc, đang hò hét đuổi nhau chơi trò trốn tìm cạnh nhà. Người phụ nữ đứng tuổi, gương mặt lam lũ, đôi mắt mờ đục, lúi húi phơi ngô ở phía sau. Thấy chúng tôi, bọn trẻ sững lại, giương mắt nhìn chòng chọc như muốn dò hỏi và cố khám phá ra điều gì rất bất thường, mà trong bộ óc ấu thơ, non nớt của chúng không thể hình dung. Người cán bộ địa phương nói với tôi, gia đình này có 7 nhân khẩu gồm bố mẹ già, hai vợ chồng người phụ nữ kia và 3 đứa con. Họ sống trong ngôi nhà xập xệ, dột nát. Trong nhà, ngoài chiếc tủ cũ kỹ ra không còn thứ gì giá trị. Nhà không có bàn ghế, khách đến chơi ngồi bệt ngay xuống sàn. Chủ nhà giải thích, nhà nhỏ, đặt giường hay bàn ghế không đủ chỗ. Đêm đến, cả nhà trải chiếu nằm hết

ra sàn nhà. Cuộc sống của một gia đình 7 người đến cái ăn,

cái mặc còn thiếu, phải kiếm sống chật vật, rau cháo qua ngày, lấy đâu ra tiền mua sắm đồ đạc, ngay cả những vật dụng tối thiểu phục vụ nhu cầu hằng ngày...

Nhưng đấy là cuộc sống con người, còn thiên nhiên ở vùng đất này lại lưu dấu trong tôi ấn tượng về vùng đất hoang sơ, kỳ thú với những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, đậm chất nhân văn. Sáng hôm sau, tôi theo đoàn khách đi tham quan Thác Mơ. Buổi sớm, sương giăng kín đỉnh đồi, bầu trời phăng phắc gió, chỉ nghe tiếng của xe máy, hòa điệu cùng tiếng lá rừng xào xạc. Người dẫn đường là cán bộ công tác ở Công ty điện lực Tuyên Quang. Anh bảo, toàn bộ núi rừng hùng vĩ rộng hàng ngàn héc ta ở đây là khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Mai đây, công trình thủy điện khởi công xây dựng, khi con đập hoàn thành, nó sẽ nhấn chìm hàng trăm héc ta cùng nhiều bản nhỏ xuống đáy hồ. Nghĩ mà xót xa! Những cánh rừng nguyên sinh, những sản vật quý hiếm, những ngôi nhà, bản nhỏ, lối mòn đã trở thành máu thịt, gắn bó đời này qua đời khác với bà con người Tày, người Mông, người Dao... bỗng chốc vùi sâu vĩnh viễn vào đáy nước mênh mông, hỏi sao không nuối tiếc. Nhưng lẽ đời là thế, có cái gì được lại không mất bao giờ? Ví như tình yêu, mang đến cho ta niềm vui, niềm hứng khởi tràn trề nhưng cũng làm ta  đớn đau khổ sở; vật chất cho ta điều kiện hưởng thụ nhưng nó là nguồn gốc của ưu phiền; sự thành công khiến người ta hạnh phúc nhưng khi thất bại mang đến nỗi thống khổ ê chề. Biết vậy nên dù phải mất mát, người dân Na Hang vẫn chấp nhận. Họ chấp nhận vì hiểu rằng, những gì hi sinh hôm nay sẽ được bù đắp vào ngày mai. Khi ánh điện của công trình thủy điện bừng sáng thì bóng tối - nỗi cơ cực đói nghèo đè nặng lên kiếp người ra đi, niềm hạnh phúc sẽ đến. Người cán bộ điện lực kết luận: Đồng bào thấu hiểu triết lý này, nên khi tỉnh có chủ trương di dân, nhường đất cho công trình thủy điện, họ đồng tình ủng hộ. Người dân miền núi bao đời sống lay lắt, nhạt nhòa dưới ngọn đèn dầu mù mờ, yếu ớt. Tối đến, bản làng chìm vào màn đêm dày đặc. Cuộc sống âm thầm đơn độc, hỏi họ không ao ước được đổi thay mới là chuyện lạ...

Câu chuyện những ngày đầu xây dựng công trình thủy điện Na Hang đang dang dở thì xe đến chân Thác Mơ. Mùa hè, núi rừng trải một màu xanh ngút ngát. Sau cơn mưa đêm, cây lá như vừa trút đi lớp bụi trần gian. Cánh rừng rực lên bởi muôn sắc màu của những loài hoa dại. Hoa xuyến chi khoe màu trắng tinh khôi mang vẻ đẹp sáng trong, thuần khiết nhưng tinh tế dịu dàng. Màu tím vấn vương của hoa mua gợi nhớ truyền thuyết về lòng thủy chung son sắt. Hoa ngũ sắc rực rỡ vui tươi, tràn đầy hi vọng... Những loài hoa muôn màu quyện vào nhau, tạo nên sự hài hòa sống động. Nó nói với ta rằng, cuộc sống này thật tuyệt, mọi tốt đẹp đang mở ra phía trước...

Chúng tôi men theo từng phiến đá leo lên đỉnh Thác Mơ. Càng leo tôi càng choáng ngợp bởi những kiệt tác của thiên nhiên. Dòng thác mềm mại như tấm khăn choàng của người con vùng cao thả trắng xóa giữa núi rừng Đông Bắc. Thác Mơ gắn  với câu chuyện buồn về tình yêu đôi lứa. Chuyện kể rằng, có một người vợ đi tìm chồng bị lạc trong rừng sâu. Người vợ đi mãi, đi mãi đến một ngày chị cũng bị lạc và hóa thành dòng thác bạc ngày nay. Câu chuyện mang màu sắc huyền thoại đến đâu không biết, nhưng tôi thực sự bị mê hoặc giữa chốn bồng lai tiên cảnh này. Càng lên cao, tôi càng được đắm mình trong tầng tầng thác đổ. Cảnh tượng kỳ vĩ với những hang đá huyền ảo lung linh mang vẻ đẹp bí ẩn của đất trời. Cứ thế, tôi đi trong bềnh bồng mây nước, lòng thầm nhủ, rồi đây khi Nhà máy điện Na Hang hoàn thành, ánh sáng tràn về các làng bản, người dân Na Hang sẽ có cơ hội đổi đời. Người phương xa đến đây không phải để xây dựng nhà máy công nghiệp khổng lồ mà để đi du lịch. Con người càng ngày càng khao khát tìm về với thiên nhiên, tìm về bản chất hoang sơ khởi đầu. Khi đó, Na Hang sẽ là điểm đến hấp dẫn.

Đứng ở đỉnh Thác Mơ, phóng tầm mắt ra cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thư thả thưởng lãm bầu không khí trong lành, khách vãng lai thỏa sức tiêu dao dưới vòm trời như cổ tích. Na Hang ngày ấy là thế, để lại trong tôi ấn tượng về vẻ đẹp thơ mộng, tinh khiết đến nao lòng…

*    *

*

Lần thứ hai tôi đến Na Hang vào tháng 10 năm 2022, tháng của rừng cây bắt đầu thay lá. Con đường đất lầy lội, bụi cuốn mù mịt mỗi khi có xe ô tô đi qua, dẫn vào công trình thủy điện khi xưa, nay mở rộng thênh thang, trải nhựa sạch bong. Bản nghèo ngày ấy không còn. Thị trấn Na Hang giờ đây là những dãy nhà xây cao tầng bề thế. Những con phố mở ra bốn hướng quán ăn, nhà hàng khang trang, sạch sẽ tấp nập khách ra vào. Sự sầm uất của một thị trấn vùng cao, cho tôi cảm giác thật êm đềm. Anh bạn nhà thơ Tạ Bá Hương bảo, Na Hang bây giờ trở thành tâm điểm của ngành du lịch tỉnh. Khách khắp nơi trong nước và nước ngoài đến đây mỗi ngày một đông. Đặc biệt vào dịp tháng 10, tháng của mùa lúa chín vàng rộ, khoe sắc rực rỡ trên những cánh đồng ruộng bậc thang Hồng Thái; hay dịp đầu mùa xuân, mùa của rừng hoa lê nở trắng muốt, lượng khách đến Na Hang còn đông hơn rất nhiều lần.

Hôm ấy chúng tôi không nghỉ ở trị trấn Na Hang mà đi thẳng vào Thác Mơ. Khi đi qua nhà máy thủy điện, tôi dừng chân trên mỏm đồi nằm vươn mình về phía lòng hồ. Đứng ở đây, tôi có thể ngắm nhìn một vùng non xanh nước biếc. Nhà máy thủy điện hiện ra đồ sộ nguy nga. Sự hùng vĩ của con đập làm tôi thực sự ngỡ ngàng thán phục trước tuyệt tác do chính bàn tay con người tạo dựng. Phía xa, ngọn núi Pác Tạ cao vút giữa tầng tầng mây núi, soi bóng xuống mặt hồ trong xanh màu ngọc bích. Tối qua khi tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Na Hang cho biết, từ khi có thủy điện, người dân Na Hang được đổi đời. Cuộc sống văn minh hơn, người dân biết cách làm kinh tế hơn, đời sống nâng lên rõ rệt, mọi thứ cũng trở nên sinh động, cuốn hút. Với diện tích hơn 8.000 héc ta mặt nước, thủy điện cho ra đời một vùng hồ rộng mênh mông, trải dài trên hai con sông Gâm và sông Năng, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên độc đáo. Công trình không phải chỉ thuần túy giúp Tuyên Quang phòng chống lũ lụt, nó còn tạo tiền đề cho cư dân địa phương phát triển kinh tế, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, làm du lịch dịch vụ... Mọi thứ ở đây đang mở ra, hướng tới mục đích làm giàu nhưng phải giữ được bản sắc dân tộc, phải làm sao văn hóa không mất đi, không bị cuộc sống công nghiệp bào mòn đến cùng kiệt, đó là bài toán người dân Na Hang phải giải...

Hôm sau, chúng tôi lên thuyền đi thăm lòng hồ. Một ngày tuyệt đẹp. Mới sáng sớm, mặt hồ Na Hang đã đầy nắng. Dưới ánh nắng vàng, rừng núi bừng lên sắc thái mới, vòm trời cao và xanh hơn. Lòng người cũng bình yên, rộng mở như vừa được tiếp thêm nguồn cảm hứng đầy sức sống. Sức mạnh của con người và thiên nhiên tặng cho Na Hang một vùng hồ rộng lớn, được bao bọc bởi 99 ngọn núi hùng vĩ xung quanh, tạo nên dáng hình độc đáo, lãng mạn không thua kém bất cứ nơi nào trên đất nước. Người lái thuyền bảo tôi nên ở lại Na Hang vài ngày mới đủ thời gian thăm thú hết cảnh sắc Na Hang. Anh khoe, chỉ riêng lòng hồ thủy điện, đã có hàng chục di tích được xếp hạng cấp Quốc gia như động Song Long, hang Phia Vài, hang Phia Muồn... Ngay cạnh chân núi Thác Mơ là khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung dường như vẫn hoang sơ. Thiên nhiên nơi đây đa dạng, phong phú với hàng nghìn loại động vật sinh sống, trong số đó không ít loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới... Nắng buổi trưa rực rỡ xuyên qua vòm lá soi xuống dòng nước trong vắt, lấp lánh như pha lê. Khung cảnh nơi đây thật thi vị, quyến rũ. Những cây lá màu sắc đỏ tươi xen lẫn lá cây vàng rực, xếp chồng lên nhau, làm ta liên tưởng đến những kiệt tác của Levitan vẽ về mùa thu nước Nga. Cứ thế, tâm trí tôi như lạc vào chốn thần tiên, thả hồn trong mây nước...

Đêm về, tôi ngồi tựa lưng vào thành giường trên căn phòng tầng 2 của nhà khách Thác Mơ, lắng nghe thứ âm thanh hỗn độn của rừng. Ánh trăng cuối thu, trải màu trắng mờ đục xuyên qua làn sương mỏng. Xa xa, tiếng thác rì rầm tuôn chảy, nghe như tiếng người xưa đang thầm thì kể chuyện. Trong sâu thẳm núi rừng như nói với tôi rằng, hãy biết trân trọng, gìn giữ những gì của thiên nhiên ban tặng. “Vậy mà không hiểu sao, thi thoảng tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra”. Anh bạn nhà văn cùng đi nói trong sự nuối tiếc. Vừa rồi ở xã Thanh Tương phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng. Lợi dụng địa hình hẻo lánh, đường xá khó khăn, lâm tặc đốn hạ hàng loạt cây gỗ lớn, có cây cả vòng tay người ôm. Nhìn cây rừng bị chặt phá tàn nhẫn, bất chấp luật, lệnh hỏi ai không bàng hoàng, xa xót... Tôi nhớ mang máng như đã đọc đâu đó có nói rằng, nước ta hiện có độ che phủ rừng chỉ đạt 42%. Mỗi năm bình quân khoảng hơn 2.000 ha rừng bị suy giảm, gần 20% rừng nguyên sinh mất đi, diện tích rừng nguyên sinh đã ít lại phân tán chia cắt cô lập, nằm rải rác ở nhiều nơi nên cơ hội phục hồi vô cùng gian nan, dâu bể...

Anh Thắng, Bí thư Huyện ủy Na Hang nói rằng, Na Hang hiện có hơn 21.000 ha rừng đặc dụng với hơn 2.000 loài động, thực vật quý hiếm. Đó là tài sản vô cùng quý báu mà người dân các dân tộc trong huyện phải có trách nhiệm bảo toàn. Na Hang luôn coi việc bảo vệ rừng là cấp bách. Nếu rừng bị tàn phá hậu quả sẽ khôn lường... Tôi hiểu tấm lòng anh Thắng, hiểu tấm lòng người dân Na Hang đối với rừng. Nhưng tôi không khỏi phân vân bởi những cách nghĩ, cách làm thiển cận của những người chỉ biết trục lợi trước mắt, sẽ làm tiêu tan vẻ đẹp nguyên sơ của rừng. Một thế giới nguyên bản nhưng kỳ diệu, chỉ có ở những cánh rừng nguyên sinh như Na Hang... Đêm rất khuya, càng về đêm núi rừng càng tĩnh mịch, ở một nơi nào đó rất xa vọng lại tiếng một loài chim đơn độc đi ăn đêm. Nghĩ về sự tàn phá rừng, có cái gì đó trong sâu thẳm khiến lòng trĩu nặng.

Gần sáng, tôi vừa chợp mắt thiếp đi, chợt giật mình bừng tỉnh bởi bản giao hưởng của muôn loài chim líu lo chào ngày mới. Nhìn qua ô cửa, từng chùm mây trắng lững thững bay ngang ngọn núi trước khu nhà khách. Khi mặt trời vừa nhô lên sau dãy núi phía xa, những tia nắng đầu tiên xuyên qua màn sương, tỏa ra thứ ánh sáng vàng tươi, điểm tô cho cánh rừng thêm rạng rỡ. Buổi sớm ở rừng thật thú vị. Bầu trời trải rộng, mở ra tấm thảm xanh mướt. Từng lớp cây lá đan xen vút lên, cùng muôn sắc hoa trắng, vàng, đỏ, tím... đua nhau khoe sắc. Tôi bật dậy mặc quần áo, đi dạo bên hồ Na Hang, ngắm những tia nắng đầu tiên lướt trên mặt sóng. Tôi bắt gặp từng tốp du khách tỏa ra từ  khu nhà nghỉ. Họ gọi nhau í ới lên thuyền đi tham quan lòng hồ. Mấy chiếc bè cá ở gần bến thuyền, dường như không muốn tham gia vào câu chuyện huyên náo của khu rừng buổi sớm, vẫn nằm im lìm, mơ màng trên mặt nước. Phía xa, núi Pắc Tạ in bóng xuống mặt hồ lung linh mây nước.

*      *

*

Lần thứ 3 tôi đến Na Hang theo lời hẹn hò của nhà thơ Tạ Bá Hương. Năm trước, tôi đã lỡ chuyến đi Hồng Thái đúng vào thời điểm lúa chín vàng rực rỡ. Còn lần này, Na Hang đang cuối mùa hoa lê. Nhà thơ bảo: Cứ lên đây rồi sẽ biết, hoa lê là bông tuyết của rừng. Đặc sản xã Hồng Thái, không đi uổng phí... Thế là lại khăn gói lên đường. Tôi đi nhờ xe của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Hoàng Thanh Du. Thật không may, đường từ Hà Nội lên Tuyên Quang trời đất xầm xì, thi thoảng lại ào về những cơn mưa. Ông bạn biên kịch phàn nàn: Mưa gió thế này không khéo hỏng cả chuyến đi, lên rừng mà mưa buồn da diết. Đêm nghỉ ở Na Hang, tôi thao thức lắng nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài cửa sổ, có lúc bất chợt ào lên như đoàn quân xung trận. Hết đợt mưa lớn, từng giọt, từng giọt trầm buồn rơi xa xăm như bước chân người lữ khách. Mưa làm lòng người chùng xuống, gợi nhớ điều gì xa xôi. Giống như bản nhạc da diết xoáy mãi vào sâu thẳm, xối vào lòng người sự cô đơn nuối tiếc.

“Sự hấp dẫn của Na Hang là không phải bàn, nơi đây có 78% tỷ lệ rừng bao phủ, rừng nguyên sinh 45.000 héc ta, gần 8.000 ha mặt nước ao hồ, hàng trăm héc ta ruộng bậc thang, rất nhiều đồi hoa lê nổi tiếng khắp cả nước... Tài sản vô giá đấy...”. Ông Chủ tịch huyện Tô Viết Hiệp tự hào. “Nhưng làm thế nào để khai thác triệt để thế mạnh mà vẫn giữ được

bản sắc văn hóa dân tộc, giữ được những gì quý giá nhất của rừng? Khó lắm! Người mỗi ngày một đông đúc. Đất đai, rừng núi chỉ có thế. Rừng nguyên sinh không được vi phạm mà phải bảo toàn. Câu chuyện sinh kế ra sao? Một bài toán đầy nghịch lý không dễ giải quyết một sớm một chiều...”. Ông Chủ tịch nói thêm. Có một cách giải bài toán này mà người Na Hang đang làm, đó là biến du lịch  thành mũi nhọn của nền kinh tế. Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch... Kiểu làm du lịch này phải nương theo tự nhiên, tận dụng mọi thế mạnh của địa phương, tạo công ăn việc làm tùy vào năng lực mỗi người. Ví như, một gia đình ở Bản Bung hay Hồng Thái, ngôi nhà được đầu tư nâng cấp sạch đẹp, vừa để ở, vừa làm homestay cho khách du lịch thuê. Đàn ông lái xe ôm đưa đón khách tham quan. Phụ nữ ở nhà dọn dẹp, nấu ăn, làm dịch vụ phục vụ du khách. Trẻ em tùy từng lứa tuổi vừa đi học vừa giúp bố mẹ những công việc nhẹ nhàng, hợp với sức lao động. Những gia đình xung quanh hồ Na Hang mua thuyền chở khách tham quan lòng hồ. Ai không có tiền xin làm phục vụ. Nói chung thu nhập khấm khá hơn trước rất nhiều, lại không phải đầu tắt mặt tối, phơi mặt ngoài nương rẫy, cái đói đeo bám đời này qua đời khác, không ngóc đầu lên được...

Ngày thứ 3 ở Na Hang, tôi được ông bạn Tiến sĩ nhân học Nguyễn Vũ Phan rủ đi thăm bè cá của người quen. Mấy năm nay, người dân xung quanh lòng hồ đầu tư phát triển du lịch sinh thái kết hợp mô hình nuôi cá lồng. Anh Phan bảo: Hồ Na Hang có nguồn nước tự nhiên, sạch sẽ, xanh trong rất thuận lợi cho người dân phát triển các loại cá da trơn như cá lăng, cá chép giòn, cá bỗng, cá diêu hồng, cá anh vũ... Hồ Na Hang hiện có hàng trăm lồng nuôi cá sạch, đáp ứng sản lượng lớn cho địa phương và cung cấp cho các vùng lân cận. “Chúng tôi nuôi cá kết hợp làm dịch vụ du lịch đưa đón khách vào các điểm tham quan, phục vụ nhu cầu ẩm thực tại chỗ, chế biến các món ăn từ cá, cung cấp cá tươi, sạch cho du khách có nhu cầu mang về. Tại Hà Nội có cửa hàng ở phố Trung Kính, Cầu Giấy, các bác có nhu cầu đến đấy sẽ được thưởng thức ngay cá nước sạch Na Hang...”. Ông chủ trang trại cá có tên Nhật Nam chia sẻ về cách nuôi cá kết hợp làm du lịch, ý tưởng cốt lõi mang lại lợi ích sinh kế cho người dân ở quanh vùng hồ.

Buổi tối chúng tôi ra khu chợ đêm. Chợ không rộng lắm, nhưng đủ để trưng bày hàng trăm sản phẩm chủ yếu của địa phương về nông nghiệp, chè Shan tuyết, rượu ngô men lá, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, các loại trang phục của đồng bào dân tộc để phục vụ đa phần khách du lịch. “Mỗi sản phẩm mang về đây, đều có nét riêng có của mình, phô diễn hết giá trị bản sắc bởi sự độc đáo của nó”, Sao - cô gái người H,Mông, bạn của bạn nhà văn địa phương nói. Nhưng ấn tượng nhất với tôi là được khám phá văn hóa chợ đêm, qua chương trình văn nghệ đường phố với các tiết mục hát Then, hát Páo dung, đàn Tính, múa sênh tiền, múa chuông... của đồng bào các dân tộc Na Hang. Sao đưa tôi vòng quanh khu chợ, giới thiệu chi tiết những sản phẩm độc đáo chỉ có ở Na Hang. Sao bảo: Chợ đêm diễn ra vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Chương trình văn nghệ do các xã thay nhau tập hợp thanh, thiếu niên yêu văn nghệ tự viết kịch bản, tự dàn dựng, tự biểu diễn các làn điệu hay điệu múa của dân tộc mình. Mỗi dân tộc Na Hang có bản sắc văn hóa riêng, khi kết hợp sẽ thành đêm văn nghệ sinh động, phong phú. Tối thứ 7 và Chủ nhật nào chợ cũng chật kín người. Khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá, người dân địa phương đến xem, cùng tham gia múa hát, mọi thứ tự nhiên, tự nguyện như chính cuộc sống vậy. Sao kể với tôi nhiều câu chuyện cổ tích và truyền thuyết ở vùng đất này. Theo Sao, Na Hang có rất nhiều truyền thuyết và truyện cổ tích hay, nhưng không hiểu sao những cái kết của các câu chuyện cứ buồn buồn. Sao là cô gái sinh ra lớn lên ở Na Hang.

Tổ tiên Sao cũng là người Na Hang. Ngày còn bé, Sao là đứa trẻ tinh nghịch, trong đầu lúc nào cũng đặt ra hàng trăm câu hỏi về mọi điều mới lạ. Lớn lên một chút, Sao khao khát được đi khỏi vùng đất u trầm chỉ toàn núi với núi trùng điệp. Vì khao khát ra đi, nên Sao lao vào học tập. Sao tốt nghiệp loại ưu khoa Ngữ văn, đại học Sư phạm Hà Nội, từng nghiên cứu về Guy-đơ Mô-pa-xăng và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về đề tài này. Sao sống ở Hà Nội vài năm, đã nghĩ sẽ ở lại đó suốt đời. Nhưng rồi vì nhiều lý do, Sao bỏ lại tất cả về Na Hang. Sao yêu Na Hang đến cháy lòng. Sao muốn làm cái gì thật ý nghĩa cho Na Hang nhưng chưa nghĩ ra. Mấy năm gần đây, khi huyện có chủ trương làm du lịch nông nghiệp sạch, Sao thôi việc nhà nước về làm trang trại trồng dâu tây, mở lớp dạy Yoga cho người dân địa phương. Tất cả chỉ mới bắt đầu, con đường lập nghiệp của Sao còn dài...

Sáng hôm sau, Sao mời tôi ghé thăm vườn dâu tây. Quả thật, Na Hang không chỉ có rừng nguyên sinh, hồ thủy điện, ruộng bậc thang và hàng chục di tích đẹp như mơ, mà còn ưu đãi nơi đây điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Trước mắt tôi, vườn dâu tây của Sao lá non mơn mởn, để lộ những chùm quả chín đỏ mọng nước trông thật thích thú. Cuộc sống ở đây như chậm lại, những đám mây lững lờ trôi trên đồi cây lúp súp, những vườn ngô, vườn cải đang vào đầu vụ nhú mầm non mới. Vườn dâu tây của Sao trồng được vài ba năm nhưng đã là địa chỉ dành cho khách du lịch ghé thăm. Đến đây, khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vườn dâu, được tận hưởng không khí trong lành, được tự tay xách giỏ đi hái những quả dâu tây đỏ xinh còn đẫm sương mai, thỏa thích lựa chọn những quả dâu tây ưng ý nhất và thưởng thức ngay tại chỗ những trái dâu tươi vừa hái. Sao nói với tôi, mấy năm trước vườn dâu cho thu nhập vài trăm triệu một vụ. Năm nay mùa hè đến sớm sẽ rút ngắn thời gian thu hoạch, người trồng dâu rất bất lợi. Nhưng không sao, làm gì cũng khi được khi mất, miễn là mình tâm huyết, dồn hết công sức vào công việc yêu thích là được... Sao hồn nhiên vô tư như thế, có phải đó là tính cách của phụ nữ H,Mông.

“Vài năm nữa, anh trở lại đây chắc chắn sẽ nhiều thay đổi. Na Hang đang tập trung phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và tới đây thêm du lịch vườn dược liệu” - Chủ tịch huyện Tô Viết Hiệp nói. “Nếu trải bản đồ vùng Đông Bắc ra, Na Hang như một tâm điểm kết nối với viên ngọc xanh hồ Ba Bể, cao nguyên đá có một không hai ở Hà Giang, kỳ quan tuyệt tác Cao Bằng. Rồi đây, những con đường cao tốc mở ra, nối liền Na Hang với các trọng điểm này, tạo thành một quần thể du lịch tiện lợi lý tưởng. Hằng năm, lượng khách du lịch Na Hang sẽ ngày một đông hơn…”. Để chuẩn bị cho tương lai, Na Hang đang mở các lớp đào tạo làm du lịch. Thời gian tới, du khách đến Na Hang sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn, được nghỉ đêm trong những khách sạn hạng sang, được phục vụ như thượng khách với những món ăn ngon là đặc sản có một không hai của núi rừng. Du lịch phát triển mạnh mẽ, người dân có việc làm, thu nhập cao, Na Hang sẽ giàu lên, bộ mặt địa phương cũng khác đi, thịnh vượng, sầm uất hơn…

Tôi chia tay Na Hang để về Hà Nội. Nghe tin, Sao vội vã phóng xe gần bảy cây số từ trị trấn vào tận chân Thác Mơ, đưa cho tôi gói quà nhỏ kèm theo bó rau rừng to tướng còn đượm hương thơm núi. Sao bảo, ở Hà Nội người ta quý rau rừng lắm đấy. Mãi hơn 9 giờ, chúng tôi mới ra khỏi thị trấn, xe đi ngang qua những cánh rừng bạt ngàn hoa mộc miên bừng nở. Tôi giật mình, bây giờ đã cuối tháng 3. Ai đó bảo, năm nay mùa hè đến sớm, những vạt nắng vàng ươm, sóng sánh rót xuống núi rừng, rực sáng lên màu hoa đỏ Na Hang...

Tin tức khác